Ngồi dưới cây xanh

 

cây

 

Tôi gặp Đỗ Anh Thư (cô chủ nhỏ của Grandpa’s Garden), lần nào cũng kinh ngạc và thích thú vì những ý tưởng vừa mơ mộng vừa hoang đường của cô. Hôm nay Thư nghĩ ra dịch vụ trồng cây, nó thế này: “Ví dụ như nhà mình muốn trồng một cái cây, ý là biểu tượng của gia đình hạnh phúc bố-mẹ-con chẳng hạn, chúng mình sẽ vào khu này, người ta sẽ cho mình chọn giống cây (toàn cây to), chúng mình sẽ trồng một cái cây, cắm que bảo vệ cái thân non của nó, mỗi tháng cả nhà vào đấy picnic và thăm cây, chăm nó. Rồi nó sẽ lớn. Rồi nhà mình có thể vào thăm nó (kết hợp picnic) thường xuyên. Bao giờ nhà mình có biệt thự, chúng mình sẽ bứng nó về trồng tại nhà. Con cái lớn lên sẽ thấy thân thiết với cái cây đó, có ý thức bảo vệ cây cối. Bao giờ gia đình bị mất đi 1, 2 người, những người còn lại vẫn có thể ngồi đấy với cây…”.

Ngồi dưới gốc cây ấy, những người còn sống có thể lắng nghe và chuyện trò với linh hồn của những người đã khuất- tôi tin thế. Ngồi dưới gốc cây thương yêu, đã được lớn lên bởi vun vén của cả một gia đình, chúng ta có thể sẽ bật cười hoặc chảy nước mắt khi nhớ đến những kỷ niệm nho nhỏ xảy ra ở đây. Như bé út đã tập đi men quanh gốc cây, thằng anh thì bị ngã sái tay vì trèo cao quá. Những buổi chiều cuối tuần cùng nhau ăn bánh uống trà dưới tán cây, đôi lần cãi vã để rồi dàn hòa, và biết đâu có cả nụ hôn đầu vụng về của một đôi trẻ…Thật là bao điều kỳ diệu có thể diễn ra quanh một gốc cây, bao điều cảm động có thể nhớ về chỉ từ một gốc cây.

Nhưng mà chúng ta đã quên đi những cây cối quanh mình. Không, nói chính xác là ta vẫn đi dưới bóng cây, nhìn thấy cây, nhưng ta không nghĩ về cây như một thực thể sống động và có tinh thần, như một người bạn sống còn trong cuộc đời chúng ta. Vào những ngày nắng nóng, mọi người đều cố gắng náu mình trong các tòa nhà có điều hòa. Ngày mưa ta sẽ nằm trong nhà xem phim hoặc lướt mạng, tiếng mưa và ướt át chỉ còn như ảo giác. Ta chăm chú xem bản tin thời tiết mỗi tối, để chủ động cho công việc, đưa đón bọn trẻ đi học, hay chuyến du lịch ngày mai. Mỗi sáng ta lao ra khỏi nhà hay mỗi chiều trở về từ công sở, vượt qua đám đông và những nút tắc đường, ta chỉ còn cáu kỉnh vội vã. Chúng ta tiêu dùng ngày cuối tuần phổ biến cho tivi, hoặc tới rạp xem phim ăn bỏng ngô, hoặc shopping ở trung tâm thương mại (nếu không bận chạy điên cuồng đưa đón con đi học thêm). Thiên nhiên đã bị lãng quên, trở thành vô hình – dù vẫn luôn cố gắng hiện diện quanh đời sống chúng ta.

Bạn có nhớ màu trời xanh biếc trong đáy mắt người yêu, khi bạn cùng cô ấy nằm dài ở triền đê ngắm buổi chiều trôi qua chậm chạm trên những vầng cỏ may? Bạn có nhớ hương đất ẩm ướt và mùi lá cây hăng ngái sau mỗi trận mưa giông? Bạn có nhớ mùi gió biển thật mặn vào đêm thâu, bờ cát tinh khôi mượt êm như tấm khăn lụa mơn man bàn chân trần của bạn buổi sáng sớm? Bạn có nhớ nỗi vui mừng khi đón đợt nắng ấm đầu tiên sau chuỗi ngày lê thê mưa dầm ẩm mục? Bạn có nhớ cảm giác hồi hộp ngày thơ bé, khi ngóng chờ hạt mầm đầu tiên mình gieo sẽ nhú lên? Bạn có nhớ an ủi yên lành khi được ngồi ngơi nghỉ dưới bóng cây? Bạn có nhớ cái rét thê lương của quãng đường xa ngày đông, khi gió bấc tràn về? Và lần cuối bạn được say mê lắng nghe tiếng chim lúc bình minh, tiếng cá quẫy ăn dưới trăng, tiếng gió thổi rì rào qua tán lá – là khi nào?…

