TÌNH SÁCH CŨ


 

Quỳnh Hương

     Những gian sách cũ khuất lấp và tồi tàn, chứa trong mình cả “kho báu”  mà các nhà sách hiện đại phải ghen tỵ.Chủ nhân là những  “dị nhân” yêu sách đến mức dành đời mình cho việc tầm sách quý. Đối với họ, sách là sinh mệnh, là những cuộc đời, họ sống với sách cũ bên ngoài lề thời cuộc. Giữa những giá sách ám màu thời gian với bụi mốc và mạng nhện, ta có thể gặp ở đó đôi ba người “lạc thời” – tinh hoa đang bị mất mát của giới trí giả thành thị. Họ tìm đến sách cũ như kết nối kỳ diệu để được trở về ký ức của “tình sách” thời đã xa.

  • Tình sách mê cuồng của người đạp xích lô

 

Café Sách nằm heo hút tít trên đê Nhật Tân (Hà Nội). Khách lặn lội đường xa tới tận đây hẳn chả ai vì uống nước. Họ đến để “đọc ké” những quyển sách quý của gia chủ. Nét vất vả của một đời nhọc nhằn vẫn còn hằn dấu trên gương mặt, với món tóc buộc đuôi ngựa – chủ café sách trông như một tay cựu cao bồi về hưu.

   Bản thân là người mê văn chương, nên tủ sách tư gia của ông Nguyễn Thế Thành chủ yếu là sách văn học. Ông Thành tự hào mình là người duy nhất có trọn bộ 42 tập của Tổng Tập Văn học VN lần xuất bản đầu tiên; Văn học Trung Hoa ông có đủ “Bát đại kỳ thư’ và cập nhật đủ sách của các tác giả đương đại Mạc Ngôn, Cao Hành Kiện, Khương Nhung.Văn học phương Tây ông có đủ bộ tác giả đoạt giải Nobel từng được xuất bản ở Việt Nam, bộ sách của Viễn Đông Bác Cổ…Giới chơi  sách cổ có truyền nhau rằng trong bộ sưu tập của ông Thành có những cuốn đặc biệt quý. Những “báu vật” này được ông Thành cẩn thận xếp riêng trong một tủ kính, khách quý lắm ông mới bỏ ra cho xem. Đó là “Vang Bóng Một Thời” của Nguyễn Tuân được nhà Đắc Lộ Thư Xã ấn hành năm 1945, chỉ in 100 bản đặc biệt trên giấy Đại La, bản của ông Thành đánh số 84; Hay hai bộ “Kim Vân Kiều” và “Chinh Phụ ngâm” in song ngữ với phần dịch và chú giải của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, do nhà xuất bản Alexandre de Rhodes ấn hành năm 1943; Bản “Cung oán ngâm khúc”, “Thúy Kiều thi tập’, “Tỳ bà hành”, “Nhị độ mai”….trên giấy bổi, khổ bằng bàn tay, in từ năm 1926; hay “Tản Đà vận văn” bản in trên giấy dó từ năm 1945, cầm cuốn sách trên tay nhẹ và xốp tựa cầm nắm bông….

  Cũng giống như một loại đồ cổ, sách càng có “niên đại” cũ thì càng quý, và còn quý hơn nếu trên sách có những thủ bút đặc biệt. Đời sách lưu lạc thế nào, mà khi đến tay ông Thành có những cuốn mang thủ bút khiến người ta xem chỉ còn biết kinh ngạc. Không “ngã ngửa người” sao được, khi thấy trong tủ sách ông Thành có cuốn “Đât lề quê thói- phong tục Việt Nam” do chính tác giả Nhất Thanh ghi đề tặng cụ Vương Hồng Sển, và cuốn Pháp Việt tân tự điển cụ Thanh Nghị đề tặng Bộ trưởng ngoại giao Xuân Thủy trước một cuộc đàm phán ở Paris, hay “Việt Nam bách khoa từ điển” của Đào Đăng Vỹ chủ biên có dấu son và thủ bút của cụ Băng Hồ kính tặng thủ tướng Phạm Văn Đồng….Chính ông Thành cũng lắc đầu chịu không biết đường phiêu lưu của những cuốn sách này: “do cơ duyên mà đến tay, thì từ giờ sách sẽ yên ấm ở lại bộ sưu tập gia đình tôi”.

     Nhìn ông Thành hàng ngày nhàn nhã đeo kính, pha ấm trà mạn ngồi đọc sách, ai cũng nghĩ hẳn xuất thân của chủ nhân café Sách phải từ giới văn chương chữ nghĩa. Nên lại ngã ngửa người kinh ngạc khi ông Thành thú nhận mình mới chỉ học hết…lớp 6: “Tôi sinh ra trong một gia đình giàu có ở làng cổ Nghi Tàm. Rồi nhà tôi thất thế, rơi vào cảnh cơ hàn, tôi phải nghỉ học để lo sinh kế. 15 tuổi tôi mồ côi cha mẹ, sống cầu bơ cầu bất, chỉ biết lấy việc đọc sách để tự dạy dỗ mình.”. Để sống, Thành đi chăn bò, bốc vác, ai thuê gì làm nấy, bán sức mình để sống. Rồi anh lấy vợ có con – vẫn nghèo đến tận cùng, anh đạp xích lô, bốc than ở bến phà Đen, đốt lò, phụ hồ kiếm từng đồng nuôi con. Mỗi tối về, kiệt sức, thân xác đau nhức, anh lại dọn mình để bước vào thế giới thanh khiết của những trang sách. “Nhờ sách tôi mới đủ sức trải qua những năm tháng tận khổ của đời mình”. Vì nương tựa vào sách, nên khi nghèo túng nhất Thành vẫn thắt lưng buộc bụng dành một khoản để mua sách, anh vẫn thường dấu vợ việc mình nhịn bữa để lấy tiền mua sách, đạp xích lô với cái bụng rỗng đói meo. Sách cũ bán đồng nát theo cân thường rẻ, anh đã bới lật hàng trăm gánh đồng nát để tìm những “tri kỷ tinh thần” của mình. Một đời lao dịch và gom góp, khi đến tuổi về chiều Nguyễn Thế Thành kiểm lại thấy mình đã đủ một gia sản. Chỉ toàn sách!

   Con trai đã lớn, gia cảnh không còn vất vả, đã có thể nghĩ tới chuyện đọc sách trong cảnh thư nhàn. Thế là 2006 Café Sách được mở, ở đây sách không cho thuê và bán, ai muốn đọc cứ đến, ngồi đọc cả ngày không gọi một cốc café, chỉ uống nước trắng miễn phí của ông chủ cũng được. Ông Thành nói:“ Tôi mở cafe Sách trước hết để đáp ứng nhu cầu tinh thần của gia đình mình. Chia sẻ với người khác những giá trị của việc đọc sách chỉ là một việc tử tế nhỏ nhoi, nhưng còn hơn mình không làm. Sách tốt, sách hay bo bo giữ riêng cho một người là khổ và hại phận sách. Tôi nhân số người đọc lên để đời sách khỏi phí”.

   Nhiều người sưu tập ngỏ mua các đầu sách quý của ông Thành, đều bị từ chối:“Tôi không bán sách, vì sợ chia tay với những “người bạn” của mình. Mỗi cuốn sách đều gắn với một kỷ niệm đắng cay gian khó của đời tôi”. Có lẽ 3 tập “Tuyển tập Vũ Bằng” được ông Thành nâng niu nhất. Một buổi trưa, mệt lả sau một cuốc xích lô, ông rẽ vào hiệu sách để “thư giãn”. Mắt sáng lên khi nhìn  thấy bộ sách Vũ Bằng, để rồi tiu nghỉu khi hỏi giá. Cả bộ gần 400.000đ, bằng 20 ngày công đạp xích lô của ông. Bộ sách ám ảnh ông trong cả giấc ngủ, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ nhỡ lúc mình đủ tiền người ta đã bán mất sách. 2 năm sau, một sáng ngủ dậy ông không tin vào mắt mình khi nhìn thấy 3 cuốn Vũ Bằng đặt ngay ngắn trên bàn. Hóa ra cậu con trai Nguyễn Thế Bách đã dành cả mùa hè đi bưng bê rửa bát cho hàng cháo trai, dành dụm mua tặng bố.

    Bách hưởng tình yêu sách từ bố, chàng kỹ sư này là thành viên chủ chốt của diễn đàn sachxua.net, cư dân mạng sưu tập sách quá quen với những tư vấn thân thiện và đầy am hiểu về sách cũ của Bách.  Ông Thành tự tin rằng phòng sách gia đình mình sẽ tồn tại bền lâu, “bởi tôi đã có Bách kế tục, con trai sẽ nối dài tình sách của tôi”.

  • Hiệu sách “máy chém” giữa phố nhà băng

 

  Mặt phố Bà Triệu tấc đất tấc vàng, chỉ cần hé răng nói muốn cho thuê chỗ, đầy ngân hàng với showroom nhảy vào tranh cướp. Nằm giữa “phố nhà băng”, tiệm sách cũ 180 vì vậy gần 30 năm nay bất đắc dĩ vào thế “khủng khỉnh” với tiền. Chủ nhân Lương Ngọc Dư là một tay “dị”: dáng hộ pháp, gắt gỏng như mắm tôm, bán sách nhưng mỗi ngày chỉ mở cửa hàng đúng 4 tiếng (sáng 10-12h; chiều 4-6h), ngoài giờ “hành chính” của ông chủ, khách có nì nèo cách mấy cũng đến nước tiu nghỉu đi về.

  Để được tiếp, khách đến mua sách cũ ở 180 Bà Triệu phải biết mình cần gì. Nếu chưa có “list” tìm mua trong đầu, đứng sớ rớ ngó nghiêng “xem có gì hay hay”, sẽ  nhanh chóng bị “tống tiễn”. Còn thẽ thọt “Tôi đang tìm quyển X, Y…”, ông Dư cũng chả nhẹ giọng hơn: “Đứng yên đấy! Chờ tôi lấy ra” (“yên đấy” nghĩa là cứ việc nhấp nhổm ngay dưới hè đường Bà Triệu mà ngó vào, chứ đừng tưởng bỏ sẽ bước được qua ngưỡng cửa, chạm vào gáy những quyển sách bày chất ngất trên giá). Và khi ông Dư phát giá thì hỡi ôi, cứ gọi là “cắt cổ”! Đắt hả, thích thì cứ việc trả giá- quyền của anh mà. Đương nhiên không bao giờ có chuyện bớt! (Trừ dăm trường hợp cực khôn trả giá “nhã” thế này: “Tôi thích cuốn này quá, mà trong túi chỉ còn đúng ngần này tiền, ông xem lại bớt chút được không?”). Giang hồ giới tầm sách gọi ông chủ 180 Bà Triệu bằng rất nhiều “ních nêm” (mà không có cái nào âu yếm ): Dư già, Dư máy chém, Dư ngông…”Chém” khách như đốn rạ, phục vụ phong cách mậu dịch bao cấp- vậy mà tiệm sách của ông Dư vẫn tồn tại phong độ tới 30 năm nay, lại còn là “địa chỉ văn hóa” theo chỉ dẫn của nhiều tạp chí- cẩm nang du lịch Tây viết về Hà Nội. Rồi lượng khách thâm thủy trung thành theo Dư “già” đến 3 thập kỷ, dù vật đổi sao rời từ bao cấp sang thị trường rồi lại hội nhập vê kép-tê-ô vẫn kiên quyết không bỏ Dư, dù bao tiệm sách mọc lên như nấm vẫy gọi…

  Thì đây, cái lý của ông Dư thế này: “Tôi chỉ thoáng nhìn cử chỉ người ta cầm sách, cách họ hỏi chuyện- tôi nhận ra chính xác họ có phải là người yêu sách, trọng sách hay không. Những người tìm đến tiệm sách này vì hiếu kỳ là tôi ghét nhất, khách ấy tôi không màng! Sách của tôi không có   loại rẻ tiền hay lá cải, tôi tự hào luôn xứng đáng là hiệu sách cũ của Hà Nội”.

  Ông Dư khởi nghiệp bán sách với vốn liếng là tủ sách gia đình. Kho sách vài trăm quyển ban đầu ấy được bổ sung hàng ngày, tới giờ đã gần 3 triệu đầu sách với xác suất trùng nhau rất ít, những quyển thiên hạ không biết tìm ở đâu thì họ sẽ đến hỏi ông Dư. Ngày xưa, để tầm sách ông Dư lặn lội về  các tỉnh heo hút, tìm đến từng tủ sách quý ẩn dật trong các tư gia. Đến giờ thì ông Dư đã gây dựng được hệ thống vệ tinh khắp nước, chỉ cần ngồi tại Bà Triệu nhấc điện thoại điều hành. Khách mua sách hiếm, nếu không có ngay tại cửa hàng sẽ nhận được lời hẹn của ông chủ, và từ lời hẹn miệng đó- “lệnh truy nã” đầu sách sẽ gửi khắp toàn quốc.

     Bước phiêu lưu của sách khó ngờ. Không ít người mua sách cũ ở tiệm ông Dư đã sướng ngất khi tìm thấy quyển sách được cha mẹ, người tình tặng cách đây hàng chục năm; thấy những hình vẽ nhăng cuội đánh dấu chủ quyền của chính mình khi còn là cậu nhóc tiểu học. Tại tiệm sách 180, có người đàn bà Pháp đã rưng rưng khi tìm được bức ảnh cha mình chụp các con tại trang trại gia đình trên một quyển tạp chí từ năm 1930.  Chính ông Dư cũng không ít lần bàng hoàng khi lọ mọ tìm sách ở một tỉnh lẻ, lại thấy quyển sách chính tay mình đã khâu dán, và từng bán đi. “Khi đó, cuốn sách là con đường trở về kỷ niệm. Tìm lại được ký ức là là món quà đôi khi may mắn ta được nhận trong thế giới sách cũ”- ông Dư trầm ngâm.

