NGÕ HÀ NỘI

 

Quỳnh Hương

 

   Chưa từng ai làm con số thống kê rằng:có bao nhiêu phần trăm cư dân Hà Nội trưởng thành cùng những “Ký ức hình ống”? Cuộc sống trong những con ngõ chật chội, sâu hun hút, quanh năm không có nắng chiếu – mang nhiều âm hưởng lam lũ hơn sự thi vị. Người Hà Nội đi xa, hiển nhiên nhớ phố. Và rưng rức trong những cơn cớ không yên lại là ký ức về ngõ. Nơi đó có 1 đời sống thanh bình và bất ổn đan dệt nhau, có ồn ào mưu sinh xen lẫn những trầm mặc ngưng đọng, có sự thơ ngây lỗi nhịp chung sống với láu cá thời thượng…

  Ngõ Hà Nội có mật độ chằng chịt, vài nhà  lại đến 1 ngõ. Đặc điểm chung là ngõ hẹp. Khi các gia đình thi nhau đua ban công, làm thêm “chuồng cọp” để tận dụng diện tích phơi phóng; khi ngành điện lực và bưu chính viễn thông hợp sức chăng những búi dây như mạng nhện dọc ngang – thì  cái khe hở để ngửa cổ nhìn trời trong lòng ngõ chỉ còn đo bằng gang tay. Kỹ năng sống đầu tiên cần phải học khi làm cư dân ngõ- ấy là khả năng lạng lách. Để tránh không va quệt phải những bếp tổ ong, quầy la-ghim, mẹt rau rong, gánh hàng quà người ta bày hết ra lối đi chung. Chưa kể đến xe nôi trẻ con, người già lững thững đi tập dưỡng sinh – thường không tuân theo bất cứ nguyên tắc nào khi tham gia giao thông trong ngõ. Ngõ giữa lòng phố cổ là lối đi âm âm  hình ống, quanh năm không có nắng chiếu, chỉ vừa 1 người đi. Nhà muốn mua cái Ti vi hay tủ lạnh, đau đầu nát nước nghĩ cách chuyển vào. Nhiều mối tình tan vỡ khi cô gái đến thăm nhà người yêu trong ngõ, vì không muốn hình dung đám rước dâu của mình sau này sẽ là cuộc đi hàng một chật vật mò đường trong lòng ngõ tối. Người quen ở phố rộng, thường ái ngại cho những cuộc sống quanh năm ướp mùi khói than, mùi xào nấu, mùi quần áo âm ẩm của cư dân ngõ. Nhưng sự thân thương, yên bình, những đầm ấm quyến luyến trong không gian sống nhỏ hẹp, cổ xưa và khuất khúc ấy lại đích thị là cảm xúc mà chỉ người của ngõ mới cảm nhận được.

   Cũng như vỉa hè, mỗi centimet mặt ngõ đều có ý nghĩa nuôi sống những cư dân của mình. Sáng sớm mùi thơm lừng nồi nước dùng của bác hàng phở đã len lỏi đánh thức từng nhà; Hàng quà san sát đầu ngõ những xôi chè, trứng vịt lộn, cháo sườn. Các bà nội tướng không cần bước chân ra chợ, vì những chị hàng rau, hàng cá, hàng thịt với chiếc mẹt nhỏ cắp ngang hông đến rao tận cửa. Mùa nào thức nấy, chẳng có thời trân nào bán trên phố mà người ta không chăm chỉ mang vào tận ngõ. Kim chỉ, mắc áo, bả chuột, móc khoá…lắt lẻo theo các gánh hàng rong, được bán với giá mềm hơn tại chợ. Từ sáng đến đêm khuya, những tiếng rao hàng kéo  dài lê thê trong các ngõ nhỏ sâu hút, có gì nhẫn nại, có gì đượm buồn.

   Cho dù hiện nay cafe,nhà hàng máy lạnh nội thất đẹp, wifi chạy vù vù đang là thú hưởng thụ thời thượng của thanh niên Hà Nội- thì cái văn hoá ngồi xổm vỉa hè để ăn uống, thứ văn hoá  tiếp nối tập tục sinh hoạt chợ quê của một Hà Nội cũ vẫn chẳng bao giờ bị áp đảo. Bàn bạc hợp đồng, cần 1 không gian ngồi sang trọng, hay trời oi nực ngại đổ mồ hôi – người ta có thể vào cafe máy lạnh làm 1 ly trà túi lọc nhạt hoét; hoặc gọi 1 bát phở bò với nước dùng thập cẩm có thể chan vô tội vạ cho cả mì tôm, bún, miến. Nhưng để thưởng thức, để được khoái khẩu- chắc chắn phải ra vỉa hè, vào các ngõ nhỏ. Bởi chốn ồn ào dân giã ấy mới là nơi lưu giữ trọn vẹn và tôn vinh ẩm thực Hà Thành lên tầm nghệ thuật tinh hoa.     

   Ngõ Phất Lộc nổi tiếng không phải nhờ đã từng vào tranh Bùi Xuân Phái, mà vì một hàng bún đậu mắm tôm. Gần 20 năm trước, chị Trần Thị Hương về làm dâu Phất Lộc, ngõ có thêm gánh bún đậu mắm tôm tần tảo.  Mắm tôm được thửa riêng từ Thanh Hoá, loại vừa ngấu tới, màu mắm ửng hồng, thơm dậy. Gia giảm đường, bột ngọt, ớt tươi theo một bí quyết riêng, rưới thêm thìa mỡ rán đậu sóng sánh- bát mắm tôm là đòn hạ gục khách của chị Hương.  Miếng đậu rán ở đây mới thật đặc biệt: đậu phụ làng Mơ, ăn vào miệng cứ muốn giữ mãi cái dư âm mềm, dẻo, thơm ngậy; ăn kèm với bún vắt Phú Đô trắng mịn cắt miếng; Thêm đĩa rau húng Láng, kinh giới, tía tô tươi roi rói, lắc đác mấy miếng dưa chuột nếp da xanh nõn, giòn ngọt tận chân răng….Ai đã ăn một lần không thể không quay lại. Chả thế mà chỉ với món hàng quà rẻ tiền này, gia đình chị Hương đã xây được căn nhà lầu bề thế nhất nhì ngõ Phất Lộc.

  Cách hàng bún đậu mắm tôm ngõ Phất Lộc không xa là cà phê Năng- nằm ngay đầu ngõ. Quán rất nhỏ, dăm bộ bàn ghế bé tí bám dọc tường, quầy pha cafê và cầu thang đã chiếm gần hết không gian trong quán. Nên phần lớn khách thường mang ghế đẩu tràn ra  vỉa hè Hàng Bạc. Chỉ có đen và nâu, nóng và đá- quán đông nghịt suốt ngày đêm. Có người nghiện ngồi cà phê Năng vì chỉ ở đây (và dăm quán cũ là Nhân, Lâm, Giảng…) mới còn cà phê chính hiệu Hà Nội, không lai tạp mấy thứ cà phê nhuốm màu công nghiệp của Trung Nguyên hay Highland. Lại có người nghiện không khí vỉa hè phố cổ, đầy chuyển động nhưng vẫn nhuốm màu thâm trầm cổ kính.

Càphê ngõ độc đáo nhất là “Phố Cổ”- ẩn mình như một ốc đảo thanh bình giữa phố Hàng Gai tấp nập bán mua tơ lụa. Quán chỉ dành cho khách quen, những người ưa tĩnh và hoài cổ. Trước kia còn có chiếc biển hiệu bé tí, với dòng chữ “Phố Cổ” viết tháu, từ đường Hàng Gai phải tinh mắt lắm mới nhìn thấy. Chẳng hiểu sao gần đây cái biển nhỏ ấy ông chủ cũng cất nốt, như ngại rằng nhiều người đến quá (?).Trong không gian tịnh mịch với nhà cổ, hoành phi câu đối, sân vườn, khóm trúc,vài con gà tre quanh quẩn mổ rêu góc sân, 1 con rùa đá bắt muỗi sau hòn non bộ- người khách có cảm giác đồng hồ thời gian quay ngược lại Hà Nội của thập kỷ 60-70. Chủ quán bài trí “Phố Cổ” không nhuốm màu quán xá, mà để khách được thư thái như đang thưởng trà trong chính ngôi nhà êm đềm của mình. Trà Tàu, cà phê Trứng ở đây rất ngon, khách muốn ngồi qua trưa có thể đặt quán nấu cơm dư, sẽ được ăn canh cua, cà muối, cá kho tương- những món thuần quê mà chủ nhân “Phố Cổ” kỹ tính nấu riêng cho nhà mình.

  Tạm Thương là con ngõ nhỏ thông giữa 2 phố cổ Yên Thái và Hàng Bông. Giữa ngõ có đình thờ Nguyên Phi Ỷ Lan, theo sử cũ thì ngõ này vốn là một kho trữ lương. Tạm Thương được gọi là ngõ rượu- nơi thương nhớ lâu bền chứ không hề tạm trong lòng dân nhậu. Suốt dọc con ngõ dài là hàng chục quán bình dân chuyên trị rượu dân tộc. Thôi thì đủ cả Tắc kè, bìm bịp, sâm cầm, cá ngựa, sâu chít, ong đất, sâm củ…loại nào liên quan đến “động thực vật” mà các cụ ta xưa tìm ra, ở đây có cả. Giờ cao điểm ở ngõ Tạm Thương từ 5h chiều đến 12h đêm. Con ngõ vốn chẳng rộng gì bị trưng dụng làm những bàn nhậu ngoài trời cho khách, trước cửa mỗi nhà đều có 1 lò than đỏ rực, trên bắc chảo mỡ sôi để rán nem, chiên chả nhái. Đồ mồi ở Tạm Thương có từ những món phổ biến như nem chua rán, củ đậu, xoài xanh, khô mực – cho đến những đặc sản quái chiêu như dế mèn, châu chấu, tiết  canh chim sẻ…Trong cùng 1 quán nhậu có thể tìm thấy đủ hạng người: các cô cậu sinh viên trẻ, mấy bác nhà văn, hoạ sĩ già, xích lô ba giác, cánh buôn bán đánh quả, dăm cô gái ăn sương làm vài ly cho đỡ mỏi trước khi vào “ca”…Vào tới ngõ mọi sự phân biệt hèn sang đều không còn giá trị, mọi người đều bình đẳng hưởng thụ không gian chếnh choáng sau những chung rượu say say êm lừ.

  Ngõ Cấm Chỉ giờ đã được đưa vào khu phố ẩm thực Việt Nam cùng với phố Tống Duy Tân, đặc sản 3 miền Bắc- Trung- Nam đều có ở Cấm Chỉ. Nhưng phàm là “trung tâm ẩm thực” người bán hay cốt lấy nhiều hơn là lấy tinh – đồ ăn xô bồ, phục vụ nhu cầu ăn tiện, ăn nhanh. Vì vậy những người sành sỏi, ăn uống gảy gót thường ngại không lai vãng đến đây. Cấm Chỉ không có giờ giới nghiêm, khuya đến mấy ngõ vẫn nườm nượp khách ra vào, tưng bừng đèn đuốc, mùi xào nấu, tiếng băm chặt. Vì vậy Cấm Chỉ đem lại niềm vui của đám đông, của không khí hội hè.

 Những “người tình chung thuỷ” của phở bò Hà Nội có thái độ rất miệt thị đối với phờ bò Nam Định- cơn lốc mới của du nhập văn hoá ẩm thực, theo lý của họ thì phở Nam Định thô và dai, ăn xong có cảm giác như vừa đạp 1 cuốc xích lô. Phở bò Hà Nội nước dùng ninh bằng xương ống bò, không cần tra mì chính vẫn ngọt thỉu, dậy đủ mùi của nước mắm chắt, gừng hành nướng, hoa hồi, thảo quả, quế cay. Ngõ Trung Yên trổ ra từ đoạn giữa phố bán đồ len Đinh Liệt, ngay đầu ngõ có hàng phở Sướng. Quán bé tí, bán suốt ngày đêm, phở ngon, nước dùng rất thanh, thịt đậm, miếng tái thì mềm, miếng nạm thì dòn, miếng gàu thì béo- ăn xong sướng hết cả người. Quán phở Sướng cũ kỹ như đặc điểm chung của mọi hàng quán “danh bất hư truyền” của khu phố cổ. Xế bên cạnh, ngay đầu ngõ là hàng nem tai bà Ngà. Cái vỉa hè rộng chừng 2 manh chiếu vào giờ cao điểm có thể dựng được hơn 20 người ăn. Nem tai bà Ngà có màu hồng trong, thính trộn từ gạo nếp, đỗ xanh, đỗ tương rang vàng hươm toả mùi thơm ngậy. Nem cuốn cùng lá sung, đinh lăng, kinh giới, bánh tráng- ăn ghém với ít quả sung giầm tỏi ớt, là món hàng quà mê mẩn của biết bao cô cậu học trò. Tô Tịch mùa hè là ngõ sinh tố, trái cây dầm; mùa đông là ngõ hạt dẻ rang. Vào những chiều đông giá lạnh, ngồi ở con ngõ nhỏ cắt phố Ấu Triệu ngay bên hông Nhà Thờ Lớn, ủ tay trên lò than hoa, nhâm nhi mấy con mực nướng, lắng nghe tiếng chuông nhà thờ chầm chậm thả vào thinh không- tưởng rằng có thể quên sạch mọi ưu phiền trên đời.

