Kẻ ma mãnh ngây thơ

Đạt zồ

1

Xưởng điêu khắc của Đinh Công Đạt nằm ngoài đê An Dương, Tây Hồ – tuềnh toành như cái lò gạch trong truyện ngắn của Nam Cao. Dưới bụi chuối lá cao bất thường, ngổn ngang những tượng nhân mã dở dang, chồi cùn rế rách, cưa đục bào, những mẩu gỗ nham nhở và mành tre. Đạt giống một bác thợ cả, quần áo dính bê bết sơn, đang ngồi lẩn mẩn đóng cái chốt đinh vào một miếng gỗ trông hết sức kỳ quặc, (và chẳng lạ gì nếu dăm bữa nữa, ta thấy miếng gỗ ấy được treo trong một không gian “rất art” với giá đắt kinh người). Khách hắt hơi loạn xạ bởi mùi sơn và bụi gỗ, Đạt chạy vào nhà móc ra một cái khăn lụa cashmere dệt thủ công của Hermès, bảo: “xỉ mũi vào đây tạm này, xưởng toàn đàn ông không có khăn giấy”.

   Lác đác trong xưởng vẫn thấy kiến, nhện, mặt nạ âm- dương, gà bồi giấy… những thứ làm nên tên tuổi “nhà điêu khắc Đinh Công Đạt”. Suốt hàng thập kỷ nay, hệ thống các trường Mỹ Thuật nước nhà đào tạo ra toàn các nhà điêu khắc ưa to tát. Không tượng đài thì cũng tượng vườn, tượng công viên, hoặc chí ít cũng tượng người. Đến Đinh Công Đạt, thì kiến – cua – châu chấu – sên – cóc – cá sấu – chó – lợn – gà…trở thành hình tượng nghệ thuật. Đạt chỉ làm những thứ vớ vẩn đó, đến hơn chục năm, trên đủ các chất liệu gỗ- gốm- sắt – bồi giấy (à, phải nói thêm là trước Đinh Công Đạt, không ai hình dung có thể đưa chất liệu giấy báo cũ vào nghệ thuật điêu khắc ở Việt Nam), tốn hàng chục triển lãm trong và ngoài nước, trở thành có “thương hiệu”. Mỗi tội chẳng bán được đồng xu nào! Họa sĩ muốn sống thì phải bán được tranh được tượng, nhưng Đạt nhất định không chuyển sang điêu khắc “món khác”, lý do chỉ là “làm bọn đấy thích mà!”. Nhưng rồi Giời thương, đến lúc Đạt cũng hết đận tài sản chẳng có gì ngoài mặt nạ, kiến và nhện. Côn trùng hay động vật đều bán ầm ầm, “thanh khoản” tốt đến nỗi tới bây giờ người ta vẫn đặt anh làm tiếp, điêu khắc của Đạt dần được sử dụng như một thứ décor cao cấp. Đạt thường nhún vai khi bị “tỉ đểu” là anh thương mại, – “thì vẫn là cái lũ đó, ngày xưa các ông chê không có giá trị thương mại đó thôi! ”

Nhưng điêu khắc (hay bọn côn trùng) chỉ là một góc dễ hiểu của Đinh Công Đạt. Con người nghệ sĩ của anh cần một cách biểu hiện tự do và đa ngôn ngữ hơn. Trong sự phát triển của mỹ thuật đương đại ở Việt Nam, Đinh Công Đạt là một trong những người làm nghệ thuật ý niệm (Conceptual Art) đầu tiên. Chỉ có giấy báo cũ và hàng chữ số 1212, thế mà Đạt làm đủ loại triển lãm và sắp đặt ở Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp…Những căn phòng “newspaper no meaning” hay các bức tường chỉ lặp đi lặp lại một dãy số 1212 ám ảnh như một sự vô nghĩa tuyệt đối, một nỗi trống rỗng đến man rợ mà chúng ta đâu đó trong đời hẳn từng có lần rơi vào. (Cái dãy số ấy, được Đạt giải thích là… số hiệu trung đoàn pháo cao xạ của anh).