    Đời bán sách của ông Dư có nhiều chuyện day dứt. Thời bao cấp, không ít học giả nổi tiếng vì nghèo túng đã tìm đến ông Dư để trao gửi tủ sách quý. Ông Dư kể, “Có những lần nghe chủ nhân nói lời từ biệt sách mà tôi rớt nước mắt, đó là cuộc chia lìa đau đớn. Những trường hợp ấy, tôi chỉ biết lựa lời khuyên: Mua được tủ sách này tất nhiên cháu lãi lắm, nhưng bác nên giữ lại cho con cháu, bởi đời người chưa chắc có được tủ sách quý như vậy”. Ngay cả bây giờ, vẫn có những học giả tóc bạc da mồi tìm đến ông Dư dạm bán trước tủ sách: “Sách tôi rất quý, nhưng con tôi không theo nghề. Tôi chết không nỡ để sách ra giấy lộn. Thôi thì gửi anh, để đời sách còn có ích. Chỉ xin anh xóa sạch hộ mọi dấu tích riêng tư, có vậy tôi mới bớt đau…”. Sách quý lại có thủ bút của những người nổi tiếng sẽ tăng giá trị nhiều lần. Nhưng ông Dư luôn trung thành với lời hứa cùng các chủ nhân, hoặc ông giữ lại trong bộ sưu tập sách riêng của mình, hoặc xóa mọi vết tích của người đã nuốt ngược nước mắt trao sách cho ông.

  Sách cũ đến tay ông Dư trong tình trạng rời từng tờ, mất đầu hoặc mất cuối, thiếu trang…là chuyện bình thường. Việc “phục chế” bắt đầu từ ghép bù phần thiếu, khâu dán, đóng xén…Mỗi lần trả lại hồn vía tinh tươm cho một cuốn sách xộc xệch, ông Dư đều thấy xúc động khó tả. Đả phá chuyện chơi sách theo lối hình thức sáo rỗng, ông Dư nói: “Sách quý là người đọc biết sử dụng hiệu quả nó, biết biến những điều trong sách thành có việc có ích ngoài đời. Còn tầm sách cũ sách hiếm để “làm sang” phỏng có nghĩa gì, nếu chỉ để sách “chết” trên giá?”

  Bạn nặng lòng thật với sách, hay chỉ muốn chứng tỏ mình cũng “chữ nghĩa đầy người”? Chỉ cần đứng 3 phút dưới vỉa hè Bà Triệu, ngửa đầu nói chuyện với người đàn ông hộ pháp ngồi trên cái ghế gỗ bé tý, chặn trước tiệm sách cũ 180 như ông Từ giữ đền- ông ta sẽ nhanh chóng “phát giác” ra ngay!

 

Mỹ Linh: TRÁI TIM DẪN BẢO MỌI ĐIỀU

 

 

 

Quỳnh Lam (thực hiện)

 

     Gia đình Anh Quân – Mỹ Linh rời bỏ phố xá, ra ngoại thành ở để tận hưởng sống chậm và gần gụi thiên nhiên trong không gian khu vườn 13.000m2. Vứt bỏ những hư danh của showbiz ngoài cánh cổng, trong ngôi nhà tràn đầy ánh sáng trời và nồng nàn hoa cỏ- gia đình 5 người của họ an hòa trong niềm hạnh phúc rất đỗi bình dị. Mỹ Linh tự ví mình như góc bếp, như cái giường giữ ngôi nhà luôn ấm. Nhìn chị làm vườn, dọn nhà, nấu cơm, chăm chút chồng con như mọi người đàn bà tảo tần yêu thương – hẳn nhiên tôi tin lời chị “Thành tựu của đời tôi là các con, chứ không phải chuyện ca hát”.

  Và câu chuyện với chị về con cái, về vun vén nhà cửa, về cách yêu chồng là trải lòng của một người đàn bà mang tên Mỹ Linh, chứ không phải câu chuyện về một Diva.   

  

  • KHông thể có công thức cho hạnh phúc:

Khi kết hôn với nhạc sĩ Anh Quân, Mỹ Linh mới 23 tuổi: quá trẻ, đẹp rạng rỡ, vừa bắt đầu khẳng định vị trí ngôi sao số 1 của nhạc nhẹ. Lấy một người có con riêng, trong khi chị đầy “thế mạnh” – nhiều người lúc đó đã nghĩ chị dại. Còn mẹ chị, bà phản ứng thế nào trước lựa chọn hôn nhân của con gái mình?

+ Tôi luôn tin rằng để hai con người đến được với nhau, chia sẻ cuộc đời cùng nhau là do duyên phận. Tôi không lấy chồng theo tiêu chí vì giàu hay nổi tiếng. Chọn anh Anh Quân đơn giản bởi tôi yêu anh ấy, yêu âm nhạc của anh ấy, vì những vẻ đẹp trong anh mà tôi nhìn thấy và tin cậy. Một điều quan trọng nữa để thuyết phục: tôi thấy anh Anh Quân rất yêu Anna, mà một người đàn ông yêu con chắc chắn sẽ là người đàn ông tốt của gia đình. Còn mẹ tôi, bà nói: “Mẹ tin rằng người chí thú với con cái như Anh Quân sẽ không phải dạng người “mây gió”, cậu ấy sẽ tận tụy với gia đình. Đàn ông như thế lấy làm chồng tin tưởng được”. Sau này hôn nhân đã kiểm  chứng những linh cảm của tôi và mẹ là đúng.

-Hôn nhân của Mỹ Linh- Anh Quân đã được 12 năm, giai đoạn khó khăn nhất là khi nào? Anh chị đã trải qua những lúc “Bát xô đĩa vỡ” ấy để lại lành lặn bằng “bí kíp” gì?

– Thời gian sau khi mới kết hôn là giai đoạn cam go nhất. Cả hai còn đang nhìn nhau đầy mầu hồng, sống chung bỗng phát hiện “đối phương” cũng có nhiều tật xấu, xung đột về cá tính đến mức kinh hoàng. May là chúng tôi được sự vun đắp của gia đình và những người bạn  lớn tuổi, họ có trải nghiệm để chia sẻ với mình cách nhìn cuộc sống độ lượng và rộng rãi. Sau mỗi va chạm, bên bờ vực đổ vỡ, chúng tôi thấm thía hơn về nghệ thuật chung sống, sự nhường nhịn, biết ứng xử với “đối phương” thế nào cho phải. Hiểu rằng vợ chồng xung đột là tất nhiên, để yêu thương hơn chứ không phải để tan nát.

-So sánh này có thể khập khiễng: làm mẹ và làm vợ, cũng như việc hát ấy- ngoài bản năng tốt còn cần sự thông minh và kỹ thuật. Việc học để có “tuyệt kỹ” của người đàn bà giữ ngọn lửa ấm trong gia đình, Mỹ Linh đã qua trải nghiệm như thế nào?

+Đời sống hôn nhân rất phức tạp, không thể có công thức cho hạnh phúc, bởi mỗi chặng đường của đời người và của một  gia đình có những khó khăn khác nhau. Tôi luôn tin, để giữ gìn lửa ấm trong gia đình phu thê phải tương kính như tân, lúc nào cũng trân trọng giữ lễ với nhau, chứ không thể đã là vợ chồng thì đầu bù tóc rối, cư xử suồng sã cũng được. Những việc nghĩ đến nhau có khi rất đơn giản: mình phần mâm cơm ngon lành sạch sẽ khi chồng về muộn, mang đến cốc nước mát khi anh ấy mải làm… Còn tôi thỉnh thoảng “lịm người” vì những quan tâm nho nhỏ thế này: một sáng thức dậy thấy bên đầu giường đĩa CD của  ca sĩ mình đang thích. Vợ chồng tỏ bày tình yêu, có khi chỉ yên lặng thế.

  Cũng như học làm vợ, nuôi mỗi đứa con là một trải nghiệm khác nhau, không thể lấy ứng xử và kinh nghiệm của con lớn áp vào con bé, bởi mỗi em bé là một cá nhân khác biệt không lặp lại. Tôi nhận ra khi mình mong muốn và  thực sự yêu thương, trái tim khác dẫn bảo  mình làm được mọi điều.

-Hôn nhân đã dạy chị điều gì?

+Hôn nhân cho tôi hiểu rằng, trên đời không có ai là người hoàn hảo. Chỉ có một gia đình tốt đẹp khi những cá nhân không hoàn hảo tìm được cách hòa hợp với nhau. Hòa hợp chỉ có được khi sự thấu hiểu, cảm thông và hy sinh đến từ mỗi người. Tình yêu và tình thương giữa hai người bạn đời không thể đến một phía, nó là sự tương tác, nâng đỡ nhau. Sau hôn nhân, nhìn ra những mối quan hệ khác tôi có cách ứng xử độ lượng và rộng rãi hơn, không còn những đòi hỏi ích kỷ vô lý. Tôi và anh Anh Quân đều rất khó tính và kỹ lưỡng, chúng tôi cùng đòi hỏi “đối phương” phải chỉn chu và tốt hơn trong quá trình chung sống. Bản thân tôi được như ngày hôm nay là nhờ “áp lực” khó tính của chồng. Những cái chi ly trong đời sống hàng ngày thì tôi uốn các con, nhưng nếp nhà có được là do chồng tôi- anh ấy nghiêm khắc, là “rường cột” để 4 mẹ con nương tựa và răm rắp nghe theo.

  • Tôi nhìn cuộc đời qua đôi mắt các con

-Mỗi bậc bố mẹ đều có “tính xấu”,  người lớn có nên tiết lộ với con trẻ về “chân dung thực” của mình hay không?

+Tôi phản đối chuyện che dấu, con cái nên nhìn nhận bố mẹ đúng như con người  họ vốn có.  Không nên tô hồng mọi thứ để ngày nào đó con mình  phải thất vọng vì mọi chuyện không đẹp giống nó nghĩ. Tôi chọn cách cho con mình nhìn nhận mọi sự đa chiều, hay- dở; yêu- ghét đều có trong nhau như 2 mặt của đồng xu. Tôi bảo các  con, trong cuộc sống chỉ thể chọn cái ít xấu hơn, chứ không thể chọn được cái hoàn hảo.

– Chị có thấy yêu một đứa bé khi mình chưa làm mẹ dễ hơn khi mình phải dành tình yêu cho các con đẻ của mình?

+Điều này lại rất sai! Chỉ khi mình làm mẹ, mình mới yêu con trẻ được trọn vẹn. Tình yêu sau khi có con mới thật sự sâu sắc, thật là tình mẫu tử. Khi có con, tôi mới hiểu Anna thiệt thòi như thế nào khi thiếu hơi ấm của mẹ đẻ. Đặc biệt, khi sinh bé Mỹ Anh tôi mới biết với bé gái- người mẹ cần phải như thế nào, và đứa con cần gì ở mẹ. Nên sau khi có con, xu hướng tình cảm tự nhiên của tôi là muốn bù đắp thương yêu cho Anna.

Thường những cố gắng để mọi chuyện bình thường lại thành bất thường. Chị có phải tỏ ra công bằng với các con, trong khi lẽ thường bố mẹ hay thiên vị các con nhỏ hơn trong nhà?

+Đầu tiên thì cũng có “chỉ đạo” trong đầu là phải công bằng. Nhưng khi tình cảm đã đạt tới mức máu thịt, giản dị là phải yêu thương như thế- tự dưng mọi giữ kẽ sẽ biến mất. Tất nhiên ứng xử luôn cần sự tinh tế, trong hoàn cảnh của tôi càng khó khăn vô vàn. Tôi đã chọn cách dạy các con nghiêm khắc từ khi chúng rất bé, yêu không có nghĩa là được chiều chuộng vô lối, mắng không có nghĩa là ghét bỏ. Cũng có những lúc tôi mắng oan đứa nọ đứa kia, khi nhận ra mình sai tôi xin lỗi con ngay. Các con tôi hiểu vì lý do nào đấy mà có lúc mẹ bị quá, nhưng chúng luôn biết mẹ rất yêu chúng.

-Chị muốn 2 con gái mình trở thành người phụ nữ như thế nào?

+Nữ tính là điều đầu tiên. Chúng phải biết mình muốn gì và thực hiện điều mình muốn như thế nào. Đối với mỗi cá nhân, nhận thức là quan trọng nhất, khi biết điều đúng- người ta sẽ đi đường đúng. Tôi cũng dạy con phải biết thu vén, những gì có thể tiết kiệm được thì cần tiết kiệm. Tiết kiệm không phải cho mình, nhìn xuống những người khổ – mình hoang phí quá là có tội. Sống chia sẻ và biết ơn là điều vợ chồng tôi cố gắng hướng các cháu. Bởi nếu con mình là người ích kỷ thì chúng sẽ vô cùng bất hạnh, vì người ích kỷ đáng ghét lắm, không ai sống chung được. Ra đời đâu có ai yêu chúng vô điều kiện như bố mẹ, để bỏ qua tính ích kỷ khó chịu của chúng.

-Các em bé nhà chị hẳn sống trong nhung lụa và rất biết “quyền lực” của bố mẹ chúng?

+ Các con tôi trong sáng đến mức ngố, chúng chỉ biết bố là nhạc sĩ, mẹ là ca sĩ, chứ hoàn toàn không nghĩ bố mẹ mình là sao này sao nọ. Còn nhung lụa ư? Hoàn toàn không, đến tôi còn không nhung lụa nữa là. Tôi thường chia sẻ với các con những khó khăn của bố mẹ, như mọi gia đình khác. Vợ chồng tôi cố gắng cho con học mức tốt nhất, còn ăn mặc và sinh hoạt thì giản dị. Anna đã là thiếu nữ, mà chưa biết quan tâm đến quần áo đắt tiền, cần tiêu gì mới rụt rè xin mẹ vài trăm ngàn. Mỹ Anh thì thấy việc mình mặc thừa đồ của chị là hết sức bình thường.

 –Với điều kiện kinh tế của anh chị, có nhất thiết phải “sắt đá” với bọn trẻ đến mức ấy?

+Chính Anna có lần hỏi tôi “Nhà mình có cần phải khó đến mức đó không mẹ?”. Nhưng tôi muốn các con phải biết quý trọng đồng tiền lao động của bố mẹ và biết được giá trị thực của đời sống. Để trẻ con nghĩ vật chất là niềm vui thì chết. Một đứa trẻ được đáp ứng hết mọi yêu cầu, luôn đầy đủ, chưa kịp thèm đã được bố mẹ dâng tặng, chưa kịp đói đã có người cho ăn…. Chúng sẽ bị rơi vào một bất hạnh khác: bất hạnh của người không biết đến thiếu thốn. Tôi nhớ hồi bé, tôi chờ đợi cả năm để được may một chiếc quần mới, khi có chiếc quần tôi đã hạnh phúc đến hàng tháng. Ngược lại, nếu hồi bé tôi nhiều quần áo không kể xiết, chắc chắn tôi sẽ không có niềm vui sướng khi được mặc quần áo mới. Cuộc sống phải có thiếu thốn để biết ước mơ, và để  được cảm giác hạnh phúc khi ta đạt tới ước mơ của mình. Khi bố mẹ chỉ tìm cách đáp ứng hết mọi nhu cầu của trẻ, cũng là bố mẹ đã tước đoạt đi niềm vui được nhận, được thèm thuồng và ước mơ của đứa bé. Vì thế, vợ chồng tôi đã đồng lòng trong quyết định: không bao giờ cho con điều gì dễ dàng.

