Người cuối cùng dệt lãnh Mỹ A

“Bên nàng mặc lãnh Mỹ A
Đưa đò sang chợ, tưởng xa hóa gần”

Tôi đã đi hơn 2000 cây số để được chạm tay vào mặt lụa đen huyền mát lạnh  lóng lánh sáng, đẹp và buồn như được dệt bằng những hàng châu sa;  để được tận tai nghe câu chuyện của người cuối cùng dệt Lãnh Mỹ A; tận mắt thấy một thái độ sống, một cam kết xác tín với nghề – hoang đường và khó tin như đàn khủng long thời tiền sử bỗng đường bệ đi vào thành phố.

lãnh3

Trái mặc nưa

  1.
Nguyễn Hữu Trí cầm trên tay nhánh cây mặc nưa biếc xanh có trái tròn mọng bóng mướt màu lam ngọc, nói bằng giọng vừa cưng nựng vừa phát phiền: “Cái loài khó tính đỏng đảnh! Chăm nó quá thì nhựa bị hư, muốn nhựa tốt phải cằn cỗi thì lại ít quả. Đốn quả phải dùng ngay vì nó nhất định không chịu cho người ta giữ khô, quả vừa chín là hết nhựa. Mưa quá nắng quá đều không chịu, cây gì mà phải chặt đau đớn mới ra trái, để vươn ngọn xanh tốt lại vô duyên….”.
Nếu coi sợi tơ tằm là da thịt thì nhựa trái mặc nưa là nhan sắc của loại lụa cầu kỳ duy mỹ số một trên dải đất Việt: Lãnh Mỹ A.
Thời Pháp mới đặt đô hộ Nam Kỳ, có người Pháp tên là De Colbert về xứ Tân Châu thấy thổ nhưỡng khí hậu phù hợp đã lập ra Sở Kén, chuyên trị việc trồng dâu nuôi tằm lấy tơ dệt lụa. Lãnh Mỹ A được dệt từ thứ tơ hảo hạng của những Ông Tằm khỏe nhất, nhuộm đi nhuộm lại nhựa trái mặc nưa trong hàng tháng trời. Thứ lụa trơn láng, đen nhưng nhức ấy mặc vào người như được vuốt ve trên da thịt, mùa hè mát rượi, mùa đông ấm sực dù chỉ khoác lớp tơ mỏng nhẹ, càng mặc càng giặt càng đen huyền, màu đen “chết không đổi tính” cho đến tận khi rách bục. Nguyên liệu hảo hạng, biết bao vất vả mới làm nên tấm vải, nên xưa kia chỉ bậc giàu có thượng lưu mới dùng lãnh Mỹ A mặc vào dịp ăn chơi sang trọng như đi xem hát- lễ tết – đám tiệc, tấm lãnh được người ta giữ như bảo vật trong nhà.
Xưa, người Tân Châu nhuộm lãnh bằng vỏ cây già rồi đạp bùn. Vải lên đen những không bền màu, nhanh phai và ánh đỏ. Tám Lăng, chàng thanh niên khỏe mạnh và tháo vát, nghe nói bên Cao Miên có trái mặc nưa chuyên dùng làm màu nhuộm, đã quyết đi qua biên giới mang về cho những nhà dệt trong vùng. Người Miên đập trái mặc nưa ra lấy nhựa, nhuộm vải rồi xả đi rồi lại nhuộm, cứ như thế cho khi mặt lụa đủ ngấu màu đen. “Vải của người Miên mặc thật lâu mới lên nước, sau khi chịu bao vầy vò giặt giũ. Chính vì thế, về Tân Châu tôi bàn với những nhà dệt vừa nhuộm vừa đập vải, cho thớ tơ vỡ ra. Ai ngờ đau đớn lại làm nên sự mềm mượt bóng huyền ngay lập tức cho miếng lãnh Mỹ A…”. Hơn nửa thế kỷ sau, ông già Tám Lăng ở tuổi 88 ngồi trong vườn nhà, thong thả kể lại cho chúng tôi nghe về những ngày trai trẻ vượt rừng đi tìm màu cho dòng lụa sang quý nhất của Tân Châu.
1975, Tám Lăng dừng việc đi buôn trái mặc nưa, bởi ông đã kịp nhân được giống cây ngay tại quê nhà. Với vốn liếng kha khá, Tám Lăng mở một xưởng dệt lớn. Vì ông quá mê mẩn lãnh Mỹ A, muốn mang vốn liếng kinh nghiệm học được từ hàng chục năm đưa mặc nưa để làm ra một thứ lãnh thật đẹp thật nuột nà. Nhưng chiến tranh loạn lạc, việc sống khó nhọc bươn trải khiến người ta đâu dám mơ đến sự xa xỉ của việc mặc. Cả vùng Tân Châu không còn dệt tơ tằm, bãi dâu bị chặt, lò tơ ngưng quay, nghề chăn tằm vì thế chết tuyệt gốc. Các khung cửi dệt tay hầu hết chuyển sang dệt thứ sợi nilon phổ biến và rẻ tiền. Những nhà dệt lớn vì xót xa thứ lụa vốn là niềm kiêu hãnh của một vùng đất đều cố gắng cầm cự. Giống như vị thuyền trưởng chỉ rời khỏi con tàu đắm khi tất cả hành khách và thủy thủ đoàn đã xuống hết, Tám Lăng chống cự đến cùng trước cái chết của lãnh Mỹ A, cho tới năm 1984 thì người chủ xưởng ấy đành chấp nhận đóng khung dệt lãnh cuối cùng.

lãnh 2

Lãnh được cuộn lại rồi cho vào đập cho vỡ thớ tơ

  • 2.
    Xưa nay, phàm thứ gì quý hiếm thì đều khó khăn đỏng đảnh. Như loại len Baby Cashmere thượng thừa xa xỉ và cầu kỳ, được lấy từ lông tơ của những con dê sống trên dải cao nguyên Gobi cao hơn 4000m so với mực nước biển. Nơi được gọi là “sa mạc lạnh” với mùa  đông nhiệt độ có thể xuống dưới -45oC và mùa hè là  45oC, đã ban tặng cho những chú dê bộ lông hoàn hảo để đương đầu với thời tiết nghiệt ngã. Mỗi chú dê Baby Cashmere chỉ có thể cho tối đa 30gr lông sợi với kích thước từ 13-15 micromet, đặc biệt lông được thu hoạch thủ công (không được xén cắt mà phải chải tách lông trên vùng lưng chú dê non) vào đúng mùa xuân. Thứ len nhẹ và xốp như mây, mềm mượt và siêu ấm ấy đắt đỏ như vàng ròng (cần tới lông của 60 chú dê mới đủ lượng len để dệt một chiếc áo khoác). Gần đây, người Ấn Độ đã nhờ khoa học can thiệp đôi chút để “nhân bản” ra loại dê Cashmere thích nghi được môi trường ấm áp hơn, việc chăn thả dự định sẽ ở các vùng có độ cao thấp hơn, khí hậu bớt khắc nghiệt hơn. Điều đó giúp tăng số lượng đàn dê và sản lượng len. Tuy nhiên, can thiệp này đã vấp phải sự phản đối đến mức phẫn nộ từ những kẻ khó tính nhất định thủ tiết với sự cầu kỳ. Họ coi cố gắng để nhiều lên ấy như một sự phản bội tinh thần độc bản của len Cashmere.
    Rất tiếc quá nhiều người hiểu lầm giá trị của đồ xa xỉ nằm ở khía cạnh vật chất, trong khi xa xỉ luôn nằm trong tinh thần. Độ tinh xảo và hiếm có, tính thẩm mỹ xuất sắc của sản phẩm, sự đầu tư đến mức hoang đường về thời gian và không gian, thái độ và kỹ năng của người thợ trong quá trình sản xuất – mới làm nên giá trị xa xỉ. Những thứ thượng phẩm vì thế luôn hiếm hoi và cực nhọc, đằng sau câu chuyện xa xỉ phẩm thường là triết lý cực kỳ chính xác và xúc động về cái Đẹp. Ông Tám Lăng và người con trai nối nghiệp Nguyễn Hữu Trí có thể chưa từng biết sự đỏng đảnh khó chịu của thế giới xa xỉ phẩm mà cuộn len vàng ròng từ chú dê baby Cashmere là một ví dụ. Nhưng bao năm nay cha con họ vẫn luôn thanh thản đối xử với nghề bằng thái độ kỹ lưỡng, bằng sự trung tín bền bỉ như đương nhiên phải thế. Ông Tám có 10 người con, mỗi Trí mê mẩn nghề dệt. Anh nhận trọn vẹn từ cha mình lòng quyến luyến lụa và lãnh, như nhận mang vác một gánh nặng, một báu vật, một nợ nần truyền đời. Đường yêu kết từ tơ tằm và trái mặc nưa mà ông Tám Lăng khởi sự nên, Trí sẽ phải đi hết…

Ông Tám Lăng gọi ngày mà “người đàn bà định mệnh” ấy tìm đến mình là ngày ơn phước. “Năm 1990, cô Râu tìm đến xưởng dệt Tám Lăng để hỏi về lãnh. Lúc đó, gần 1.000 khung dệt trong vùng chỉ dệt sợi nilon. Cô Râu rủ tôi: “Hãy quay lại dệt lãnh Mỹ A! Phải dệt bằng sợi tơ tằm, màu nhuộm từ thiên nhiên, làm thủ công hoàn toàn. Chỉ cần ông cố gắng dệt ra vải tốt hơn cả lãnh Mỹ A cũ, tôi sẽ cố gắng bán vải!”. Cô Râu tên là Rose Morant – nghệ sĩ đương đại, designer của một hãng thời trang xa xỉ của Pháp – lọ mọ đến Việt Nam để tìm vùng nguyên liệu thủ công và độc bản. Trong những truyền đạt ngắn gọn và đơn giản nhất từ Rose, ông Tám Lăng hiểu ngay việc của mình chính xác là phải làm ra những tấm lụa không thể đẹp hơn, bất kể mất bao nhiêu thời gian hay bao nhiêu khó nhọc.
Việc đếm lỗi trên một cây lụa là hành vi hầu như không xuất hiện trong suy nghĩ của những người thợ thủ công chân lấm tay bùn, bao đời nay họ thao tác như một quy trình mặc nhiên “chăm hay không bằng tay quen”. Rose Morant thì yêu cầu gay gắt về kiểm soát lỗi. “Năm đầu tôi được phép có 10 lỗi trên một cây lụa 20m dài, sau đó chỉ được quá lắm là 5 lỗi”- ông Tám Lăng nhớ lại. Nếu bạn hiểu thế nào là “lỗi” theo quan niệm của họ, thì tôi tin ước mơ về nghề nghiệp của bạn vĩnh viễn sẽ không có chữ “dệt lụa”. Ngưng thoi dệt lâu quá vài giây, sợi tơ tằm bị “nguội” nên khi dệt tiếp sợi bị hằn lên bằng cọng tóc chẻ làm mười – cũng coi là một lỗi chỉ được quyền vi phạm 1 lần trên 20m vải! Mà trong chi chít công đoạn từ tách/se tơ, nhuộm/giặt/đập/phơi/là phẳng lụa…kéo dài suốt nhiều tháng trời, không được phép xảy ra quá 5 lỗi phải soi kính lúp mới tìm thấy – bạn có thấy muốn bệnh không?