Nhưng dù sao thì tạng chất của Đinh Công Đạt cũng không phải là phản kháng (hoặc anh chẳng cố gồng lên để “phản biện” hay “cởi trói” như số đông). Đạt nói, “Đương đại, nó là tinh thần chứ không phải là thể loại, nó ứng với mỗi người chứ không có công thức chung. Phản kháng chỉ là một thái độ, chứ không phải là ứng xử tiêu biểu, càng không phải là duy nhất của nghệ thuật tạo hình. Tôi chẳng có gì xấu hổ hay thấy mình thấp kém khi cứ mộc mạc hồn nhiên”.

2.

 

Đinh Công Đạt hiện là Windows Designer người Việt duy nhất của Hermès – nhãn hiệu xa xỉ nhất thế giới. Tinh thần để Hermès trở thành một đế chế quyền lực suốt 2 thế kỷ qua, là sự tôn vinh sáng tạo và tay nghề hoàn hảo của nghệ thuật thủ công. Cứ 3 tháng một lần, Đinh Công Đạt thực hiện một window dislay (cửa sổ trưng bày) cho Hermès, việc ấy anh đã làm trong suốt 6 năm nay. Giữa không gian xa hoa của Hermès, Đạt sẽ đặt dấu ấn của mình vào đó, cực kỳ Việt Nam. Bữa tôi đến xưởng của Đạt, anh đang cùng thợ chuốt và sơn một cái chạn tre sang màu xanh ngắt, và phát điên lên để tìm một sắc tím “không có trong bảng màu nào” cho đám mành trúc ngổn ngang trong sân. Rồi túi Birkin sẽ đặt trên những cái đôn tre, khăn lụa Carré sẽ vắt ơ hờ trên những mây với trúc ấy, nhuyễn mượt như không- đơn giản và đầy tôn vinh. “Hermès đã dạy tôi điều này: bạn làm cái gì không quan trọng, cuối cùng phải là thái độ và ý thức. Nghĩa là, hãy luôn thôi thúc mình còn có thể làm tốt hơn được không?! Nếu còn tốt hơn được, hãy làm ơn dỡ ra mà làm lại. Như vậy, việc tôi dùng chất liệu là vàng, bạc, giấy, hay tre nứa…cho Hermès đâu còn là chuyện quan trọng. Mà thái độ của tôi, thẩm mỹ của tôi, sự hết lòng hết mức có thể – mới làm nên giá trị”. 6 năm nay, những “cửa sổ” của Hermès lặp đi lặp lại câu chuyện Việt Nam, chất liệu Việt Nam. Và Đinh Công Đạt – người kể chuyện đầy kiêu hãnh và biến ảo, lúc tối giản, lúc tối đa, lúc nhẹ nhõm tươi tắn, lúc thô ráp…thường đưa những “mạch chuyện” của mình trở về truyền thống. Lời xưa cũ lại là lời tinh hoa!

Trong khu vực thời trang cao cấp, nghệ thuật điêu khắc và tinh thần đương đại của Đinh Công Đạt có đủ đất để tung tẩy, anh còn làm window display cho Milano, Luala, Tân Mỹ, Thủy Design House…. Tôi có chơi với hai kẻ giá đắt như “cắt cổ”, là đạo diễn Việt Tú và Đinh Công Đạt! Thế nhưng hai “cỗ máy chém” ấy xua đi không hết việc, một tháng Việt Tú có thể chạy gần 20 show, cái nào cũng bự! Còn Đạt, quanh năm tứ mùa sống với một đống deadline đổ lên đầu –mỗi lần gặp đều nghe anh than vãn một câu quen đến phát ớn: “đang hôn mê! Sắp bị việc đè chết rồi!”. Hỏi Đạt, “Có cần đến nhiều tiền thế không?”. Đạt bảo, “Đó không phải chuyện tiền. Mà là niềm vui! Khi những thứ xinh xẻo đẹp đẽ cứ tòi ra dưới tay mình, có thể dừng việc ấy không, có thể không cố gắng không? Nếu rời khỏi công việc – tôi rất chán”. Và mỗi lần bạn bè gặp đau khổ (vì bị phụ bạc hay cô đơn, hay vỡ nợ…) thì Đạt chỉ có một mẫu câu an ủi duy nhất: “Làm việc đi, sẽ không có thời gian để mà buồn chán hay hư hỏng đâu mày!”.