-Anna, Anh Duy, Mỹ Anh hoàn toàn đủ điều kiện để trở thành “em bé của showbiz”. Xét góc độ nào đó thì hình ảnh “em bé showbiz” rất lợi hại trong việc PR cho bố mẹ, và không ít nghệ sĩ đã dùng chiêu này để làm nóng tên tuổi. Còn chị thì lại quyết định “rào dậu”  con thật kỹ để chúng là những đứa trẻ bình thường?

+Tôi sống trong môi trường showbiz, nên hiểu sự kinh khủng của dư luận- nó có thể nâng người ta lên, và cũng có thể vùi xuống bùn đen người ta được. Khi con tôi chưa đủ sức tự vệ, chắc chắn tôi chưa cho xuất hiện. Dấn thân sớm vào showbiz tội nghiệp lắm, hay ho gì đâu. Những em bé bị quan tâm quá sớm, sống trong hào quang ảo tưởng quá sớm rất nguy hiểm. Không biết mình là ai đã là điều đáng sợ, nhưng tưởng mình là ai còn đáng sợ hơn.

-Làm mẹ cho chị điều gì?

+Người phụ nữ sung sướng hơn đàn ông là họ được làm mẹ. Được mang thai, được đau đẻ, được chứng kiến con mình lớn lên từng ngày- đó là hạnh phúc ông Trời tặng riêng cho người đàn bà.  Khi có con, nhân sinh quan với cả thế giới thay đổi- tôi nhìn cuộc đời qua đôi mắt các con. Vì thế tôi được thấy đời sống đẹp hơn, đáng tin hơn. Từ hạnh phúc của các con mình, tôi nhìn xuống thiếu thốn của những em bé khác để sống rộng lượng và có trách nhiệm.

Tự sự người trồng cải


Quỳnh Tun

Hồi này báo mạng “nở” nhiều quá, trên nguoiduatin.vn vẫn còn cái title to tổ chảng đây: “trang tin phọt phẹt cũng biến thành thời báo”. Nhưng sếp tự tin lắm.  “Ăn thua nhau là ở mánh câu “viu”, không có Sốc- Sex- Sến thì vứt! Đừng có mong làm báo thời buổi này”. Sếp quyết luôn rồi, từ giờ, nhuận bút sẽ tính theo mức page view. Thôi thì, bao nhiêu ảo vọng về “quyền lực thứ 4”- như trong trường các thầy cô (không bao giờ làm báo) dạy mình, giờ quyết xếp lại. Mình đi trồng cải cho lành!

     Cướp- giết- hiếp, tips bán báo của mấy tờ an ninh trật tự giờ cũng không ăn thua. “Độc chiêu” đến mức cắt nhỏ người yêu ra để phi tang như Nguyễn Đức Nghĩa, rồi cũng im ắng. Nhưng mình chẳng hoảng loạn gì, công thức ăn khách ở đây: Google Trends chỉ ra rằng, suốt từ 2007 tới 2010- Việt Nam luôn dần đầu về số lượt người tìm kiếm từ khóa về “sex”. Vậy thì cứ liên quan đến vòng 1 nảy lửa, lộ hàng táo bạo…là mình táng! Gì chứ chuyện vặn vẹo nặn ra những “tai tồ” mang đầy ám ảnh tính dục là mình cực siêu.

  Mình bắt đầu rất hào hứng: “Elly Trần lộ ngực khủng thu hút mọi ánh nhìn”, kích động hơn tí nữa  thì: “Top ngực trần phổng phao nhất làng sao Việt”. Èo ôi! Lượt “viu” trang văn hóa tăng vọt (tại sao thư ký tòa soạn lại xếp ngực khủng vào mục văn hóa thì mình chịu!).  Nhưng mà chán là, cả làng trồng cải cũng nghĩ giống mình, lại cáu điên vì cứ gặp phải những phiên bản “ép-phê” hơn: “Thiên thần đồ lót thiêu đốt mọi ánh nhìn”, rồi “Siêu ngực trần Hằng Nguyễn dội bom nội y sexy” (à hà, “siêu ngực trần”- danh hiệu mới của làng mẫu xứ Việt mình), “Lý Nhã Kỳ mang ngực khủng thách thức sóng biển”… Thôi, thế này mình đành phải “tăng liều”, chế ra những cái title vật vã hơn nữa, “sex, sex, sex hơn nữa” như lời cô diễn viên Thanh Thúy thổ lộ trong show đầu tiên của “Bước nhảy hoàn vũ”. Đây rồi, “Quang Hòa hì hục cởi váy Hồ Quỳnh Hương”, “Mát mắt ngắm bồ Quang Hải oằn mình khoe dáng với bikini”. TRời, đến cái này mới là bá cháy: “Ca sĩ Hoàng Nam bơ phờ vì bị “gay” quất”; “Lương Mạnh Hải hứa hẹn bùng nổ của một thằng điếm”. Người nổi tiếng + đồng tính +sex, công thức này độc giả không click chuột thì mình thề mình đi đầu xuống đất!

Ôi mình nghiện mất rồi, mình không dừng lại được, mình chỉ có thể tăng liều. Đối với mình, giờ đây trồng cải là một sự nghiệp đầy đam mê. Đang “phê như con tê tê” thì sếp thông báo: “Ngày hội bầu cử toàn dân, chúng ta tuy là báo mạng nhưng cũng có lúc trách nhiệm với xã hội. Vì vậy, đề nghị ban Giải Hóa tạm dừng lộ hàng và bức tử vòng 1, ban Sự Xã tạm dừng 10 cách lên đỉnh và ân hận khi quyến rũ em chồng, hai ban này phối hợp tập trung đưa tin về sự kiện lớn. Nhưng các bạn luôn phải nhớ, tin tức là nhất thời, page view mới là mãi mãi!”.  Bọn mình là những người trồng cải nghiêm túc, nên bọn mình trầm tư giật title: “Võ sư bị đánh hân hoan đi bầu cử”; “Lý Nhã Kỳ tay trong tay đi bỏ phiếu cùng trai lạ”, “Người đàn ông 5 năm liệt giường thực hiện quyền công dân- một người khỏe hai người vui!”.

Mình yêu nghề lắm, vì nghề mình quyết trẻ không tha già không thương. 2 tuổi rưỡi à, đừng thoát: “Con gái Trương Ngọc Ánh lộ quần chíp”. Người thiên cổ tận Trung Quốc à, chết với mình: “Ai đẩy ái phi (triều Thanh) xuống giếng?”, “Vua tôi nước Sở lao đao vì “nữ thần tình dục”, “Kết thúc có hậu của người đàn bà hoang dâm”. Ngay cả trùm khủng bố mình cũng không ngán nhé: “Bin Laden là cỗ máy tình dục”. Hê hê!

   Mình thấy một chân lý, không ai là không có thể trở thành nghệ sĩ, chỉ có người được báo cải để ý đến hay không thôi. Nên có một diva uất ức vì hơn 20 năm trời ca hát không lại với 1 phen “truổng cời” bảo vệ môi trường, đã cất lời ghen tỵ nói rằng: tôi nhận thấy bây giờ tự xưng là nghệ sĩ hay người nổi tiếng dễ quá, chỉ cần chụp ảnh mát mẻ và lên báo phát ngôn gây sốc! Chị nói đúng như chưa đủ, cần phải mở rộng nhãn quan để thấy vẫn còn dạng trở thành nghệ sĩ bằng những cách hiệu quả khác, ví dụ như lộ clip sex( hoặc chí ít cũng phải lộ quần chíp) chẳng hạn. Mình cũng nhận ra, có những người, riêng tên của họ đã đủ là yếu tố gây đê mê. Mình rất ngưỡng mộ độ hot của ca sĩ “Giấc mơ tuyết trắng’, mình sáng tạo của một chùm title cho cô ấy đây: “Thủy Tiên lộ ngực khủng dưới nội y ướt át”, “Bồ Công Vinh mang ngực khủng đánh chiếm sàn diễn”, “Thu Minh hào hứng gợi tình, Thủy Tiên sexy gợi cảm”, và quả này mới thật đắt: “Tuyết lê mỹ miều nhảy sexy cùng Thủy Tiên”.

Nhưng mình khó chịu rồi, bọn độc giả như vi trùng kháng thuốc, có “giật tưng” cỡ mấy cũng thành nhàm sau vài ngày. Bọn trồng cải đồng nghiệp thì hiếu view, trơ trẽn hết nói, cứ liên tục mở những cuộc đua “tai tồ bệnh hoạn và ngớ ngẩn nhất”. Cái gì cũng có giới hạn của nó. Mỗi sáng up bài, mình lại đau hết cả đầu. Ôi ôi, mình tuyệt vọng rồi. Phải tăng liều đến cỡ nào đây?! “Ngọc Quyên dùng cặp tuyết lê nâng niu thần tượng Park Jisung?” hay “Ngứa ngáy, Tiến Đoàn tụt xiêm y chụp nude”, hay “Kiều Trinh thưởng nửa tỉ cho ai phát hiện ngực giả”, hay “Hồng Mỹ 10A8 (ai vậy ta?) ngủ nude- dậy đua xe”…Nếu mình nối thêm title với mệnh đề “thu hút mọi ánh nhìn dâm loạn”- không biết độc giả cải yêu dấu của mình liệu đã tạm hài lòng chăng?

(Bài chào mừng ngày thành lập Hiệp hội trồng cải VN 21.6.2011)

***Những title trong bài, xin phép mượn của Phunutoday.vn, Vietnamnet.vn, Giaoduc.net.vn, nguoiduatin.vn, Bee.net, Danviet.vn.

Ca sĩ Thanh Lam: ĐƯỢC MÙ QUÁNG TRONG TÌNH YÊU LÀ ĐIỀU THI VỊ

 

*Cũng như hát- tôi sống và yêu đều hết lòng tận tụy

 

Hơn 10 năm chung đường với nhạc sĩ Quốc Trung, hình như chị toàn là người gây áp lực? Chị “nóng” như thế, ai cũng nói rằng may mà có Quốc Trung “cầm cương”…

–         Tôi lại mê áp lực, cuộc sống có áp lực nó làm mình hưng phấn và sinh động lắm. Cho dù áp lực kiểu gì, thì vẫn đẩy mình tiến về phía trước. Đúng là công chúng vẫn thích nhất  những sản phẩm của Thanh Lam làm với Quốc Trung. Có lẽ vì Quốc Trung tương đối  mềm mại, độ nhiệt của tôi thì mạnh. Khi mình gặp “đối trọng” để cân bằng sẽ tạo ra hiệu ứng dễ phù hợp với khán thính giả.

–         Trong thời điểm thăng hoa nhất của cặp đôi Thanh Lam- Quốc Trung, anh ấy đã đốt được hết nhiệt của chị chưa?

–         Chưa, phí lắm! Trong thâm tâm tôi vẫn rất tiếc vì đó là thời gian hoài bão và sức trẻ của mình mãnh liệt nhất, vậy mà mình không được làm nhiều.

–         Chị không đủ áp lực để tạo ra một thay đổi ư?

–         Ý thức phải từ cá nhân của mỗi người, và quan trọng là do nhu cầu của anh ấy. Có thể lúc ấy chưa phải là nhu cầu thúc bách của anh Trung. Tôi chỉ là yếu tố khích lệ, mình tôi không thể làm được gì.

–         Vậy tôi muốn hỏi ngược lại, chị đã đào được hết “quặng” của Quốc Trung chưa? Ở thời điểm chị có thể tận dụng được sự gần gũi đến cật ruột của tình vợ chồng?

–         Điều này trong mối tương tác hai bên tôi vẫn chưa làm được. Tôi hi vọng sẽ là người khác, vì “mỏ” của anh Trung còn trữ lượng nhiều lắm. Nhưng cái đấy lại rất cần sự khao khát từ chính anh ấy. Tôi nghĩ rằng mình đã làm hết cái khả năng để có thể tương tác với người bạn đồng nghiệp của mình, nhưng lại không được như mình mong muốn, thì tôi hiểu ra rằng: muốn khai phá tới tận cùng năng lượng sáng tạo của ai đó, thì điều kiện tiên quyết phải là nhu cầu mãnh liệt tự thân của họ. Nhưng thời điểm rất quan trọng, có thể vào thời điểm đấy cái khao khát như thế  ở anh Quốc Trung chưa có?

–         Đó là trong mối tương tác giữa hai cộng sự, còn trong mối quan hệ vợ chồng, chị chủ động ở vai “phá” hay “vun”?

–          Cũng như hát- tôi sống và yêu đều hết lòng tận tụy. Tôi đã làm hết khả năng của mình, trong bất cứ trường hợp nào. Còn định đoạt của số phận là do ông Trời. Ngày xưa tôi hay buồn vì gặp phải nhiều sóng gió. Cực kỳ buồn và sợ, cảm giác chao đảo như cánh diều trong gió. Nhưng khoảng 3 năm nay, tôi mới thấy mình không được sợ mà phải đối diện với nó. Giống như 1 cơn bão, kiểu gì cũng sẽ ập tới, có sợ cũng không tránh được, tốt nhất là chủ động đối diện, như vậy sẽ vững vàng và bình tĩnh hơn trước mọi biến cố không mong đợi.

 – Manh nha chuyện tan vỡ  của anh chị đã bắt đầu như thế nào?

Tôi mắc bệnh trầm cảm khi mang bầu, về sau này tôi đọc sách mới biết. 3 năm liền tôi sinh 2 đứa con. Khi có bầu tôi bị mắc chứng cứ khóc suốt, khóc cho đến lúc đi đẻ, đẻ xong khóc tiếp 1 năm nữa. Lúc đó buồn lắm mà không hiểu tại sao, chỉ thấy cuộc sống của mình bế tắc như vực thẳm. Do không biết mình bị bệnh, thành ra tôi  càng bi quan về cuộc sống. Tất nhiên phải có nguyên nhân và cốt lõi của tan vỡ, nhưng lúc ấy vì mình bệnh nên mọi bi kịch bị phình to hơn so với thực tế.  Vốn là người có nội tâm cô độc. Khi mình có thai, sự cô độc ấy bị gấp lên nhiều lần, đấy là 1 biến động rất lớn trong cuộc sống. Anh Trung là con một nên bản thân anh ấy cũng không quen chia sẻ, tôi thấy mình càng bơ vơ. Cũng có thể  lúc đấy chúng tôi hiểu biết hơn để có thể bên cạnh nhau, vượt qua khủng hoảng một cách văn minh thì cuộc sống không xoay chuyển như thế. Nhưng cho đến bây giờ nhìn lại, tôi cũng không tiếc gì về chuyện chia tay, nếu có cái tiếc nhất là các con mình không có 1 cuộc sống bình thường như mọi em bé khác.