  Trong mỗi ngõ Hà Nội đều có vài hàng trà chén. Mùa đông chủ lực quân là trà nóng, mùa hè trà đá. Không “liêu xiêu một câu thơ”, cũng chẳng lều cột võng mái gì, chỉ bộ giỏ tích, khay chén, hộp kẹp lạc đựng lẫn kẹo cao su, dăm bao thuốc lá, sang ra thì có thêm quả ổi xanh, xoài chua, đĩa muối ớt…thế là đã thành cơ ngơi một hàng trà chén. Người bán nước là người kể chuyện của đường phố, trạm thu- phát những bản tin vỉa hè. Ngồi đầu ngõ uống xong 2 chén nước, có thể biết đủ các tin chạy âm đen trên trang nhất các báo vừa ra buổi sáng; cũng như chuyện đêm qua trong ngõ nhà ai vợ chồng xích mích, nhà ai con bị nghiện, cho đến chuyện biệt thự công biến thành nhà tư đang làm nóng toàn thành phố.

   Những ngày nhàn rỗi tôi tự thưởng cho mình một buổi chiều không bon chen, không hạn định công việc, không giận dữ người tình. Bằng cách tự thu xếp cho mình 1 diện tích khiêm tốn trên vỉa hè, hay trong lòng quán chật chội ám màu cũ kỹ nơi ngõ nhỏ. Ngồi mà im lặng, thả lỏng hoàn toàn, thấy mình vơ vẩn như một cái lá cây được thổi vèo xuống ngõ. Ngồi sẽ chứng kiến một đời sống chuyển động không ngừng, với đủ trạng thái hỉ-nộ-ái-ố, những nỗi ngậm ngùi cũng như vẻ hồn hậu toả ra từ đời sống rất đỗi sinh động của ngõ. Từ ngõ nhỏ, tôi ngồi để nhìn ra những ẩn tình giản dị và mật thiết của thân phận người và phố….

 

 

 

TRẦN THU HÀ: Tôi như cánh diều, chồng là sợi dây nối đất

 

 

    Trần Thu Hà tuổi Đinh Tỵ, bén nhạy như dao sắc, tin vào mình đến cực đoan. Từ khi xuất hiện trong âm nhạc, Hà đã từ chối cách đi dễ dàng và an toàn là nương theo thị trường. Chọn đường hẹp, thậm chí mở đường mà đi –Hà tự rạch ròi với những sản phẩm của mình: album mới không phải chỉ là bán đĩa mà phải gây ảnh hưởng! Bởi thế, mỗi khi Diva trẻ tuổi nhất xuất hiện trở lại, nhạc Việt dù có đang trong cơn ủ ê dài ngày, vẫn dậy lên những vòng sóng phấn khích.

Chị rời Việt Nam đã được gần 10 năm. Nhưng tới giờ thị trường và các sản phẩm chính của Trần Thu Hà vẫn hướng vào khán giả trong nước (trường hợp duy nhất chăng?). Chị cố gắng bảo toàn điều này, hay ở thế đành chấp nhận?

+Do đặc thù âm nhạc, lượng fan base (khán giả nòng cốt) của tôi chủ yếu ở trong nước.  Hãy tưởng tượng những sản phẩm trong nước chung thành với không gian nghệ thuật, cực đoan với âm nhạc của tôi thì những sản phẩm dành cho thị trường Hải Ngoại sẽ mang tính đại chúng nhiều hơn. Tôi không gặp trở ngại, hay bế tắc ở hải ngoại với fans Hà Trần ở Hải ngoại.  Tôi có thể làm nhũng album riêng phù hợp với nhu cầu của thị trường Hải Ngoại vẫn trên tinh thần âm nhạc của tôi, nhưng tôi chưa muốn. Dù tôi biết chắc chắn đi con đường đó tôi không những thành công hơn nhiều ở Hải Ngoại mà cả trong nước nữa. Tỉ dụ những album như “Hà Trần 9803” với tôi là dễ làm, dễ nghe và bán chạy cả ở 2 thị trường, nhưng với tôi lại không phải là một thách thức. Thực tế là gout thưởng thức nhạc ở hai thị trường rất khác nhau, khán giả Hải Ngoại hướng về hoài niệm quá khứ, hoặc đề cao tính giải trí.  Khán giả trong nước nhiều gout thưởng thức khác nhau hơn, quan trọng là tôi thấy có lượng công chúng khá đông đảo với nhu cầu khám phá cái mới, họ đồng điệu với tinh thần âm nhạc của mình.

-“Làm sao để sáng tạo theo đúng cách mình lựa chọn?”- điều này thường là áp lực không nhỏ với các nghệ sĩ theo tinh thần độc lập. Chị có bị phân vân bởi sự vồ vập hay lạnh nhạt của công chúng? Trong các dự án của mình, điều chi phối mạnh mẽ nhất và khiến chị lo lắng thường là gì?

+Đứng trước mỗi dự án tôi luôn có những lo lắng khác nhau, tùy theo tính chất của dự án đó.  Trong tình trạng bão hòa hiện nay gánh lo âu và lúng túng lên tất cả các mảng thị trường, ko riêng ai. Nhưng theo tôi thì mỗi người vẫn phải làm việc tiếp tục, và phát triển bản thân, góp gió thành bão… Với âm nhạc, trước hết tôi luôn làm cho chính mình, vì niềm tin của mình – nên tôi ít bị tác đông từ bên ngoài, dù tôi rất trân trọng những ý kiến phản hồi của người nghe. .

-“Đối thoại 06” ra đời cũng đã gần 5 năm, các album sau này như album “Tình ca qua thế kỷ” hay “Trần Tiến”  giống sản phẩm hợp tuyển hơn là dự án mới theo quan điểm có phần cực đoan của chị. Vì sao một người dồi dào năng lượng như chị lại phải “dè sẻn” mình như thế?

+Thú thực là có 1 khoảng lặng tôi không hứng thú làm việc trước sự bão hòa và hỗn loạn của thị trường âm nhạc. Rồi sau  tôi tự thấy những hỗn loạn ấy xét cho cùng chả liên quan đến mình. Còn thứ để nói, còn cái để làm thì tôi cứ làm thôi. Nếu bảo tôi không làm gì thì cũng không đúng, chính xác hơn là tôi không xuất bản, vì sau album “Trần Tiến” 3 năm nay tôi vẫn âm thầm làm đĩa “Vi sinh”, “Mầm Hạt” và tập thơ “Thập kỷ Yêu”. Cả 3 sản phẩm sẽ đồng loạt ra mắt trong dịp về nước lần này của tôi.

Nhưng nhìn khía cạnh khác thì chính những công chúng chính thống của âm nhạc thời gian qua đã bị bội bạc. Họ không tìm được gì tử tế để nghe, khi những người làm nghề tiên phong chỉ ngồi đó mà chê trách, hay những cá tính có khả năng truyền lửa thì chỉ im lìm, chí thú với tư gia. Điều này thì sao?

+Tôi thấy khoảng lặng vừa qua của nhạc Việt là quãng thời gian mệt mỏi.  Có người, như chị nói, ngồi đó chê trách, không làm gì cả. Có những cá nhân có khả năng thì hoặc chán nản, hoặc mất tự tin khi những sản phẩm của họ không được chào đón nồng nhiệt, trong khi tác động từ các sản phẩm bình dân khác lại rầm rộ. Mà làm nghệ thuật chính thống thì trăm lần cực nhọc hơn bán đại trà chứ. Tôi cũng rơi vào một trạng thái chán như thế nhiều năm, nhưng tôi không thích ngồi đó ý kiến ý cò, tôi quan niệm làm được hẵng nói, không thì hãy im lặng.

-Tôi nghĩ hẳn không tình cờ khi chị chọn cách công bố một lúc cả “chùm” dự án mới. Những sản phẩm này, về ý tưởng có kết nối gì với nhau?

+Cả 3 sẳn phẩm đều nằm trong một ý nghĩa chung. “Vi Sinh” là cái lõi máu thịt, trong một hình thức điện tử, đó là câu hỏi về con người (phần hữu cơ, các kết cấu cơ bản)  trong một thế giới của máy tính, của cơ khí, điện tử, giữa khô lạnh của thế giới hiện đại.  Đĩa dùng âm thanh chát chúa của điện tử làm phương tiện, để chuyển tải cái thần hồn của người. “Mầm hạt” lại là một đĩa electro country/blues, 14 bài hát trên nhạc phối hợp phần mềm với nhạc sống.  Đây là câu chuyện về cuộc hành trình của một con người qua tất cả các rắc rối cá nhân và đời sống, gọt giũa điều chỉnh và cả hủy bỏ những đặc điểm di truyền, những phần chưa hoàn chỉnh để trưởng thành, và được tái sinh một lần nữa – là khi mầm hạt ra đời cho chính cá nhân đó một đời sống mới, hoặc gieo xuống 1 mầm hạt của chính mình. “Thập kỷ yêu” là một phần đời tuổi trẻ đã qua, ghi lại tất cả những phức tạp và đời sống nội tại của tôi trong quá trình vận động đến ngày hôm nay.  “Thập kỷ Yêu” mượn ái tình là cách nói, không thuần túy chỉ là thơ tình như tên gọi của nó.  Vì trong chữ YÊU này hàm chứa tình yêu lớn với con người và đời sống. Cũng vậy, nhân vật “ANH” trong các bài thơ của tôi chỉ là 1 sự làm vì để biểu hiện TÔI suy nghĩ gì, thác mắc gì, triết lí sống của tôi ra sao.

-“Ghi lại tất cả những phức tạp và đời sống nội tại của tôi trong quá trình vận động đến ngày hôm nay”. Vậy nhìn lại, chị thấy tuổi trẻ của mình thế nào, cái cảm giác “xem nhật ký” ấy?

+ Đọc thơ sẽ thấy người, là buồn, sâu sắc và bén. Vậy thì tuổi trẻ không suôn sẻ, không thể hồn nhiên bình lặng như phần đông bạn đồng lứa, nhưng sẽ đầy ắp những hành trình mà một người nhút nhát sẽ không bao giờ có được.  Bởi thế tôi tự trả lời được cho mình: tại sao  những ngày đó, mình tuổi ít mà đã già dặn, có thể cảm và hiểu để bầu bạn với người thế hệ nhạc sĩ cha chú của mình, để có thể hát được âm nhạc của họ bằng cách như thế.

-Phải chăng những cái “buồn, sâu sắc và bén” ấy là hệ quả của tuổi thơ khác thường và tổn thương (của một đứa bé sinh ra trong gia đình toàn người nổi tiếng nhưng lại sớm mồ côi)? Ừ thì chẳng ai lựa chọn số phận, nhưng giá như an nhàn và ấm áp hơn thì hẳn tốt cho một đứa con gái?

+Đã gọi là không được chọn lựa, thì vẫn phải sống và vươn lên thôi.  Mình là một mầm hạt, không có vun trồng thì tự vun trồng chứ chẳng lẽ để mục ruỗng ra à?  An nhàn đối với tôi là nhạt nhẽo, biết đâu chả lại mệt hơn? Trước sau một con người cũng phải trải qua những thách thức thực tế, mà sự bảo bọc gia đình ấm áp quá sẽ càng làm vật cản lớn, sức ỳ lớn hơn thôi.

-Chân dung “cô ấy” trong thơ có khác “cô ấy” trong âm nhạc?