Đinh Công Đạt chẳng mảy may ngại ngùng khi ai đó gọi anh là thợ, thậm chí còn lấy làm sung sướng. Anh luôn tự hào là mình có kỹ năng, đức thu va hà vén, tính chăm chỉ cần mẫn của một người thợ thủ công. “Những phẩm chất đấy là báu vật của tôi”. Đạt có tay nghề tài khéo của một nghệ nhân dân gian, anh làm đồ gỗ, sơn mài, gốm, mặt nạ và diều giấy, vẽ hoa tiên…với chuẩn mực kỹ thuật cổ truyền và tinh thần đương đại. “Cứ kỹ lưỡng tỉ mỉ, duyên dáng hồn hậu được như ông bà chúng ta đi! Cả đời người chưa chắc đã đạt được đến nghệ thuật ấy, cái Đẹp ấy…”. Và vì lòng yêu dấu, những tre – nứa – lụa- gỗ – giấy…thuần chất làng quê Việt Nam luôn được Đinh Công Đạt nâng niu và tôn vinh, kiêu hãnh và không chút mặc cảm – trong những không gian đương đại xa xỉ mà anh thiết kế.

3.

   “Bản chất của Nghệ thuật là sự trung thực, yêu hay ghét đều phải đúng với từng tế bào của mình, là mình!”. Nếu đúng như Đinh Công Đạt nói, thì “lõi” của anh không phải là gã đàn ông vừa nham nhở vừa nanh nọc, cư xử luôn cố tỏ ra tàn nhẫn và ma mãnh. Mà sâu thẳm trong anh hẳn là một đứa trẻ ngơ ngác không chịu lớn, vừa hồn hậu ngây thơ, vừa buồn bã điên rồ. Đạt điêu khắc côn trùng, làm búp bê, đóng những chú chó gỗ ngựa gỗ…có gì đó thân thuộc và cảm động đến chảy nước mắt, vì người ta buộc phải nhớ về một món đồ chơi cũ kỹ mình từng gắn bó suốt tuổi thơ. Những món đồ mang “tính người” không thể còn tìm thấy, trong thế giới hiện tại đã bị ngập tràn đồ chơi Made in China.

Đạt bảo chẳng bao giờ anh xấu hổ vì mình chuyên trị làm những thứ li ti lắt nhắt, không có gì sâu cay u uất đại sự mà thường “hand-made” kiểu đàn bà trẻ con. Vì người lớn nào cũng vẫn có một đứa trẻ trú ẩn trong mình, mỗi tội họ có lắng nghe thấy tiếng nói của Nó hay không thôi. Đạt vẫn có kết nối với đứa trẻ ấy, nó trò chuyện và an ủi anh hàng ngày, nó làm anh vui thích và hớn hở “như một thằng rồ”. Thế giới đồ chơi chính là giấc mơ tiếp tục của đứa trẻ trong gã đàn ông nhàu nhĩ ấy.

Kể đến đây, Đạt bỗng ắng lặng, như thể đang cố nuốt một cục hóc. Rồi anh bảo, “Tôi cũng hèn! Chẳng đủ nhẫn nại, chẳng đủ hy sinh và dấn thân cho tình yêu của mình. Cách đây vài năm, tôi định làm 200 món đồ chơi cho trẻ con(thực tế là đã làm xong khoảng 60 món), bày khắp hang cùng ngõ hẻm trên đất Việt Nam. Rồi tôi sẽ đi hỏi những kẻ làm bố làm mẹ: các anh/chị nghĩ gì khi nhìn bọn trẻ chơi những món đồ chơi này? Sao anh/chị không để thời gian và tình cảm làm đồ chơi cho con mình như ngày xưa chúng ta đã được ông bà- bố mẹ làm cho? Một con búp bê nhem nhuốc mẹ khâu từ vải vụn, một con chó được bố đẽo từ khúc gỗ thừa, đều có thể thiêng liêng như cái chén thánh trong đời một đứa trẻ – người lớn có biết thế không?. Nhưng dự án giản dị đến phát khóc này đã dừng, không phải vì tôi sẽ đi tong 2 năm hay vài trăm triệu. Mà là nếu làm tiếp, tôi buộc phải bước sang một Canh khác, trong khi đời sống của mình chưa sẵn sàng…”.