*Tôi với Quốc Trung- nếu còn lưu luyến là rất dở!

 

-Quốc Trung và Thanh Lam có ứng xử rất đáng nể sau tan vỡ, đó là không bao giờ nói xấu nhau trên báo như thói thường của các cặp sao Việt. Vì 2 người khéo, hay do (cựu) bạn đời không có gì để phàn nàn?

+Cho dù thế nào đi nữa, 1 ngày cũng nên nghĩa vợ chồng. Chúng tôi không có quan điểm đồng nhất nên chia tay, chứ không có nghĩa là hận thù. Hơn nữa, đời sống riêng tư đối với cả hai chúng tôi là rất thiêng liêng, không thể rẻ rúng nó làm chiêu thức PR để người ta nhắc nhớ đến mình. Tôi nghĩ sự nhân văn của người làm cha mẹ luôn lớn hơn  mọi hờn oán hẹp hòi. Nếu đặt mục đích là hãy làm tất cả những điều tốt đẹp nhất cho con,  thì tôi tin rằng ứng xử văn minh như tôi và Quốc Trung là chuyện bình thường.

–         Nhắc lại câu chuyện đã lâu rồi, vợ chồng chị chia tay khi con út mới 2 tuổi. Chị đã để cả 2 con cho chồng, nhiều người đã thầm trách chị sao nhẫn tâm, con còn non nớt thế mà không nuôi….

–         Nuôi con có nhiều cách khác nhau, ai dám nói tôi không nuôi con?! Bố mẹ đã tan vỡ, nếu chị em chúng bị chia cắt nữa thì quá đau đớn, nên chúng tôi quyết định không chia con, để các con ở với bố và ông bà nội, khi tôi hay phải đi diễn không ở ổn định được với chúng hàng ngày. Tôi muốn con phải được sống 1 cuộc sống tiện lợi và hạnh phúc nhất, mà không cần quan tâm người ta nghĩ gì về mình, vì cái giá mình trả là cảm nhận cụ thể của chính mình. Tôi tin vào những việc mình làm, anh Trung cũng đã nói rằng “sự hi sinh của Lam là quá lớn”. Những người gần gũi bên cạnh mình hiểu mình thế là được rồi.Tôi không quan tâm đến áp lực: mình làm như thế liệu người khác nghĩ gì về mình? Những gì tôi làm phải là tốt nhất cho con.  Điều mà hầu hết mọi người cần ở Thanh Lam đó là nghệ thuật, còn đời sống riêng tư của mình tôi không có nhu cầu thanh minh.

–         Tôi vẫn nhớ có lần chị đã chia sẻ, có quá nhiều thêu dệt thi phi không thể kiểm soát được trong cuộc sống của chị. Nhưng hàng ngày các con chị vẫn phải đọc những bài báo ác nghiệt như Thanh Lam bị đánh ghen, hay các nghi án tình cảm nọ kia, rồi chuyện công chúng nổi giận vì chị chê “diva thứ 5” của họ…Chị làm cách nào để tự vệ tâm hồn cho các con?

–         Con trai út của tôi có hôm về nhà con kể rằng, bạn con chửi con rằng ai cho mẹ mày dám chê thần tượng của tao. Tôi hỏi, tại sao con không kháng cự lại nó, thằng bé bảo: thôi kệ! Hoặc đứa con gái có lần đi học về tím bầm ở má. Nó đánh nhau. Do đứa bạn bảo “mẹ mày hết thời rồi, tao không thèm nghe mẹ mày nữa”…Những chuyện như thế đến, tôi chỉ thương con, vì sự nghiệp của mình đã ảnh hưởng cụ thể tới đời sống của trẻ con. Còn những việc lớn hơn liên quan đến danh dự, thì các con tôi rất hiểu mẹ, yêu mẹ, và luôn tin mẹ mình đúng. Cái đó không cần dạy, mà tự trong suy nghĩ của đứa trẻ đã có sẵn. Tự biết cuộc sống của mình thực sự thế nào mới là điều quan trọng, những xì xào ngoài cửa không làm động lòng chúng tôi.

Quốc Trung- Thanh Lam đã tái hợp trong nghệ thuật, liệu có thể hy vọng một kết cục đoàn viên cũng xảy ra ngoài đời? Các con hẳn rất mong muốn bố mẹ quay lại với nhau?

-Chúng tôi làm được điều này: cho các con đối diện với đời sống thực của nó. May là các con  hiểu và tôn trọng cuộc sống của bố mẹ. Chưa bao giờ chúng tạo áp lực để bọn tôi phải khổ tâm và dằn vặt vì không thể quay về sống với nhau. Thực ra, quay lại của tôi và Quốc Trung quan trọng nhất là trong nghệ thuật, giờ chúng tôi là hai người bạn nghề, bên cạnh những gắn bó chung của một cặp bố mẹ. Rất may là Quốc Trung có  cuộc sống bình yên trong tình yêu của anh ấy và tôi cũng có sự bình yên trong hạnh phúc riêng của mình. Chính nhờ điều đó mới có sự văn minh để cộng tác với nhau trong công việc. Bởi nếu mình vẫn bị lưu luyến thì rất dở.  Đối với người nghệ sĩ, tình yêu rất quan trọng bởi vì nó mang lại cho người ta cảm giác bình yên. Chính vì vậy mà tôi nhận ra, 2 người cộng sự có giao cảm với nhau trong nghệ thuật hay hơn là có tình ý. Tôi nhận ra không nên yêu người làm nghệ thuật, mình đã yếu đuối rồi thì cần người vững vàng, họ nên khác hẳn mình đi, để  nỗi buồn của mình không kéo cả hai xuống vực thẳm. niềm vui của mình không làm cả hai “nổ tung”. Có người cân bằng cho mình, để mình giữ lại được những góc khuất riêng- tình yêu sẽ hay hơn.

–         Ở những thời điểm chị có cộng sự rất là tốt hay đang trong trạng thái được yêu, dường như chị vẫn không thoát khỏi sự cô đơn của bản thân mình?

–         Với người nghệ sĩ thì khoảng vực thẳm của tâm hồn mình rất quan trọng. Tôi vẫn nghĩ rằng người nghệ sĩ bắt buộc phải có cuộc sống cô độc. Cái cô độc này vô hình, nó như cái nghiệp tạo nên khao khát để mình sáng tạo. Thực ra tôi rất ít bạn và cũng là người tương đối cao ngạo. Tôi không có những đám bạn xô bồ, còn tất nhiên mình là người công chúng thì vẫn phải giao tiếp, xuất hiện ở những nơi hội hè, đó là cái kết nối bắt buộc.

*Tôi lo sợ và hoảng loạn  nhất là những chuyện liên quan đến con

–         Chị có biết nhiều ca sĩ đàn em nói rằng họ rất ngưỡng mộ Thanh Lam ở chuyện vun vén nhà cửa chu toàn, nấu ăn ngon, có thẩm mỹ trong thu xếp cuộc sống?

–          Đối với tôi, hát là cái sẵn có trong máu, ngoài ra tất cả những thứ mình có trong cuộc sống đều phải nỗ lực học, kể cả nỗ lực để trở thành người bình thường. Khi đóng màn sân khấu lại, về gia đình tôi vẫn là phụ nữ bình thường, chứ không bao giờ mang đời sống sân khấu để sống với người thân hay bạn bè mình. Tôi vẫn dạy con gái, là phụ nữ phải biết quán xuyến gia đình, phải biết làm thế nào để tổ chức được một cuộc sống thật văn minh. Nói vậy nhưng tôi vẫn khó tránh khỏi cái lơ đễnh, vì trong mình có con người nghệ sĩ mà.

Chị yêu khôn hay dại? Chị vừa nói đến sự bình yên, nó đem lại giá trị thế nào cho cuộc sống của chị? Và điều gì làm nên bình yên – với Thanh Lam?

Tôi nghĩ được mù quáng trong tình yêu là một điều thi vị, nếu yêu không mù quáng thì bạn chưa yêu thật lòng. Tôi chỉ có thể hát hay khi mà cuộc sống của mình bình yên. Hồi xưa, cái bình yên ấy, tôi kỳ vọng hết vào đàn ông. Người ta vui thì mình vui, người ta buồn thì mình buồn. Đàn ông nào yêu tôi đều rất sướng vì tôi “thấm” tinh thần của họ trọn vẹn. Lệ thuộc vào tinh thần là người ta đã khống chế hết mình rồi còn gì. Đó chính là yếu điểm của tôi. Gần đây thì tôi cân bằng được cảm xúc của mình, mình phải tự tìm thấy bình yên tại ngoại trong cuộc sống đơn lẻ nơi mình.

Hình như, chị chẳng bao giờ hoang mang về mình?

Tôi chỉ có đắn đo xem mình có nên làm việc này hay việc kia. Còn hoang mang thì không! Tôi chỉ hoang mang trong tình yêu thôi, bởi yêu mà không có hoang mang là vứt đi, phải có tí hoang mang mới hay…

–         Vậy việc làm mẹ có giúp cho mình ý thức phải sống cân bằng để giữ sự ổn định cho bọn trẻ?

–         Tôi chỉ trở thành đàn bà  đích thực khi sinh con. Tôi nghĩ rằng, cái đau đẻ của người phụ nữ là 1 cú hích, nó biến chuyển nhãn quan của mình về cuộc sống. Chưa có con, người ta xinh hơn mình, giỏi hơn mình 1 tí mình cũng chạnh lòng. Nhưng khi mình làm mẹ thì thế giới của mình mở ra rất nhiều. Việc sinh tồn ông trời cho mình vô thức là cái cửa mở rất quan trọng để nhìn nhận của mình về cuộc sống nhân ái hơn rất nhiều.

Chị nói cuộc sống của mình nhiều thăng trầm, nhưng thực tế đôi khi chính sự thăng trầm ấy lại mang đến sinh động và gia vị cho cuộc sống của chúng ta. Chị muốn con mình sẽ có một đời sống nhiều màu sắc hay bình ổn, muốn chúng ảnh hưởng tính cách từ bố hay mẹ?

Mình có tài mình mù quáng được, vì mình có thể bươn trải sóng gió, nhưng con không được  như mình mà bị chịu thử thách thì rất nguy hiểm. Tôi vẫn dạy cô con gái đầu: những sóng gió mẹ có thể vượt qua được, nhưng con là người phụ nữ bình thường, con phải nhìn vào những lơ đễnh của mẹ mà tránh.  Tôi sợ nhất con gái bị mù quáng giống mẹ! Lắm lúc tôi vẫn lạy trời những thử thách mình đã gánh chịu rồi, mong rằng các con sẽ được bình yên. Là người đàn bà, có đời sống bình thường vẫn là sướng nhất. Bản thân tôi sóng gió không phải cái mình cố tình mà do số phận. Tôi vẫn cầu mong các con có sự minh mẫn khôn ngoan của bố, để vững vàng lựa chọn cuộc sống an toàn hơn, và chúng ảnh hưởng tôi ở hoài bão sống. Nhưng thực tế là cả 2 con gái tôi đều giống mẹ, rất mong manh và lãng mạn, giống cả tính lơ đễnh. Trên đời này, điều có thể khiến tôi lo sợ và hoảng loạn  nhất là những chuyện liên quan đến con, bởi vì mình không thể khống chế con, không xếp đặt cuộc sống cho chúng được Mình chỉ có thể ảnh hưởng đến con, ngồi đó mà mong muốn chúng sẽ thế nọ thế kia thôi, chứ không thể cấm đoán con sống theo cách chúng lựa chọn.

Nghệ sĩ Piano Trinh Hương: NGƯỜI ƯA ĐỨNG CHỖ KHUẤT

Quỳnh Hương (thực hiện)

 

     Nghệ sĩ piano Trinh Hương có vẻ hấp dẫn khó cưỡng của một phụ nữ duyên dáng và tự chủ. Cuộc hôn nhân với cây violin thần đồng Bùi Công Duy đã khiến mái nhà nhỏ của họ “ôm” tới 2 tài danh của âm nhạc cổ điển nước nhà. Khước từ những lời mời từ các giàn nhạc lớn, đôi uyên ương này về trở về quê hương để làm việc. Trong khi Duy đứng vị trí solist trong Giàn nhạc giao hưởng Việt Nam, thì Hương bằng lòng với vị trí khá tĩnh lặng: giảng viên piano của Nhạc viện Hà Nội.

 

   Tôi muốn là một phụ nữ hạnh phúc!

-Vợ chồng chị về nước đã hơn 2 năm, công chúng mới thấy những buổi biểu diễn của Bùi Công Duy, còn Trinh Hương vẫn im ắng. Có cảm giác là hình như nghệ sĩ piano Trinh Hương “yên phận” khi đã làm vợ?

+Tôi quan niệm trong nhà chỉ nên có một người của công chúng thôi, vì Duy có cơ hội biểu diễn nên tôi lùi lại. Với lại ở Việt Nam khán giả của âm nhạc cổ điển chưa có nhiều, tôi thấy mình phù hợp với công việc giảng dạy hơn là nghệ sĩ biểu diễn. Nói là yên phận cũng có phần nào đúng, vì tôi thấy thoải mái hơn khi mình ở chỗ khuất.

-Về nước là quyết định của ai? Để được trở lại Việt Nam- mảnh đất mà cả hai người đều yêu dấu, thì Duy và Hương phải đánh đổi  gì?