Từ yêu cầu “khó phát điên” của Rose thì lãnh Mỹ A đành phải chuyển vùng nguyên liệu. Khí hậu Bảo Lộc- Lâm Đồng quanh năm mát ẩm, là nơi duy nhất ở Việt Nam nuôi được giống tằm có gốc từ vùng núi Phú Sĩ – Nhật Bản. Một Ông Tằm tốt sẽ nhả được thước tơ chừng 700m, lãnh đẹp nương vào tơ, vì thế dệt lãnh phải chọn tơ loại Một được lấy từ ông tằm khỏe, kén chín vào mùa xuân, sợi tơ dài nuột nà mềm mượt không mối nối, mang màu trắng ngà nhìn vào cảm giác trong veo như sợi cước.  Tơ Bảo Lộc về đến xưởng Tám Lăng sẽ có thợ chuyên quay tơ se sợi (mỗi sợi dệt ngang được chập lại từ 8 con kén, sợi dọc là chập tơ từ 10 con kén). Thợ dệt sẽ mắc cửi coi khung, đứng canh mặt vải không rời mắt mỗi giây để tránh lỗi, thấy tơ hơi gợn lên là phải gỡ, phải dấu được mối nối giữa các đoạn để cả cây lụa như được dệt ra từ một sợi tơ duy nhất. Thế mà vải dệt xong, vẫn cần một người thật cẩn thận, mang kính cầm nhíp xăm xoi tỉ mẩn từng milimet để “cứu” những vết tơ hơi lằn trên mặt lụa. Rồi lụa được cho vào luộc để ra hết chất keo ông tằm, sau đó mới mang vào nhuộm. 100kg trái mặc nưa xay nhỏ sẽ đủ nhựa nhuộm được 20m lụa. Da Một mất 9 ngày với 27 lần nhuộm rồi giặt xả, phơi rồi nhuộm lại…Da Hai vẫn quy trình như thế trong 9 ngày. Da Ba cùng một quy trình trong 6 ngày. Ba da đầu tiên để sợi tơ ngấm nhựa mặc nưa, giúp vải đằm và đảm bảo độ bền. Phải canh để nhựa không bị thừa, nếu không vải sẽ quá nặng. Nếu “non nhựa”, màu đen sẽ lên không đủ sâu và dễ phai. Đến Da Bốn người thợ nhuộm bắt đầu chỉnh màu cho no đều, cây lụa được mang vào đập cho vỡ thớ sợi để màu nhuộm “ăn” thật sâu vào tận lõi tơ, màu đen bật lên nhưng nhức. Da Năm vẫn nhuộm tiếp, để bóng láng mặt vải, sau đó mang giặt và đập vải. Lúc này miếng vải đã gần như cố định về “nhan sắc”, nhưng cần cảm giác mềm mại mơn man – người ta sang Da Sáu: miếng vải được đập kỹ, giặt bằng nước sông Lãnh, phơi khô sau đó mang vào ủi thật phẳng phiu. “Không có con số chính xác về số lượt nhuộm mặc nưa, vì thời tiết xấu cây vải không ăn nhựa thì riêng Da Một đã phải nhuộm tới hơn 50 lần. Có được tấm lãnh Mỹ A lên sắc đen huyền lấp lánh, mát mượt trên da thịt, phải trải qua khoảng 100 lần nhuộm, 20 lần giặt xả, khoảng 10 lần đập vải…”- Nguyễn Hữu Trí bỏ hết cả ngón tay ngón chân ra đếm, rồi lắc đầu như bất lực trước sự nhiêu khê của những con số. Trí còn đếm được trên một mét lãnh có 13 ngàn sợi chạy ngang, nghĩa là cần 104 ngàn con  kén được chập thành tơ. Làm sao người mặc có thể tưởng tượng ra mình mang trên người những tinh hoa của từng ấy kiếp tằm???

 

Lãnh1

Cả cây lụa như được dệt từ một sợi tơ duy nhất

3.
Từ lúc dệt cho đến khi nhuộm xong một miếng lãnh Mỹ A mất 4 tháng. “Với sự khó tính của cô Râu, chúng tôi phải làm ra loại lãnh đẹp hơn ngày xưa tới 10 phần” – ông Tám Lăng kể, đơn giản như thuật lại sáng nay vừa ngồi chỗ nào. Năm 1991, ra đời 500m lãnh đầu tiên theo “chuẩn của Rose”. Không đạt yêu cầu, Rose vẫn thu mua, vừa động viên vừa kèm cặp gia đình Tám Lăng hoàn thiện kỹ thuật dệt và nhuộm. 1992, số lãnh dệt được 1.000m, đạt 70% yêu cầu. Họ đồng hành cùng nhau đi chậm và chắc chắn, không sốt ruột, không nản lòng, không phân vân. Và từ 1995 thì lãnh Mỹ A đã đủ chuẩn để làm nguyên liệu cho nhiều nhãn thời trang xa xỉ của thế giới. Rồi Rose Morant rời Việt Nam, công ty của chị sang nhượng lại cho Hanoia – nhà chế tác sơn mài cao cấp đầu tiên của Việt Nam. Tôn vinh và bảo toàn tinh hoa thủ công là con đường Hanoia lựa chọn, và những tình cảm cũng như cam kết “cưu mang” Lãnh, Hanoia đã đi tiếp nguyện vọng của Rose Morant. Người trung chính giữ lời Tám Lăng thì vẫn tuân thủ lời hứa ngày nào: chỉ dệt ra thứ vải tốt nhất.

Ông Tám Lăng hiện đã lui về nghỉ ngơi, cơ ngơi xưởng dệt trao lại cho con trai. Buổi trưa nắng chói, Trí đưa chúng tôi ra ruộng mặc nưa khoát tay chỉ: “Cả vùng trồng mặc nưa chỉ để bán cho nhà tôi. Nếu trúng mùa, số mặc nưa đủ nhuộm cho 10.000m vải, nhưng hiện nay nhà tôi chỉ làm 3.000m. Mình có thể dệt tới 6.000m, nhưng Hanoia rất cố gắng nhưng cũng chỉ bán được như thế.  Tôi lo cho mặc nưa lắm. Người dân không bán được trái, họ sẽ đốn bỏ mặc nưa để trồng cây khác có lời hơn. Bên Campuchia mặc nưa đã bị xóa sổ rồi, chỉ còn vài vườn ở đất Tân Châu này…”

Thị trường bán lẻ trong nước thì sao? Trí lắc đầu buồn bã, thẩm mỹ sặc sỡ và thói quen tiêu dùng nhanh tiện không cho Lãnh Mỹ A khe cửa hẹp nào. Làm ra tấm lãnh đã cực nhọc, nhưng để dùng được nó cũng hầu đến khổ. Lãnh Mỹ A phải khâu tay, nếu dùng máy may nhất định phải là loại máy tốc độ cực chậm, dùng kim khâu đầu tròn – thì thớ lụa mới không bị xé ở đường may. Riêng tiền nguyên liệu để may lên một bộ váy đã hàng triệu bạc, lại chỉ có duy nhất màu đen, lại đòi hỏi thủ công toàn phần…người “nhiễu sự” về chuyện mặc như thế đâu phổ biến?

Trí cầm cây lãnh lên vuốt ve, kể bằng giọng âu yếm mệt mỏi như khi người ta nói về một cục yêu: “Nó là loại rắc rối, lúc nhựa mặc nưa tốt nhất thì đúng mùa mưa dai dẳng, đẩy vải ra phơi ngong ngóng hong sấy chống mốc phát ốm, nhuộm đi nhuộm lại biết bao khổ. Lúc trời nắng đẹp, vải được nước phơi thì mặc nưa đã hết mùa, thứ quả ấy phải dùng ngay khi còn tươi nhựa, đâu cất giữ dành dụm được chờ ngày đẹp trời. Chỉ riêng chuyện kiếm chỗ phơi đã thấy Nó đỏng đảnh. Phơi trên cỏ, nhưng cỏ phải có độ cứng đủ để nâng vải hứng nắng, đồng thời phải đủ mềm để không xước vải, cả bãi phơi mênh mông như vậy mà từng ngọn cỏ cao bằng bặn như đo thước. Hình như càng khó khăn thì ba tôi càng thương nghề. Ổng chỉ sợ lúc mình già lẫn, tấm tình với nghề của bọn tôi không có người giữ nhịp, lãnh sẽ bị thờ ơ…”.
Trí đang mang vác trách nhiệm người cuối cùng dệt lãnh Mỹ A. Thứ lụa huyền ảo và đẹp như một nỗi buồn này có thể sinh sôi tiếp diễn hoặc tuyệt mệnh – đều do Trí. “Cô Râu có mong ước làm sao lãnh Mỹ A đa sắc, nhưng với điều kiện màu nhuộm phải hoàn toàn thiên nhiên”. Ao ước bâng quơ của người phụ nữ Pháp gắn bó một lòng hồi sinh lãnh Mỹ A, với Trí như món nợ ân tình phải trả. Thì anh đi tìm màu nhuộm mới. Kỳ cạch suốt từ 1997, Trí lấy màu từ đất đá, vỏ cây, lá, củ, thân rễ, lõi gỗ…với các thử nghiệm cầu kỳ nhất mà anh có thể tưởng tượng ra. Tới 2003 Trí tìm được 7 màu mới cho lụa Tân Châu (lụa gốc chỉ có màu đen mặc nưa hoặc trắng ngà màu nguyên của tơ tằm). Nhà thiết kế Võ Việt Chung có một bộ sưu tập áo dài mang ra quốc tế với tên “Mơ về Châu Á” – lụa tơ tằm Tám Lăng với 7 sắc màu từ cây cỏ do Trí tìm ra. Cuối năm 2015 chúng tôi về Tân Châu, Trí mang bảng màu ra khoe. Lụa nhà Trí đã có 12 màu, nhưng anh vẫn mang nỗi niềm bất toại: “Màu từ thiên nhiên biến hóa khôn lường. Nhuộm lên màu thì dễ, nhưng làm sao để màu đó gia cố kết cấu vải thêm bền, bám màu không phai được như mặc nưa – tới giờ tôi vẫn chưa tìm được…”. Trí bị ám ảnh bởi tone xanh, thứ màu không thể giữ lại, diễm lệ và sẵn sàng phôi phai tan biến. Trí vẫn mơ về cây tràm cổ của đất Tân Châu, loài cây đã bị tuyệt diệt ấy theo lời kể của những người già thì nó chiết ra nhựa xanh ngắt và bám màu bền bỉ. “Biết đâu sẽ là một thứ Mặc nưa màu xanh??! Tôi nhất định phải đi tìm…”

Trong xưởng nhuộm của Tám Lăng có một bó chổi xuể bằng chét tay lấy về từ vùng núi Ninh Thuận. “Đó là cây chổi Tổ của người thợ nhuộm” – Trí thành kính nói. Cây chổi dùng để nhúng vào nước rồi vảy lên cuốn vải, cho vải đủ ẩm mới đưa vào máy đập. Người thợ nhuộm giỏi nghề phải biết coi chừng nhịp nước, nếu vải khô quá sẽ không ăn đủ nhựa mặc nưa, vải dư nước mặc nưa bị “ói” ra mất công nhuộm lại. Trong bí kíp truyền đời của nghề làm lãnh, không một ai dùng cách nào khác để vẩy nước cho cây vải. “Chúng tôi có niềm tin rằng chỉ dùng đúng cây chổi tổ, tấm lãnh Mỹ A mới trở nên mềm mại và bóng đẹp…”

Niềm tin là một thứ quyền lực vô hình vô ảnh nhưng chắc chắn đến mức kỳ vĩ. Biết đâu, ông Tám Lăng và giờ đây là Nguyễn Hữu Trí đã dấn thân vào vạn dặm độc hành hun hút của lãnh Mỹ A với niềm tin như một bóng mát trên đầu? Và biết đâu, chỉ với gia tài duy nhất là niềm tin, sẽ có ngày Trí tìm thấy cây Tràm cổ – hoang đường như một hóa thạch hồi sinh. Hẳn lãnh Mỹ A sẽ mang một nhan sắc mới với thứ “mặc nưa” kỳ lạ ánh lên màu diệp lục…

——————————-

Và đây, Tôi- với..

chổi tổ

…cây chổi tổ của người nhuộm lãnh Mỹ A.

ĐIỀU VÔ VỌNG CỦA SỰ THẬT

my end

Khi người ta thương mến nhau đến mức nào đó, việc tặng quà và nhận quà luôn không chỉ là món quà, mà là một niềm vui được thửa riêng. Nên một ngày tôi đòi X., “hãy tặng tớ một quyển sổ để tớ ghi nhật ký. Quyển số ấy mới, nhưng nó phải ngậm thời gian, nó ấm và yên tâm như thể bao năm nay vẫn nằm im trong ngăn tủ của tớ. Rồi tớ sẽ trút vào quyển sổ đó như trút vào cái hố bí mật, những hổ thẹn và ngu dại của mình…”. Và X. mang tặng tôi một quyển sổ có giấy màu nâu nhạt, bìa là miếng da bụng mệt mỏi của một con bò cái, gáy đóng bằng những nút da mềm mại buộc xoắn lại. Quyển sổ xưa cũ như một tiếng thở dài thân thuộc, tôi những muốn gối đầu lên nó lúc đi ngủ.

Nhưng rồi tôi cất quyển sổ tận sâu trong ngăn kéo, vài lần lấy ra ngần ngừ định viết rồi đóng lại. Tôi không nỡ viết những lời vờ vịt với chính mình lên sự mệt mỏi ấy, cũng không dám tự dốc cung mình để thành thật tuyệt đối, dù là trên những trang giấy hết sức riêng tư. Tôi không chịu đựng được tận cùng sự thật về chính tôi. Tôi khiếp sợ nghĩ đến viễn cảnh nhỡ tôi đãng trí, hay đột tử vì một tai nạn, hay đánh mất chìa khóa tủ…muôn ngàn lý do xảy ra để người thứ 2 có thể động đến quyển sổ, và họ sẽ khám phá ra một Sự Thật khác với sự thật mà họ từng biết về tôi. Chẳng có gì xấu xa hổ thẹn ở đây, thậm chí tôi vẫn luôn thường tin rằng mình là người tốt, nhưng chỉ nghĩ rằng mình phải trần truồng trong sự thật – tôi đã phát ốm. Khi ngồi bất động trước quyển sổ bọc da màu nâu sẫm tuyệt đẹp, tôi bỗng nhận ra không có điều gì đáng sợ và khó chịu bằng sự thật. Chỉ nghĩ về sự thật thôi, đến tận cùng, ta bỗng dưng mang đầy mặc cảm của một kẻ lạc loài, vừa kỳ dị vừa yếu ớt tội nghiệp, và không thể tự vệ.