Những món đồ chơi lẻ đàn ấy tới giờ vẫn còn trong xưởng của Đạt, lẫn với bụi gỗ và đồ đạc đồng nát. Thỉnh thoảng Đạt lại bới ra một con mang đi bán, giá ít nhất 2.000 USD. “Những người lớn chịu giá đắt như thế, vì họ mua một giấc mơ tuổi thơ nối dài”- Đạt phẩy tay giải thích.

Còn giấc mơ của chính Đinh Công Đạt là gì? “À, về già nếu không bị lẫn, không bị tay run do parkinson – tôi sẽ ngồi khâu búp bê. Rồi chất đám đồ chơi của mình lên xe đạp, đi lòng vòng Bờ Hồ bán. Tôi sẽ dùng tiền bán búp bê để mua rượu vang thật ngon”.

Tôi nhớ cuốn sách mà mình tình cờ tặng Đinh Công Đạt, trong lần gặp đầu tiên bắt đầu cho một tình bạn. “Alexis Zorba, con người hoan lạc” – Đạt như một phiên bản muộn của gã Hy Lạp tay chơi ấy, nỗi buồn hay sự cay đắng chỉ có giá trị giễu nhại để những niềm vui trần thế trở nên sâu sắc tuyệt vời hơn, phóng dật và ngon miệng hơn khi anh thưởng thức nó. Và tôi thầm nghĩ, vào một quãng thời gian xa lắc nào đó của tuổi tác, mấy đứa đàn em bọn tôi (tóc đã bạc) sẽ ngồi cùng Đạt uống rượu vang hảo hạng và ngắm sen tàn trên Hồ Tây “đẹp đến đau đớn”. Và người đàn ông có thể vẫn còn Rồ Dại ấy sẽ bảo: “Đời vui mà!”.

Trang!

Tôi chỉ kể về Trang, người đồng nghiệp kì dị và yêu dấu của tôi. Người hiếm khi hiện tên đầy đủ trên mặt báo, vì các loạt bài điều tra tầm vóc của cô ( từng đoạt nhiều giải thưởng báo chí) thường chỉ ký một bút danh phiếm chỉ: “Nhóm phóng viên”!

 

 TRang

Tôi nghĩ Trang là một điều khó chịu của báo Phụ Nữ. Cô không phải chịu định mức bài vở và các ép buộc về thời sự như những phóng viên khác. Có những tháng, Trang mất tích (theo đúng nghĩa đen của từ này) trong mọi hoạt động liên quan đến tòa soạn, chỉ với lý do lãng nhách: “em không cố làm được gì, dù chỉ là một bài báo còi!”

Tôi nghĩ Trang là niềm tự hào đặc biệt của báo Phụ Nữ. Cô can đảm và trung thực, những đề tài điều tra của Trang là độc nhất vô nhị, khó điên người và quan trọng là luôn có tác động xã hội. Ở Trang luôn ngùn ngụt ngọt lửa dấn thân, can đảm phụng sự cho lẽ phải và sự thật. Chúng tôi nhìn vào người đồng nghiệp luôn độc hành ấy để thấy kiêu hãnh về lý tưởng và nghề nghiệp của mình – (dù rằng tinh thần ấy đã mai một ít nhiều trong đời sống báo chí hiện tại).