+ Trong 16 năm học ở Nga, ý nghĩ mình phải trở về Việt Nam luôn thường trực trong tôi. Chúng tôi định để Duy làm với các giàn nhạc quốc tế một thời gian để đủ trải nghiệm rồi sẽ về nước. Nhưng những vị trí Duy thích, quốc tịch Việt Nam lại ảnh hưởng. Để được làm việc phải đổi quốc tịch, mà cả Duy và tôi đều không muốn điều đó. Thế là bọn tôi tính: thử về nhà sống, nếu trụ lại được thì tốt – còn khó khăn quá thì lại ra đi.  Chúng tôi đã vượt qua giai đoạn “sống thử”, bây giờ đã quyết định ở hẳn Việt Nam. Ở đây tôi thấy thoải mái như cá được thả xuống nước, chỉ có hạn chế là quá ít khán giả của cổ điển. Nhưng như đã nói, tôi không có đam mê biểu diễn mà thích giảng dạy. Để dạy học và truyền lại kinh nghiệm cho những lứa tiếp nối thế hệ mình, thì ở đâu cũng có thể làm tốt được, miễn là mình tận tụy với công việc đó. Chỉ có Duy là bị thiệt thòi nhiều, các điều kiện cho Duy phát triển không được tốt như chúng tôi hình dung. Cả hai chúng tôi đều chưa được làm hết công suất của mình. Như tôi chỉ giảng dạy tại Nhạc Viện Hà Nội có 2 ngày mỗi tuần, còn tới 4 ngày là rong chơi. Thấy thời gian của mình hơi phí…

-Khác với vị trí nghệ sĩ biểu diễn- luôn tỏa sáng dưới ánh đèn sân khấu. Công việc giảng dạy thường là khiêm nhường và khuất lấp, chị không nghĩ rồi sẽ có ngày cái tên Trinh Hương sẽ thành mờ nhạt đối với công chúng?

+Tôi không có ham muốn được trở thành nổi tiếng, việc để mọi người biết đến tên tuổi mình không nằm trong những đích đến của cuộc đời tôi. Bàn thân mình đang được làm những điều có ích, tôi vui vì điều ấy.

Vậy đích đến của Trinh Hương là gì?

+Đơn giản thôi, tôi muốn là một phụ nữ hạnh phúc!

 

Tôi yêu Duy với cả phần đẹp đẽ và những khiếm khuyết

 

Đã chứng kiến những buổi hòa nhạc mà công chúng rất thưa thớt, tâm trạng của chị lúc đó thế nào?

+Cảm giác đầu tiên là buồn và thất vọng. Nhưng người nghệ sĩ thật sự thì khi ngồi vào đàn, họ sẽ quên hết bên dưới khán phòng, chỉ còn họ đơn thân với âm nhạc. Sự đón nhận nồng nhiệt hay lạnh lẽo của khán giả chỉ là tương tác có thể truyền lửa cho phần diễn tấu tiếp theo.

-Một chương trình riêng của cặp Bùi Công Duy- Trinh Hương, 2 người có nghĩ đến điều đó không?

+Thực sự là chúng tôi không phải bạn diễn, chơi cùng nhau ít lắm. Nhưng một chương trình và album cùng nhau, bọn tôi cũng đã bàn tới từ lâu và muốn thực hiện. Vợ chồng tôi có ý tưởng làm 1 album cổ điễn với những bài dễ nghe thôi- để đưa nhạc cổ điển đến với công chúng một cách nhẹ nhàng, dễ tiếp nhận. Họ nghe xong có thể quên đi định kiến là nhạc cổ điển rất học thuật, khó  cảm và xa lạ với tai nghe của người Việt. Dự định này cứ bị trì hõan, vì chúng tôi chưa thật sự tập trung, phần khác cũng do thái độ thờ ơ của khán giả đối với cổ điển khiến chúng tôi cũng có chút buồn nản.

-Bố chị, nhạc sĩ Phú Quang từng nói: lương giảng dạy trong Nhạc Viện của Duy và Hương không bằng thu nhập của thằng đánh giày. Vậy anh chị sống như thế nào?

+Bố tôi hay hài hước hoặc đẩy các khó khăn thường nhật thành kịch tính như thế. Nhưng bạn xem, ở Việt Nam có mấy ai sống bằng nguyên lương đâu? Hiện taị vợ chồng tôi sống cùng mẹ, cơm mẹ cho ăn, ở nhà mẹ. Tôi có nhận dạy thêm piano, còn Duy cũng phải tích cực diễn thêm vì cơm áo. Bọn tôi không tới mức phải đi chơi nhạc ở khách sạn hay bar. Nhưng có nhiều chương trình như trước kia thì Duy đã từ chối thẳng thừng, bây giờ vì mưu sinh vẫn phải nhận. Nếu chỉ làm vì sở thích có lẽ là quá xa xỉ, cuộc sống khiến ta phải thay đổi theo cách uyển chuyển để phù hợp với nó.

 

-Điều gì ở Bùi Công Duy đã khiến Trinh Hương quyết định gửi cuộc đời của mình cho anh ấy?

+Chúng tôi có nhiều đồng cảm, bên cạnh Duy tôi thấy thoải mái và được là chính mình. Lúc đầu bố mẹ hai bên đều lo lắng vì thấy tôi chênh tuổi Duy, sợ rằng về lâu dài chúng tôi khó mà bền vững. Thấy mọi người lo nhiều tôi cũng bị phân vân, nhưng Duy đã thuyết phục tôi bằng tình cảm của anh ấy. Chúng tôi yêu nhau 5 năm mới tiến đến hôn nhân, tới bây giờ điều tôi hài lòng nhất là mình đã có bước đi đúng trong chuyện tình cảm. Tôi tự hào là có một người chồng yêu mình và mình yêu.

-Thường các cặp vợ chồng khi mới chung sống dễ thất vọng vì họ vỡ lẽ ra nhiều điều ở nhau- không ai “mang dùi đục đi hỏi vợ”. Chị có muốn thay đổi điều gì trong tính cách của chồng mình không?

+Do xa nhà, bọn tôi khi yêu nhau đã có thời gian chăm chút, tự lo liệu cho nhau theo cách gắn bó nhất. Nên khi kết hôn cũng không thấy cuộc sống có khác biệt gì. Tôi yêu Duy với cả phần đẹp đẽ và những khiếm khuyết của Duy.  Tôi chẳng có nhu cầu bắt Duy phải thay đổi gì, khi những “ tì vết” của người bạn đời đối với tôi cũng đã thành thân thương.

Ký ức của tôi không có hình ảnh một gia đình quây quần

 -Là con gái của một nhạc sĩ nổi tiếng, hẳn ông chính là người đã đưa chị vào con đường cổ điển?

+Hầu như ai cũng ngạc nhiên khi biết rằng, người đặt vào tay tôi cây đàn piano lại là mẹ tôi chứ không phải bố. Mẹ tôi là một nghệ sĩ múa, bà yêu tiếng đàn dương cầm đến nỗi khi chưa có tôi đã ao ước là nếu đẻ con gái- sẽ cho học dương cầm. Mang bầu tôi mẹ đã mua một cây đàn để sẵn đẫy, mặc dù lúc đó còn bao cấp, chiếc đàn piano còn đắt hơn cả một ngôi nhà. Tiếc rằng tôi đi Nga học 16 năm, cây đàn không ai chơi sẽ bị ẩm mốc và hỏng, nên mẹ tôi đành bán đi.

-Cặp nghệ sĩ Phú Quang- Kim Chung bên nhau không được bền vững. Ngày còn nhỏ, chị có dễ dàng chấp nhận sự chia lìa của bố mẹ mình?

+Bố mẹ tôi ly thân khi tôi mới 1 tuổi, tôi nghe nói lại là hình như họ sống với nhau được khoảng 4 năm. Sau  mẹ tôi có giải thích là bố mẹ không hợp nhau và không có hạnh phúc. Nếu họ cố chịu đựng, chờ tôi lớn hơn mới chia tay- chắc chắn tôi đã nhiều tổn thương hơn. Trong ký ức của tôi không có hình ảnh một gia đình quây quần có đủ cả bố-mẹ-con. Cái không biết ấy với tôi có khi lại là may mắn, vì chưa từng hưởng qua cái yên ấm quây quần của một “gia đình đủ”- nên tôi không biết để mà thèm nó.

-Suốt tuổi thơ, chị có bị cảm giác trách giận cha mình không?

+Mẹ nuôi tôi, tôi chỉ gặp bố vào cuối tuần khi ông đến đón tôi đi chơi. Sợ tôi bị mặc cảm thiệt thòi, nên mẹ và gia đình bên ngoại rất chăm chút tôi, đồng thời  giữ gìn để hình ảnh về cha trong mắt tôi không bị tổn thương.  Bố tôi luôn bận bịu, ông là người của công việc, nên hầu như không có thời gian để quan tâm đến con theo cách của những người cha khác, ngay kể cả 2 người con với nghệ sĩ Flute Hồng Nhung- vợ sau của ông cũng vậy. Tôi không giận gì bố cũng như không phán xét việc chia tay của bố mẹ, trước hạnh phúc của họ tôi cho rằng mình không nên can dự .

-Vậy mẹ mới là người tác động đến tinh thần của chị?

+Đúng thế. Với bố, nếu có gì chung thì có lẽ chỉ là âm nhạc, nói chuyện về nghề nghiệp với bố dễ dàng hơn. Nhưng mẹ mới là người ảnh hưởng tới tôi. Nếu ai đã biết bố tôi thì sẽ thấy mẹ hoàn toàn trái ngược, bà sống khép mình, ít nói, nhu thuận và mềm mại. Dù chia tay chồng khi chưa tới 30 tuổi, lại rất đẹp và quyến rũ, nhưng mẹ tôi đã khước từ những người đàn ông đến với mình để tập trung nuôi tôi. Tôi nghe bạn mẹ và họ hàng nói lại là, vì bà yêu tôi quá, sợ nếu đi bước nữa tôi sẽ khổ, có thêm em tôi sẽ bị chia sẻ tình cảm- nên mẹ nhất định ở vậy. Tôi đi Nga học, mẹ cũng sang theo để chăm tôi, và bây giờ bà vẫn là bóng mát tỏa xuống mái ấm của tôi và Duy.

Chị có khó chịu với những người tình trẻ đẹp của nhạc sĩ Phú Quang không?

+Khái niệm của tôi về gia đình rất khác mọi người. Quan hệ giữa tôi và bố giống như giữa hai người bạn. Tôi tôn trọng cuộc sống riêng tư của ông, miễn là bố tôi thấy vui và hạnh phúc là được- tôi không can thiệp.

-Đã trưởng thành, chị thử lý giải xem điều gì khiến cha chị  luôn hấp dẫn trong mắt phụ nữ?

+Ông nói chuyện rất duyên và ông có tài. Người đàn ông có tài thì luôn hấp dẫn phụ nữ.

Tôi có thể làm tốt nhiều việc chứ không chỉ biết đánh đàn

 

-Nhiều người nói không thích Phú Quang vì cách ông ấy “làm hàng” tên tuổi mình. Show hay album của Phú Quang hay bị làm theo kiểu “bình mới rượu cũ”. Với tư cách một nghệ sĩ, chị có tán thành cách làm như thế không?

+Thực sự là sau khi về Việt Nam tôi mới chú ý đến nhạc của bố, trước kia thi thoảng bố tôi gửi đĩa sang Nga thì tôi mới nghe. Chắc chắn tôi biết ít nhạc của Phú Quang hơn công chúng, nên tôi không cảm nhận được hết sự lặp lại như nhiều người nói. Trước kia về phép trùng đợt có chương trình của bố, tôi đi xem và thấy chất lượng show rất tốt. Đương nhiên nếu làm mới hoàn toàn mà hay thì tốt nhất. Ông ấy trộn cũ mới trong các show và album của mình- khán giả vẫn đi xem và mua đĩa, nghĩa là họ vẫn có nhu cầu. Tôi nghĩ là chỉ nên lên án khi công chúng đã từ chối, mà bố tôi vẫn cứ làm.

Trong chương trình gần đây nhất của nhạc sĩ Phú Quang mang tên “Đêm nhạc Thanh Bình” (cũng là tên nhà tài trợ), có phần biểu diễn violon của Bùi Công Duy. Quan sát thấy, ở ghế khán giả chị  có vẻ không thoải mái lắm. Vì sao vậy?

+Thực sự là tôi không hài lòng về chương trình ấy. Nhạc không lời khác với nhạc có lời rất nhiều, ban nhạc chơi không nắn nót và thiếu chuẩn xác về âm thanh. Dân cổ điển như tôi với Duy đối xử với âm thanh rất cẩn trọng, nên chúng tôi thấy bị hẫng. Khi Duy chơi xong tôi và Duy đều buồn. Đây là bài học để lần sau chúng tôi làm việc kỹ càng hơn và tránh cả nể.

Chị không thích chồng mình chơi trong một đêm nhạc nhẹ?

+Cả tôi và Duy đều không có ý định tham gia nhạc nhẹ. Nhưng với “Đêm nhạc Thanh Bình”, tác phẩm Duy thể hiện là một bản không lời dành cho nhạc cụ, chúng tôi cũng muốn Duy thử mình trong không gian ít tính cổ điển xem sao. Hơn nữa, đó là chương trình của bố, rất khó để nói lời từ chối.

Những người theo cổ điển toàn tòng hình như trong đối xử với dân nhạc POP thường có chút phân biệt?

+Cũng có điều đó, nhưng tôi cho rằng là những phách lối không nên. Với tôi, người quét rác cũng có vị trí của họ, chẳng có công việc kém sang trọng hơn, chỉ nên phân biệt theo tiêu chí: với bổn phận và sứ mệnh của mình – anh có làm tốt hay không?

-Chị tự hào về chính mình bởi điều gì nhất?

+Tôi có thể làm tốt nhiều công việc chứ không chỉ biết đánh đàn. Tôi có thể tìm thấy say mê và niềm vui trong nhiều thứ khác chứ không chỉ có mỗi đàn. Tôi thích tính cách độc lập, tự chủ của mình. Tôi đã được rèn từ khi rất nhỏ rằng: nếu chủ động với cuộc sống của mình và đừng tính dựa dẫm vào những thứ ngoài mình, ta sẽ luôn tự tin trong mọi cảnh huống.

Cảm ơn nghệ sĩ Trinh Hương về cuộc trò chuyện này!

Trần Thu Hà: ÂM NHẠC CỦA TÔI RẤT ÍCH KỶ

Quỳnh Hương (thực hiện)

   Trần Thu Hà nói rằng hiện taị âm nhạc không quyến rũ cô nữa. Điều mà diva này đang dồn tâm sức là kế hoạch làm mẹ. Nếu giới nghệ sĩ thường bị loay hoay trong chuyện đời tư, thì Hà vun vén khéo léo một gia đình yên ấm. Cái “biết cách” của Hà được nhận xét là: vì cô tràn đầy nữ tính, đồng thời lại rất khôn ngoan.