Tôi thích soi gương lắm. Soi gương không phải như một cô gái soi gương, để nhìn xem liệu mình đã đủ xinh đẹp chưa. Mà tôi tìm con – người – khác của mình trong tấm gương ấy, mong lộn trái cô ta ra, đôi khi tôi và cô ta gườm gườm nhìn nhau đầy thù địch. Và chẳng lần nào tôi Thấy Gì hết. Cô ta thở dài, đành bỏ son và mầu mắt ra trang điểm. Nhưng tôi càng dè chừng, thì tôi càng thèm được soi tấm gương để thấy chính mình ấy, thấy sự thật mà tôi chạy trốn. Tôi bèn bảo X, “xin cậu, hãy là tấm gương cho tớ soi vào. Tớ ao ước được thành thật trước cậu như thể tớ là một đứa trẻ sơ sinh”. Tôi hầu như không dấu gì X. nữa, tôi tập nói hết những yếu đuối, những nỗi xấu hổ và tàn tệ của mình. Kiểu như một con chó cuống lên khoe những vết ghẻ của nó, với niềm vui sướng sắp được gãi ngứa.

Nhưng rồi tôi nhận ra những gì chúng tôi hớn hở hay cảm thông chia sẻ, cũng chỉ là vỏ của sự thật, hay là cái cố gắng giống sự thật. Nói cho đúng hơn, là sự thật mà ta muốn đưa ra. Chính tôi cũng đâu thật biết chắc chắn về mình, như-tôi-là. Hệt người cúi đầu soi tìm bóng mình dưới giếng, tôi chỉ thấy những ảo giác chòng chành.

Chúng ta không nỡ đối xử với nhau bằng sự thật, vì tàn độc quá. Ví dụ nhé, người chồng bên giường lâm chung liệu có đủ dã man để nói cho bạn đời của mình biết rằng, bao năm qua ông chỉ thương nhớ tơ tưởng đến hình bóng một người đàn bà khác? Và có đứa con nào có thể nói với bố mẹ nó sự thật rằng nó rất tiếc vì Chính Họ đã tạo ra và đem nó đến cuộc đời này? Liệu anh có thể đủ can đảm để nói với một người bạn của anh rằng, “với năng lực tầm thường của cậu, với sự đờ đẫn yên phận của cậu, thì hãy tin rằng cho đến cuối đời- cậu sẽ chỉ nhúc nhích chút xíu quanh chỗ này thôi. Nghĩa là trọn đời cậu là một kẻ thất bại”? Tôi nghĩ những người được cho biết sự thật, họ sẽ chết mất vì đau đớn hoặc đổ vỡ, hoặc thấy việc mình đang sống là một tồn tại vô vọng. Tương lai luôn được Chúa Trời băng kín lại trước mắt chúng ta – tôi nghĩ đó là một ân khước. Vì nếu biết trước ngày mai của mình sẽ đến đâu, mọi vận động của hôm nay tuyệt đối là vô nghĩa. Chúng ta nhắm mắt lao đến ngày mai với tất cả hăm hở và háo hức, chỉ đơn giản là ta chưa biết cái sự thật đang đợi mình ở Ngày Mai – nó là thế nào.

À, có một câu rất hay tôi nghe ở đâu đó: “em biết không, anh chỉ chắc chắn là không có gì chắc chắn”.

Sự thật, tuồng như giống vậy.

Sao có thể Như Thế?

                       felling

1.

Hồi cuối mùa xuân gặp T. Mắt cô long lanh mơ màng, giữa câu chuyện chợt thấy T lạc đi đâu đó rất xa, cô bồn chồn và phấn khích, lơ đãng như hiện tại của cô bị đứt mất một đoạn. T bảo: “Tớ yêu! Kỳ diệu sao, mê say và cuống quýt như tình đầu. Tớ yêu anh ấy đến từng tế bào, thương mến và thân thuộc như cơ thể mình chia ra. Yêu ồn ào như một cái loa phường, chỉ có một công suất hết cỡ, không có nút nào chỉnh giảm”.

“Vậy anh ấy sao?”.

“Anh ấy khiến tớ tin rằng tớ là người đàn bà lộng lẫy và đáng được nâng niu nhất trên đời này. Ngay cả phần bất toàn của tớ cũng thật tuyệt. Tớ cảm giác như anh ấy yêu tớ nhiều đến mức nếu khối yêu ấy đem chia đều cho dân cư trong một thành phố, nơi đó sẽ thành một xứ sở toàn tình nhân”.

Thú thực, nhìn người đàn bà gần 40 mang trái tim rực rỡ của một thiếu nữ 18 ấy, tôi hơi tủi thân và ghen tị. Tôi vẫn gặp mỗi ngày những người bạn nói về tình yêu như một thứ “thêm nếm’ dễ dãi có được ngoài đường, “chẳng qua là niềm vui và khát thèm của thế xác được khoác tấm áo tinh thần cho đỡ trơ trẽn”, “rồi cũng bẽ bàng hết thôi, tình yêu chỉ đáng tin ở bọn trẻ còn mang trái tim trong trắng”…đại loại vậy. Vậy mà T hướng về tình yêu của mình như hướng về mặt trời. Tôi bỗng tin chắc chắn, người đàn ông kia hẳn xứng đáng được yêu như T đang yêu. Vì không ai đủ sức dấy lên một ngọn lửa nồng nhiệt đến thế, nếu bản thân họ không phải là một đám cháy.

2.

Giữa mùa hè, ngồi cạnh T và tôi tuyệt đối không biết nói gì. Cô rất gắng gượng để có thể ngồi thẳng suốt buổi, sự nỗ lực đến mức khiến người đối diện cũng đành phải nhận ra là cô hoàn toàn sụm gãy. Không dễ để bảo T hãy gục xuống bàn đi, hãy khóc đi, nếu có thể – vì T. kiêu hãnh quá. Tôi có cảm giác nếu có ai cầm dao cứa vào người T lúc ấy, máu có chảy ròng ròng chắc cô cũng không tự biết.

T bảo, cô tình cờ phát hiện người yêu cô dối trá. Ngoài T, anh ta vẫn duy trì tình cảm với một phụ nữ khác, hẹn hò song song, chăm chút song song. Và ngủ song song. Chỉ là chia sao cho vừa vặn nồng ấm với cả hai người tình.

“Có uất giận không?”. T lắc đầu.

“Có căm ghét, khinh thường không?”. T vẫn lắc đầu.

“Thế thì sao?”

“Chỉ đau quá thôi. Và kinh ngạc. Sao có thể như thế?” – T thều thào khó nhọc.

“Sau này thế nào anh không chắc, nhưng anh chưa từng được biết yêu như khi yêu em” – tôi đã nghe T. thuật lại một lời tình như thế. Đúng là sao có thể như thế!!!

3.

Trạng thái đờ đẫn mất cảm giác của T khiến tôi hoảng sợ, vì tôi lo ngại cô ấy sẽ tàn phá chính mình. May sao, những ngày sau T có vẻ như đã bình tĩnh lại, cô chỉ kiệt sức và thật yếu ớt.

“Thật kỳ lạ, tớ không thấy bị phản bội. Chắc do tớ chưa từng có ý nghĩ sở hữu anh ấy, mà chỉ ân hưởng tình yêu. Vì thế tớ bỗng thương người đàn ông ấy, đã phải dối trá lớp lang. May chăng, anh ấy chỉ tham lam được thêm phần thân xác. Nhưng thiệt là anh ấy đã tự đánh mất một điều quý giá …”.

 “Dù sao tớ cũng biết ơn nhiều hơn oán giận. Vì khi được yêu, tớ thấy mình lại phập phồng và náo nức từng ngày sống. Tình yêu mang năng lượng tốt lành, gột rửa những lớp bụi và sự xỉn màu của thời gian, để tớ hoàn nguyên óng ánh và trong veo. Tớ làm được bao nhiêu việc, đầy sinh lực và sức mạnh, tớ thấy mỗi ngày đến đều đẹp phát điên. Thật tiếc khi ảo giác tan nhanh quá, nhưng tớ nhất quyết không để mình bị vùi dập thảm hại đâu. Người ta nên sống vì một tình yêu, nhưng chết cho một tình yêu thì lại là thậm ngu ngốc.”

Chỉ muốn ôm T thật khẽ, cô bạn kỳ dị của tôi. Đừng đau thêm nữa T. nhé. “Cơ địa” không thể nhìn thấy điều xấu hay sự tuyệt vọng của bạn rồi sẽ tự chữa lành mọi thương tổn. Trái tim vĩnh viễn 18 tuổi không bao giờ bị phản bội đâu, bạn sẽ luôn dốc lòng “kiểu loa phường” như thế, bất cứ thứ gì đủ tử tế mà bạn vấp phải. Những kẻ bợm bãi hư hỏng đâu hiểu được ân khước ấy. Và cũng chẳng cần lời nào cho phía gian dối, vì khi đủ tự do và thành thật thì chính bạn đã nhận trọn vẹn món quà từ Thượng Đế rồi, T. biết không?

Bốn mùa hân hoan

         rainy_days_by_Ronaaa

“Tháng Sáu nắng như đổ lửa, câu sấu già thả chiếc lá xanh”***. Ngày cuối cùng của tháng Sáu rồi cũng hết, tháng Bảy bắt đầu với những ngày nóng lên đến 43oC.

Họ đi trên đường Hàng Bông, một buổi sáng trễ nải của Tháng Sáu. Ngay cả mang kính mát thì vẫn bị chảy nước mắt, vì ánh sáng chói lói khủng khiếp. Đường và hè bắt đầu tỏa hơi nóng hầm hập , những người đàn bà ngột ngạt trong bộ quần áo chống nắng và khẩu trang. Không còn nhận dạng cá nhân, cả thành phố như một vườn sản phụ. Không còn một nhan sắc, không còn một nụ cười nào trên đường. Toàn những gương mặt Ninja. Ngay cả cây cổ thụ cũng héo. Tấm váy lụa trên mình những mannequin đường Hàng Gai chừng như cũng lả đi.

-Làm sao chúng ta sống qua được mùa hè 43 độ này?

-Chúng ta có nỗi nhung nhớ Mùa Đông. Mình đợi chờ nó, thèm nó. Và mình sẽ đi hết sự khủng khiếp của thời tiết, qua mỗi mùa, qua mỗi năm, chính bằng nỗi nhớ mùa. Ta sẽ vượt qua cái rét mướt thê lương của ngày đông vì phía trước có mùa hè ấm nóng. Ta sống sót sau những ngày mưa phùn ẩm mục kéo dài vì lòng khấp khởi đợi đón buổi áo mỏng rực rỡ và vỉa hè khô ròn lá cây. Và lúc em lả đi vì nắng nóng, em sẽ được an ủi khi nghĩ đến trận gió heo may đầu tiên sẽ về. Khăn lụa nhiều màu và áo len rộng mặc với quần jean. Món ăn của ngày đông, chỗ ngồi ngày đông, cốc trà nóng vào mỗi sáng mùa đông rét ngọt. Em sẽ luà đôi bàn tay cóng lạnh của mình vào vòm ngực của người đàn ông em yêu, những nụ hôn lạnh như kem, ấm dần ấm dần cho đến khi thiêu đốt. Nghĩ về giấc mơ ấy giữa tháng Sáu, em không thấy tuyệt sao? Em nghĩ có buồn chán không, nếu mảnh đất mình đang sống quanh năm chỉ một màu trời và một thời tiết dễ chịu giống nhau?