+Tôi nghĩ thơ hay nhạc chỉ có phương thức biểu hiện khác nhau, nhưng vẫn là 1 người.  Con người của tôi có nhiều góc cạnh, chỗ thì phô ra trong nhạc, chỗ để lại trong thơ.  Thơ riêng tư hơn, vì là của mình viết về đời mình.  Nhưng cảm giác tự viết nhạc thì cũng vậy, và lí thú hơn 100 lần. Tôi tự thấy mình nữ tính hơn với cách biểu hiện trong thơ.  Tính nữ của tôi nếu đến giai đoạn nhất định nào đó mới bùng phát trong nhạc, thì ở thơ là ngay từ đầu. Âm nhạc cho tôi sự thú vị được sống qua cuộc đời nhiều người khác, thì thơ là thú vị được khám phá chính đời sống nội tâm của mình

-Vậy vì sao tới giờ chị lại quyết định chia sẻ cái phần riêng tư đã cất kỹ của hơn 10 năm ấy?

+Như đã nói, tại vì tôi thấy thơ quá riêng tư, nhiều khi chỉ nói cho 1 người.  Đời sống trưởng thành, già dặn hơn thì mình đủ tự tin để biến cái “cho 1 người đó” thành ngôn ngữ cho nhiều người, ai cũng có thể thấy 1 góc của mình trong đó. Những quyết định của tôi là đúng thời điểm chứ không đốt cháy giai đoạn được. Giờ là lúc tôi muốn khép lại những công việc dang dở, những hành trang cũ của cuộc sống mình để hào hứng sang trang mới.  Và thơ trở thành món quà tặng cho người hâm mộ cả gần 2 thập kỷ qua đã theo dõi Hà Trần, yêu mến và tôn trọng riêng tư của cô ấy.

-Tôi  không biết liệu chị  có dè dặt nào với quyết định in sách? Vì ở vị trí của chị hoàn toàn không giống với một cây bút vô danh tên là Trần Thu Hà ra tập thơ đầu tiên?

+Tôi không dè dặt vì khi quyết định làm gì, tôi luôn có ý tưởng để thành sản phẩm của Hà Tràn, tất cả những gì tôi đã-đang và sẽ làm không có ranh giới khoanh vùng của thể loại.  Thơ hay hát thì cũng là sản phảm Hà Trần, mang thương hiệu của Hà Trần mà thôi. Tất cả các loại hình nghệ thuật (hay có thể cả kinh doanh sau này ai biết) chỉ là cái phương tiện để biểu hiện tư tưởng cá nhân của tôi.Tập thơ này tôi tự biên tập, chỉ nhờ nhà thơ Trân Sa bên Hải ngoại giúp hiệu đính. Tôi thấy tin vào mình là tốt nhất, vì thơ quá riêng tư, các nhà thơ thường cực đoan kiểu của họ. Mình không là nhà gì cả, thì cứ tin vào cảm xúc và câu chuyện của mình, và gọt giũa lại chữ nghĩa thôi.

-Để ý, tôi  luôn thấy, khi vừa kết thúc 1 dự án đã thấy chị hình dung rất rõ con đường cho dự án nối tiếp. Hoạch định các chặng đường mình cần đi, cần làm kiểu rất tỉnh táo và rạch ròi- đây mới là thế mạnh của Trần Thu Hà chứ không phải sự ngẫu hứng và cảm tính theo cách nghệ sĩ?

+Tự tôi không có lối suy nghĩ phân bì đó, tôi thấy quan niệm nghệ sĩ phải mơ mộng, ngẫu hứng, cảm tính là kiểu suy nghĩ “hủ lậu” cần gạt bỏ. Bởi đã cảm tính, ngẫu hứng thì thường thiếu khoa học, thiếu sự quản lý- điều mà thế hệ nghệ sĩ thời nay thức thời phải nắm bắt. Nghệ sĩ thời nay nói cho chính thế giới nội tại của họ, họ không phải là công cụ của một tư tưởng hay thể chế chính trị. Thêm nữa nghệ thuật và khoa học rất gần nhau, tưởng tượng như nhìn vào 2 đầu của một hình quang phổ, đều là tìm đến cội rễ của sự sống, tìm sự giải thích hiện hữu của thế giới và con người.

-Album hát ru được sản xuất khi chị đang chuẩn bị làm mẹ, hẳn đó là món quà chào đón thành viên mới của gia đình?

+Đúng vậy. Tôi nuôi con ở Mỹ nên băn khoăn lớn là làm sao để cháu gần gũi với cội rễ, với gia đình bên VN. Tôi làm đĩa cho con nghe, tạo một động lực để sau này cháu học tiếng Việt qua âm nhạc. Dự định album sẽ đặt tựa Hà Trần Hát Ru “9” – số 9 là 9 tháng, 9 bài ru. Các bài hát ru trong album này do vợ chồng tôi tự viết, giống như những cuộc trò chuyện thương yêu với em bé của chúng tôi. Phụ nữ thường nhiều năng lượng trong thời gian mang thai, tôi muốn lưu lại kỷ niệm về cảm xúc hạnh phúc đặc biệt này trong những tháng ngày đợi chờ con ra đời.

 -Vợ chồng chị càng ngày càng giống một cặp bạn thân hơn là tình nhân- điều này thật đặc biệt, (người ta thường dễ chán người tình chứ ít khi chán tri kỷ). Bọn chị chung nhau tính cách gì, bù đắp cho nhau điều gì?

+Tôi thấy mình rất may mắn có một quan hệ như thế với chồng. Chúng tôi giống như 2 mặt của một tấm gương, có khác biệt, nhưng là khác biệt bổ trợ. Trong mọi vấn đề chúng tôi cũng có tranh luận, nhưng cơ bản thì luôn đồng tình với nhau, luôn bổ sung ý kiến cho nhau.  Tôi thấy làm việc với anh Bình trong âm nhạc rất dễ chịu, dù phong cách âm nhạc chúng tôi khác nhau. Anh Bình hướng đến sự đơn giản, đằm và vững vàng, chắc chắn theo kiểu đàn ông. Tôi thì thích sự phức tạp, ngẫu hứng và biến báo đa chiều. Anh ấy giống như sợi dây diều nối tôi an toàn với mặt đất.  Tôi thỏa sức bay bổng mà không phải lo sợ mình có thể sẽ bị đứt dây gãy cánh.

Phần Không – Âm – Nhạc trong cuộc sống của chị là gì?

+Tôi không phù hợp với đám đông, tự thấy mình chẳng đủ phù phiếm và tính “say ánh đèn” cần có của người dính líu đến showbiz . Tôi chỉ thấy thoải mái với cuộc sống không bị lộ sáng, hạnh phúc và được sống đúng là mình nhất trong không gian ấm cúng, thân thuộc của gia đình và những người thân yêu. Ngoài âm nhạc, cuộc sống của tôi là những ngày thường đơn giản và yên bình: chăm sóc nhà cửa, trồng cây, ở nhà đọc sách và nấu ăn. “Thập kỷ yêu” cũng là một trải nghiệm ngoài âm nhạc của tôi, và còn nhiều bí mật khác nữa chính tôi cũng đang tiếp tục đào sâu vào bản thân. Để được sống vui vẻ, sảng khoái và tràn đầy năng lượng, tôi không hạn chế mình bất cứ điều gì.

-Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này! Chúc chị và em bé thật mạnh khỏe, bình an!

Ký ức Hà Nội và một số phận buồn

 

    Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Duy Kiên (1911-1979) sinh ra và sống giữa lòng phố cổ Hà Nội. Ông chơi ảnh và chụp ảnh chỉ như để ghi lại ký ức của mình về một Hà Nội mà cả đời ông và gia đình gắn bó. Hà Nội hiện diện trong ảnh của Nguyễn Duy Kiên ăm ắp tình với những khuôn diện thanh lịch, những di tích già nua nhuộm màu thời gian nhưng đầy sức sống, những vùng quê ngoại ô lam lũ mà vẫn toát lên cốt cách của một xứ sở văn hiến. Chủ nhân của những bức hình tuyệt đẹp về Hà Nội lại có một số phận nhiều buồn thương…

 

Người vợ hiền

   Dấu vết còn lại nguyên vẹn của một tư gia quý tộc Hà Nội gốc chỉ còn lại căn buồng trên gác 2, nơi bà quả phụ Nguyễn Duy Kiên đang sống. Trong căn phòng u tịch màu thời gian, bà lão phúc hậu đã 88 tuổi hàng ngày vẫn dạy bọn trẻ dưới tấm bảng gỗ sơn then khắc những lời giáo huấn của tổ tiên bằng chữ Hán.

Tên thời con gái của bà Kiên là Phạm Thị Miễn. Cô Miễn xưa là cô giáo trường tư thục, nhà nghèo, bố mất sớm để lại người vợ góa nuôi 8 đứa con côi.  Nguyễn Duy Kiên là ông chủ tiệm thuốc Bắc, người vợ đầu qua đời sau một lần sinh nở, ông gà trống nuôi 4 con thơ. Ông Kiên đem lòng cảm mến cô giáo nhỏ nhắn hiền lành, rất mực yêu trẻ. Mẹ cô Miễn muốn gả con vào nơi yên ấm, người con gái một lòng vì chữ hiếu mà nhận lời gá nghĩa, về chăm sóc đàn con dại cho ông Kiên. Cô Miễn trở thành bà Kiên, học nghề bán thuốc, chăm chút chồng con hết lòng tận tụy. Bà và ông có thêm một người con gái, so với 4 con riêng của chồng- yêu thương bà Kiên dành cho lũ trẻ luôn công bằng.

Đam mê nhiếp ảnh từ thời trai trẻ, Nguyễn Duy Kiên là bạn ảnh cùng thời với Lê Đình Chữ, Võ An Ninh, Phạm Văn Mùi, Đỗ Huân…Ông chơi ảnh rất công phu: sắm buồng tối tại nhà, tự tay in phóng ảnh, mày mò tìm ra các kỹ xảo. Rời hiệu thuốc là ông lại lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội để ghi lại từng vẻ đẹp phong cảnh và con người, những biến chuyển thời cuộc in dấu lên từng con phố mà ông thân quen từ thơ bé. Nguyễn Duy Kiên chụp ảnh cho Hà Nội của chính ông. Những khuôn hình nghiêm cẩn, kỹ càng  và chan chứa tình. Sau này, khi di sản tinh thần của ông đến tay những nhà chuyên môn, họ đã choáng váng vì những bức ảnh quá đẹp. Quan trọng hơn- di sản ấy còn là những sử liệu vô giá bằng hình ảnh về Hà Nội trong suốt 20 năm nhiều biến động 1940-1960.

Những ngày buồn thương

 

Với 5 đứa con, người vợ đảm đang hết mực tin yêu chồng, Nguyễn Duy Kiên yên ổn với cuộc sống của mình – chỉ cần ông còn được chụp ảnh. Nhưng tai nạn đã ập đến với họ bất ngờ, để rồi tổ ấm của họ phải sẻ đàn tan nghé. Đó là một ngày của năm 1967, Nguyễn Duy Kiên có lệnh khám nhà. Người ta tìm thấy trong kho ảnh của ông có 1 tấm hình khỏa thân. Sau này bạn bè ông nói đó là tấm ảnh một người đến phóng nhờ buồng tối rồi để quên lại, cũng có người nói ông chụp để gửi dự thi quốc tế, vì BTC yêu cầu hồ sơ bộ ảnh phải đủ tĩnh vật- phong cảnh- chân dung và ảnh khỏa thân. Không ai biết chính xác “lý lịch”  tấm ảnh định mệnh ấy, còn Nguyễn Duy Kiên thì chỉ im lặng.  Bị kết tội chụp ảnh suy đồi cái tội đủ để làm tan nát danh dự một gia tộc. Quá khứ đã qua, nhưng ám ảnh kinh hoàng vấn đọng trong lời kể của bà Kiên: “Chồng tôi đau đớn lắm, nhưng ông biết thời thế, biết phận mình phải như thế. Oan khuất biết kêu ai? Nên bố cháu chỉ im lặng. Ông bị xử điển hình, kết án 11 năm tù. Chồng tôi cải tạo tạn Lào Cai- xứ rừng thiêng nước độc. Cứ nửa năm tôi và cháu lớn lại được lên thăm bố cháu một lần, đường rừng toàn đá tai mèo nhọn sắc, hai mẹ con đi bộ hàng chục cây số máu rỏ dọc đường. Mỗi lần thăm  bố cháu lại tiều tụy hơn”. Ông bị bệnh thận, bà Miễn viết đơn xin giảm án cho chồng, Nguyễn Duy Kiên đựơc trở về với gia đình sau 8 năm thụ án. Ông về, nhớ nghề ảnh thì mang máy ra chụp loanh quanh trong nhà, ông không dám ra ngoài, bạn bè cũng e ngại không còn ai lui tới. Đoàn tụ của họ lặng lẽ và ngậm ngùi, chẳng nỡ làm nhau đau hơn – ông không kể những ngày trên trại, bà không kể những năm tháng một mình tủi cực nuôi con. Năm 1979, ở với vợ con đựoc 4 năm thì ông mất vì sức khỏe suy kiệt.Bà Kiên vẫn rơm rớm nước mắt khi nhớ lại: “Khi bố cháu mất, danh dự vẫn chưa được rửa, ông ấy xuôi tay mà không nhắm được mắt…”

Toàn bộ kho ảnh của Nguyễn Duy Kiên hiện chỉ còn khoảng 200 bức ảnh bà Kiên giữ lại được, suốt mấy chục năm thỉnh thoảng bà lại mang tập ảnh ra phơi cho khỏi hỏng. May mắn thay, qua ngần ấy năm trời những tấm ảnh vẫn lành lặn. Bà cất giữ  ảnh vì thương nhớ chồng, chứ không dám nghĩ sẽ có một ngày những tác phẩm ấy được trả lại giá trị, được đem ra trước công chúng.