Tôi ngồi trên tầng 3 ngôi nhà mình ở, nhìn hết tầm mắt, không vướng một màu xanh nào. Chỉ có những tòa nhà chọc trời của nơi mà người ta đặt tên là Royal City. Màu trắng xám của tường bê tông, những ô cửa kính vuông chằn chặn một kích thước, đơn điệu như những cây thước kẻ dựng ngược. Ở đó 24/24h phải dùng điều hòa để có không khí thở (ngay cả khí trời cũng là xa xỉ). Và đó là cuộc sống vương giả đáng ao ước mà người ta đang lao tới. Bầu trời và cơn mưa, những mùa trôi qua, cây xanh và nắng ấm…quà tặng tuyệt vời hào phóng của thiên nhiên vẫn luôn ở đó, chỉ có chúng ta đã lãng quên và đóng cuộc đời mình lại trong những căn phòng hẹp. Chúng ta tự biến mình thành nghèo nàn và thảm hại, trong nhịp sống máy móc, trong cầm tù của tiện nghi.

Tôi có góc thiên nhiên nào để tặng đứa trẻ của mình đây, ngoài cái ban-công bé xíu?! Thôi thì tôi sẽ đưa con ra công viên, cho con chọn một cái cây “của nó”. Tôi sẽ đánh dấu lên thân cây để đo xem con lớn bao nhiêu sau mỗi lần quay lại. Bọn tôi sẽ dọn rác, nhổ cỏ cho cái cây ấy, sẽ lo lắng cho từng cành khi mùa bão về, sẽ chờ mong cây trút lá và thay lộc non mỗi mùa mới. Từ việc chăm cây, con sẽ đọc sách về thực vật và để ý đến chim muông, côn trùng – và đó hẳn là việc chẳng bao giờ nhàm chán. Tôi cứ nghĩ, dù sau này con lớn lên và đi xa, thì vẫn còn gốc cây ấy, tỏa bóng xanh mát để chúng tôi trở về ngồi cùng nhau – ít ra là trong tâm tưởng…

Đi đường thật chậm

mothe2

Quãng đường từ nhà đến trường con gái chừng 2 cây số, ngày nào đưa nhau đi học cũng rẽ phải 2 lần – rẽ trái 1 lần- rồi lại rẽ phải – qua 1 ngã tư – 2 ngã ba – 5 chung cư cao tầng. Buổi sáng luôn vội vàng vì trẻ con lề mề dậy trễ, không nhanh sẽ tắc đường, sẽ muộn bữa sáng của con, muộn luôn giờ làm của mẹ. Buổi chiều thì hớt hải chạy xe vượt qua một nùi tắc đường về đón con kịp giờ, nháo nhào đi chợ, con gái ngồi sau vòng đôi tay bé bỏng quanh bụng mẹ, ríu rít kể đủ chuyện một ngày ở trường. Nhưng người mẹ thường ậm ừ qua quýt, chả tâm trí nào nghe chuyện, vì căng thẳng xoay xở cái xe Zip bé tí trở cồng kềnh (rau thịt cá hoa quả bữa tối, ba lô của mẹ của con) trên chặng đường về kẹt cứng. Con đường hơn 2km ấy luôn được đi theo quán tính, nhắm mắt cũng không lạc lối rẽ, nhắm mắt cũng biết đoạn này mình sắp qua chợ hay qua chung cư, nhắm mắt cũng biết sắp qua ngã tư hay bãi đậu xe ô-tô lấn chiếm. Và chẳng có cảm giác gì hơn, chỉ là 2km con đường hàng ngày.

Hôm nay mẹ đánh rơi chìa khóa xe lúc lên lớp đón con. Đành phải gửi xe lại trường mầm non, đang định vẫy taxi thì con gái níu gấu áo: “mẹ, con muốn đi bộ về nhà, con muốn được đi thật chậm với mẹ!”. Trời vừa tạnh mưa, đường đã kịp khô nhưng không khí vẫn còn tươi mát, ừ thì bọn mình đi bộ, nếu mỏi chân sẽ bắt taxi sau vậy. Ngay cạnh trường mầm non có cái chợ cóc họp bên mé vườn hoa nhỏ, 2 mẹ con mua luôn thức ăn cho bữa tối. Tiện, người mẹ chỉ cho con phân biệt các loại rau, ôn lại tên của các loại trái cây nhìn thấy trên sạp, và hoa hồng nhung khác hoa hồng thơm, cẩm chướng khác hoa phăng-xê như thế nào. Con gái xin mang túi rau giúp mẹ, ba lô của ai người nấy đeo, mỗi người còn một bàn tay rảnh- dùng để nắm tay nhau.