Ừ thật! Hà Nội là xứ sở kỳ diệu, khiến người ta say mê và không thể rời bỏ, vì Hà Nội có 4 mùa rõ rệt, được chừng vài ngày háo hức ngọt ngào, sau đó là lẩm cẩm ẩm ương và chịu đựng. Mùa ở Hà Nội như một người tình đỏng đảnh và lắm tật xấu. Ta luôn ao ước nàng, và ngập tràn hân hoan mỗi khi nàng quay về. Nhưng nũng nịu và dịu dàng qua đi rất nhanh, nàng sẽ cằn nhằn và cau có. Nàng làm phiền đến mức ta thấy khó ở, ta bị mất tự do và bất tiện với chính mình. Ta lại mong nàng đi xa, để khoảng cách sẽ làm mờ những trách móc và cáu giận, sương mù của tưởng tượng khiến ta hình dung về nàng chỉ còn trìu mến. Ta không nhớ nàng cáu kỉnh và ích kỷ, mà chỉ nhớ nụ hôn ngất ngây của nàng. Và trong huyền hoặc ảo giác của nỗi nhớ, ta lại tha thứ cho nàng tất thảy và nhen nhóm  trong lòng nỗi thèm khát nàng đến cuồng dại.

Mùa đông, từ trên nóc phố Cầu Gỗ nhìn xuống hồ Gươm, chúng mình sẽ thấy màu gì? Hẳn không phải màu rêu mệt mỏi và đau yếu này. Ngày trước, mặt hồ ánh biếc đến mức người ta đặt tên thành một loại màu: xanh Lục Thủy. “Hồ Gươm xanh như mái tóc em xanh”. Thỉnh thoảng vào những buổi chiều mùa đông, khi hồi quang của bầu trời hắt xuống nước hồ, màu xanh thần thoại vẫn có thể quay về, nhưng chỉ khi chúng mình đủ thư nhàn để nhận ra sắc xanh ấy từ một độ cao mà gió thổi qua lạnh buốt như lưỡi dao có thể làm chảy nước mắt.

Tháng Sáu rồi đến tháng Bảy, vẫn nắng nóng như đổ lửa. Thêm những lời rên rỉ nữa, chúng ta sẽ bị ngạt thở mất. Em đừng than vãn về thời tiết, về nắng lắm mưa nhiều. Đừng cau có về kẹt xe và tụi chửi bậy ngoài đường. Đừng càu nhàu về công việc chán ngán. Hãy thức dậy mỗi buổi sáng mai trong veo, em sẽ nhận ra riêng việc mình còn đứng đây để hít thở khí trời, với cơ thể nguyên vẹn, và chút nữa mình sẽ được đi làm, dưới bàn tay mình bao thứ hay ho cứ mọc lên, cuối ngày sau chặng đường dài cực nhọc là mái nhà thơm mùi cơm sôi có người đang đợi mình về. Riêng điều đó đã đủ là tuyệt diệu và may mắn lắm rồi, em biết không.

Sao tôi lại kể cho em nghe về 4 mùa Hà Nội? Vì tôi thấy 4 mùa khắc nghiệt và thương yêu ấy gón trọn trong mình triết lý thú vị về cách chúng ta đi giữa đời sống này. Em sẽ thanh thản đi hết tận cùng nỗi khổ nếu phía trước có gì thật rực rỡ chờ đợi. Em cần cảm tạ trời đất vì em còn được đón những ngày mới, những mùa mới như một món quà bí mật mà mình chưa biết. Em cần yêu ai đó hoặc điều gì đó suốt 4 mùa, để 4 mùa nhung nhớ và phấn khích luôn như một tán cây xanh tỏa bóng. Nào ai cấm được em kết hoa, hay trống rong cờ mở mỗi ngày để nghênh đón hội hè miên man sẽ đến. Lễ hội từ ngày nắng kéo dài đến ngày mưa, vì ngày nào cũng đầy kỳ diệu và không lặp lại. Những ngày hoặc náo nức- hoặc dịu dàng- hoặc mệt mỏi- hoặc khổ đau…dù gì thì cũng luôn độc đáo vô cùng, đã vì em mà đến. Nhưng em biết không, Lễ hội chỉ khởi sự được trong lòng những kẻ đã sẵn hân hoan…

Sáng nay, ở nơi tháng Bảy, tôi bắt đầu tưởng tượng đến mùa Ngâu. Lúc trắng trời trắng đất, không gian như sũng ướt nước mắt – lúc ấy chúng mình sẽ ngồi ở đâu? Để cùng nhau uống trà ngắm mưa…

Hà Nội sáng 1.7.2015

——–

*** “Bài ca tháng Sáu” của nhạc sĩ Đỗ Bảo.

Khu vườn bí mật

vườn

 1.

 Anh ngượng ngập kể cho cô nghe về “bí mật đầy hổ thẹn” của mình: “Em có biết những đêm mất ngủ anh sẽ làm gì không? Anh quay về với Trại Ấp của mình. Đó là một xứ sở ngoài đời sống văn minh này, đàn bà dệt vải, đàn ông săn bắn, bọn anh tự cấy lúa và trồng hoa màu, tự may vá và đốt những đống lửa khi đêm xuống. Anh phải lo hết cuộc sống cho những người dân của mình ở đó: mùa màng làm sao cho tốt, chống lại thú dữ, lo cho lũ trẻ con ốm đau…Những đêm mất ngủ, trong bóng tối anh cứ miên man tưởng tượng mình sẽ mở rộng đất đai thế nào, cần phải tìm ra thêm một cái hồ nước cho mọi người, phải dạy đám đàn ông cách rèn vũ khí và nông cụ…”.

Anh hình như hơi lo ngại rằng cô sẽ phá lên cười. Có thể là bình thường được không? Một gã đàn ông đã đủ hư hỏng và thản nhiên với mọi chuyện trên đời như anh – còn nuôi dưỡng trong mình một giấc mơ viển vông, chăm chút và giấu kín nó như cách một cậu bé cất giữ kho báu hoang đường. Nhưng cô gái im lặng, nỗi xúc động dâng ngập cô. Bởi anh vừa hé mở cánh cửa khu vườn bí mật của mình, cho cô được gặp đứa trẻ điên rồ đã từ chối lớn lên để bước ra thế giới có thật. Đứa trẻ ấy, chỉ khi đối diện với chính mình, anh mới gọi nó ra.

2.

Bạn có tin không, bất cứ ai trong chúng ta cũng có một khu vườn bí mật, kể cả đó là kẻ lưu manh – nham nhở- hay bất lương. Nơi đó, hắn có thể trồng một cây cà chua, một bụi cỏ, một cụm hoa hồng, một nhánh dây leo xanh non. Ở khu vườn ấy, kẻ cằn cỗi vun đắp cho mình những giấc mơ be bé, trong veo và ngộ nghĩnh, nơi mà hắn có thể thở dài, có thể yếu đuối, có thể vui buồn vu vơ hoặc rất đỗi điên rồ. Đó là thế giới hắn đã có và đã mất, hoặc có thể chỉ là điều hắn luôn ao ước, như đứa trẻ mơ được chạm tới vầng cầu vồng rực rỡ sau mỗi cơn mưa. Nếu chỉ còn một nơi chốn duy nhất và cuối cùng trên cuộc đời này, để hắn có thể lương thiện, cam đảm, dịu dàng và tử tế – thì chính là trong khu vườn vĩnh viễn mát xanh ấy.

Nhưng cũng có khi, nỗi mệt mỏi/chua chát/ cáu kỉnh/ nhợt nhạt/nghi ngờ – đã thôn tính (gần như) toàn bộ đời sống chúng ta, khiến chúng ta tưởng như rằng khu vườn bí mật đã chết. Giống như ta có thể tưởng rằng, từng giấc mơ của tuổi trẻ đã lần lượt gãy cánh, bỏ lại chúng ta buồn bã và lầm lụi lê tấm thân mình, không thể bay trong hành trình đi tiếp cõi người. Xin bạn hãy ngồi xuống và ngơi nghỉ. Hãy yên tĩnh lắng nghe và nhìn thật sâu vào chính mình. Chắc chắn bạn sẽ nhận ra vẫn còn một quầng bóng mát và bông hoa bé nhỏ nào đó. Không đòi sở hữu, không thúc giục, chỉ cảm động và đầy an ủi. “Ồ, hóa ra mình đâu trắng tay?!…”.

3.

Sáng nay tôi ngồi xem những ghi chép lụn vụn của một người bạn, như cách một đứa trẻ tò mò bới xem một nắm sỏi. Rồi thích thú khi tìm thấy những viên bi ve bằng pha lê, nhiều màu và lấp lánh. Tôi bày những viên bi ve ấy ra đây, một ít thôi: “Người già đối xử với điều ước mơ như đối xử với bạn hoặc một con chó mà họ yêu quý. Bởi họ ít đòi hỏi gì nhiều ở giấc mơ, nó chỉ đơn giản là người bạn, là một câu chuyện vui, hoặc chỗ để họ cất tiếng thở dài. Giấc mơ, nó chạy loanh quanh đâu đấy, lâu lâu nó bắng nhắng vui cả nhà. Lâu lâu nó lại nằm thượt. Gọi chẳng thèm dậy. Nhưng, mỗi lúc mệt, nó lại ở bên cạnh, nhẹ nhàng, như nói, này, bạn, bạn còn hay lắm. Giấc mơ không làm phiền nhưng nó luôn tồn tại cho dù không ai thấy nó. Nó giống như đôi tất mùa đông, không màu mè, không sặc sỡ, nhưng dễ chịu và ấm áp. Giấc mơ chứa ước mơ, chỉ là ước mơ, nhưng nó luôn có một vị trí trong ngăn bí mật của bạn đấy. Nó lặng lẽ nằm trong đó. Rồi bỗng một ngày bạn thấy giấc mơ bỏ đi đâu mất. Thế rồi tất cả những gì bạn đang có bỗng nhạt nhẽo, tầm thường và vô nghĩa. Giấc mơ hình như là linh hồn của những gì bạn có, bạn sẽ có…”.

Bạn có thấy gì đó ngọ ngoạy trong mình không? Giấc mơ có thể bỏ đi, và cũng có thể lén lút quay lại, như những cái mầm bé nhỏ vẫn âm thầm mọc lên trong khu vườn bí mật của chúng ta. Chẳng có gì kỳ lạ và buồn cười, nếu một gã đàn ông nhàu nhĩ tự thú rằng: “Tôi đang ươm một cái mầm đỗ. Nó trắng muốt, dễ tổn thương và ngọt ngào. Chính vì vậy mà tôi phải lo lắng…”. Tôi biết nỗi lo lắng ấy, gã đàn ông sợ cái mầm đỗ mọc thành cây. Trong mảnh đất đầy những loài cây khỏe và vâm váp của anh ta, chỉ thiếu một cái mầm trắng muốt, dễ tổn thương và ngọt – để trở thành một khu vườn dịu dàng thanh thản.

Còn bạn, trong khu vườn bí mật của bạn có gì?!

BẾP – TRÁI TIM ĐÀN BÀ.

“Tôi nghĩ rằng, nơi tôi yêu thích nhất trên thế gian này là bếp!”

(Banana Yoshimoto)

 

bếp

 

Thời gian trôi qua trong lúc đứng bếp giống như một sự ngưng đọng. Với tất cả hân hoan, an lành- bếp là nơi ấm áp quyến rũ tôi quanh năm. Khi tôi không tự vượt qua một nỗi buồn, tôi sẽ vào bếp, nấu và ăn no căng – mọi chuyện đều trở thành đơn giản. Khi cáu giận, tôi sẽ vào bếp nấu nướng một món gì đấy để bình tĩnh lại. Khi yêu thương, tôi tất nhiên sẽ vào bếp làm một món thật đẹp và trìu mến, với tất cả tận tụy và nồng đượm mình có được…

 

 

Làm bếp là phép thư giãn kỳ lạ. Với hành, với tỏi, với gừng, các lọ gia vị, mắm muối- tẩn mẩn bào chế như một thầy phù thủy pha biệt dược, tôi nấu các bữa ăn. Tôi thích nhìn ngọn lửa xanh liếm âm yếm quanh thân nồi. Tiếng mỡ reo, những làn khói tỏa ra từ cái nồi đang sôi được mở vung vội vàng- quẩn lên như những vệt mây. Tôi thích cầm một cái khăn sạch, đứng kiên nhẫn lau hết những vết mỡ bắn ra ngoài, khi đứng chờ các món rán. Tôi thích cảm giác khi rửa hoa quả và những mớ rau tươi, trên da tay là những đụng chạm nhẹ nhàng, dưới vòi nước trong vắt, màu xanh non sạch sẽ cứ óng lên. Tôi thích các món ăn khi đã bày ra đĩa, nghi ngút khói, thơm phức- những người thân yêu của tôi ngồi vào bàn nói cười yên ấm. Được thấy người khác ăn ngon miệng các món mình kỳ cụi nấu, luôn là một hạnh phúc thực thà.