Trang bước vào nghề báo đã sang năm thứ 12, trước đó cô có mở một trường mầm non nhỏ xíu ở nhà. Khi bước vào nghề, Trang không dắt lưng một mẩu kiến thức nào về phỏng vấn, điều tra, giật tít, theo đuổi nguồn tin hay lựa chọn lát cắt sự kiện….(những kỹ thuật cơ bản mà các phóng viên được nhét đầy đầu trong trường Báo Chí). Cô chỉ có một lòng háo hức kỳ lạ và độ liều lĩnh hiếm thấy. Những bài báo khởi nghiệp của Trang mà tôi nhớ, là “úp sọt” một cán bộ Quận Thanh Xuân ăn tiền của dân, và vạch mặt một vị Chánh Án ở Bắc Ninh tống tiền đương sự. Cả 2 bài báo đầu tay ấy Trang đều nhập vai dân đen đi “chạy trọt”, chỉ nghe rải băng những đối đáp với kẻ công quyền – đã là cả “tấn trò đời” với biết bao nhức nhối, nực cười và căm giận. Cái cách xuất hiện của Trang trong bài viết, như một thứ giấy thử làm nổi màu những nhân cách tha hóa, đã cho tôi một hình dung thú vị về con đường dấn thân của người làm điều tra thực thụ.

Ở bất cứ đâu, việc gì khó nhất – xa nhất – nguy hiểm nhất, thì Trang xung phong đi và làm. Có lần đi công tác về sau một trận lũ quét, Trang ngồi gõ bài mà run bần bật, mặt mũi tái ngắt đau đớn kích động và thất thần. Cô bảo, “em vừa dùng tay bới người chết. Những người trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, vậy mà khi em bới họ ra, tất cả đã bầm dập rồi…”. Có những phóng viên tác nghiệp phải là điều kiện “salon máy lạnh”, với Trang là những chuyến phi xe máy đường trường giữa đêm khuya, giấc ngủ thắc thỏm trên xe đò, hoặc bó gối ngồi qua ngày bên một vạt núi lở chờ thông đường. Trang lặn lội tới những xứ sở không có đường ô tô hiện diện, cô sẽ nhảy xuống bắt xe ôm đi tiếp. Và rồi, đến cả đường mòn cũng không còn, thì cô sẽ cuốc bộ đi xuyên qua từng quả núi hay vạt rừng, như một nhà thám hiểm quyết đi đến tận cùng nỗi đau khổ và oan ức ở những ốc đảo tăm tối tách biệt hẳn với văn minh. Dù ở nơi thâm sơn cùng cốc hay giữa lòng Hà Nội, Trang đã lần theo dấu những án oan, hoặc những vụ thảm sát cả gia đình để bắt cóc trẻ con đem bán, hoặc vạch mặt một thiếu gia con quan chức lộng hành như Cậu Giời, hoặc giải cứu những cô gái Miền Tây bị chuyển bán ra Bắc cho một động mại dâm, hoặc cứu mạng cuộc đời của một bé gái 4 tuổi bị gã bố nuôi bệnh hoạn tra tấn em hàng đêm như thời Trung Cổ…

Ngoài những kỹ năng của một cây điều tra viết điều tra lọc lõi, Trang thường bám theo linh cảm và sự ngang bướng của chính mình. Cùng tấm lòng biết phẫn nộ trước những điều khốn nạn và phi nhân đang ăn hiếp, lừa gạt, trục lợi trên những thân phận thấp cổ bé họng. Thực ra trong nghề báo cũng đâu ít người giữ được sự phẫn nộ ấy! Nhưng nếu phải đánh đổi an toàn của mình, hoặc quá vất vả cực nhọc, hoặc được đổi chác từ những thỏa thuận sinh lợi – thì nhiều người có thể chọn im lặng, và Sự Thật vĩnh viễn câm nín như một nấm mồ. Nhưng Trang thì khác, cô sẽ đi đến cùng những gì mình tin với lương tâm trong sạch và lòng trung thực. Bất chấp an nguy của chính mình, và không xao động trước mua chuộc.