Qua ngã tư, chờ đèn tín hiệu sang đường, con gái chỉ: “Mẹ, cầu vồng!”. Trên vòm trời xanh sẫm của buổi chiều chạng vạng, cầu vồng như một nửa vòng tròn khổng lồ rực rỡ mọc ra từ nóc của 2 tòa cao ốc phía xa. Sao lâu lắm mình không gặp cầu vồng nhỉ? Người mẹ tự nhủ. Chị kinh ngạc nhận ra dường như mình đã quên về sự tồn tại của cầu vồng và vẻ đẹp thanh khiết sau cơn mưa.

Đi tiếp, qua dãy chung cư đang hoàn thiện, con gái trầm trồ: “Mẹ, sáng nay đi qua đây còn chưa có cửa sổ. Bây giờ đã có rồi này, con thấy cửa sổ giống như hộp quà chờ mở ra…”. Người mẹ nhìn lên, quả thật những ô cửa sổ viền khung composite nhìn từ dưới lên trông như những hộp quà vuông vắn được thắt ruban màu trắng. Trong khi con gái say mê ngửa cổ tập đếm, người mẹ tưởng tượng chỉ vài tháng nữa, bên trong những “hộp quà” ấy sẽ chứa đầy tiếng cười vui lanh lảnh của trẻ con, hay căn phòng ngủ yên bình, hay phòng đọc sách kỳ thú và mơ mộng, hay có thể một căn bếp ấm sực mùi gia vị…

Đi tiếp, qua rặng Bằng Lăng lá còn ướt nước mưa xanh ngời, con gái buông tay mẹ chạy nhặt một bông hoa tím nằm im lìm trên mặt đất. “Đây là hoa Ngọc Chi, con vừa đặt tên cho bạn ấy!”. Người mẹ ngạc nhiên, chị nhớ đã bảo con biết đây là cây Bằng Lăng, nở hoa khi vào mùa hè. Con gái cầm hai bông hoa, tự cài vào vành tai nhỏ nhắn của mình và cài vào tóc mẹ: “Mình là công chúa Ngọc Chi, mẹ ạ! Khi mình nói ra chữ Ngọc Chi, trong đầu mình sẽ nhận ra ngay là màu tím và màu hồng, mình sẽ mừng vui vì biết là mùa hè đã về. Còn mình nói Bằng Lăng, mình thấy im lặng trong lòng…”. Người mẹ cảm động: “Ừ, từ giờ 2 mẹ con mình gọi cây này là Ngọc Chi, bé nhỉ!”. Chị nghĩ đến con đường mình đi làm, rặng Ngọc Chi mọc hai bên đường từ ngày mai hẳn ánh màu hồng màu tím lộng lẫy như trong miêu tả của con gái.

Đi tiếp, rẽ trái, có chị công nhân vệ sinh đang ngồi nghỉ bên vệ đường. Người phụ nữ ấy mệt mỏi, tóc bết mồ hôi, chiếc xe rác cao ngất bên cạnh như thể sắp đè vào chị. Con gái tiến đến vui vẻ: “Cháu chào bác! Hôm nay mẹ cho cháu đi bộ, mọi hôm cháu đi bằng xe máy nên chạy qua bác hơi nhanh!”. Gương mặt chị công nhân thoắt kinh ngạc rồi sáng bừng với nụ cười: “Cháu bé ngoan quá! Có phải cháu là cô bé ngọ ngoạy sau xe Zip màu vàng?”. Món quà làm quen của hai bác cháu là một con châu chấu cuốn bằng lá cây, con gái hẳn không biết chị công nhân nhận câu chào thơ ngây của bé như một cốc nước ngọt lành. Chiều chiều đi thu rác ở dãy phố này, chị đã quen nghe câu gọi trống không: “Ê, xe rác, đợi cái!”.

Rồi cũng về tới nhà, 2 mẹ con chưa kịp thấy mỏi chân và chưa kịp hết chuyện. Con gái cười láu lỉnh: “Mẹ, nếu bọn mình đi đường thật chậm, con sẽ chỉ cho mẹ thật nhiều món quà bí mật!”. Cảm ơn bé, cô gái năm tuổi rưỡi của mẹ! Không có con đường nào buồn chán, mọi con đường đều kỳ thú và mới mẻ mỗi ngày, nếu bọn mình đi chậm, nhìn kỹ với đôi mắt biết kinh ngạc và tưởng tượng, con nhỉ!