Hà Nội và những ký ức còn lại

Bộ sưu tập riêng tư, gia tài tinh thần của Nguyễn Duy Kiên một lần tình cờ lọt vào “mắt xanh” của hai nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo và Trịnh Tiến, nhà sử học Dương Trung Quốc. Suốt 10 năm các ông đã cố gắng giới thiệu đến công chúng một “di sản tinh thần bằng hình ảnh của Hà Nội lâu nay bị thời gian làm khuất lấp” (lời nhà sử học Dương Trung Quốc). Sau hai lần triển lãm ở Hà Nội (1999) và TP HCM (2000), năm 2007 cuốn sách ảnh Nguyễn Duy Kiên- Những ký ức còn lại chính thức ra mắt công chúng. Hà Nội năm 1946 của Nguyễn Duy Kiên là một bộ ảnh hiếm và đặc biệt quý giá. Bởi đến nay rất ít tài liệu bằng hình còn lưu giữ được hình ảnh của một Hà Nội tan hoang và bi tráng trong những ngày “tiêu thổ kháng chiến”. Ngày giải phóng thủ đô, có một tấm ảnh duy nhất ở góc máy từ trên cao, cho thấy cả biển người như sóng dậy đón ngày giải phóng với đầy tràn khí thế và hy vọng- đó là ảnh của Nguyễn Duy Kiên. Chất thông tấn đặc sắc của bức ảnh này đã khiến ký ức cá nhân của người chụp trở thành ký ức vô giá của cả cộng đồng. Nguyễn Duy Kiên có một mảng ảnh rất thanh thản và đượm tình. Đó là khi ông chụp tổ ấm của mình: chân dung người vợ trẻ với đôi mắt ánh ngời thanh xuân (ông đề ảnh là “Nam Quốc xuân quang– ánh xuân của nước Nam), cũng người vợ ấy khi đứng bán thuốc theo nghiệp chồng, khi âu yếm đứa con gái đầu lòng; ảnh bọn trẻ trong nhà cùng nhau chơi những trò đồ hàng thơ ngây của con trẻ…

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo nói: “Không chỉ là mỹ cảm về tinh thần Hà Nội xưa, ảnh của Nguyễn Duy Kiên còn là nguồn tư liệu quý giá và đa chiều cho các nhà nghiên cứu xã hội học, sử học, kiến trúc, thời trang. Những bức ảnh của Nguyễn Duy Kiên lý giải thế nào là tinh thần Hà Nội, thế nào là thanh lịch, hồn hậu…Hà Nội trong ảnh của ông là những ngày tháng nghèo khó, không an nhàn, những ngày biến động vì chiến tranh. Người Hà Nội nào cũng sẽ gặp lại chính mình trong ảnh của ông, tôi tin vậy. Chất thi ca và hiện thực trong ảnh ông mãnh liệt đến nỗi những nhân vật của ông – ta thấy như người thân quanh mình. Phải yêu Hà Nội vô cùng mới có thể chụp có tình như thế. Việc làm sống dậy “những ký ức còn lại” của Nguyễn Duy Kiên không đơn giản chỉ để giới thiệu về một tác giả. Mà tôi nghĩ mình đã làm được một điều gì đó có ích cho Hà Nội của tôi”.

Căn gác 2 quanh năm trầm u trong khói nhang thoang thoảng. Gian phòng lớn bà Kiên dành để thờ chồng, người vợ cả cùng 2 người con chồng. Bà cùng người con gái (cũng góa bụa) ở tiệm tùng và thanh bạch trong căn phòng nhỏ. Nhiều người đến hỏi mua những bức hình của Nguyễn Duy Kiên, bà đều từ chối: “Nhà tôi chỉ để lại đựợc có thế này, tôi phải giữ gìn di sản của ông cho nguyên vẹn”. Bà Kiên luôn có một niềm tin chắc chắn rằng, giờ đây ông đã được ngậm cười nơi chín suối…

 

Đạo diễn Phan Đăng Di: Đi đến tận cùng niềm tin của mình

(Bài này thực hiện khi anh Di vừa quay xong BI, nghĩa là xa lắc rồi í.

Quỳnh Hương (thực hiện)

 

 

     Nghệ thuật đích thực sẽ không tồn tại, nếu thiếu đi những cá nhân mạnh mẽ và cái tôi cực đoan đến cùng của người làm sáng tạo. Con đường dấn thân nhiều cô độc này chỉ dành riêng cho những ai đủ xác tín và can đảm. Những kẻ kiêu hãnh ấy luôn rất  ít trong số đông chúng ta vẫn mặc định là “nghệ sĩ”. Nhưng họ như lửa, truyền cảm hứng và tỏa  ấm cho  niềm tin vào sự thần diệu của nghệ thuật và những điều tốt đẹp của đời sống này…

  Phan Đăng Di, sinh năm 1976, đang đi trên con đường điện ảnh với một năng lượng xanh tươi – là người mà chúng tôi đặt niềm tin!

Anh viết kịch bản  “Chơi Vơi”  khi mới ngoài 20 tuổi- quá trẻ để mang những ám  ảnh về sự cô đơn và hụt hẫng của mỗi cá nhân?

+ Tuổi trẻ mới là thời điểm chúng ta dễ bộc lộ mình. Lúc đó tâm hồn nguyên khiết, cảm giác về cô đơn và sự tổn thương rõ rệt nhất. Mọi cảm xúc đều mạnh mẽ, rất trong và không có tạp âm, những đụng chạm với đời sống đều có thể làm vang lên những tiếng ngân thành thực . Khi nhiều tuổi hơn, thêm trải nghiệm, tình cảm qua nhiều thử thách cũng được “miễn dịch” phần nào, chuyện của cảm xúc không còn quan trọng như khi người ta trẻ.

Và “Bi, đừng sợ!” cũng là một câu chuyện khác của cảm xúc. Một thế giới được nhìn qua đôi mắt của cậu bé 6 tuổi – cậu bé ấy đừng sợ gì? Chúng ta, những người lớn đừng sợ gì?

+Nếu “Chơi vơi”, với tôi,  đẹp đẽ, nhẹ nhàng và âu yếm thì “Bi, đừng sợ!” lại lộn xộn, đứt gãy và cuống quýt một cách buồn bã. Tôi chẳng tìm thấy chút lãng mạn nào trong phim cả, các nhân vật của tôi hoang mang đi tìm cái gì đó và thường khi là tìm không được…

Bi- đứa trẻ trong phim chả có gì để sợ. Nó hồn nhiên chơi trò chơi của nó, chẳng hề biết đến hiểm nguy hay buồn chán. Vậy nên câu “Bi, đừng sợ”  đúng ra là câu mà người lớn đang tự nói với mình. Cuộc sống hàng ngày làm họ chộn rộn, loay hoay, căng thẳng… họ rất cần phải biết đừng sợ để bước qua những chuyện này mà tiếp tục.

“Bi, đừng sợ!” đang tiến đến giai đoạn hậu kỳ, anh đã có thể hình dung được gần như trọn vẹn về đứa con tinh thần của mình. Anh hài lòng chứ?

+Có nhiều thứ mình kỳ vọng khi ở trên kịch bản, nhưng lại là bất khả thi khi ra hiện trường. Vậy nên, khi đóng máy tôi chẳng thấy hạnh phúc gì cả, tôi thậm chí còn hụt hẫng và buồn bực mất cả tháng trời… về điểm này tôi chắc phải học Bi quá.

Cảm giác không hài lòng ấy có phải vì sự thiếu kinh nghiệm của bộ phim đầu tay?

+Kinh nghiệm trong điện ảnh tôi nghĩ cũng quan trọng nhưng chỉ trên khía cạnh nó hỗ trợ về mặt thao tác để giúp công việc được trôi chảy hơn thôi. Nhưng năng lượng, những khát khao, dấu ấn cá tính – cái làm nên hồn cốt của bộ phim lại không thuộc về kinh nghiệm. Thậm chí ở những bộ phim đầu tay, dấu ấn này có thể còn mãnh liệt hơn. Không hài lòng có lẽ do tôi chưa nghiền ngẫm đủ kỹ để tạo ra một bộ phim mạnh mẽ như tôi mong muốn…

Các dự án phim độc lập thường cực kỳ vất vả trong việc tìm tài trợ. Anh chỉ mất có 2 năm cho kịch bản “Bi, đừng sợ!” thành phim – quá nhanh cho một bộ phim đầu tay?

+Đúng vậy. Chính tôi cũng có cảm giác mình nóng lòng muốn làm phim này quá. Nhưng các nhà đầu tư không phải sẵn sàng bỏ tiền mọi thời điểm. Và diễn viên chính cho nhân vật Bi đã được tôi nhắm sẵn cách đây 2 năm. Tôi rất thích cậu bé đó, nhưng đôi mắt và gương mặt trẻ con thay đổi rất nhanh. Nếu các nhà đầu tư vẫn đợi, và cậu bé không lớn thêm – chắc tôi  sẽ tự cho phép mình thư thư chút đỉnh .

Ở nhiều đạo diễn, việc  lựa chọn diễn viên cho thấy thẩm mỹ của họ, quan niệm của họ về vẻ đẹp, nhục thể, về tính cách…Còn quan niệm về diễn viên của Phan Đăng Di?

+Tôi chỉ có yêu cầu: diễn viên phải hợp vai. Diễn viên của tôi có thể là bất kỳ người nào giống với tưởng tượng của tôi về nhân vật là được. Nếu chọn được người như thế, đến khi quay tôi chỉ việc bày ra một môi trường để họ cứ tự nhiên mà bộc lộ, tôi cũng không phải áp đặt gì nhiều.

-Cảm giác khi làm đạo diễn và khi mình đơn lẻ ngồi trước kịch bản có khác nhau nhiều không? Công việc đạo diễn cho anh thích thú gì?

+Khác rất nhiều, vì kịch bản và phim là hai ngôn ngữ, hai “sự việc” khác nhau. Khi viết, tôi có thể một mình yên thân, tận hưởng sự tự do, dù suốt ngày miên man câu chữ cũng chẳng bận đến ai . Còn làm phim là cả trăm con người hàng ngày nhìn vào mình, chờ mình quyết định phải làm gì tiếp theo, mình không có quyền mất bình tĩnh, thoái chí, chậm trễ, dù có hoang mang cũng phải dấu trong lòng, tự tìm cách mà vượt qua… Liền mấy tháng trời căng thẳng như thế, nếu không vì thỉnh thoảng có được những cảnh quay vừa ý thì không có cách gì mà trụ được… Điều thích thú khi làm phim thì cũng nhiều như mệt mỏi. Nhưng giây phút tôi thích nhất thường là trước mỗi cảnh quay mới, khi mọi người  lục tục chuẩn bị đặt đèn, đo đạc, set lại bối cảnh, các diễn viên thì ngồi đó, vừa hoá trang vừa lầm rầm trò chuyện, có một cái gì đó vừa thân mật, vừa lạ lùng ở đây mà tôi không giải thích được, nhưng nó làm tôi xúc động vô cùng…

-Anh quan niệm thế nào về phim?