Phía sau những bài báo của Thu Trang, đã có những số phận thay đổi hoàn toàn, những con người được cứu sống hoặc làm lại cuộc đời. Và ngay cả khi bài báo đã in xong, những câu chuyện kể trên mặt báo cứ sóng sau đè sóng trước, bạn đọc cũng đã quên – thì Trang vẫn chưa nỡ chia tay những nhân vật của mình. Vì họ khổ quá, nếu cô buông tay có thể họ sẽ phải quay lại nơi tăm tối mà cô vừa đưa họ ra. Nên Trang đành đi tiếp, như chị, như mẹ, như cha…để tìm cơ hội sống và học hành cho những đứa trẻ hoặc mồ côi, hoặc cha mẹ tù tội, hoặc thân thích còn lại của đứa trẻ ấy cũng đang tận khổ. Trang nghèo, nhưng cô hào hiệp và rộng lòng, ngay kể cả còn vài chục ngàn trong túi cũng sẵn lòng vét hết đưa cho nhân vật mình vừa phỏng vấn (để họ lo tạm ngày gạo và có gì đấy cho bọn trẻ ăn uống). Chẳng ai như cô, đi vào trại giam viết bài về tù nhân nữ. Mủi lòng vì họ nhớ thương con bơ vơ ngoài đời, sau đó cô tìm mọi cách để đưa những đứa con đi gặp mẹ. Rồi đi viết phóng sự về những đứa trẻ “mồ côi sống” (do cha mẹ đi tù, mất vì ma túy), sau đó “nặng nợ” đi xin học, lo học phí trang trải mấy năm cho đứa trẻ, lo xe cộ – nơi ăn chốn ở – tìm công việc để mấy chị em tạm nuôi nhau trong khi chờ mẹ ra tù. Trang viết blog, lập facebook – ở đó cô kể lại những thân phận khốn cùng mà cô gặp, những điều đau lòng và day dứt không nói hết được trong bất cứ bài báo nào. Và cô hỏi, có ai muốn cùng cô đỡ đần những thân phận ấy không? Trong suốt 8 năm qua, chỉ từ một ngôi nhà ảo của TỜ RANG (nick của cô trên mạng), đã có hàng tỉ đồng, hàng chục tấn gạo, mấy chục ngàn bộ quần áo ấm, biết bao sách vở và giày ủng…đã được thu gom và chuyển đến những em bé nghèo miền núi phía Bắc. Trên dưới trăm chuyến xe hàng cứu trợ ấy, Trang đều trực tiếp áp tải. Cô thu vén từ mua bán đồ, đóng gói, ngồi lên xe say khướt mấy trăm cây số đường núi một bên dốc cao một bên vực sâu. Rồi dỡ hàng chia tận từng đồn biên phòng, từng cụm bản, quần áo quà bánh cũng được trao tận tay từng đứa trẻ. Bao người hảo tâm suốt trong Nam ngoài Bắc, cả những Việt kiều đang sống ở nước ngoài, đều một mực tin rằng tấm lòng của họ sẽ được đưa đến tận tay những người thực sự cần, sẽ không thất thoát dù chỉ một hạt gạo. Vì Trang sẽ thay họ làm điều ấy. Tận tâm và trung thực – như cách cô đã sống và làm nghề.

Chỉ từ hồi đáp thương yêu từ cộng đồng, Trang và một nhóm bạn đã quyên góp xây dựng được khu nội trú tại huyện Điện Biên Đông- tỉnh Điện Biên. Mái ấm này đang nuôi dạy, chăm sóc khoảng gần 60 em nhỏ mồ côi và cơ nhỡ, cho các em học hành và tìm thấy gia đình mới của mình. Cứ rảnh, Trang lại chạy lên Điện Biên Đông, trồng cây trồng hoa ở sân chơi cho bọn trẻ, làm tủ sách, sửa sang những đồ đạc hỏng, mua con giống để Mái Ấm làm trại chăn nuôi cho lũ trẻ vừa được lao động, vừa có điều kiện cải thiện sinh hoạt hàng ngày. Ở đó, có những đứa trẻ gọi Trang là Mẹ.

Trang sống đầy và ôm đồm, cõng việc thiên hạ như một kẻ “thừa hơi”. Người thân của Trang có lúc tủi thân vì bị chia sẻ những chăm sóc đáng lẽ họ được hưởng trọn vẹn. Bạn bè nhiều khi khó chịu mắng mỏ cô, vừa xót xa vừa giận dỗi: “Cứ đi lo cho người khác, cái thân mình thì sao?”. Trang thường chẳng thanh minh gì, cũng không mảy may thay đổi những gì mình định làm. Cũng như cô chưa từng dừng lại khi có lời đe dọa vì cô nhúng mũi vào những khu vực điều tra nguy hiểm, “nếu làm tiếp, có thể sẽ không an toàn tính mạng”. Cũng như cô cách cô thanh thản đẩy trả những phong bì dầy cộp tiền mà “đương sự” mang đến để đổi lấy một sự im lặng. Trang, làm nghề trong sạch và “khùng điên”, bướng bỉnh cắm cúi đi hết con đường mình đã chọn, dù đầy gai sỏi.