-Nhiều người nói chị có sự tỉnh táo bị “thừa” so với một nghệ sĩ. Đó có phải là điểm yếu của Hà Trần?

+Tuổi Đinh Tị thường có trực giác đặc biệt và họ chỉ tin vào bản thân. Việc cái gì cũng nhìn thấy hết cản trở mình muốn làm, chưa đi đã biết cuối con đường cái gì chờ mình- như thế nó mất hứng thú rất nhiều. Tôi đã hết tuổi mơ mộng. Trước bất cứ sự vật hiện tượng gì tôi chỉ muốn tìm đến bản chất, đến khi nhìn được cái lõi thì thường rất chán. Nhưng tôi vẫn thấy rằng tỉnh táo là quà tặng Trời cho mình.

Chị luôn nói mình chưa bao giờ cố gắng vì ngôi vị Diva. Khi một người nổi tiếng bảo rằng họ không quan tâm đến danh tiếng, thường khó tin!

+ Thẳng thắn mà nói thì tôi thích quyền lợi của nổi tiếng mang lại, nhưng khi dễ nó vì tôi là nạn nhân sống trong gia đình nhiều người nổi tiếng- tuổi thơ tôi đã bị mất mát và bất thường. Xây dựng danh tiếng theo cách nào đó giống như ta xây một cái phòng giam chính mình. Bởi nổi tiếng luôn phải diễn cho hình ảnh lấp lánh giả tạo của mình, sống là đóng một vai kịch. Tôi thấy chuyện danh tiếng là phù phiếm, đời sống như  những lớp sóng cứ gối lên nhau, mọi thành quả hay danh vọng đều có thể bị lãng quên bởi những những thành quả và danh vọng mới. Tôi cố gắng khi rời sân khấu, mình được là mình, không phải diễn ở ngoài đời nữa.

Vậy trong cuộc sống, đích đến mà chị hướng tới là gì?

+Mất mẹ sớm, tôi lớn lên với cảm giác thường trực là mình bị lạnh và đơn độc. Nên bây giờ tôi chỉ quan tâm đến việc tồn tại của tôi làm sao có tác dụng giữ ấm cho những người thân yêu. Tôi luôn coi điều đó là hệ trọng nhất trong cuộc sống của mình.

Còn âm nhạc thì sao? Hình như ở vị trí của chị, làm gì cũng thường được gắn với sứ mệnh “đóng góp gì đó cho nhạc Việt”?

+ Âm nhạc tôi làm cho chính tôi, mục đích rất ích kỷ. Khi làm nhạc tôi không nghĩ đến người khác. Tôi không tin những người đứng trên sân khấu nói là họ hát cho đám đông phía dưới- họ có thể hát hay được. Tôi chỉ tin những người làm nghệ thuật cho chính mình, thực thà vì mình. Hiện giờ tôi không thích hát nữa, hát để lấy tiền thì quá đơn giản vì đó là nghề kiếm sống của tôi rồi. Có rất người rất tài, nhưng họ hết hấp lực với tôi, âm nhạc của họ không quyến rũ tôi nữa.

Một ca sĩ không còn muốn hát, vậy có phải là bi kịch?

+Tại sao lại là bi kịch? Từ xưa tôi vẫn chỉ dùng giọng hát làm phương tiện bày tỏ cái tôi, trí tuệ và tâm hồn của mình. Bây giờ tôi không phải dùng đến phương tiện ấy, nghĩa là được giải phóng- vậy phải tốt hơn chứ!

Việc chị đi hát nhạc xưa ở hải ngoại, trên thực tế có chút hứng thú nào không hay chỉ kiếm sống?

+80% là kiếm tiền, 20% là hứng thú. Tôi thấy sự hưởng ứng lắng nghe tôn trọng của khán giả ở dưới- điều ấy giữ cho tôi hứng thú. Công nghệ biểu diễn và quy trình làm việc chuyên nghiệp ở hải ngoại cũng tạo ham thích cho tôi. Nhưng âm nhạc ở đó thì tôi thấy mình không liên quan.

“Đối thoại 06” đã ra được 2 năm, vẫn chưa thấy chị bắt đầu dự án mới. Phải chăng việc “mất hứng” hát làm chị trì hoãn?

+Tôi đã có đủ tư liệu làm 3 album nữa. Nhưng tôi không quan trọng chuyện phát hành nữa, lúc nào ra mắt tôi vẫn chưa định trước. Thời điểm tôi đưa ra dự án mới không nương theo các trào lưu của thị trường. Tôi nghĩ đến chuyện bán hàng mà  gây ảnh hưởng, chứ không đơn giản chỉ thu tiền. Tôi sẽ cộng tác với một cậu trai trẻ vô danh viết nhạc- đó là người duy nhất tôi muốn hát bây giờ. Khi cậu ấy đến tìm tôi, nhất mực muốn tôi hát. Tôi nghe thấy thích ngay và quyết định làm đĩa. Nhưng tôi có điều kiện là cộng tác với tôi không được sốt ruột, phải chấp nhận không nóng vội về thời gian, khi thấy thời điểm phù hợp thì tôi mới làm. Cậu ấy nhiều năm nay giữ lời, từ chối ngay kể cả các ca sĩ có tiếng khác xin bài. Việc không sốt ruột với tiếng tăm của cậu ấy khiến tôi rất nể trọng. Tôi tìm thấy ở cậu ấy suy nghĩ đồng điệu: âm nhạc một người trẻ rất Việt Nam nhưng hiện đại.

 -Chị thấy “rất Việt Nam” là hiếm ư?

+Hiếm chứ. Hồn Việt không phải là í à ối a, hát kiểu nảy hạt, chêm dăm làn điệu, mặc áo thổ cẩm, đưa chuồn chuồn, nón, đình, lúa khoai vào ca từ. Tôi có thể ví dụ nhạc Ngọc Đại là hồn Việt, nó không có gì gồng, không phải thêm các “phụ gia dân tộc” vào. Âm nhạc của Ngọc Đại dù nghe có những hỗn mang, nhưng vẫn nhận ra ngay đó đích thị là  người Việt Nam. Nghe các nhạc sĩ “dân gian đương đại”, tôi lại thấy giả tạo. Trong những dự án ấp ủ của mình, tôi còn muốn thực hiện 1 đĩa nhạc dân ca-văn minh và rất Việt Nam. Nhưng các cộng sự bên Mỹ không có trải nghiệm để hiểu được tinh thần dân ca Việt Nam. Tôi muốn họ phải về sống ở đây, ngấm được mùi vị dân gian Việt- thì lúc đó mới bắt tay vào làm. Đó là kế hoạch lâu dài, vì khá cồng kềnh. Trước mắt thì tôi làm một album cho trẻ con, có lẽ vì đến tuổi mong được làm mẹ, tôi muốn làm 1 đĩa nhạc cho những đứa trẻ trong gia đình tôi nghe.

Cám ơn chị về cuộc chuyện trò này!

 

Mùi của thương nhớ

Nguyễn Quỳnh Hương

 

Áo xông hương của chàng vắt mắc

Đêm nằm em đắp lấy hơi

 

 

    Cũng như trí nhớ, có những mùi thoảng qua mà nhớ suốt đời, có những mùi đến rồi sẽ quên. Nếu ai đó hỏi rằng bạn nhớ mùi nào nhất, thì tôi tin là người ấy đang muốn hiểu về bạn sâu sắc. Bởi mùi vị – sự trải nghiệm rất đỗi riêng tư – sẽ phần nào đó chỉ dẫn về tuổi thơ, quá khứ, những khát vọng và ao ước, những ám ảnh và ẩn ức của bạn. Còn tôi, nâng niu ký ức về mùi như nâng niu ký ức thương nhớ về những ngày đẹp tôi đã sống qua….

 

   Những người ở phương Nam, nơi quanh năm ấm áp, hẳn vô cùng thiệt thòi vì không có được cảm giác thèm mùa. Đất Bắc, người ta sống qua oi bức hấp hối của mùa hạ bằng nỗi nhớ rét, bằng tha thiết chờ mong cơn gió lạnh đầu tiên tràn về đem theo quà tặng là một mùa mới. Khi trời trở gió, mẹ mang quần áo trái mùa đã cất từ năm ngoaí ra để hong nắng. Những áo sợi, khăn len được ủ trong hòm gỗ mở ra tỏa mùi thân thuộc cũ kỹ- mùa đông đã khẽ khàng đến dưới sào phơi giăng ngang sân nhà mình. Ngày chưa có nước hoa và xả vải Comfort- mùi thấm trong quần áo thuần chất là mùi cơ thể. Mùi trầu cốt cuả bà quyện nồng trong áo bông gạo, mùi khét thuốc lào và mồ hôi trong áo trấn thủ của bố, mùi dịu dàng ấm khói bếp của quần áo mẹ, mùi hoi ngậy của chó mèo con trong quần áo lem nhựa cây của lũ trẻ.  Mùa đông miền Bắc kéo dài  và buồn. Làng mạc nối tiếp nhau bằng những cánh đồng. Khi chân rạ mới gặt đâm tua tủa lên nền trời chiều, người ta chuẩn bị đốt đồng cho vụ mùa mới. Những đống rấm lẫn cỏ và rạ còn nguyên bùn đất, gốc cây tươi và khô trộn lẫn, lửa âm đỉ bén trong ruột đống rấm hơn cả sự kiên nhẫn. Những người quê ra thị thành sống, tình cờ một chiều đông lạc ra vùng ngoại ô, bắt được mùi khói đốt đồng ẩm mục và hăng ngái luồn trong gió bấc, dù mơ hồ mà đủ cay mắt, mà rưng rức nhớ ký ức rơm rạ với những ngày đông lê thê. Mùi của cánh đồng mùa đông mênh mông xám, với trơ trọi cằn khô chân rạ -chính xác là mùi buồn.

    Đậm đà nôn nao là mùi Tết. Bắt đầu là mùi oi khét của khói đốt vàng mã ngày tiễn Ông Công Ông Táo về trời. Sau 23 tháng chạp, không khí Tết bắt đầu đậm đặc: đào quất mua về bày trước hiên, măng khô được mang ra ngâm, từng bức tường thơm vôi trắng mới quét, mẹ đốt rơm nếp thay chân nhang bát hương. Mùi nhang trầm tỏa ngát không đủ xua những quẫn bách lo nghĩ của người lớn. Cái Tết đã gần kề, lòng con trẻ náo nức đâu hiểu những ngược xuôi khốn khó của cha mẹ nghèo. Bọn trẻ cuống quýt khi đến ngày gói bánh chưng. Cả năm, chúng chỉ có một đêm dài thức canh nồi luộc bánh. Ngoài trời thì sương giá buốt lạnh, chiếc nồi gang cỡ đại bắc trên bếp củi đỏ rực, sôi lục bục suốt đêm trường. Quanh bếp luộc bánh là cuộc xum họp sớm của cả gia đình, ngô khoai được nướng trên than hồng đậm đà cho những câu chuyện kể thủ thỉ trong đêm. Bọn trẻ quấn quanh mình chiếc chăn mỏng, ngồi co ro sưởi lửa, chúng thấy mình đặc biệt quan trọng. Nửa đêm, những chiếc bánh chưng con bằng bàn tay gói riêng cho lũ trẻ được vớt ra, mùi lá dong quyện mùi gạo nếp ùa ngậy trời đêm. Mùi đẫm nứớc của chiếc bánh mới vớt ướp đầy nỗi thèm khát chờ mong của lũ trẻ- cái mùi no ấm thiêng liêng ấy, như khởi sự cho thời khắc trọng đại của năm mới. Hẳn vì thế miếng bánh chưng bóc ra đầu tiên, nóng hổi, mới chính là miếng ngon nhất trong cả kỳ Tết.

 Vào cuối chiều Tất niên, khi các việc dọn dẹp nội trợ đã xong hết, những mùi trộn rộn đã dịu đi- cũng là lúc những người phụ nữ mới rảnh ra để tắm táp cho hết những “dấu vết” năm cũ. Mẹ long trọng đun một nồi nước lá mùi già để cả nhà tắm gội. Từ tháng Mười một, khi hoa rau mùi bắt đầu già bông, các bà các cô đã tranh thủ gội đầu bằng nước lá mùi nấu cùng hương nhu, vỏ bưởi. Nhưng nồi nước lá mùi già vào đêm 30 lại hoàn toàn khác, trân quý  như một nghi thức thanh tẩy tinh thần, để người ta được thơm tho tinh khiết, sáng láng và thiện lương hơn. Để rồi mùi ấm nồng nàn mà thanh khiết của nước tắm lá mùi như một biểu tượng luôn nhắc ta nhớ đến Tết, đến chăm chút yên ấm của những người đàn bà dành cho chồng con.

 Mùi ngọt của tết còn là hương đất tỏa buổi sáng sớm đầu tiên mở cửa nhà. Mưa xuân mỏng như sương rắc, chỉ đủ làm ẩm không gian và gọi mùi ngai ngái lan từ đất mềm. Hơi đất nhẹ và mơ hồ luẩn quất với mùi nhựa cây mới ứa, mùi chồi nụ đang cựa mầm. Phải dậy rất sớm, khi trời đất còn tĩnh như mặt nứớc lặng sóng, mới ngửi thấy mùi đất sáng đầu năm.

Cũng như ký ức, mùi đan dệt lên nhau như những trầm tích. Có những mùi tưởng đã quên rồi bỗng một ngày tình cờ, một động chạm tình cờ- mùi sống động lại trong ta nguyên vẹn. Có những mùi muốn thủy chung lưu giữ, tự dưng có ngày nhạt nhoà dần như không thân quen. Trong những mùi để thương, cồn cào nhung nhớ nhất là mùi người tình. Khi cất lên lời: Em nhớ mùi anh! Thì đó là tỏ bày thật thà và nồng nàn nhất. Người sơ vẫn có thể nhớ nhau bằng các “chỉ số” thị giác như dung nhan, dáng vóc, cử chỉ. Nhưng nhớ nhau bằng mùi nhất thiết phải có những gắn kết thân thể. Những người vợ lẻ bóng, đêm ngủ đắp khăn đắp áo chồng để dịu nhớ. Có người chồng xa vợ, lật chăn gối choáng váng vì mùi tóc, mùi da thịt thơm mượt, mùi hơi thở ấm nồng tin cậy của cô vợ trẻ còn đượm đâu đây. Nước hoa không bao giờ tạo nên được thứ mùi sexy, ngây ngất và cá biệt như mùi cơ thể. Xạ hương tình yêu chỉ tỏa trong tưởng tượng của người đối ngẫu, nên khi ta nhắm mắt, sẽ thấy người tình rõ hơn.