Tôi có một căn bếp do chính tay tôi chọn sơn, may rèm, quy định kích cỡ từng ngăn tủ, các bức tường rộn ràng màu sắc như một giỏ trái cây mùa hè. Từ chỗ đứng nấu, tôi có thể nhìn ra một ban công tràn đầy nắng và gió. Ở đó, tôi trồng nhiều cây xanh và dây leo quấn quýt, thường rất nhiều chim sẻ bay về đậu trên giàn cây. Ngày mưa, tôi sẽ kéo cửa kính lại và con gái nhỏ của tôi ngồi ê a hát, ngón tay bé bỏng vẽ theo những dòng nước chảy ngoằn nghoèo trên mặt kính. Mùa đông, tôi nấu một nồi lẩu nóng sực, cả gia đình quây quần dưới ánh đèn vàng ấm áp và nhạc chillout, chúng tôi ăn và đẩy lùi mọi rét buốt bên ngoài cánh cửa. Trong căn bếp ấy, tôi luôn có củ quả và hành tỏi, các hũ thủy tinh đựng gia vị, sữa chua và cam táo, những quyển sách đọc dở và đồ chơi con nít, dâu và mơ ngâm đường, tiếng cơm sôi và mùi gạo mùa mới. Cùng một đứa trẻ ríu rít như chim non luôn bám gấu áo tôi để hỏi mọi điều khiến nó tò mò kinh ngạc.

Tôi thường hình dung, bếp là trái tim của ngôi nhà. Khi chủ nhân giận nhau – bếp hoang lạnh không thắp lửa, khi chủ nhân ơ hờ nhạt nhẽo – những món ăn cũng rời rạc qua quýt. Trong một ngôi nhà có tình yêu – bếp ắt sáng bừng niềm vui, tiếng thìa đũa va lanh canh vào chén đĩa lanh lảnh reo lên như một điệu nhạc. Tôi cũng thường hình dung, bếp là sắc diện tinh thần của người đàn bà sống trong ngôi nhà ấy. Người đểnh đoảnh hời hợt, bếp luộm thuộm nhếch nhác, gia vị cơ bản không bao giờ có đủ. Người đang có nỗi buồn đau, bếp thiếu sinh khí, món ăn thường không ổn định rất nhạt hoặc quá mặn. Người khuôn mẫu cứng nhắc, món ăn quanh đi quẩn lại vài kiểu đơn điệu. Người nồng nàn, bếp luôn ấm nóng và sinh động. Người duy mỹ, bếp đẹp từ hũ đựng muối đẹp đi. Người ưa phiêu lưu, nấu ăn là một hành trình khám phá, trong bếp luôn có thực đơn và công thức mới, và ngay cả người cùng ăn – họ cũng luôn muốn là những gương mặt mới.

Những người đàn bà yêu bếp luôn dễ nhận ra họ. Ở chợ, cách họ lựa chọn củ quả luôn nâng niu như họ đang cầm trên tay một tuyệt tác, họ mua kỹ và sành, họ khó tính không bao giờ chấp nhận những nguyên liệu không đủ phẩm giá. Họ có niềm tự hào đầy thành kính với một mớ húng được hái về từ đất Láng, vỏ quýt làm chả rươi là quả gốc của cây quýt hôi vùng Bắc Sơn, những củ gừng gà nhỏ xíu hanh vàng thơm gắt, mớ tôm sông lao xao nhảy vỏ biếc xanh bụng mọng trứng, những củ cà rốt tươi rói còn bám đất nâu mới nhổ từ vườn về…Tôi từng đươc dự bữa với những người nội trợ thuần khiết, và nghe như uống từng lời đàm đạo của họ về thực phẩm như một hành xử để sống: kỹ lưỡng và lôi cuốn, với bao quan niệm phép tắc, sao cho đúng, đẹp, ngon và tinh tế nhất. Và người yêu bếp chắc chắn sẽ không đặt lòng tin vào bạn nếu ngay từ khâu chọn tỏi, bạn đã quyết định chọn những nhánh tỏi Tàu to thô lố cho dễ bóc; hay bạn thái khế hình ngôi sao cho nhanh để làm một món cuốn; hay dùng nước chấm pha sẵn ngoài siêu thị cho món nem cầu kỳ…Ẩu tả qua quýt, làm sao cho nhanh cho tiện – điều ấy tối kỵ nếu bạn định làm một người nấu bếp chân chính. Tôi thường tự nhắc mình đừng mất công đi tìm một công thức nấu nướng chuẩn xác. Chẳng hạn như từ một con cá, chúng ta có thể sáng tạo tới cả trăm món ăn, tùy theo tâm trạng và trực cảm của mình, tùy theo món ăn phụ và đồ uống đi kèm, tùy theo mùa mà sử dụng gia vị điều tiết để món thanh hay ấm hơn…Nên nếu bạn chỉ tin theo công thức, bạn sẽ đóng cửa sáng tạo với biết bao cách hay ho còn lại. Và lửa to hay nhỏ lúc nào, cho gia vị vào trước hay sau, tỏi hành đập giập hay thái lát hay giã, mở vung nồi vào khoảnh khắc nào…đều là những điều bí nhiệm vô cùng. Những chuyện ấy vô cùng tinh vi vì ta sẽ phải quyết định bằng cảm giác chứ không thể bằng công thức. Mà cảm giác thì luôn quy định bằng tâm trạng, hay cách khác – nhịp điệu của trái tim khi bạn đứng nấu. Vì thế mà tôi tin, đa dạng và ngẫu hứng là 2 phẩm chất cần có nhất của một đầu bếp toàn tòng.

Khi tôi có một cô con gái nhỏ, tôi vô cùng mừng vui vì nghĩ mình có thể truyền cho con tình yêu bếp núc làm của để dành gia bảo. Con phải biết nấu ăn và thu vén bếp núc, không phải vì nghĩa vụ chăm lo người khác, không phải vì phận sự nội trợ như quan điểm “hủ lậu” từ đời bà đời mẹ. Con cần có một căn bếp xinh và ấm của riêng mình; như con có một ngăn tủ đầy những lọ nước hoa, son, phấn má và các hũ eyeshadow; như con cần có một giá sách và kệ đĩa nhạc; như con có một cái rương nhỏ để nhật ký, ảnh và những lá thư của người con yêu dấu; như con cần có một người bạn im lặng và thủy chung tận tụy; như con phải còn một niềm vui và điều an ủi ngay kể cả khi kiệt sức rã rời. Để con không bơ vơ, để con có gì đó mà níu giữ ngay cả khi điên rồ, để chăm chút bản thân và yêu quý lại mình. Con hãy thử đứng nấu một mình, đừng ai bên cạnh, đừng ai giúp, đừng ai can thiệp công thức món ăn – như một cách hưởng thụ ích kỷ và độc đoán, như một cách con yên tĩnh suy ngẫm lại cuộc sống của mình. Bởi hơn tất cả, Bếp không chỉ là món ăn, hay chỗ nấu nướng, mà có thể là bạn tin cậy cuối cùng của một người đàn bà. Trái tim của một căn bếp không phải nằm ở món ăn, mà là làm người ta có thể cảm thấy hạnh phúc và thư thả đến thế nào khi đứng trong nó. Vì vậy, con hãy thong dong mà nấu nướng, hãy làm thức ăn của mình lộng lẫy và thanh nhã hết mức có thể – (cái đẹp có thể tối giản như một đĩa rau củ luộc chấm kho quẹt đấy thôi!). Khi muộn phiền, món ăn thường đắng và gắt – con đừng trách cứ mình vì điều ấy, đắng gắt đôi khi là một vị làm con tan hờn giận. Khi con phấn khích, thức ăn thường ê hề thừa thãi. Cũng chẳng sao, niềm vui cũng cần tràn ra khỏi chúng ta như đám bọt sủi tung trên miệng cốc bia. Và dù đạm bạc đến mấy, con cũng phải sửa soạn mình để khi ngồi xuống bàn ăn, con không đầm đìa mồ hôi lam lũ. Hãy dọn mình thịnh soạn cho xứng đáng với thời gian chúng ta đã bỏ ra trong căn bếp, và vì lòng hào hiệp của thực phẩm.

Đàn bà nấu bếp không hoàn toàn để ăn. Có khi để thương nhớ, có khi thay cho một lời tỏ bày thầm kín, có khi là lời xin lỗi, có khi để “xả van” cho trạng thái tức giận cuồng nộ…Món ăn vô ngôn mà hàm ngôn, chuyên chở hết những yêu thương buồn giận ấy. Cô chú tôi sống với nhau đã hơn 40 năm, họ vẫn nồng đượm và nghe ngóng được nhau như thời son trẻ. Có bữa chú hỏi vợ thật dịu dàng: “hôm nay em có điều già giận anh à?”, có bữa dè dặt dò dẫm: “em đang bồn chồn việc gì nói cả nhà nghe đi!” – trong khi cô vẫn nhất mực bình thường. Hóa ra chú “đọc” vợ qua món ăn. Hóa ra, độ mặn ngọt và gia vị hoàn toàn có thể trao gửi tâm trạng.

   Đến một tuổi nào đó, chúng ta sẽ nhận ra ngồi trong nhà bếp như ngồi bên một người thân vào đêm đông giá. Không chỉ bởi hơi ấm tỏa ra từ ngọn lửa, mà ta sẽ lẩn mẩn nhớ những món mẹ hay làm, những món cha thích ăn, món chị em gái tranh nhau ngày thơ bé. Nhớ tiêu ớt này mình đã cho quá tay để chảy nước mắt dàn giụa ngày đầu tiên về nhà chồng. Nhớ ai đó đã vòng tay ôm thật nhẹ khi mình đang cặm cụi bóc tỏi. Nhớ nồi bột xanh đỏ tím vàng nhuộm màu bằng củ quả nấu cho đứa con đầu lòng. Nhớ đôi mắt tròn xoe sáng bừng kinh ngạc khi quả trứng đông dần lại thành vầng mặt trời nhỏ trong chảo rán. Nhớ tủi buồn nấu ra không có ai ăn, mâm cơm lạnh ngắt đợi người ngồi xuống. Nhớ cả nước mắt lén rơi khi con gái ao ước, “con sẽ điều chế ra một món ăn, để nhà mình yêu thương nhau suốt đời…”.

Và thật sự, nếu không có bếp – góc ấm nhất trong một căn nhà, trái tim của một người đàn bà. Thì rất có thể chúng ta sẽ không yêu thương được ai đó, không đủ rộng lượng để chịu đựng được ai đó, cho đến hết cuộc đời này….

 

Kẻ ma mãnh ngây thơ

Đạt zồ

1

Xưởng điêu khắc của Đinh Công Đạt nằm ngoài đê An Dương, Tây Hồ – tuềnh toành như cái lò gạch trong truyện ngắn của Nam Cao. Dưới bụi chuối lá cao bất thường, ngổn ngang những tượng nhân mã dở dang, chồi cùn rế rách, cưa đục bào, những mẩu gỗ nham nhở và mành tre. Đạt giống một bác thợ cả, quần áo dính bê bết sơn, đang ngồi lẩn mẩn đóng cái chốt đinh vào một miếng gỗ trông hết sức kỳ quặc, (và chẳng lạ gì nếu dăm bữa nữa, ta thấy miếng gỗ ấy được treo trong một không gian “rất art” với giá đắt kinh người). Khách hắt hơi loạn xạ bởi mùi sơn và bụi gỗ, Đạt chạy vào nhà móc ra một cái khăn lụa cashmere dệt thủ công của Hermès, bảo: “xỉ mũi vào đây tạm này, xưởng toàn đàn ông không có khăn giấy”.