+ Phim là những trạng thái , cảm giác của cá nhân nào đó được chân thành đưa lên màn ảnh để trong mấy tiếng đồng hồ khán giả phải ngớ người vì ngạc nhiên hay xúc động. Tôi tin vào chuyện này nên khi làm phim tôi luôn cố để biến nó thành câu chuyện của mình, trò chơi của mình, sắp đặt của mình. Đó là cách tôi nghĩ và cảm nhận về thế giới, nó rất riêng tư. Và khi khán giả xem phim của tôi, có nghĩa là họ cùng chia sẻ những cảm giác  và trải nghiệm cá nhân đó.

Tôi đồng ý với anh rằng nghệ thuật cuối cùng là tiếng nói cá nhân. Nhưng nếu câu chuyện riêng tư của anh không gặp được sự chia sẻ của đám đông – liệu anh có nản lòng?

+Tôi nghĩ, điều trước nhất là phải tin vào mình, yêu tiếng nói của chính mình. Tôi chỉ thoải mái khi làm những gì mình thích, nếu để được sản xuất phải chiều lòng nhiều người quá chắc tôi không làm được. Tôi không hy vọng vào việc mình có sẵn công chúng. Điều tôi quan tâm là xem thử khi mình đi đến cùng niềm tin của mình thì  phim của tôi sẽ đi đến đâu? Liệu có ai sẵn sàng bỏ mấy tiếng mà ngắm nó không?

Cũng như khi tôi xem phim của một đạo diễn nào đó, nếu  tiếng nói cá nhân trong đó đủ mạnh mẽ và chân thành, cuối cùng tôi  sẽ bị thuyết phục để sau đó nhớ đến nó bền lâu…

Anh làm tôi nhớ đến một nhà làm phim tôn thờ cảm xúc đến mức cực đoan là đạo diễn Trần Anh Hùng. Anh có bị ảnh hưởng bởi Trần Anh Hùng?

+Với tôi, Trần Anh Hùng là một đạo diễn lớn. Anh ấy có tình yêu đầy thành kính với nghề nghiệp, coi điện ảnh như một tôn giáo. Thái độ đó của anh Hùng khiến tôi vừa khâm phục vừa sợ hãi. Đạo diễn Trần Anh Hùng có một “chìa khóa” riêng không ai dùng lại được. Nhưng cách làm việc đầy cẩn trọng, suy nghĩ của anh Hùng về điện ảnh, sự quyết liệt đến tận cùng, biết kiên nhẫn chờ đợi để được thực hiện điều mình tin tưởng…đã ảnh hưởng mạnh đến tôi. Trần Anh Hùng khiến tôi luôn thấy mình yêu nghề chưa đủ.

Anh nói gì về nhu cầu của khán giả: họ muốn được xem bộ phim kịch tính, có kết cục và yêu ghét  rõ ràng– hơn là phải hoang mang vì những cảm giác rất mơ hồ và “chơi vơi”?

+Tới rạp xem những bộ phim giải trí, có đầu có cuối, ra về với yêu ghét một cách rõ ràng là thói quen của phần đông công chúng. Nhưng cách kể đóng khung công thức, những câu chuyện rốt ráo kiểu Hollywood có thể làm người xem nghèo nàn đi vì nó tạo ra một trạng thái lười biếng suy nghĩ.

Phim ảnh ngoài giải trí còn là sáng tạo nghệ thuật, nó phải có tính thể nghiệm và gắn với những cảm xúc riêng tư. Cũng phải có một bộ phận khán giả đi xem phim như là cách để chia sẻ cảm giác đó, họ sẽ muốn đến với những tác phẩm điện ảnh trao cho họ cơ hội trải nghiệm các cung bậc cảm xúc, nối dài đời sống của họ bằng một thế giới rộng mở, có linh hồn hơn.

-Từ đầu tới giờ, chúng ta nói nhiều đến cảm xúc. Còn vai trò tác động xã hội của điện ảnh?

+Thẳng thắn mà nói thì hiệu quả xã hội của nghệ thuật không nhiều. Nếu người ta tin vào vai trò đó thì thế giới đã “văn minh” hơn rồi chăng? Nghệ thuật có khi chỉ làm một việc nhỏ là giúp người ta nghĩ lại một ký ức, giữ gìn cảm giác và suy tưởng, giúp ta xuyên qua sự tầm thường và tẻ nhạt của cuộc sống này để mơ mộng một lúc. Điện ảnh cũng vậy, chỉ cần rung lên vài đồng cảm ở khán giả, để đời sống của họ thoáng chốc ngân lên, thế đã là đẹp và đủ rồi.

Cảm ơn anh!

Nếp nhà Tràng An

Quỳnh Hương

  Hà Nội thay đổi từng ngày, cái ồn ào nông nổi giống như một “tác dụng phụ” của phát triển mà người ta phải chung sống bất chấp lòng mình có yêu hay không. May thay phong thái thanh lịch, đơn sơ nhưng trang nhã, lối sống trọng về nề nếp và thẩm mỹ của người Tràng An vẫn được lưu giữ ở trong những mái ấm của nhiều gia đình Hà Nội gốc. Đôi vợ chồng nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo – NSND,diễn viên điện ảnh Như Quỳnh có một nếp nhà như thế.     Danh gia vọng tộc   Như Quỳnh là ái nữ của hai nghệ sĩ Tiêu Lang- Kim Xuân, cặp tài tử nổi tiếng một thời của sân khấu cải lương phía Bắc. Dáng vóc mảnh mai, nét mặt đẹp đài các, đôi mắt nhung thăm thẳm lúc nào cũng như thoáng buồn- Kim Xuân, cô đào thương của đoàn cải lương Kim Chung (tiền thân của đoàn Chuông Vàng Hà Nội) như được dành riêng để thể hiện các vai nữ hồng nhan bạc mệnh. Kim Xuân là nữ diễn viên đầu tiên thủ vai Thúy Kiều trên sân khấu kịch hát. Gần một thế kỷ trôi qua, đã bao lượt Kiều xuất hiện trên sân khấu qua diễn xuất của nhiều lứa diễn viên, nhưng tới tận hôm nay NS Kim Xuân vẫn xứng với sự tôn vinh là “nàng Kiều khả ái nhất”. Chủ đoàn cải lương Kim Chung có người em trai tên Tiêu Lang, tướng mạo tuấn tú, đàn hay ca ngọt, thường đệm đàn cho Kim Xuân hát. Rồi họ đóng cặp với nhau, với cách diễn giản dị, xúc động và đầy thuyết phục, những vở ca kịch: “Đời cô Lựu”, “Trinh nữ Xuân Hương”, “nàng tiên Mẫu Đơn”, đặc biệt là “Kim Trọng- Thúy Kiều” đã đưa tên tuổi Tiêu Lang- Kim Xuân thành cặp nghệ sĩ nức tiếng một thời. Như Quỳnh giống mẹ như hai giọt nước. Trước khi đến với điện ảnh,Như Quỳnh là diễn viên cải lương. Dường như duyên nghiệp, vai đầu tiên của Quỳnh là Thúy Kiều- vai diễn mà cách đấy hàng chục năm mẹ cô đã diễn. Nếu không bị điện ảnh quyến rũ, không biết liệu “Kiều con” có soán mất danh xưng “nàng Kiều khả ái nhất” của mẹ??? Hà Nội thời thuộc Pháp có hiệu vải Tam Kỳ nổi tiếng khắp Bắc-Trung- Nam. Hiệu Tam Kỳ chủ yếu buôn lụa Hà Đông, lấy sòng phẳng, sự trung thực làm vốn, nên những mặt lụa tốt nhất luôn được những bạn làm ăn để dành cho nhà Tam Kỳ. Có uy tín trong giới thầu vải của Hà Nội, thương lái từ Sài Gòn- Đà Nẵng ra, từ Cao Bằng- Lạng Sơn về, từ Pháp – Trung Quốc – Lào – Ấn Độ- Mã Lai…nghe tiếng tơ lụa Tam Kỳ cũng đến đặt mối làm ăn. Ông chủ Tam Kỳ là Nguyễn Hữu Nhâm – một nhà tư sản yêu nước của Hà Nội. Là thương gia nhưng ông bà Tam Kỳ có nhiều người con thành danh ở lĩnh vực nghệ thuật: đạo diễn Nguyễn Hữu Hồng, đạo diễn Nguyễn Hữu Luyện, NSND- nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo. Trong kháng chiến ông bà Tam Kỳ từng nuôi giấu cán bộ Việt Minh trong nhà, may cả kho quần áo tặng bộ đội Nam tiến, Chính phủ non trẻ kêu gọi sự hiệp lực của các nhà tư sản trong Tuần Lễ Vàng – ông bà Tam Kỳ đã hiến 300 ký vàng đóng góp cho công quỹ quốc gia.  Giải phóng Thủ Đô, Nhà máy da Thụy Khuê bị tê liệt, ông Tam Kỳ vận động gần 100 nhà tư sản Hà Nội góp vốn để mua lại nhà máy từ tay người Pháp, trong vai trò giám đốc ông đã đưa nhà máy hoạt động hiệu quả trở lại.  Năm 1959, Hà Nội tiến hành cải tạo tư sản, nỗi oan ập đến với nhà tư sản yêu nước Tam Kỳ. Gia sản bị tịch thu, bị khai trừ Đảng với lý do “thuộc thành phần tư sản”- ông nhẫn nhịn không phản đối, vẫn tiếp tục quán xuyến nhà máy da với cương vị người trông coi kỹ thuật.  Mãi sau này, cụ Nguyễn Hữu Nhâm được phục hồi Đảng tịch, Chính phủ đã ghi nhận gia đình cụ “Có công với nước”. Thời gian trôi, bây giờ cái tên ông chủ Tam Kỳ chỉ còn sống trong ký ức của những người Hà Nội xưa. Đám cưới của Hữu Bảo-“cậu công tư út” nhà Tam Kỳ và Như Quỳnh- giai nhân phố cổ khiến Hà Nội xôn xao một thời.  Nếu hôn nhân của giới nghệ sĩ thường khiến người ta nghi ngại về sự an toàn thì Hữu Bảo- Như Quỳnh lại bên nhau yên ả và bền bỉ. Họ cùng trải qua những ngày vất vả hay an nhàn với một phong thái sống thư thả, khiêm nhường đồng thời không kém phần tinh tế được thụ hưởng từ nề nếp gia phong hai gia đình Hà Nội gốc.   Nếp nhà- “của để dành” cho con cháu   Tổ ấm của Hữu Bảo và Như Quỳnh nằm trong một phần nhà 48  Hàng Đào, (tòa nhà rất rộng này trước kia thuộc gia sản của cụ Nguyễn Hữu Nhâm, là địa chỉ của thương hiệu tơ lụa Tam Kỳ). Hai người ấy sống chậm rãi, họ thung dung, lịch lãm trong một không gian sống ấm cúng và rất đỗi giản dị. Nơi đó, họ để lại bên ngoài cánh cửa những sáo danh “ngôi sao”, “nghệ sĩ”. Nếu không bận đóng phim, Như Quỳnh chỉ ở nhà. Chăm chút bữa cơm cho chồng con, thư giãn bằng việc đọc sách và xem phim một mình, những xô bồ ngoài kia dường như chẳng bao giờ là nỗi bận tâm của người phụ nữ này. Là người của công chúng, nhưng Như Quỳnh lại không hợp với đám đông. Có vẻ như những xôn xao phù phiếm của “giới celeb” hoàn toàn xa lạ với Như Quỳnh. Chị ưa cách sống kín đáo, khiêm nhường của những người phụ nữ Hà Nội cũ. Chính nhan sắc uể oải mà thanh khiết, nét đẹp sang trọng và bí ẩn mang đậm tinh thần Á Đông, đã khiến Như Quỳnh trở thành lựa chọn số một cho những đạo diễn từ nước ngoài muốn tìm một gương mặt rất Việt Nam. Có người nói rằng, nhan sắc của Như Quỳnh ám ảnh, bởi ẩn phía sau là chiều sâu văn hóa của tâm hồn Hà Nội. Nếu Như Quỳnh có phong thái nhu thuận, có phần khép mình; thì Hữu Bảo lại ưa ngao du và rong chơi. Với nhiều người, tìm kiếm cảm giác xê dịch phải là ngao du trên những cung đường lạ. Còn Hữu Bảo, giữa Hà Nội đã bị “cày nát” từng centinmet, hàng ngày anh vẫn nhận được những cảm xúc tươi nguyên, vẫn thấy đời sống va đập vào mình mới mẻ. Yêu Hà Nội theo cách hơi “bảo thủ”, nhà nhiếp ảnh này đã từng thú nhận mình khó thích ứng với một Hà Nội đang thay đổi từng ngày: “Đi ra đường tôi ngơ ngác như một người nhà quê, lạ lẫm vì những gì thấy không giống với hình dung của mình. Có lẽ tôi phải nhìn Hà Nội khoan dung hơn? Nhưng tôi lại có nỗi sợ rằng nếu thích nghi thì tình yêu của tôi với Hà Nội không còn nguyên vẹn”. Để giữ lại một Hà Nội cổ (ít nhất cho riêng mình), nhiều năm nay Hữu Bảo lặng lẽ làm công việc gom nhặt những “mảnh vụn” của cái đời sống đang diễn ra, và những vết tích còn lại có thể bị mất đi hoặc biến dạng- về Hà Nội của anh.   Hữu Bảo và Như Quỳnh có 2 con gái, Đan Huyền và Đan Khuê nhan sắc hứa hẹn sẽ rực rỡ có phần hơn mẹ. Hai cô gái trẻ được bố mẹ tập cho từ bé không có ảo tưởng về “gia đình toàn người nổi tiếng” mà mình sinh ra. Cô chị cả Đan Huyền có một vẻ đẹp lạ lùng, rất xi-nê, từng được nhiều đạo diễn nước ngoài đến VN làm phim lựa chọn. Nhưng Đan Huyền từ chối tất cả các cơ hội “một bước thành sao” đến với mình, cô thích nghề báo và muốn trở thành một cây bút bản lĩnh. Hiện Đan Huyền đang du học ngành báo chí tại Trung Quốc. Bé Đan Khuê cá tính, khoáng đạt và cởi mở, cô bé thường được mẹ “nắn” để giữ khuôn nếp tế nhị, nhẹ nhàng của con gái Hà Nội.   Nếp nhà Tràng An, ấy là sự ổn định trong quan hệ giữa các thành viên trong gia đình đạt đến hạnh phúc và ấm cúng. Giữ nếp kính trên nhường dưới, có chuyện trong nhà đóng cửa bảo nhau không ai to tiếng, cư xử nhã nhặn, lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng, sống giản dị mà thanh nhã, trọng thị bạn bè, chăm chút cái ăn- cái mặc – không gian sống đạt đến tính thẩm mỹ thanh lịch, coi trọng giá trị đời sống tinh thần làm thước đo chất lượng sống…Những “căn cốt” ấy được truyền từ thời cha mẹ hợp duyên nhau, được duy trì đến đời sau như “của để dành” cho con cháu. Bằng phong thái sống, Hữu Bảo và Như Quỳnh đang lưu giữ tinh thần Hà Nội dưới mái ấm gia đình mình.