   Vạn vật đều được Tạo Hóa trao mùi như một nhận diện. Cái gì bỗng dưng bị mất mùi sẽ trở nên vô cùng kỳ dị, đó là  nỗi hoảng sợ của sự đánh mất bản thể. Bạn tôi cho rằng cứ ngửi mùi là biết nhà nào giàu, nghèo, hạnh phúc, hay suốt ngày caĩ nhau. Nhà không có tình yêu mùi lạnh và khô, đương nhiên không giống mùi ngọt ngào nồng ấm trong tổ uyên ương ríu rít. Ký ức về mùi là trải nghiệm riêng tư của mỗi người. Trong những mùi thương nhớ tôi luôn thèm gặp lại, có mùi của sự tĩnh lặng. Đó là mùi của thanh thản và bình yên. Đơn giản chỉ là mùi lá cây tỏa tinh dầu sau cơn mưa trái mùa. Mùi tinh khiết của đêm về sáng khi trăng hạ tuần luồn qua rèm cửa, đẹp như ánh trăng chiếu xuống sân nhà tôi ngày thơ bé. Mùi ám khét khói thuốc trên ngón tay dịu dàng của người đàn ông  tôi yêu.  Mùi ly trà nóng buổi sáng, mùi nồi cơm sôi buổi tối, mùi mực in ủ sâu trong những cuốn sách, mùi của ngày chậm ngưng đọng uể oải, mùi của kiệt sức và cô độc sau những vật vã cuồng điên. Ẩn một góc sâu kín trong tim tôi như một bảo bối để dành, mùi an ủi và không ruồng bỏ bất kể khi tôi đau ốm hay tràn đầy sinh lực. Sống từng ngày, tôi lưu mùi như lưu cội rễ, như lưu ký ức những ngày đã mất không thể trở lại cùng tôi.

NS Phạm Bằng: Hài là tận cùng của bi kịch

Quỳnh Hương

 

Thật khó tin là danh hài Phạm Bằng-“người đàn ông có bộ mặt cười”- đã dành 25 năm “xuân sắc” nhất của đời mình cho chính kịch với hàng trăm vai diễn. Chỉ đến lúc nghỉ hưu ông mới bén duyên với hài, nhưng đối với ông “hài là tận cùng của bi kịch, cười là để thấu hiểu những nỗi buồn trong cuộc sống”.

Phạm Bằng có nét mặt tinh quái, hóm hỉnh của một người có bản tính hiền lành. Ông già gần 80 tuổi này khiến các đạo diễn “ngám ngẩm” bởi sự minh mẫn kỳ lạ. Cả trang thoại dày kín chữ, chỉ lườm qua, ông có thể nói trơn như bôi mỡ- trong khi các bạn diễn đàn em, đàn cháu học thoại toát mồ hôi mà vẫn ngắc ngứ. Nhiều người diễn hài khó làm khán giả cười nổi, vì họ thiếu duyên. Có người thì làm khán giả cười trong sự khó chịu, vì kiểu hài “thọc léc” vừa khiên cưỡng vừa thô. Nghệ sĩ Phạm Bằng tránh được cả hai “điểm chết” này. Khi con người hóm và lành ấy bước lên sân khấu, nhìn ông đã thấy có chuyện để cười. Đến lúc xem ông nhập cuộc, cách tiết chế độ “mặn nhạt” về hình thể, âm giọng, diễn xuất…của ông khiến người ta cười gần chết, nhưng khi tiếng cười lắng đi họ buộc phải suy ngẫm. Phạm Bằng nói: “Đỉnh cao của hài là bi kịch. Tôi càng sống, càng làm, càng thấy điều đó đúng. Thực chất, cái để chúng ta cười- hài ấy mà, nó là những nỗi đau của cuộc sống này”. Bởi thế, Phạm Bằng diễn hài có cái gì đó thâm thúy, người xem sau khi no cười, thường thấy buồn.

Phẩm chất hài là giời cho, có sẵn trong máu- nhưng cũng phải khổ luyện mới nên. Phạm Bằng là người nghiêm khắc với chính mình. Nhận vở ông thường tự tập ở nhà, soi gương để sửa điệu bộ, bật cát-sét thu âm nắn chỉnh từng câu nói, điệu cười. Ngoài đời, khi nói chuyện với vợ con và bạn bè- ông già Phạm Bằng bị “nhiễm bệnh sân khấu” thường nói to, giọng sang sảng- thứ giọng “coi rẻ các loại micro”.

Có 4 người con phương trưởng, nhìn gia đình ông sống nhẩn nha chẳng mấy ai tin có lúc cả nhà ông đã bị trì níu tuyệt vọng trong nỗi lo cơm áo. Nhắc lại những ngày cũ, nghệ sĩ Phạm Bnằg luôn bùi ngùi: “Tôi ơn vợ lắm. Bà ấy hiền thảo đảm đang, giỏi chịu đựng. Ngày xưa tôi chỉ là anh nghệ sĩ nghèo rớt, tài sản duy nhất trao tặng vợ là tình yêu thật như đếm của mình”. Rất nhiều năm người vợ bán nước sôi, Phạm Bằng vừa diễn kịch vừa trông xe thuê cho Nhà hát. Có khi bà phải mang áo cưới đi bán, cắt dần chiếc kiềng vàng để chồng con có những bữa cơm no hơn. Còn ông, khi túng bấn phải phá bộ complet duy nhất ra để may lại thành áo ấm cho con. Cuộc sống của họ thay đổi không nhờ sân khấu- mà nhờ món Lục tào Xá, Chí mà Phù (chè vừng đỗ- bánh trôi). Hai vợ chồng từng làm thuê cho tiệm chè của một người Hoa, sau đó vay vốn mở cửa hàng riêng, lần mò từng mẻ bột để tìm ra công thức làm bánh đặc biệt của người Tàu. Hiệu chí mà phù- Lục tào xá của Phạm Bằng ở phố Hàng Giày không lúc nào ngớt khách. Gần 30 năm nay quán là địa chỉ ẩm thực nức tiếng của Hà Thành. Quán xoàng xĩnh, bài trí theo kiểu quán cóc vỉa hè. Bánh trôi- chè Tàu là món hàng quà của người bình dân, ăn mùa nóng hay mùa lạnh đều ngon và duyên.

Phạm Bằng ơn cái quán nhỏ này lắm. Khi nghề diễn chưa đủ nuôi thân, quán đã nuôi gia đình ông qua những ngày khốn khó nhất. Con cái xót bố mẹ vất vả, cứ khuyên dẹp quán. Nhưng ông bà vẫn khăng khăng đòi giữ lại, vì nồi bánh trôi- xoong chè vừng, chè đậu như có gì đó ân tình. Trừ những lúc không khề khà với mấy ông bạn già, nếu không bận diễn, thỉnh thoảng ông lại xuống phụ bán hàng với bà lão của mình. Khách có khi ăn quà xong mới nhận ra ông chủ vui tính, đon đả chính là danh hài Phạm Bằng.

Phạm Bằng nói: “Nếu ai có được chọn cho nghề diễn, phải đi hết sứ mệnh của mình. Người nghệ sĩ thực sự không có tuổi hưu, không được dừng lại”. Chắc vì lý do giản dị ấy, mà Phạm Bằng luôn cố gắng dùng tiếng cười của mình “thủ thỉ” ngay cả với những người thờ ơ nhất: Hãy biết chạnh lòng về những nỗi đau, vốn không thưa vắng trong cuộc sống này!

PHỦ THÀNH CHƯƠNG

Quỳnh Hương

1.

Cách 30 km Hà Nội náo nhiệt và ồn ào, vượt qua một con đường mịt mù bụi đỏ, rẽ vào Phủ Thành Chương – là được thụ hưởng không gian thanh bình thân mật như trong một khu làng Việt cổ đã yên ổn nằm đây hàng trăm năm nay. Phủ rộng hơn 10.000m2, lưng dựa vào núi Sóc, kề bên là hồ Kẻo Cả quann năm nước trong xanh. Theo cách tính duy tâm, thì Phủ Thành Chương thịnh về phong thủy. Rải rác trong khuôn viên có ao sen, hồ bán nguyệt, ao cá, bể bơi, và hàng trăm loài cây đặc trưng của khắp các vùng miền. Phủ có hơn 10 ngôi nhà, kiến trúc theo lối nhà Việt cổ. Nhà cổ “xịn” (được bê nguyên chiếc từ nơi người ta đã dựng nó cách đây cả trăm năm về) thì có một ngôi nhà ở Nam Định, một ở Thanh Hóa, một ở Bắc Ninh, một nhà sàn Hòa Bình.

Họa sĩ Thành Chương quy hoạch không gian rất tỉ mỉ: nhà ở từng khu vực phải như thế nào, bóng mát ra sao, cây cỏ, cây lưu niên có xén tỉa hay để mọc lùm bụi um tùm, thậm chí từng viên sỏi vứt ở chỗ nào trong vườn cũng đều có sự sắp đặt chi tiết. Kỹ càng nhưng không gượng gạo, tất cả đều toát lên một đời sống tự nhiên, hồn hậu và thuần khiết hồn Việt. Người khó tính cũng không thể tìm thấy ở đây cái gì “lệch ra” để chê được.

Cửa không khóa, những ngôi nhà cứ mở cửa thoáng quanh năm. Lúc nào cũng sạch sẽ không một vết  bụi. Lúc nào cũng một bộ đồ trà đầm ấm, có phích nước sôi giòn (mà gia đình người giúp việc cứ 3 giờ lại thay nước sôi một lần, cho dù có khách hay không). Ông chủ về Hà Nội cửa vẫn mở, khách đến thấy sẵn một không gian niềm nở và hòa nhã đang đợi mình. Dù đến lần đầu cũng không có cảm giác xa lạ- không gian thân mật nơi đây cho người ta thấy được gần gụi và bình yên như nơi quê nhà của ông bà mình.

2.

100 người đến thì cả 100 đều thắc mắc: Đồ cổ cứ bày ra như sỏi thế, không sợ người ta lấy mất à?Quả thật trong Phủ đồ cổ vứt lăn lóc ngoài vườn. Dọc theo các lối đi- tượng, hũ, liễn, bát đĩa ấm chén, thậm chí cả những viên đá cổ tùy táng theo người chết, có những thứ niên đại cách đây hơn ngàn năm nằm phơi mưa phơi nắng như vại sành chum mẻ ở góc vườn nhà quê nào đấy. Tất nhiên, không ai nỡ cầm của Thành Chương dù một viên sỏi trong vườn, khi người ta thấy anh tận tụy đến thế trong khu Phủ này, khi anh đã hào hiệp chia sẻ cùng mọi người cái không gian thấm đượm tính gia đình. Trong vườn có hai khối đá lớn mà Thành Chương chở từ Ninh Bình về bằng cẩu 15 tấn, anh đã phải đập bỏ cái cổng uy nghi và bề thế- để đem được đá vào trong vườn, rồi xây lại cổng. Nhiều người cho là anh “ngông”, cũng giống như khi anh mang nguyên vẹn một chiếc cầu ao bằng đá ở Nam Định về bắc ở ao nhà mình, hay đem chiếc giếng cổ ở Thanh Hóa về đặt ở giữa vườn. Thành Chương không “thanh minh thanh nga” những chuyện ấy. Đơn giản vì khu phủ này là giấc mơi lớn của đời anh, và mỗi ngày được vun da đắp thịt cho nó, là mỗi lần anh được trải qua cảm giác hân hoan và hồi hộp như khi người ta được chạm vào tình yêu của mình. Niềm đam mê với đồ cổ có lẽ từ trong máu. Hồi bé, mới banừg cái mắt muỗi Thành Chương đã suốt ngày lẩn mẩn gom nhặt- n hư một ông cụ có bệnh hoài cổ. Đi bộ đội, vào chiến trường lĩnh ta phải tính từng lạng vật dụng sao cho đỡ nặng, khi di chuyển nhanh nhất. Thì anh lính Thành Chương đi qua một bản nhỏ, thấy có con voi đá nham nhở khói đất, nhặt bỏ vào ba lô vì tiếc, thế là cứ ôm cứ cõng cái con voi đá ấy khắp chiến trường, cho tới ngày quay ra Bắc…

Như một thái ấp, Phủ Thành Chương có đời sống tự cấp tự túc: vài sào ruộng đủ lúa gạo để nhà ăn quanh năm; hoa trái, rau cỏ trong vườn màu nào cũng sung túc; lợn, gà, ngan, ngỗng đầy chuồng; có cả đôi bò nuôi để lấy sức kéo- không phải ngày mùa vụ, đôi bò lười nhác quẩn quanh chân cây rơm trong vườn trông thanh bình như một bức tranh. Thành Chương nói: Muốn giữ một không gian thuần Việt, quy tụ hồn vía tinh thần của văn hóa Việt kiểu “tủ kính” thì đã có các bảo tàng. Tinh thần ấy thật sự có ý nghĩa, sẽ ganà gũi nếu mang một đời sống tiếp diễn. Trong không gian cổ kính của Phủ Thành Chương- người, vật, đồ đạc, cây cỏ đều đang tồn tại. Không phải một đời sống đóng kín nệ cổ, mà có sự tham góp của văn minh. Những ngôi nhà cổ đều đảm bảo tiện nghi sinh họat của người đô thị: bồn tắm, khu vệ sinh khép kín sang trọng, máy nóng lạnh, điều hòa…Tiện nghi ấy được ẩn rất khéo léo và tế nhị giữa kiến trúc và nội thất cổ xưa, không hề lạc ra hay kệch cỡm, người sử dụng thấy thoải mái đồng cảm như một sự tất nhiên….