   Lác đác trong xưởng vẫn thấy kiến, nhện, mặt nạ âm- dương, gà bồi giấy… những thứ làm nên tên tuổi “nhà điêu khắc Đinh Công Đạt”. Suốt hàng thập kỷ nay, hệ thống các trường Mỹ Thuật nước nhà đào tạo ra toàn các nhà điêu khắc ưa to tát. Không tượng đài thì cũng tượng vườn, tượng công viên, hoặc chí ít cũng tượng người. Đến Đinh Công Đạt, thì kiến – cua – châu chấu – sên – cóc – cá sấu – chó – lợn – gà…trở thành hình tượng nghệ thuật. Đạt chỉ làm những thứ vớ vẩn đó, đến hơn chục năm, trên đủ các chất liệu gỗ- gốm- sắt – bồi giấy (à, phải nói thêm là trước Đinh Công Đạt, không ai hình dung có thể đưa chất liệu giấy báo cũ vào nghệ thuật điêu khắc ở Việt Nam), tốn hàng chục triển lãm trong và ngoài nước, trở thành có “thương hiệu”. Mỗi tội chẳng bán được đồng xu nào! Họa sĩ muốn sống thì phải bán được tranh được tượng, nhưng Đạt nhất định không chuyển sang điêu khắc “món khác”, lý do chỉ là “làm bọn đấy thích mà!”. Nhưng rồi Giời thương, đến lúc Đạt cũng hết đận tài sản chẳng có gì ngoài mặt nạ, kiến và nhện. Côn trùng hay động vật đều bán ầm ầm, “thanh khoản” tốt đến nỗi tới bây giờ người ta vẫn đặt anh làm tiếp, điêu khắc của Đạt dần được sử dụng như một thứ décor cao cấp. Đạt thường nhún vai khi bị “tỉ đểu” là anh thương mại, – “thì vẫn là cái lũ đó, ngày xưa các ông chê không có giá trị thương mại đó thôi! ”

Nhưng điêu khắc (hay bọn côn trùng) chỉ là một góc dễ hiểu của Đinh Công Đạt. Con người nghệ sĩ của anh cần một cách biểu hiện tự do và đa ngôn ngữ hơn. Trong sự phát triển của mỹ thuật đương đại ở Việt Nam, Đinh Công Đạt là một trong những người làm nghệ thuật ý niệm (Conceptual Art) đầu tiên. Chỉ có giấy báo cũ và hàng chữ số 1212, thế mà Đạt làm đủ loại triển lãm và sắp đặt ở Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp…Những căn phòng “newspaper no meaning” hay các bức tường chỉ lặp đi lặp lại một dãy số 1212 ám ảnh như một sự vô nghĩa tuyệt đối, một nỗi trống rỗng đến man rợ mà chúng ta đâu đó trong đời hẳn từng có lần rơi vào. (Cái dãy số ấy, được Đạt giải thích là… số hiệu trung đoàn pháo cao xạ của anh).

Nhưng dù sao thì tạng chất của Đinh Công Đạt cũng không phải là phản kháng (hoặc anh chẳng cố gồng lên để “phản biện” hay “cởi trói” như số đông). Đạt nói, “Đương đại, nó là tinh thần chứ không phải là thể loại, nó ứng với mỗi người chứ không có công thức chung. Phản kháng chỉ là một thái độ, chứ không phải là ứng xử tiêu biểu, càng không phải là duy nhất của nghệ thuật tạo hình. Tôi chẳng có gì xấu hổ hay thấy mình thấp kém khi cứ mộc mạc hồn nhiên”.

2.

 

Đinh Công Đạt hiện là Windows Designer người Việt duy nhất của Hermès – nhãn hiệu xa xỉ nhất thế giới. Tinh thần để Hermès trở thành một đế chế quyền lực suốt 2 thế kỷ qua, là sự tôn vinh sáng tạo và tay nghề hoàn hảo của nghệ thuật thủ công. Cứ 3 tháng một lần, Đinh Công Đạt thực hiện một window dislay (cửa sổ trưng bày) cho Hermès, việc ấy anh đã làm trong suốt 6 năm nay. Giữa không gian xa hoa của Hermès, Đạt sẽ đặt dấu ấn của mình vào đó, cực kỳ Việt Nam. Bữa tôi đến xưởng của Đạt, anh đang cùng thợ chuốt và sơn một cái chạn tre sang màu xanh ngắt, và phát điên lên để tìm một sắc tím “không có trong bảng màu nào” cho đám mành trúc ngổn ngang trong sân. Rồi túi Birkin sẽ đặt trên những cái đôn tre, khăn lụa Carré sẽ vắt ơ hờ trên những mây với trúc ấy, nhuyễn mượt như không- đơn giản và đầy tôn vinh. “Hermès đã dạy tôi điều này: bạn làm cái gì không quan trọng, cuối cùng phải là thái độ và ý thức. Nghĩa là, hãy luôn thôi thúc mình còn có thể làm tốt hơn được không?! Nếu còn tốt hơn được, hãy làm ơn dỡ ra mà làm lại. Như vậy, việc tôi dùng chất liệu là vàng, bạc, giấy, hay tre nứa…cho Hermès đâu còn là chuyện quan trọng. Mà thái độ của tôi, thẩm mỹ của tôi, sự hết lòng hết mức có thể – mới làm nên giá trị”. 6 năm nay, những “cửa sổ” của Hermès lặp đi lặp lại câu chuyện Việt Nam, chất liệu Việt Nam. Và Đinh Công Đạt – người kể chuyện đầy kiêu hãnh và biến ảo, lúc tối giản, lúc tối đa, lúc nhẹ nhõm tươi tắn, lúc thô ráp…thường đưa những “mạch chuyện” của mình trở về truyền thống. Lời xưa cũ lại là lời tinh hoa!

Trong khu vực thời trang cao cấp, nghệ thuật điêu khắc và tinh thần đương đại của Đinh Công Đạt có đủ đất để tung tẩy, anh còn làm window display cho Milano, Luala, Tân Mỹ, Thủy Design House…. Tôi có chơi với hai kẻ giá đắt như “cắt cổ”, là đạo diễn Việt Tú và Đinh Công Đạt! Thế nhưng hai “cỗ máy chém” ấy xua đi không hết việc, một tháng Việt Tú có thể chạy gần 20 show, cái nào cũng bự! Còn Đạt, quanh năm tứ mùa sống với một đống deadline đổ lên đầu –mỗi lần gặp đều nghe anh than vãn một câu quen đến phát ớn: “đang hôn mê! Sắp bị việc đè chết rồi!”. Hỏi Đạt, “Có cần đến nhiều tiền thế không?”. Đạt bảo, “Đó không phải chuyện tiền. Mà là niềm vui! Khi những thứ xinh xẻo đẹp đẽ cứ tòi ra dưới tay mình, có thể dừng việc ấy không, có thể không cố gắng không? Nếu rời khỏi công việc – tôi rất chán”. Và mỗi lần bạn bè gặp đau khổ (vì bị phụ bạc hay cô đơn, hay vỡ nợ…) thì Đạt chỉ có một mẫu câu an ủi duy nhất: “Làm việc đi, sẽ không có thời gian để mà buồn chán hay hư hỏng đâu mày!”.

Đinh Công Đạt chẳng mảy may ngại ngùng khi ai đó gọi anh là thợ, thậm chí còn lấy làm sung sướng. Anh luôn tự hào là mình có kỹ năng, đức thu va hà vén, tính chăm chỉ cần mẫn của một người thợ thủ công. “Những phẩm chất đấy là báu vật của tôi”. Đạt có tay nghề tài khéo của một nghệ nhân dân gian, anh làm đồ gỗ, sơn mài, gốm, mặt nạ và diều giấy, vẽ hoa tiên…với chuẩn mực kỹ thuật cổ truyền và tinh thần đương đại. “Cứ kỹ lưỡng tỉ mỉ, duyên dáng hồn hậu được như ông bà chúng ta đi! Cả đời người chưa chắc đã đạt được đến nghệ thuật ấy, cái Đẹp ấy…”. Và vì lòng yêu dấu, những tre – nứa – lụa- gỗ – giấy…thuần chất làng quê Việt Nam luôn được Đinh Công Đạt nâng niu và tôn vinh, kiêu hãnh và không chút mặc cảm – trong những không gian đương đại xa xỉ mà anh thiết kế.

3.

   “Bản chất của Nghệ thuật là sự trung thực, yêu hay ghét đều phải đúng với từng tế bào của mình, là mình!”. Nếu đúng như Đinh Công Đạt nói, thì “lõi” của anh không phải là gã đàn ông vừa nham nhở vừa nanh nọc, cư xử luôn cố tỏ ra tàn nhẫn và ma mãnh. Mà sâu thẳm trong anh hẳn là một đứa trẻ ngơ ngác không chịu lớn, vừa hồn hậu ngây thơ, vừa buồn bã điên rồ. Đạt điêu khắc côn trùng, làm búp bê, đóng những chú chó gỗ ngựa gỗ…có gì đó thân thuộc và cảm động đến chảy nước mắt, vì người ta buộc phải nhớ về một món đồ chơi cũ kỹ mình từng gắn bó suốt tuổi thơ. Những món đồ mang “tính người” không thể còn tìm thấy, trong thế giới hiện tại đã bị ngập tràn đồ chơi Made in China.

Đạt bảo chẳng bao giờ anh xấu hổ vì mình chuyên trị làm những thứ li ti lắt nhắt, không có gì sâu cay u uất đại sự mà thường “hand-made” kiểu đàn bà trẻ con. Vì người lớn nào cũng vẫn có một đứa trẻ trú ẩn trong mình, mỗi tội họ có lắng nghe thấy tiếng nói của Nó hay không thôi. Đạt vẫn có kết nối với đứa trẻ ấy, nó trò chuyện và an ủi anh hàng ngày, nó làm anh vui thích và hớn hở “như một thằng rồ”. Thế giới đồ chơi chính là giấc mơ tiếp tục của đứa trẻ trong gã đàn ông nhàu nhĩ ấy.

Kể đến đây, Đạt bỗng ắng lặng, như thể đang cố nuốt một cục hóc. Rồi anh bảo, “Tôi cũng hèn! Chẳng đủ nhẫn nại, chẳng đủ hy sinh và dấn thân cho tình yêu của mình. Cách đây vài năm, tôi định làm 200 món đồ chơi cho trẻ con(thực tế là đã làm xong khoảng 60 món), bày khắp hang cùng ngõ hẻm trên đất Việt Nam. Rồi tôi sẽ đi hỏi những kẻ làm bố làm mẹ: các anh/chị nghĩ gì khi nhìn bọn trẻ chơi những món đồ chơi này? Sao anh/chị không để thời gian và tình cảm làm đồ chơi cho con mình như ngày xưa chúng ta đã được ông bà- bố mẹ làm cho? Một con búp bê nhem nhuốc mẹ khâu từ vải vụn, một con chó được bố đẽo từ khúc gỗ thừa, đều có thể thiêng liêng như cái chén thánh trong đời một đứa trẻ – người lớn có biết thế không?. Nhưng dự án giản dị đến phát khóc này đã dừng, không phải vì tôi sẽ đi tong 2 năm hay vài trăm triệu. Mà là nếu làm tiếp, tôi buộc phải bước sang một Canh khác, trong khi đời sống của mình chưa sẵn sàng…”.

Những món đồ chơi lẻ đàn ấy tới giờ vẫn còn trong xưởng của Đạt, lẫn với bụi gỗ và đồ đạc đồng nát. Thỉnh thoảng Đạt lại bới ra một con mang đi bán, giá ít nhất 2.000 USD. “Những người lớn chịu giá đắt như thế, vì họ mua một giấc mơ tuổi thơ nối dài”- Đạt phẩy tay giải thích.

Còn giấc mơ của chính Đinh Công Đạt là gì? “À, về già nếu không bị lẫn, không bị tay run do parkinson – tôi sẽ ngồi khâu búp bê. Rồi chất đám đồ chơi của mình lên xe đạp, đi lòng vòng Bờ Hồ bán. Tôi sẽ dùng tiền bán búp bê để mua rượu vang thật ngon”.

Tôi nhớ cuốn sách mà mình tình cờ tặng Đinh Công Đạt, trong lần gặp đầu tiên bắt đầu cho một tình bạn. “Alexis Zorba, con người hoan lạc” – Đạt như một phiên bản muộn của gã Hy Lạp tay chơi ấy, nỗi buồn hay sự cay đắng chỉ có giá trị giễu nhại để những niềm vui trần thế trở nên sâu sắc tuyệt vời hơn, phóng dật và ngon miệng hơn khi anh thưởng thức nó. Và tôi thầm nghĩ, vào một quãng thời gian xa lắc nào đó của tuổi tác, mấy đứa đàn em bọn tôi (tóc đã bạc) sẽ ngồi cùng Đạt uống rượu vang hảo hạng và ngắm sen tàn trên Hồ Tây “đẹp đến đau đớn”. Và người đàn ông có thể vẫn còn Rồ Dại ấy sẽ bảo: “Đời vui mà!”.

Trang!

Tôi chỉ kể về Trang, người đồng nghiệp kì dị và yêu dấu của tôi. Người hiếm khi hiện tên đầy đủ trên mặt báo, vì các loạt bài điều tra tầm vóc của cô ( từng đoạt nhiều giải thưởng báo chí) thường chỉ ký một bút danh phiếm chỉ: “Nhóm phóng viên”!

 

 TRang

Tôi nghĩ Trang là một điều khó chịu của báo Phụ Nữ. Cô không phải chịu định mức bài vở và các ép buộc về thời sự như những phóng viên khác. Có những tháng, Trang mất tích (theo đúng nghĩa đen của từ này) trong mọi hoạt động liên quan đến tòa soạn, chỉ với lý do lãng nhách: “em không cố làm được gì, dù chỉ là một bài báo còi!”