Nếu nàng hài lòng, nàng thấy bản thân mình đủ đẹp….

ĐÀN BÀ ĐÍCH THỰC là “slogan” trên blog của nhà văn Trang Hạ. Đàn bà trong những trang viết của chị là mẫu hình phụ nữ kiêu hãnh, nâng niu mình, tự tin vào giá trị bản thân và biết yêu thương. Sắc sảo khi đưa ra liên tục một chuỗi những giá trị mới và quan điểm mạnh mẽ về phụ nữ, không ngoa khi nói đọc Trang Hạ – đàn bà cảm thấy yêu chính bản thân mình trong hình ảnh của chính mình, họ không cần cố gắng để trở thành người khác.
Trong Đàn bà ba mươi, chị viết:“Lúc đôi mươi tôi mặc một chiếc áo sơ mi trắng dài, thật rộng và nhảy nhót, tôi thật gợi cảm. Lúc ba mươi nếu tôi vẫn nhảy nhót trong một chiếc sơ mi dài và thủng, tôi thật lập dị và gớm ghiếc. Lúc đôi mươi tôi có quyền không son phấn ra phố, buộc tóc đuôi gà, ngồi lơ đãng bên bờ hồ tưởng tượng những lãng mạn. Lúc ba mươi, không son phấn là một cách bất lịch sự…”.  Có thể hiểu ý thức cẩn thận về hình ảnh giới tính của mình đến với người phụ nữ, khi quyền lực của vẻ đẹp tự nhiên của cô ấy bị giảm đi- bởi tuổi tác?

+ Câu đó chỉ đúng khi đặt trong một so sánh giữa phụ nữ tuổi đôi mươi và đàn bà từ sau ba mươi. Ý tôi so sánh để nói lên rằng, sau mười năm, “có thứ đã đến, như thành đạt, như từng trải, như tiền. Nhưng có thứ không níu nổi, như tuổi trẻ”. Sự khác biệt tuổi tác là điều đầu tiên thách thức vẻ đẹp cũng như cảm nhận của nữ giới. Tuy nhiên, đó là điểm duy nhất có thể khiến phụ nữ buồn. Còn lại, tất thảy mọi thứ khác như vẻ đẹp, trải nghiệm, vị trí, tình yêu, tâm hồn đều là niềm hãnh diện của phụ nữ khi họ bước vào tuổi ba mươi. Ngoài đời, tôi không lấy son phấn để đánh giá phụ nữ và bản thân mình. Những gì ta mang trong tim không nhất thiết cứ phải trình diễn ra bằng vải và son.

 

-Đọc văn của chị, đàn bà sâu sắc (nhưng không có lợi thế về nhan sắc) được trấn an rất nhiều. Chị cổ vũ cho niềm tin:  người phụ nữ có hấp lực trước hết phải là người tự tin vào những “giá trị tự nhiên” của mình?

+Tôi có may mắn là đã quen biết với nhiều người đàn ông tinh tế, hiểu biết, những thông điệp từ họ làm tôi thay đổi toàn bộ thẩm mỹ của mình. Đàn ông cảm nhận vẻ đẹp của một phụ nữ không hẳn chỉ bằng những cái đường cong mà phụ nữ (cố tình) đập vào mắt họ. Sự hấp dẫn của một phụ nữ đến từ sức lôi cuốn bởi cá tính, sự thân thiện, cảm hứng sống cũng như những gì bao bọc quanh thế giới của người phụ nữ ấy. Nghĩa là đàn ông có thể thích hoa hậu nhưng lại yêu cô gái không bao giờ khoe mông trần giữa đám đông. Chính những người bạn đàn ông đã làm tôi tự tin lên, và sự chia sẻ của tôi lại làm những phụ nữ cùng tuổi khác tìm ra điều tâm đắc. Trên thực tế, nếu bạn không yêu được chính bản thân mình, bạn đừng ảo tưởng người khác sẽ yêu bạn. Nếu người phụ nữ không tự trân trọng giá trị của bản thân mình, đừng tưởng đàn ông sẽ mang lòng tự tôn tặng cho phụ nữ. Vì thế, ý thức về bản thân và tự tại với giá trị của mình mới làm người phụ nữ đẹp hơn.

 

-Chị có ủng hộ chuyện đến lúc việc đi nâng ngực, sửa mũi… với phụ nữ chỉ  như sắm một bộ váy đẹp, hay mua cái túi L.V?

+ Tôi ủng hộ phụ nữ làm những gì mà bản thân cô ấy cảm thấy cần thiết, yêu thích. Những gì làm cho cô ấy tự tin hơn, đẹp hơn, mãn nguyện hơn. Và làm những gì mà người phụ nữ cảm thấy cần cho cô ấy, chứ không phải là vì xã hội yêu cầu cô ấy, đàn ông thích cô ấy làm, dư luận đòi hỏi cô ấy làm.

 

-Giấc mơ trở thành người phụ nữ đẹp giờ đây thật đơn giản với “phép màu” của nghành phẫu thuật thẩm mỹ. Và vẻ đẹp tự nhiên (có hay không) giờ chẳng còn là quan trọng nữa?

+ Có một ví von đơn giản thế này, “phụ nữ đích thực” không có nghĩa là người phụ nữ phải đi chứng minh ngực thật, mũi thật, thậm chí cả màng trinh thật! Bởi họ không cần phải đi phân trần những điều đó với bất kỳ đàn ông nào. Giá trị của phụ nữ không phải là ở chỗ vòng ngực bao nhiêu xăng-ti-mét, cái túi silicon cạnh nách có khiến đàn ông yêu họ hơn bao nhiêu không. Mà là ở chỗ, bản thân người phụ nữ có biết cách yêu chính bản thân cô ấy hay không, có chân thật với chính tâm hồn mình hay không. Tôi thấy tâm hồn trống rỗng và lối sống ích kỷ mới xấu xí, mà không cuộc thẩm mỹ nào tẩy xóa được. Còn nếu nàng hài lòng, nàng thấy bản thân mình đủ đẹp, thì có vấn đề gì là quan trọng nữa đâu khi nàng phẫu thuật hay nàng đẹp kiểu hoang dã, đến nách cũng đầy lông?

 

-Nhưng chị thử tưởng tượng khi ngươi phụ nữ “thấy bản thân mình đủ đẹp” ấy phải ghép đôi với người đàn ông chỉ thấy đươc vẻ đẹp qua những chỉ số cơ thể? Đàn ông vẫn yêu bằng mắt đấy thôi…

+ Tôi thấy mệnh đề chị đưa ra chẳng liên quan tới phẫu thuật thẩm mỹ, hay chồng ưa gái đẹp. Mà nó lại hướng sang một bi kịch khác tồn tại quanh ta: Vợ hoặc cô gái trẻ đang phải chạy theo thỏa mãn những đòi hỏi có phần quá đà của người đàn ông. Phụ nữ không thích trai đẹp hay sao, hay chỉ đàn ông mới biết cái gì đẹp cái gì xấu? Vậy tại sao chồng không đi phẫu thuật thẩm mỹ cho mãn nhãn vợ? Mà đỉnh điểm là sản phẩm màng trinh giả đang được rao bán đầy rẫy, tôi không rõ những người phụ nữ nào thì sẽ đi mua màng trinh giả, nhưng tôi đã nhìn thấy bi kịch khi họ lấy một người đàn ông không yêu họ, chỉ yêu cái màng trinh. Những phụ nữ không phải đi mua màng trinh, nhưng phải trở thành phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà, phải hy sinh bộ váy ngắn yêu thích hoặc chầu cà phê với bạn bè vì chồng gọi về đánh xi giầy cho chồng. Hoặc bi kịch chỉ là câu nói âu yếm: “Anh nhấc chân lên cho em lau nhà!” Trời, gia đình tôi không có chuyện đó! Vợ làm thì chồng và cả các con đều cùng phải làm, nghỉ ngơi thì ta cùng nghỉ. Khi đàn ông yêu bằng mắt, thì cô gái trẻ ơi, cô có thể đi tìm lấy người đàn ông nào khác yêu bằng tâm hồn và sự chân thành không đòi hỏi một chiều cơ mà! Cô xứng đáng với người đàn ông tốt hơn. Còn nếu cô nán lại với họ, thì làm ơn đừng trách người đàn ông háo sắc đó nữa. Vì họ là do chính cô tạo ra.

 

-Là một phụ nữ tự tin về hấp lực “đàn bà đích thực” của bản thân, ngày thường chị cần thêm mỹ phẩm ở chừng mực nào để hỗ trợ vẻ đẹp tự nhiên của mình?

 Tôi sử dụng mỹ phẩm để giữ gìn da chứ không phải để trang điểm. Vì thế, chủ yếu là kem chống nắng, dưỡng da, giữ ẩm, hoặc son giữ ẩm, quần bò áo phông và tóc không uốn không ép không sấy cũng không nhuộm hi-light. Một bà mẹ ba con rồi, thời gian ít lắm và ngay cả cái TÔI cũng đã nhường cho con, cái đẹp chỉ còn đủ để ông chồng nhìn thấy. Xem ra tôi thu hút người khác vì trí tuệ nhiều hơn vì xinh đẹp. Nhưng tôi không buồn, mà hài lòng, vì tôi thấy thế đã đủ.

-Cảm ơn nhà văn Trang Hạ!