Tờ Rang ở trên mạng có vẻ quảng giao và bặt thiệp. Nhưng ngoài đời Trang luôn kỳ cục. Cô thường âm thầm làm gì đó không ai biết, cách Trang bám theo một đề tài đang nung nấu luôn có kiểu căng thẳng của một con báo săn mồi. Tất cả mọi im lặng, tỏ ra ngơi nghỉ hay làm việc nọ việc kia, chỉ để che dấu nỗi bồn chồn khôn tả của kẻ theo dấu vết. Và cô sẽ không ngủ, quên chăm sóc bản thân, quên cả những người quanh mình, chạy xe hàng trăm cây số vào giữa đêm khuya, ăn sáng lúc 23h tối, ngủ gục vì kiệt sức trên bất cứ cái ghế nào tạm ngồi yên được hơn 10 phút…Trang cứ tàn phá mình như thế, cho đến khi có manh mối về Sự Thật. Những bài phóng sự của Trang luôn be bét lỗi ngữ pháp, cứ như ăm ắp sinh lực và ngồn ngộn chất liệu đời sống ấy là một mạch chảy tuôn trào từ bồn chồn của cô chạy thẳng ra bàn phím.

Văn phòng Hà Nội ít người, thỉnh thoảng chúng tôi phải chia nhau đi những việc ngoại giao của tòa soạn, riêng Trang được miễn nhiệm vụ lễ tân. Vì cô sẽ ngồi thộn ra, kiên quyết không mở mồm nói gì, hí hoáy nghịch điện thoại. Họa hoằn cô nói vài câu, thì nghe thường rất buồn cười và không liên quan đến buổi trò chuyện. Trang chỉ là chính mình, hớn hở, tinh khôn, đầy sức sống, bén sắc như dao – khi cô đi lên núi, lúc ngồi giữa bạn bè và người thân, khi tiếp xúc với tội phạm hoặc gặp gỡ những nạn nhân tìm cô cứu giúp. Ở vị trí phụ trách văn phòng, tôi cất giấu Trang như báu vật, và cũng như cất giấu một “cục dấm dớ” không tiện khoe khi có khách lịch sự tới nhà.

Có thể Trang may mắn khi có một tòa soạn “dung túng” và tôn trọng mọi bất kham của cô. Những gì cô dốc sức làm, báo Phụ Nữ sẽ dốc sức bảo vệ. Chúng tôi đặt lòng tin vào cô, ngay cả với những phác thảo đề tài mơ hồ và điên khùng nhất. Tôi có lần hỏi Trang, “em cứ làm như thế, vì dũng cảm hay điếc không sợ súng?”. Trang cười sảng khoái và dễ sợ như tiếng một cỗ máy nghiền đá, bảo: “Lúc đầu thì em dũng cảm thật. Làm xong, nhìn lại mới thấy mình liều như bị điếc!”.

Thật đáng yêu và lộn ruột biết bao, khi giữa những phóng viên ổn định như đàn ong chăm chỉ, thì “lòi ra” một chú bọ cánh cứng rực rỡ, nhiều sừng nhọn, điếc, thất thường và nhiều bí mật. Như Thu Trang- của- báo – Phụ – Nữ!

@@@: Tôi thích Trang với nụ cười như trong bức ảnh phía trên. Em thường cười như thế khi rất thanh thản. Hiền và mộc mạc, làm tôi thấy ấm và yên tâm lại mỗi khi lo lắng. Thì chúng ta chỉ có 1 vẻ mặt thật sự là mình, khi đối diện với những người thân yêu. Như khi Trang nhìn vào người bạn chụp cái ảnh này.