Tôi nghĩ Trang là niềm tự hào đặc biệt của báo Phụ Nữ. Cô can đảm và trung thực, những đề tài điều tra của Trang là độc nhất vô nhị, khó điên người và quan trọng là luôn có tác động xã hội. Ở Trang luôn ngùn ngụt ngọt lửa dấn thân, can đảm phụng sự cho lẽ phải và sự thật. Chúng tôi nhìn vào người đồng nghiệp luôn độc hành ấy để thấy kiêu hãnh về lý tưởng và nghề nghiệp của mình – (dù rằng tinh thần ấy đã mai một ít nhiều trong đời sống báo chí hiện tại).

Trang bước vào nghề báo đã sang năm thứ 12, trước đó cô có mở một trường mầm non nhỏ xíu ở nhà. Khi bước vào nghề, Trang không dắt lưng một mẩu kiến thức nào về phỏng vấn, điều tra, giật tít, theo đuổi nguồn tin hay lựa chọn lát cắt sự kiện….(những kỹ thuật cơ bản mà các phóng viên được nhét đầy đầu trong trường Báo Chí). Cô chỉ có một lòng háo hức kỳ lạ và độ liều lĩnh hiếm thấy. Những bài báo khởi nghiệp của Trang mà tôi nhớ, là “úp sọt” một cán bộ Quận Thanh Xuân ăn tiền của dân, và vạch mặt một vị Chánh Án ở Bắc Ninh tống tiền đương sự. Cả 2 bài báo đầu tay ấy Trang đều nhập vai dân đen đi “chạy trọt”, chỉ nghe rải băng những đối đáp với kẻ công quyền – đã là cả “tấn trò đời” với biết bao nhức nhối, nực cười và căm giận. Cái cách xuất hiện của Trang trong bài viết, như một thứ giấy thử làm nổi màu những nhân cách tha hóa, đã cho tôi một hình dung thú vị về con đường dấn thân của người làm điều tra thực thụ.

Ở bất cứ đâu, việc gì khó nhất – xa nhất – nguy hiểm nhất, thì Trang xung phong đi và làm. Có lần đi công tác về sau một trận lũ quét, Trang ngồi gõ bài mà run bần bật, mặt mũi tái ngắt đau đớn kích động và thất thần. Cô bảo, “em vừa dùng tay bới người chết. Những người trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, vậy mà khi em bới họ ra, tất cả đã bầm dập rồi…”. Có những phóng viên tác nghiệp phải là điều kiện “salon máy lạnh”, với Trang là những chuyến phi xe máy đường trường giữa đêm khuya, giấc ngủ thắc thỏm trên xe đò, hoặc bó gối ngồi qua ngày bên một vạt núi lở chờ thông đường. Trang lặn lội tới những xứ sở không có đường ô tô hiện diện, cô sẽ nhảy xuống bắt xe ôm đi tiếp. Và rồi, đến cả đường mòn cũng không còn, thì cô sẽ cuốc bộ đi xuyên qua từng quả núi hay vạt rừng, như một nhà thám hiểm quyết đi đến tận cùng nỗi đau khổ và oan ức ở những ốc đảo tăm tối tách biệt hẳn với văn minh. Dù ở nơi thâm sơn cùng cốc hay giữa lòng Hà Nội, Trang đã lần theo dấu những án oan, hoặc những vụ thảm sát cả gia đình để bắt cóc trẻ con đem bán, hoặc vạch mặt một thiếu gia con quan chức lộng hành như Cậu Giời, hoặc giải cứu những cô gái Miền Tây bị chuyển bán ra Bắc cho một động mại dâm, hoặc cứu mạng cuộc đời của một bé gái 4 tuổi bị gã bố nuôi bệnh hoạn tra tấn em hàng đêm như thời Trung Cổ…

Ngoài những kỹ năng của một cây điều tra viết điều tra lọc lõi, Trang thường bám theo linh cảm và sự ngang bướng của chính mình. Cùng tấm lòng biết phẫn nộ trước những điều khốn nạn và phi nhân đang ăn hiếp, lừa gạt, trục lợi trên những thân phận thấp cổ bé họng. Thực ra trong nghề báo cũng đâu ít người giữ được sự phẫn nộ ấy! Nhưng nếu phải đánh đổi an toàn của mình, hoặc quá vất vả cực nhọc, hoặc được đổi chác từ những thỏa thuận sinh lợi – thì nhiều người có thể chọn im lặng, và Sự Thật vĩnh viễn câm nín như một nấm mồ. Nhưng Trang thì khác, cô sẽ đi đến cùng những gì mình tin với lương tâm trong sạch và lòng trung thực. Bất chấp an nguy của chính mình, và không xao động trước mua chuộc.

Phía sau những bài báo của Thu Trang, đã có những số phận thay đổi hoàn toàn, những con người được cứu sống hoặc làm lại cuộc đời. Và ngay cả khi bài báo đã in xong, những câu chuyện kể trên mặt báo cứ sóng sau đè sóng trước, bạn đọc cũng đã quên – thì Trang vẫn chưa nỡ chia tay những nhân vật của mình. Vì họ khổ quá, nếu cô buông tay có thể họ sẽ phải quay lại nơi tăm tối mà cô vừa đưa họ ra. Nên Trang đành đi tiếp, như chị, như mẹ, như cha…để tìm cơ hội sống và học hành cho những đứa trẻ hoặc mồ côi, hoặc cha mẹ tù tội, hoặc thân thích còn lại của đứa trẻ ấy cũng đang tận khổ. Trang nghèo, nhưng cô hào hiệp và rộng lòng, ngay kể cả còn vài chục ngàn trong túi cũng sẵn lòng vét hết đưa cho nhân vật mình vừa phỏng vấn (để họ lo tạm ngày gạo và có gì đấy cho bọn trẻ ăn uống). Chẳng ai như cô, đi vào trại giam viết bài về tù nhân nữ. Mủi lòng vì họ nhớ thương con bơ vơ ngoài đời, sau đó cô tìm mọi cách để đưa những đứa con đi gặp mẹ. Rồi đi viết phóng sự về những đứa trẻ “mồ côi sống” (do cha mẹ đi tù, mất vì ma túy), sau đó “nặng nợ” đi xin học, lo học phí trang trải mấy năm cho đứa trẻ, lo xe cộ – nơi ăn chốn ở – tìm công việc để mấy chị em tạm nuôi nhau trong khi chờ mẹ ra tù. Trang viết blog, lập facebook – ở đó cô kể lại những thân phận khốn cùng mà cô gặp, những điều đau lòng và day dứt không nói hết được trong bất cứ bài báo nào. Và cô hỏi, có ai muốn cùng cô đỡ đần những thân phận ấy không? Trong suốt 8 năm qua, chỉ từ một ngôi nhà ảo của TỜ RANG (nick của cô trên mạng), đã có hàng tỉ đồng, hàng chục tấn gạo, mấy chục ngàn bộ quần áo ấm, biết bao sách vở và giày ủng…đã được thu gom và chuyển đến những em bé nghèo miền núi phía Bắc. Trên dưới trăm chuyến xe hàng cứu trợ ấy, Trang đều trực tiếp áp tải. Cô thu vén từ mua bán đồ, đóng gói, ngồi lên xe say khướt mấy trăm cây số đường núi một bên dốc cao một bên vực sâu. Rồi dỡ hàng chia tận từng đồn biên phòng, từng cụm bản, quần áo quà bánh cũng được trao tận tay từng đứa trẻ. Bao người hảo tâm suốt trong Nam ngoài Bắc, cả những Việt kiều đang sống ở nước ngoài, đều một mực tin rằng tấm lòng của họ sẽ được đưa đến tận tay những người thực sự cần, sẽ không thất thoát dù chỉ một hạt gạo. Vì Trang sẽ thay họ làm điều ấy. Tận tâm và trung thực – như cách cô đã sống và làm nghề.

Chỉ từ hồi đáp thương yêu từ cộng đồng, Trang và một nhóm bạn đã quyên góp xây dựng được khu nội trú tại huyện Điện Biên Đông- tỉnh Điện Biên. Mái ấm này đang nuôi dạy, chăm sóc khoảng gần 60 em nhỏ mồ côi và cơ nhỡ, cho các em học hành và tìm thấy gia đình mới của mình. Cứ rảnh, Trang lại chạy lên Điện Biên Đông, trồng cây trồng hoa ở sân chơi cho bọn trẻ, làm tủ sách, sửa sang những đồ đạc hỏng, mua con giống để Mái Ấm làm trại chăn nuôi cho lũ trẻ vừa được lao động, vừa có điều kiện cải thiện sinh hoạt hàng ngày. Ở đó, có những đứa trẻ gọi Trang là Mẹ.

Trang sống đầy và ôm đồm, cõng việc thiên hạ như một kẻ “thừa hơi”. Người thân của Trang có lúc tủi thân vì bị chia sẻ những chăm sóc đáng lẽ họ được hưởng trọn vẹn. Bạn bè nhiều khi khó chịu mắng mỏ cô, vừa xót xa vừa giận dỗi: “Cứ đi lo cho người khác, cái thân mình thì sao?”. Trang thường chẳng thanh minh gì, cũng không mảy may thay đổi những gì mình định làm. Cũng như cô chưa từng dừng lại khi có lời đe dọa vì cô nhúng mũi vào những khu vực điều tra nguy hiểm, “nếu làm tiếp, có thể sẽ không an toàn tính mạng”. Cũng như cô cách cô thanh thản đẩy trả những phong bì dầy cộp tiền mà “đương sự” mang đến để đổi lấy một sự im lặng. Trang, làm nghề trong sạch và “khùng điên”, bướng bỉnh cắm cúi đi hết con đường mình đã chọn, dù đầy gai sỏi.

Tờ Rang ở trên mạng có vẻ quảng giao và bặt thiệp. Nhưng ngoài đời Trang luôn kỳ cục. Cô thường âm thầm làm gì đó không ai biết, cách Trang bám theo một đề tài đang nung nấu luôn có kiểu căng thẳng của một con báo săn mồi. Tất cả mọi im lặng, tỏ ra ngơi nghỉ hay làm việc nọ việc kia, chỉ để che dấu nỗi bồn chồn khôn tả của kẻ theo dấu vết. Và cô sẽ không ngủ, quên chăm sóc bản thân, quên cả những người quanh mình, chạy xe hàng trăm cây số vào giữa đêm khuya, ăn sáng lúc 23h tối, ngủ gục vì kiệt sức trên bất cứ cái ghế nào tạm ngồi yên được hơn 10 phút…Trang cứ tàn phá mình như thế, cho đến khi có manh mối về Sự Thật. Những bài phóng sự của Trang luôn be bét lỗi ngữ pháp, cứ như ăm ắp sinh lực và ngồn ngộn chất liệu đời sống ấy là một mạch chảy tuôn trào từ bồn chồn của cô chạy thẳng ra bàn phím.

Văn phòng Hà Nội ít người, thỉnh thoảng chúng tôi phải chia nhau đi những việc ngoại giao của tòa soạn, riêng Trang được miễn nhiệm vụ lễ tân. Vì cô sẽ ngồi thộn ra, kiên quyết không mở mồm nói gì, hí hoáy nghịch điện thoại. Họa hoằn cô nói vài câu, thì nghe thường rất buồn cười và không liên quan đến buổi trò chuyện. Trang chỉ là chính mình, hớn hở, tinh khôn, đầy sức sống, bén sắc như dao – khi cô đi lên núi, lúc ngồi giữa bạn bè và người thân, khi tiếp xúc với tội phạm hoặc gặp gỡ những nạn nhân tìm cô cứu giúp. Ở vị trí phụ trách văn phòng, tôi cất giấu Trang như báu vật, và cũng như cất giấu một “cục dấm dớ” không tiện khoe khi có khách lịch sự tới nhà.

Có thể Trang may mắn khi có một tòa soạn “dung túng” và tôn trọng mọi bất kham của cô. Những gì cô dốc sức làm, báo Phụ Nữ sẽ dốc sức bảo vệ. Chúng tôi đặt lòng tin vào cô, ngay cả với những phác thảo đề tài mơ hồ và điên khùng nhất. Tôi có lần hỏi Trang, “em cứ làm như thế, vì dũng cảm hay điếc không sợ súng?”. Trang cười sảng khoái và dễ sợ như tiếng một cỗ máy nghiền đá, bảo: “Lúc đầu thì em dũng cảm thật. Làm xong, nhìn lại mới thấy mình liều như bị điếc!”.

Thật đáng yêu và lộn ruột biết bao, khi giữa những phóng viên ổn định như đàn ong chăm chỉ, thì “lòi ra” một chú bọ cánh cứng rực rỡ, nhiều sừng nhọn, điếc, thất thường và nhiều bí mật. Như Thu Trang- của- báo – Phụ – Nữ!