Y Moan- báu vật của Tây Nguyên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Quỳnh Hương

 

 

   Ngày 5.8, trong phòng tập của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Y Moan cùng 2 con trai Y Vol và Y Garia, các ca sĩ, nhạc công đang gấp rút “chạy” chương trình “Ngọn lửa Cao nguyên” (công diễn vào đêm 6.8, tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ). Sau hơn 2 tháng bệnh ung thư “bục” ra, Y Moan sút hơn 20kg, không còn dáng vóc cường tráng và rắn rỏi- Y Moan ngồi lút trong chiếc ghế bành ở cuối phòng tập, xương vai nhô lên sau lần áo. Thi thoảng Y Moan lại ho, anh  nhanh chóng quay lưng giấu đi cái nhăn mặt đau đớn.

Nguyễn Cường gặp Y Moan năm 1981, khi đó Moan mới tập tọe làm ca sĩ. Giọng hát bản năng mang vẻ đẹp mê hồn của một sinh lực hoang dại, giọng hát mang hết những vạm vỡ và trong lành nguyên khiết của một Tây Nguyên vẫn còn thần bí ấy đã khiến Nguyễn Cường sững sờ. Tới giờ Nguyễn Cường vẫn khẳng định: “Y Moan là một hiện tượng không lặp lại, giọng của Thu Hiền, Mỹ Linh hay Thanh Lam còn có thể bắt chước. Nhưng giọng của Y Moan thì là độc bản, không thể nhái. Và Moan chính là một báu vật của Tây Nguyên”.

Lưu trữ về giọng ca huyền thoại của núi rừng Tây Nguyên chỉ có những bản thu của Đài Tiếng Nói Việt Nam, một vài bản thu của VTV, Y Moan chưa có CD riêng nào. Ca sĩ bây giờ mới nứt mắt bước lên sân khấu đã có liveshow hoàng tráng này nọ. Y Moan hát hơn 30 năm nay, đem giấc mơ về một Tây Nguyên hùng vĩ và thần thoại đến hàng triệu công chúng, ở khắp miền đất nước, biết bao người đã yêu Tây Nguyên dù chưa được đặt chân một lần đến vùng đất đỏ bazan- qua tiếng hát Y Moan. Vậy mà tới giờ này, ở cơn trọng bệnh thử thách sinh mệnh, Y Moan mới được làm liveshow đầu tiên. Nhưng như Nguyễn Cường nói, liveshow của Y Moan đặc biệt vì được dồn góp từ tình yêu của bạn nghề, của người thân và công chúng dành cho giọng hát Y Moan. Chả thế mà trước đêm diễn 3 ngày, khán phòng gần 1000 chỗ đã hết sạch không còn 1 ghế trống.

Nicotin từ khói thuốc là một trong những nguyên nhân khiến Y Moan bị ung thư. Thế mà Y Moan vẫn đốt thuốc lên tục, vẫn rít từng hơi thật dài thật sâu giữa những cơn ho, vẫn một tay cầm micro một tay nhấp nhổm điếu thuốc lá. Trong lúc Y Vol tập với ban nhạc, Y Garia đứng cạnh Y Moan để vỗ lưng cho cha dễ thở. Y Moan phải uống nước bằng nắp chai Lavie, từng ngụm nước nhỏ dường như cũng khiến anh đau đớn. Bên chỗ ngồi của anh để sẵn những bao túi nôn của Vietnam Airline, Moan chỉ còn ăn được rất ít, ăn một lúc lại ói ra, nhưng vì không muốn vợ con phải xót xa hơn Moan vẫn cố gắng ăn để người thân của mình được yên lòng.

Từ ngoại thành Hà Nội, Mỹ Linh đến tập rất sớm, chị tập nhiệt thành và chuyên chú như thế đang chuẩn bị cho đêm nhạc của chính mình. Bài Mỹ Linh hát có một đoạn góp giọng của Y Moan,  để giữ sức cho cha Y Vol tập “thế vai” vào chỗ Y Moan sẽ hát, thỉnh thoảng Vol quay lại nhắc: “Ba nhớ bố cục nha!”. Theo kịch bản, Y Moan sẽ hát solo 9 bài, còn lại là phần biểu diễn của 2 con trai anh cùng các ca sĩ Mỹ Linh, Phương Thanh, chị em 2A Minh Anh- Minh Ánh, Siu Black, Y Zak…Mọi người đều muốn dè sẻn sức lực cho Y Moan nên chỉ định ban nhạc chạy trên bản ghép “nháp” với  Y Vol và Y Garia những bài của Y Moan. Nhưng chính Moan lại không chịu, anh đòi tự hát bằng được. Trong gian phòng tập hơn 30m2, Y Moan mê mải hát, hết lòng hết dạ, hết cỡ chịu của dây thanh đới- như thể anh đang hát trước hàng ngàn khán giả. Tôi nháy nhạc sĩ Nguyễn Cường ra ngăn Moan đừng hát thật thà thế để còn giữ sức, Moan lờ đi như không nghe thấy lời nhắc của thầy. Y Vol và Y Garia đứng cạnh xót ruột chịu không nổi, một lúc lại bấm vai cha, Moan cáu: “Ba nói là để cho ba hát! Đoạn của ba các con không được hát vào, chỉ được bè thôi!”. Đến nước này thì mọi người thua, đành để Moan muốn làm gì thì làm. Hơn nữa, ai cũng cảm thấy ngăn cản anh niềm hạnh phúc được hát, có gì đó như bất nhẫn.

    Ngày 5.8, có tin đến phòng tập: Có thể vào đêm diễn“Ngọn lửa Cao nguyên”, quyết định công nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân Dân cho Y Moan Enuol sẽ được đọc. Gia đình và bạn bè Y Moan vui mừng đón nhận điều ấy, họ nghĩ đó sẽ là quà tặng vô giá đối với anh lúc này. Nhưng hình như điều Moan quan tâm nhất chỉ là bằng mọi giá anh phải được hát hát lòng hết dạ, như con chim dành dụm cất tiếng hót đẹp đẽ và kiêu hãnh nhất trước khi lao ngực vào cụm gai. Moan nói sẵn sàng chết khi đang hát trên sân khấu, đó sẽ là cái chết hạnh phúc. Nhưng vẫn còn 1 đêm Moan phải hát “Ngọn lửa Cao nguyên” cho đồng bào Ê Đê ở quê hương Đăk Lăk của mình. Nơi đó ai ai cũng yêu Moan, Moan đã hẹn rồi- anh phải trở về để hát Ơi M’Drak giữa cao nguyên thênh thang của anh chứ…

 

 

 

 

Giáo dục- thời khủng hoảng tận đáy?

Quỳnh Hương (thực hiện)

 

Tôi đã xin được ngồi nghe “ké” những buổi giảng của GS. Hồ Ngọc Đại cho các giáo viên cốt cán môn Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục. Vị giáo sư có tiếng ngang nghạnh, nhiều đời Bộ trưởng phải “gờm” vì cách làm giáo dục của ông quyết liệt đến không khoan nhượng, ông nói về giáo dục luôn thẳng thắn đến “nghịch nhĩ”. Nhưng tôi thấy ông hết sức kiên nhẫn và đôn hậu khi truyền đạt (mà ông gọi là “chuyển giao công nghệ giáo dục”) cho những thầy cô tiểu học rụt rè đến từ các xã, bản vùng xa vùng sâu. Chính những thầy cô ấy nói với tôi rằng họ  vô cùng lạ lùng khi hàng năm, Thầy Đại có thể đi hết những điểm trường thâm sơn cùng cốc, ở tận đường cụt cuối cùng của đất nước –  chỉ để ngồi nghe bài giảng của mỗi giáo viên. Tôi mang điều này hỏi lại ông, Giáo sư Hồ Ngọc Đại trả lời như một lẽ tự nhiên: “Tôi không tin vào các báo cáo. Mục đích giáo dục của tôi là đến thẳng trẻ em, nhờ trung gian là cô giáo. Vì thế tôi phải đến tận nơi xem và điều chỉnh, để công nghệ giáo dục đến với mọi trẻ em không bị “tam sao thất bản”. Vì tình yêu vô hạn mà nhà giáo dục Hồ Ngọc Đại dành cho trẻ em, dân chúng đã thương mến gọi ông bằng một chức danh… hết đỗi xoàng xĩnh: Thầy giáo tiểu học Hồ Ngọc Đại.

 

 

  • Một nền giáo dục tạo ra những con người phục tùng và làm theo.

-Nhà văn Nguyên Ngọc từng vạch ra nguyên nhân căn bản dẫn đến khủng hoảng toàn diện của nền giáo dục (GD) Việt Nam chính là ở triết lý GD. Bởi sai lầm đó mang tính căn cốt, nên mọi cố gắng cải cách hay đổi mới GD (mà không thay đổi triết lý) cuối cùng đều chỉ là những giải pháp “loay hoay”. Giáo sư có bình luận gì về quan điểm này?

+Tôi đồng ý với anh Nguyên Ngọc, GD hiện nay dù có đổi mới hay chấn hưng thì quanh quẩn cũng chỉ nhằm cải tiến cái hiện có, theo cách cải tiến cày chìa vôi. Dẫu bắp cày có làm bằng vàng ròng, lưỡi cày bằng titan- thì bản chất nó vẫn là cày chìa vôi. Trong khi ở thế kỷ 21 này, chỉ có máy cày mới đáp ứng được nhu cầu thực của cuộc sống. Tư duy GD cũ nghĩ ra một sản phẩm “dị dạng” về tư duy: phải hội tụ đủ tất cả các ưu điểm, nên họ “đè” học sinh ra nhồi nhét. Nền GD ấy chỉ tạo ra những con người phục tùng và làm theo. Mục đích của GD đúng là tạo ra những con người bình thường, sống bình thường trong xã hội đương thời, họ tự do và sáng taọ. Không ly kỳ, không huyễn hoặc, không lừa bịp, GD mới có nhiệm vụ tôn trọng từng bản thể, không được phép cào bằng và đồng hóa cá nhân.

-Trong thập kỷ trở lại đây, giáo dục chưa bao giờ thôi là điểm nóng trong phòng họp của quốc hội. Khi toàn xã hội và người dân mất niềm tin vào hệ thống GD, nhưng họ  bất lực vì không còn lựa chọn nào khác- thì điều gì sẽ diễn ra?

+Đó là điều đau đớn nhất. Tôi nghĩ đây là thời kỳ quá độ, hãy cứ để GD xuống tới đáy, thì nó mới  lên lại được. Trong nghành GD vẫn có những người thức tỉnh, mỗi cá nhân có tâm giống như một que diêm nhỏ. Que diêm ấy có thể tắt ngúm hoặc thành đám cháy lớn. Việc GD xuống tận đáy chính là hoàn cảnh để thành đám cháy, khi người dân hết chịu nổi họ sẽ có giải pháp của mình. Một người dân không là gì cả, nhưng toàn dân lại là tất cả. Dân của năm 2010 này rất khác, họ trưởng thành trong nền văn minh hiện đại, họ có cảm nhận của tư cách hiện đại, để dễ dàng vượt qua mọi định kiến mà tiếp nhận những cái mới.

Vừa rồi, khi miễn nhiệm Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ GD&ĐT có đưa ra một “thông cáo báo chí”  những con số ấn tượng về kết quả GD dưới thời Bộ trưởng Nhân: tiêu cực thi cử giảm, tỷ lệ tốt nghiệp PT tăng, tỷ lệ bỏ học giảm, vi phạm đạo đức nhà giáo giảm…Và gần đây nhất, Khối giao ước thi đua Vùng 7 gồm 5 TP lớn nhất nước đã công bố kết quả của niên học 2009-2010 – nó xuất sắc đến mức gây sững sờ! Nếu những con số “biết nói”, thì chúng ta nên vui mừng vì GD đã bước qua khủng hoảng?

-Tôi lại thấy đây là thời kỳ hỗn loạn tận đáy, thời kỳ bộc lộ rõ nhất sự vụ lợi, u mê và bất lực của GD- mọi vấn đề nhức nhối của GD đều bị bung ra hết. Những giải pháp giai đoạn vừa qua không theo bản chất GD, nó hợm hĩnh và chạy theo phong trào. Tất cả những con số ấy là vô nghĩa, thành tích giả tạo rất nguy hiểm, nó ru ngủ và làm chúng ta không còn biết mình đang đứng ở đâu.

  • Từ chối làm Thứ trưởng, vì làm giáo dục tiểu học có ích hơn cho dân.