3. Phủ Thành Chương giờ là “danh thắng”. Cuối tuần chán cái ồn ào nông nổi nơi phố thị, người ta lại kéo nhau về đây. Bạn bè, người quen của Thành Chương thì ít, chủ yếu là khách thập phương “nghe đồn thì đến xem sao”. Có lần mấy xe ca đỗ xịch trước cổng, bấm còi inh ỏi. Ông chủ ra mở cổng chậm bị quát cho một trận. Hơn 200 con người kéo vào, nằm ngồi, đi lại, tấm tắc chỉ trỏ, bình luận, khen ngợi, giảng giải từng khu vực cho nhau theo ý nghĩa mà mình tưởng tượng. Các đoàn khách chào hỏi nhau lễ phép niềm nở, nhưng tịnh không một ai chào ông chủ nhà. Cái cảnh mấy ông khách com lê cà vạt, bà khách váy đen dài quết đất nhảy vào bồn tắm, vặn xem cái vòi hoa sen nó như thế nào, loay hoay một lúc chạy ra- người ướt sũng, là chuyện rất bình thường. Khách đến hớn hở lục lọi, xem xét, chụp ảnh lưu niệm – ông chủ nhà cứ đứng nhìn mà tủm tỉm cười…

Hàng ngày, gần 6 giờ sáng gia đình người giúp việc đã quét vườn. Quét xong lau bụi ở đồ đạc, lau nền nhà, đun nước sôi đổ vào phích ủ trong các dãy nhà. Đến gần trưa mới ngớt việc. Phủ lúc nào cũng sạch sẽ ngăn nắp, cũng sẵn sàng chào đón khách. Trọn vẹn vai trù một chủ nhân hiếu khách, Thành Chương nhiệt tình làm “guide” dẫn khách đi giới thiệu từng góc vườn. Nhưng mặc dù anh cười nói bao nhiêu, người ta vẫn thấy anh là một người đàn ông đang phải mang quá nhiều nỗi buồn, những nét mệt mỏi trên gương mặt anh, hoàn toàn không hẳn vì thời gian hay tuổi tác. Giống như nhiều người nổi tiếng khác, cuộc sống của Thành Chương bị thêu dệt thêm bởi những lời đồn. Rằng anh nhiều phụ nữ,a nh lắm tiền và ngông cuồng. Nhưng nhìn anh âu yếm những đứa con của mình, anh vun vén từng vạt cỏ viêm sỏi trong Phủ như một người nông dân dồn hết tình yêu cho đất đai – chỉ có cảm giác anh là người đàn ông đang thèm khủng khiếp sự bình yên. Cái gánh nặng của tiếng đồn “tiêu tiền không hết” đang đè nặng lên anh lắm. Mà lúc nào cũng phải cư xử như một người rất nhiều tiền thì thật mệt mỏi.

   Thành Chương vẽ rất nhiều chân dung chính mình, anh bảo: “Vì tôi yêu tôi, vì khi vẽ chính mình tôi được tự do nhất…”. Vậy mà trong tranh, lúc nào cũng là gương matự của một gã dàn ông cô độc và thật buồn. Giờ, anh đã được an ủi trong thế giới của riêng mình, với khu Phủ Thành Chương – giấc mơ lớn của đời anh đang chia sẻ tình yêu với thật nhiều người…

Nhạc sĩ Kim Ngọc: “Tôi thích quyến rũ hoặc ít nhất đối mặt với thách thức”

Quỳnh Hương (thực hiện)

 

       Kim Ngọc từ bỏ kiểu đầu trọc Sinéad O’Connor vì  nó “đặc biệt sexy” – cô không muốn bị bận rộn. Nhưng với mái tóc chim sẻ ngỗ ngược, cặp mắt trong veo loáng ướt, vẻ sinh động và hấp lực tinh thần khó cưỡng- cô luôn sexy quá mức bình thường. Là gương mặt nữ duy nhất trong những người làm nhạc thể nghiệm tại Việt Nam, đương nhiên Kim Ngọc bị coi là nổi loạn. Nhưng quan sát Kim Ngọc làm nghề, bình tĩnh và can đảm với xác tín của mình- lại thấy cô hết sức cẩn trọng và tỉnh táo. Từ chối những “sứ mệnh đao to búa lớn” mà người ta gán cho âm nhạc của cô, Kim Ngọc khẳng định nghệ thuật cô đang làm là cố gắng về gần với bản thân, trước hết vì niềm vui thích của chính mình.

 

 

 –Những năm cuối 1990 chị viết ca khúc. Những bài hát đó được hầu hết các divas thu âm. Nếu tiếp tục con đường ấy Kim Ngọc đã là “star” của nhạc trẻ đấy chứ?

+ Danh tiếng cũng hấp dẫn, nhưng với tôi quan trọng hơn là biết mình là ai và hiểu rõ lý do mình lựa chọn, trả giá. Viết ca khúc pop chỉ là sở đỏan, không phải đủ thỏa mãi tôi lâu dài.  Tôi muốn đi tìm một điểm trùng lặp trong đời sống tinh thần của mình với nhịp điệu sống xung quanh mà mình tri giác.

– Chị mất tới 16 năm kỳ cạch nghiêm ngắn trong Nhạc viện Hà Nội, nhưng hình như chị chẳng  sáng tác gì theo lối chính thống mà mình đã học?

+ Tôi chưa bao giờ từ bỏ giao hưởng, nó chỉ bị gián đọan bởi tại Việt Nam vào thời điểm đó thực sự không có môi trường cho tôi phát triển. Cuộc chơi với âm nhạc hàn lâm vẫn là máu thịt và thách thức đối với tôi. Dù tôi có cái ngọn nhọn hoắt ngang ngược mọc theo hướng nào và hình thù gì thì cũng là từ cái gốc âm nhạc hàn lâm mà ra. Thời gian du học có tính chất tiếp thêm dinh dưỡng cho cái “ngọn” bớt còi cọc và nhiều chồi lộc hơn. Chứ không có nghĩa thời gian đó biến tôi thành một sinh vật từ trên trời rơi xuống.

Công chúng đang  đến với những tác phẩm của các nghệ sĩ đương đại  chỉ vì tò mò. Thừa nhận điều này có khó không?

+Tính tò mò là điểm khởi đầu của tri thức và hiểu biết. Nếu nhạc đương đại được tò mò rồi thì nó đã khẳng định được một nửa lý do cho sự tồn tại của mình.

Những điều chị đang làm có nằm trong mục đích “giải trí, an ủi, nâng đỡ tinh thần”- những cái người ta định danh là “công dụng” của âm nhạc không?

+ Âm nhạc của tôi có giá trị giải trí, an ủi và nâng đỡ. Tuy nhiên giải trí không có nghĩa chỉ là thư giãn, mà còn là bạn tìm được một hứng thú, cái đó mang lại cho bạn năng lượng sống và làm bạn tươi sáng trở lại. Tôi tin có những người thấy được “giải trí” với nghệ thuật của tôi, đấy là những khán giả thực thụ của Kim Ngọc. Nhưng nói chung giải trí hay an  ủi hay nâng đỡ chỉ là những khía cạnh rất nhỏ trong bức tranh tổng thể nghệ thuật.

Chị có khẳng định nếu công chúng không đồng cảm, chị cũng chấp nhận, chứ nhất định không nắn mình để chiều chuộng đám đông. Chẳng lẽ việc có đối thoại, tác phẩm của mình được va đập và tái sinh qua những đời sống khác- chị không thấy là hấp dẫn?

+Không có thứ nghệ thuật nào dành cho tất cả mọi người. Một tác phẩm nghệ thuật ra đời ắt có kẻ thích người chê, người đồng cảm kẻ thờ ơ. Đấy là một kinh nghiệm sống mà một lúc nào đó trong đời dù không muốn người nghệ sĩ cũng sẽ phải trải qua. Ứng xử thế nào với điều không dễ chịu này thể hiện bản lĩnh và cá tính của anh ta: Khi được yêu người ta dễ bừng sáng, còn lúc bị ghét họ có xem lại mình, có đi “phẫu thuật chỉnh hình” không? Hay bất cần cao ngạo đi ở ẩn? Tôi thì chọn con đường nếu đã “tìm ra mình” rồi thì quyết không đánh đổi nó lấy bất cứ điều gì khác. Nhưng tôi tha thiết được đối thọai – giống cái việc “va đập”, “tái sinh” như bạn nói – vì nó là điều tất yếu mà một tác phẩm nghệ thuật phải làm được. Tôi tha thiết được đối thọai giống như tha thiết được nghe giọng nói con người ở xung quanh mình, dù có phải chịu sự ghẻ lạnh hay mắng nhiếc.

Những điều mình làm tâm huyết và nghiêm túc không “chạm” vào công chúng. Những gắng gỏi đơn thân của nghệ sĩ nhận được những phản hồi không liên quan của giới chuyên môn- chị đã nếm trải cảm giác ấy chưa? Nó có làm chị lung lay không?

+Tôi đã trải nghiệm một ít cảm giác này tại Việt Nam. Tôi chả lung lay gì cả, tôi biết mình là ai, đang làm việc trong một môi trường thế nào. Mình sống chủ động tích cực thì thấy khỏe mạnh nhiều sinh lực hơn rất nhiều so với việc ngồi một chỗ ca cẩm hoặc kêu gọi mọi người hãy lắng nghe… Tôi không thích than vãn, mà thích quyến rũ hoặc ít nhất đối mặt với thách thức.

Chị có quan tâm đến các đồng nghiệp cây đa cây đề, khi họ phán xét một nhân vật nổi loạn như chị?

+ Tôi không ngần ngại những phán xét, nhưng tôi thấy “cây đa cây đề” chẳng có hấp dẫn gì cả. Chủ nghĩa hàn lâm hoặc tiền phong mà tôi được tiếp xúc tại phương Tây cực kỳ hấp dẫn, thế nên tôi đã cắp sách đi học họ. Chuyện này không diễn ra ngay từ đầu. Bản chất hay phản kháng khiến cho tôi cãi nhau suốt trong năm học đầu tiên với cả thày chuyên môn của mình. Nhưng rốt cuộc họ đã lôi cuốn tôi bằng tri thức giàu sang và quyền lực sáng tạo cá nhân của mỗi người.

Người làm nghệ thuật thể nghiệm không liên quan đến thị trường. Đây là sự kiêu hãnh hay nỗi tủi thân?

+Không kiêu hãnh cũng chẳng tủi thân.

-Vậy là thái độ chấp nhận?

+Đúng rồi, phải chấp nhận môi trường sống và không ngừng quyến rũ nó chứ tủi thân làm gì cho phí năng lượng. Còn nói kiêu hãnh là giả dối.

Trong các vở music-theatre của chị gần đây, người ta thấy Kim Ngọc độc diễn cả phần âm thanh và hình ảnh (bao gồm những phương tiện tạo hình sân khấu, chuyển động hình thể của diễn viên, hát voice, video…). Việc khai thác mình tối đa  hấp dẫn với chị hơn vị trí âm thầm của một người sáng tác- đứng phía sau?

+ “Music-theatre” là nhạc sĩ phải làm hết. Nếu không nó thành tác phẩm nhạc có múa minh họa hay tác phẩm múa có nhạc đệm mất. Ở đó là một tổng thể cấu trúc các lọai hình nghệ thuật nhằm đưa đến cho khán giả 1 ấn tượng chung, mà âm nhạc là “cốt chuyện” chính. Những yếu tố sân khấu khác tham gia vào không mang tính “hỗ trợ” mà đóng vai trò như những nhân vật khác trong “câu chuyện” âm nhạc. Đây chính là điểm khác biệt của music-theater so với các lọai hình sân khấu truyền thống hay lọai hình thuần âm nhạc khác.  Sáng tác cũng là khai thác hết mình, nhưng với music-theatre cái tôi của nghệ sĩ được đẩy tới tận cùng hơn.

Khi chị làm “Ai đem con nhện giăng mùng”- mọi người cứ đoán là cô ấy bức xúc với sự bất ổn, tù túng của thân phận phụ nữ, và lắng nghe câu chuyện của chị theo cách gắn vào nỗi khổ của phụ nữ. Chị có nghĩ việc quan trọng của người nghệ sĩ là dệt nên những sợi dây có khả năng đánh thức trí tưởng tượng và trải nghiệm của công chúng?

+Tôi cho rằng đó là công chúng đã “đọc” tác phẩm của tôi theo cách của mình. Một cách đơn giản nhất những hình ảnh mà tôi dùng đã đánh động trong tiềm thức hoặc kinh nghiệm sống của khán giả và những sợi dây liên quan khiến họ hình thành nội dung của riêng họ. Tôi chưa bao giờ mong đợi một nội dung cụ thể nào từ phía khán giả. Tôi lắng nghe họ giãi bày và thấy rằng mỗi một câu chuyện hay ấn tượng lớn nhỏ của từng khán giả đều bao hàm trong tác phẩm của tôi. Chỉ là những góc nhìn khác nhau vào cùng 1 chân dung, và họ nhìn nó từ khóc độ nào phụ thuộc kinh nghiệm sống và tri thức của mỗi người. Đối với tôi tất cả điều ấy đều quý giá và đáng được tìm hiểu. Vì một lần nữa thông qua phản hồi của khán giả, tôi được tiếp cận với rất nhiều những đời sống khác nhau. Còn nói đúng ra thì “Ai đem con nhện giăng mùng” là một suy nghĩ của tôi về TÍNH NỮ. Tôi đặt Tính Nữ dưới mọi góc độ và mối quan hệ: Truyền thống – hiện tại, hiện đại- cổ điển, độc lập- phụ thuộc, tự chủ- nô lệ, chủ động – thụ động, nạn nhân- kẻ gây án, khách quan- chủ quan…

-Chị khuyến khích những tham vọng thay đổi?

+ Nghĩ về thân phận phụ nữ là một cách những khán giả ấy đang chiêm nghiệm về tòan bộ những vẫn đề mà tôi nêu trên. Và ai biết nó sẽ làm nên những thay đổi âm thầm gì trong hành vi sống của họ?  Tôi nghĩ những thay đổi để cuộc sống chúng ta chủ động, được về gần với chính mình nhất đều là tích cực.

Cảm ơn chị về cuộc chuyện trò này.

 

BOX: Trần Kim Ngọc sinh năm 1975, Từ 6 đến 17 tuổi học piano tại Nhạc viện HN. Sau đó học khoa sáng tác NVHN đến năm 2001. Đoạt giải sáng tác âm nhạc đương đại Paris 1994, năm 20 tuổi là thành viên Hội Nữ nhạc sĩ Quốc tế.

–         Từ 1/2002 đến 12/2004 học sáng tác ngẫu hứng và nhạc điện tử tại đại học âm nhạc Cologne CHLB Đức.

-Đã dựng các vở Music-Theatre: “Một và Hai” và “Cái chết của con Thiên Nga” công diễn tại Cologne. “Gió Nồm” công diễn tại Cologne, Bruxels, Basel, Freiburg. “Năm Ngón Chân” công diễn tại Mỹ. “Bài Ca Đứa Bé Lang Thang”,  “Venus in Hanoi”, “Ai đem con nhện giăng mùng” công diễn tại Hà Nội. Tháng giêng 2008, “Ai đem con nhện giăng mùng” sẽ ra mắt khán giả TP HCM.