@@@: Tôi thích Trang với nụ cười như trong bức ảnh phía trên. Em thường cười như thế khi rất thanh thản. Hiền và mộc mạc, làm tôi thấy ấm và yên tâm lại mỗi khi lo lắng. Thì chúng ta chỉ có 1 vẻ mặt thật sự là mình, khi đối diện với những người thân yêu. Như khi Trang nhìn vào người bạn chụp cái ảnh này.

Gia vị yêu thương

Lớp Một trường Brendon họp phụ huynh, ngồi giữa các bố mẹ có vẻ thành đạt là một phụ nữ trẻ rụt rè. Thiếu phụ như lạc ra với vẻ xuềnh xoàng và lam lũ, cô chỉ im lặng. Đến cuối buổi họp, phụ huynh tíu tít xin email và facebook để thông báo chuyện trường lớp của bọn học trò còn mũi dãi. Thiếu phụ lúc đó mới có vài lời lúng túng: “Em không biết meo hay phâybúc là gì, em chỉ có số điện thoại. Vợ chồng em bán giò chả ở chợ cóc gần trường, thấy trẻ con đi học ở đây đều vui vẻ tự tin. Bọn em cố gắng làm lụng với nguyện vọng lúc cháu T. đi học, dành dụm đủ tiền gửi để con vào ngôi trường tử tế. Bọn em bán hàng đến 9h tối mới về đến nhà, trăm sự em cậy nhờ cô giáo kèm cặp con sau khi tan học buổi chiều. Nếu có gì không theo được phong trào của lớp, các bố mẹ thể tất cho vợ chồng em…”.

Mình mới nhớ những buổi đón con muộn, luôn thấy một cậu bé ngồi cặm cụi viết bài trong khi các bạn đi xem phim và đọc truyện ở phòng chờ bố mẹ. Sau hôm đó, đi qua chợ mình để ý bố mẹ T. ngồi chỗ nào. Chỉ là một tủ kính bé tí bày ít nem chua giò chả, buổi sáng có thêm bánh chưng bánh dày, mẹ T. bán hàng có vẻ xởi lởi, lúc nào cũng đông khách. T. có em trai, chừng 4 tuổi. Thằng bé thường được đón sớm hơn anh, chỉ chơi luẩn quẩn bên cạnh mẹ. Có buổi thấy nó chơi rau, có buổi chơi mấy con cua con cá nhỏ bơi trong chai nước, có buổi thấy nó nằm ngủ trên ghế nhựa mẹ trải áo bên dưới làm nệm, có buổi thấy nó cầm que chọc rãnh nước…

Cuối tuần đưa con gái đi chợ, thấy anh em T được mẹ ôm ngồi phía sau tủ kính, chỗ ô đất rộng chừng 1m vuông. 3 mẹ con cười khanh khách vui vẻ lắm, bố T. đứng bán hàng, thỉnh thoảng quay lại nhìn vợ con đầy mãn nguyện. Con gái nhìn thấy bạn reo lên, mình đậu xe xin mẹ T. cho mấy đứa dắt nhau sang chơi bên công viên nhỏ đối diện. Ngồi nhìn bọn nhóc chạy quẩng dưới gốc cây như bầy chó con, mẹ T. nhỏ nhẹ kể: “Nhà em cách Hà Nội hơn 30km, tận đường đi Chùa Hương. Gia đình thuần nông, để có tiền nuôi con cả hai vợ chồng phải bươn ra Hà Nội kiếm sống. Ngày trước T. ở nhà lủi thủi chơi một mình, ông bà già yếu cũng không chăm được cháu. Có lẽ vì thế mà 4 tuổi T. mới biết nói. Em thương con thiệt thòi nên cố gắng bù đắp. Em của T. cũng học trường mầm non song ngữ, tiền học của cả hai anh em mỗi tháng tròm trèm 20 triệu. Vợ chồng làm cật lực, chi tiêu tằn tiện chỉ đủ cho con ăn học. Em động viên chồng là chỉ có học hành mới cho con mình cuộc đời khác sáng sủa, không phải cắm mặt tối ngày như bố mẹ…”

Như mẹ T.kể, hàng ngày hai vợ chồng cô thức dậy từ 2h sáng để làm hàng. Anh em T. bị lôi dậy lúc 5h để cả nhà vào Hà Nội. “Chúng nó ngủ trên đường, đến chợ em trải tấm chiếu cho các con nằm ngủ tiếp, 7h em đánh thức con để bố đưa đến trường. Chiều về, chúng quanh quẩn chơi với nhau đợi bố mẹ, cả nhà ăn tối tại chợ, chỉ là cơm bụi quà bánh vớ vẩn. Thôi thì cả nhà còn được ở cạnh nhau, bố mẹ nhìn thấy mà nắn bảo con, rảnh tay được ôm con và chơi với nó. Còn hơn để con lủi thủi làm bạn với tivi ở nhà…”. Nghĩ đến những ngày đông rét mướt, 2 đứa bé gật gà ngủ trên chặng đường 30km lúc trời vừa tảng sáng; người bố nối đường điện từ trường học cạnh đấy để cắm cho con cái quạt mát ngày hè; người mẹ vừa bán hàng vừa kèm con học chữ dưới ánh đèn bão leo lét buổi tối nơi góc chợ…tự dưng thấy mình thật bé nhỏ trước tình yêu thương và quyết tâm của gia đình 4 người ấy. Hai đứa trẻ ngoan ngoãn sạch sẽ lớn lên từ chợ, vui vẻ và không chút mặc cảm giữa bạn bè. Chúng còn đủ đầy và hạnh phúc hơn bao đứa trẻ bị bỏ rơi cho người giúp việc và ipad trong những gia đình giàu có.

    Bữa tối hôm ấy ở nhà mình là món chả thìa là và giò bò, mình cho con gái biết đó là “món mẹ bạn T. làm”. Hôm sau, đi học về con kể ngay: “Con nói với T. là món ăn của nhà cậu tuyệt ngon! Bạn T. vui lắm, bạn bảo mẹ bạn cho gia vị yêu thương vào giò chả nên mới ngon như vậy!”. Mình cứ đinh ninh, “gia vị yêu thương” ấy chính là tài sản của anh em T. đấy. Lớn khôn từ tình yêu và gắng gỏi – hai cậu bé sẽ có muôn vàn niềm vui khi thưởng thức cuộc đời, theo “khẩu vị” riêng của sự tử tế và lòng kiêu hãnh…

Không sinh ra để làm xiếc

o-SAD-DOG-facebook

Báo Daily Mail tuần qua đưa tin: chú voi Raju ở Ấn Độ bị xiềng xích 24/24 trong suốt 50 năm qua, chú thường xuyên bị bỏ đói, nhiều khi phải ăn giấy để cầm cự qua ngày. Nhiệm vụ của Raju là giúp người chủ xin tiền lẻ của khách qua đường. Nhóm chuyên gia của Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã Wildlife SOS tới giải cứu Raju, họ đã kinh ngạc vì Raju chảy nước mắt khi họ tháo xiềng cho chú.
Tôi nhớ bài báo về cái chết của chú voi Khăm Bun vào tháng 8.2010, bức ảnh chụp một phụ nữ vòng tay ôm lấy chiếc cổ gày dơ xương và lõng bõng da của chú voi đã chết, bàn chân lở loét mang vết thương sâu vẫn rỉ máu của chú voi giơ lên chới với – như một cú đấm mạnh dội thẳng vào ngực tôi. Khăm Bun bị sập bẫy ở Yok Đôn năm 2006, một cơ quan cao cấp đã tặng chú cho LĐ Xiếc VN. CHú được gửi ở Công Viên Thủ Lệ, ở đó gần một năm Khăm Bun bị xích đứng ở nơi hứng nước tiểu của chuồng voi. Vết thương sơ sơ do trúng bẫy thợ săn ở chân Khăm Bun vì thế nhiễm trùng nặng. Chuyển về LĐ Xiếc, điều kiện chăm sóc sơ sài khiến vết thương của KHăm Bun không được cải thiện. Chị Hà (tôi vẫn nhớ bài báo gọi chị là “mẹ Khăm Bun” ) thương cảm con vật vô tội phải rời rừng xanh mà sống đời giam cầm, nên đã đến nơi nhốt Khăm Bun để trò chuyện và cho chú ăn hàng ngày. Chị Hà xin đưa Khăm Bun trở về với rừng đại ngàn Tây Nguyên – để chú được dẫm chân lên tổ mối, ngâm chân dưới dòng sông Serepôk nước chảy xiết giúp vết thương được rửa sạch. Nhưng Khăm Bun là “quà tặng”, nên không ai dám quyết trả chú lại cho rừng. Sau 4 năm vật vã trong giam nhốt với vết thương không thể lành miệng, Khăm Bun đã lìa đời, với đôi mắt mở kinh ngạc cho chính cái chết tức tưởi của mình, với chân bên trái phù to mủ chảy ròng ròng, hoại tử đến tận khớp vai…

Bạn đã từng đi xem một buổi xiếc thú chưa? Trong sân khấu tròn ấy, những con chó sẽ nhảy dây, khỉ đi xe đạp và gánh nước, gấu đi trên dây, voi thì đứng chụm 4 chân trên chiếc đôn nhỏ, và những con hổ lao qua vòng lửa, sư tử có thể cưỡi ngựa…Bạn có cười thán phục nổi không, nếu biết rằng để thực hiện được hành vi ngược tự nhiên như thế, những con thú đã bị người dạy xiếc tra tấn đến mức tàn bạo? Sử tử và hổ bị bẻ sạch răng nhọn, voi bị nện búa sắt vào đầu, gấu và đười ươi bị gậy bịt sắt nhọn đâm vào thân thể, khỉ bị xiết cổ, cá sấu bị nạo họng…

Trước tự nhiên công bằng, mọi loài đều được cho một sinh mệnh, những con vật phải làm trò vui cho con người vốn thuộc về rừng xanh hoặc sông dài biển rộng, chúng sinh ra không phải để làm xiếc và bị giam nhốt. Một nghiên cứu từ ĐH Oxford kết luận: “không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy các rạp xiếc đóng góp được vai trò gì trong việc bảo tồn động vật. Việc chứng kiến những con thú làm các trò bất thường, không giúp giáo dục và thúc đẩy tình yêu động vật của người xem”. Chúng ta không có lỗi nếu đi xem xiếc, hay ngày chủ nhật dắt con vào vườn thú. Có thể, bạn sẽ không nỡ lòng nói với đứa con thơ ngây rằng vì bị xà xẻo phần ăn, mà những mãnh thú của đại ngàn trông đều tiều tụy đến thảm hại trong những cái lồng nhốt chật chội bẩn thỉu. Bạn sẽ không nỡ làm con đau lòng khi tránh giải thích rằng, con voi và con khỉ bị nhốt riêng trong chuồng bê tông kia nhìn bơ vơ buồn tủi, vì chúng vốn chỉ quen sống theo bầy. Nhưng lòng thương xót thì bạn cần phải làm gương và nói cho con hiểu. Đừng bắt chú đười ươi phải hút thuốc như người đàn ông kia đang làm, đừng ném đá vào bầy khỉ như chàng thanh niên kia, đừng bắt chước cô gái nhí nhảnh cố dùng gậy chọc vào con nhím để nó phải bắn đến cọng lông cuối cùng trên tấm thân hồng lợt chỉ còn da…Những đám lông rụng xác xơ, mảnh thân gày dơ xương, ánh mắt hoảng sợ và thất thần đến tội nghiệp của những con thú – hơn cả lời van vỉ, nó là kết tội câm lặng dành cho chúng ta. Có một con hươu cao cổ đã chết trong vườn thú, dạ dày của nó chứa 20 kg túi nilon – tôi muốn tin không có chiếc túi nào bạn ném vào trong số đó…
Bản chất tàn bạo không thay đổi, dù đối tượng hứng chịu sự tàn bạo ấy là con người hay con vật. Khi một người có thể ném một con mèo vào tường cho đến chết vì nó ăn vụng, đánh gãy xương con chó vì gặm rách đôi giày của chủ , vặt trụi lông những con chim đang sống để chúng rướm máu nhảy lên đau đớn chứng tỏ “thực phẩm tươi ngon”, cười khoái trá khi nhìn con khỉ ôm mình che chắn những tàn lửa châm vào…con người ấy liệu có thể hiền từ và đủ lòng thương với đồng loại hay không? Để ngăn mầm mống của sự nhẫn tâm và khoái thú bạo hành, bạn có thể làm được, bằng việc không cổ vũ- tham gia- đồng lõa tra tấn một sinh mệnh khác mà chẳng cần lý do nào. Và khi bắt đầu tạo ra đau đớn, xin bạn hãy nhớ ngay cả một con voi cũng có thể khóc!