 

-Ông từng kêu gọi GD phải “Làm mới từ đầu”. Bất đồng quan điểm với dòng “chính thống”, vậy  cốt lõi tinh thần của Công nghệ giáo dục (CGD) mang tên Hồ Ngọc Đại là gì?

+Năm 1978, trong một cuốn sách tôi đưa ra quan điểm “Dỡ ra làm lại từ đầu ”– sách bị thu hồi ngay. “Làm mới” sẽ thực tế hơn, và tôi chọn cách bắt đầu từ lớp 1. Bản chất của giáo dục theo cách cũ là “ngu dân”, phương pháp áp đặt, nội dung nghèo nàn, cư xử bằng cưỡng bức. Cách GD ấy không tôn trọng cá nhân, kìm hãm trẻ con, hứa  hão về tương lai. Còn tinh thần của CGD là giải phóng trẻ em, lấy hạnh phúc và sự phát triển tự nhiên của trẻ em làm mục tiêu. Mỗi em sẽ là một người duy nhất trong xã hội, các em phải khác nhau, khác bố mẹ và thầy cô, CGD tôn trọng suy nghĩ tự do và cá tính khác biệt.

Ông từng thẳng thừng từ chối vị trí Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Có bao giờ ông ân hận vì quyết định ấy, tôi không muốn nói đến việc luyến tiếc danh vị, mà là tiếc vị trí có quyền tác động đến thay đổi và những quyết sách của nghành GD?

+Tôi chưa bao giờ hối tiếc, nghĩ lại luôn mừng rằng hồi trẻ mình đã sáng suốt để có quyết định ấy. Phải tránh khỏi vòng chức vị, tôi mới đủ tỉnh táo để tìm ra giải pháp cho giáo dục và có được CGD hoàn chỉnh. Kể cả làm đến Bộ trưởng tôi cũng không thay đổi được cái guồng máy của xã hội và thể chế, mình sẽ bị nghiền nát nếu cưỡng lại nó. Nhận chức là “hai bên” gây khó cho nhau, để tôi làm giáo dục tiểu học có ích hơn cho người dân.

-Dự án Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại từng được Chính phủ cho nhân rộng đến 43 tỉnh thành, và có kết quả rất tốt. Nhưng tới năm 2001, với Nghị quyết số 40 cả nước chỉ được dùng một bộ sách giáo khoa duy nhất -CGD chỉ còn trên danh nghĩa. Trong thời gian 10 năm CGD bị ngắt quãng, ông làm gì?

+Đến năm học 1999-2000 đã có hàng ngàn trường học trên cả nước tiếp nhận CGD. Nhưng phương án CGD bị “bóp mũi chết” một cách hợp pháp với Nghị quyết số 40. Tháng 5.2008, người ta tưởng như CGD vĩnh viễn chấm dứt khi Trường Thực Nghiệm của tôi đã bị Bộ lấy sạch: từ con dấu, sổ đỏ, tên gọi, và “thay máu” vào đó là đường hướng GD chính thống. Những người tin vào con đường của tôi họ rất đau đớn, ở các địa phương, rất nhiều giáo viên đã khóc. Còn tôi, suốt 10 năm qua vẫn tiếp tục làm việc, điều chỉnh lại sách giáo khoa và công tác đào tạo  của CGD để ra một bộ sách chuẩn cho học sinh và giáo viên. Tôi luôn có niềm tin tuyệt đối rằng, sẽ có ngày CGD được tiếp tục – tôi phải chuẩn bị cho sự quay lại đó.

GS không tự ái?

+Không! Tôi làm vì trách nhiệm với đất nước, vì trẻ em – tôi không mất công tự ái với lãnh đạo. Tôi không chịu trách nhiệm với cấp trên hành chính, họ đến và đi theo nhiệm kỳ- tôi ở lại cùng nhân dân.

  • Giữ xã hội yên lành được bằng giáo dục – điều đó quá vĩ đại !

 

– Năm học 2010-2011 CGD được thí điểm ở 11 tỉnh khó khăn nhất, Hội nghị triển khai do đích thân một vị Thứ trưởng chủ trì. Không công bố nhưng ai cũng hiểu CGD đã trở lại, và được Bộ GD tiếp nhận. Lần thí điểm này mới chỉ dừng ở môn Tiếng Việt lớp 1, vậy kết quả liệu có ít ỏi và khó triệt để- thưa GS?

+Không sao cả, Học cái nào chắc chắn có lợi cái đấy. Tôi cũng muốn thay đổi không quá đột ngột và gây sốc, sự trở lại “nhũn nhặn” này sẽ là một ví dụ thuyết phục, qua một giọt nước người ta biết cả đại dương. 11 tỉnh thí điểm CGD là những nơi tận cùng về địa giới và cùng cực đói nghèo, ở đó cha mẹ học sinh còn không biết tiếng Kinh nữa là bọn trẻ con. Nhưng chỉ sau 1 năm tiếp cận CGD, dù là bất cứ dân tộc nào trẻ em cũng sẽ đọc thông viết thạo, vững chính tả, không bị tái mù, bởi nguyên tắc của CGD là “học gì được nấy, học đâu chắc đấy” . CGD nếu áp dụng ở các thành phố sẽ giải quyết được tệ nạn bắt học sinh mẫu giáo đi học trước khi vào lớp 1. Nhiều người nói với tôi: đau lắm, bố mẹ nào cũng phải gồng mình chạy trường điểm cho con, phải ép bọn mẫu giáo đọc thông viết thạo. Có CGD thì học ở đâu cũng tốt, ai làm cũng như ai, nơi nào cũng như nơi nào, vì cùng là một công nghệ.

Không cho điểm, không xếp hạng, không thi lên lớp, được phép chơi theo ý thích- mô hình trường học của GS chắc đã khiến nhiều bậc phụ huynh quen với cách GD truyền thống bị hoang mang. Vậy trẻ con sẽ được học gì từ CGD?

+GD cũ lấy chữ làm chuẩn, nhưng chữ chỉ là một yếu tố. Trẻ con cần phải được học cả kỹ năng sống, sự chân thật tử tế, lòng yêu đất nước, tinh thần trách nhiệm và biết chia sẻ với cộng đồng. Tình yêu với Tổ Quốc rất quan trọng, mọi tình yêu đều phải dồn về tình yêu lớn là Đất nước. Đứa trẻ lớn lên phải biết xúc động trước những biến đổi và tai họa của Đất nước, trách nhiệm với từng việc mình làm, biết tôn trọng và nghĩ đến người khác.

– Ông dành đến gần nửa thế kỷ cho giáo dục tiểu học, và hạnh phúc khi được người dân gọi là “thầy giáo tiểu học”. Vì sao cấp học này lại đặc biệt quan trọng để GS dành tâm huyết đến như vậy?

-Một đứa bé hạnh phúc là hàng chục người quanh nó (bố mẹ, ông bà, họ hàng) hạnh phúc, nó thất bại hàng chục người kia đau khổ. Mỗi năm có 2 triệu trẻ con vào lớp 1, và cạnh nó ít nhất là 4 triệu bố mẹ. Vấn đề lớp 1 được làm tốt, ít nhất mỗi năm có 6 triệu người hạnh phúc, nếu giữ xã hội yên lành được bằng giáo dục – điều đó quá vĩ đại. Cấp học tiểu học đòi hỏi nghiệp vụ sư phạm chuẩn nhất, tinh tế nhất, bởi đây là cấp học tạo nền tảng tư duy và nhân cách theo người ta suốt đời. Tiểu học là cơ hội cuối cùng để giữ lại truyền thống gia phong, bản sắc dân tộc; đồng thời là cơ hội đầu tiên để trẻ em tiếp cận văn minh hiện đại.Tôi cho rằng Đại học và Tiểu học là 2 cấp học then chốt nhất trong đời một con người. Tiểu học là bắt đầu và tiếp tục, ĐH là bắt đầu và kết thúc. Khẩu hiệu của tôi là “Tiểu học là thuần Việt, ĐH là hội nhập”- phải có hội nhập với sức chịu đựng sòng phẳng, bằng ĐH của Việt Nam mới thoát khỏi quy mô “tiêu dùng nội địa”.

-CNGD Hồ Ngọc Đại đã trở lại, ông hẳn sẽ có một “ngôi trường trong mơ” của mình?

+Tôi nghỉ hưu đã được 11 năm, nhưng tôi còn sức sẽ còn làm giáo dục. Vừa rồi, tôi đến gặp Phó CT TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng để xin đất mở trường. Chị Hằng nói chị rất cảm động vì tôi vẫn còn muốn mở trường, TP sẽ ủng hộ hết lòng công việc của tôi. 2 ngày sau buổi gặp, tôi được cấp 12.000m2 đất ở Mỹ Đình để xây trường tiểu học. Trường Công Nghệ Giáo Dục sẽ mở cửa vào năm 2011, tôi chắc chắn đó sẽ là thiên đường của trẻ em. Ở ngôi trường ấy, trẻ em sẽ thấy đi học là hạnh phúc, mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui!

-Xin cảm ơn GS Hồ Ngọc Đại!

 

 

 

 

BOX:

Con đường gập ghềnh của Công nghệ Giáo dục

1968: Hồ  Ngọc Đại làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô, hàng ngày ông đến làm việc tại trường Thực Nghiệm số 91- là “phòng thí nghiệm” để nghiên cứu tâm lý- giáo dục, độc lập với nhà trường hiện hành. Làm thực nghiệm từ 1969-1976, ông viết hai luận văn PTS và TSKH tâm lý học.

1977: Về nước, Hồ Ngọc Đại xin mở trường Thực Nghiệm, đề nghị được Thủ Tướng Phạm Văn Đồng chấp nhận. 1978, Trường Thực Nghiệm khai giảng khóa đầu, chỉ có lớp Một với 100 học sinh.

1978:Trường Thực Nghiệm mở hội thảo “Hướng đi và Cách làm”, với sự có mặt của 50 nhà trí thức tiêu biểu nhất của đất nước. Hội thảo xác định:

-Hướng đi: Hiện đại hóa nền giáo dục.

-Cách làm: Công nghệ hóa quá trình giáo dục.

1985:Cải cách GD gặp khó khăn (năm đầu 60% học sinh lớp 1 lưu ban), Bộ trưởng GD Nguyễn Thị Bình ủy quyền cho Hồ Ngọc Đại phổ biến chủ trương của Bộ: cho phép các địa phương tiếp nhận tự nguyện CGD. Đến năm học 1999-2000 đã có 43 tỉnh thành tiếp nhận, với hàng ngàn trường, hàng vạn giáo viên và hàng chục vạn học sinh.

2001:CGD chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa bởi hệ thống GD từ sau đó chỉ được phép dùng một bộ sách giáo khoa duy nhất.

2008: Bộ GD&ĐT lại cho đưa CGD, môn Tiếng Việt lớp 1 về với học sinh dân tộc thiểu số dọc biên giới Tây Bắc- Tây Nguyên- Tây Nam Bộ cho 6.000 học sinh. Năm học sau số học sinh hưởng CGD lên 15.000.

5.7.2010: Hội nghị tổng kết công tác thí điểm và triển khai môn Tiếng Việt 1- CGD  năm học 2010-2011 do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Hà Nội. Hội nghị này là dấu mốc “lịch sử” đặc biệt đối với GS Hồ Ngọc Đại, bởi đây gần như lời công nhận chính thức từ Bộ về việc “hồi sinh” của CGD.

Lại một cái nhà nữa

Ở WP này, bạn  Quỳnh Tun sẽ post phần báo chí báo rận của bạn í, phần này vốn hầu như không xuất hiện trên blog cá nhân bên 360 (đã cụ cố mả) và 360plus việt nam-mít.

Emtry này thay cho lời chào, lời mời thân mến đồng thời là quả test. Vì bản thân chưa xài WP bao giờ nên thoạt đầu hơi có tí bỡ ngỡ.

Vấn đề là chèn ảnh thế nào nhỉ mình rất đau đầu vụ này!

Hello world!

Welcome to WordPress.com. After you read this, you should delete and write your own post, with a new title above. Or hit Add New on the left (of the admin dashboard) to start a fresh post.

Here are some suggestions for your first post.

  1. You can find new ideas for what to blog about by reading the Daily Post.
  2. Add PressThis to your browser. It creates a new blog post for you about any interesting  page you read on the web.
  3. Make some changes to this page, and then hit preview on the right. You can always preview any post or edit it before you share it to the world.