Lê Thiết Cương: KẺ ĐI TÌM CHÌA KHÓA…

 Lê Thiết Cương

 Gallery 39A, nhà Lê Thiết Cương lâu nay là salon nghệ thuật có tiếng ở Hà Nội. Đoạn đẹp nhất phố Lý Quốc Sư, mặt tiền thênh thang rộng sắc màu đầy tính hội họa, chỉ dành cho mấy người bán nước bán xôi ngồi nhờ. Bước qua khung cửa xanh là một thế giới khác, tối giản và thuần Việt của Cương. Không gian ấy an lành và tĩnh lặng, nhuốm màu xưa cũ. Trong gam trầm của đồ gỗ và gốm sứ cổ, của những bức tranh rất nhiều khoảng trống chỉ một màu nhạt không chuyển tone – Lê Thiết Cương với chemise rực màu cam và giọng nói cáu kỉnh, nổi bật đến độ cô độc.

  • Làm thằng đàn ông, biết thế nào là nhục thì mới không hèn.

    Chiếc ghế gỗ tôi tình cờ ngồi ở phòng khách tầng trệt có nét điêu khắc mềm mại và tinh xảo như chỉ thêu trên vải, chạm trên lưng ghế là một bài thơ. Dân chơi đồ cổ gọi ghế này là đoản kỷ, Cương muốn gọi bằng tiếng Việt là Ghế Yêu (vì chỉ đủ chỗ 2 người ngồi). Món cổ vật hơn 200 năm tuổi này được Lê Thiết Cương đặc biệt nâng niu, thành quả của một lần đấu giá chí chết với “tụi Tây”. Cương chơi đồ cổ, nhiều thứ quý và cực độc, anh bảo mình tầm đồ vì tình, giữ không “chảy máu” ra nước ngoài được chút nào quý chút ấy, đồ của người Việt thì phải thuộc về người Việt. Sau, nếu có bảo tàng nào đủ yên tâm, anh sẽ tặng lại. Từ câu chuyện thế nào là bảo tàng Tử Tế, chúng tôi không tránh được nhắc về  di sản và những “ấm ức” rất Lê Thiết Cương – (kẻ nói thật đến khó nghe, khó chịu, luôn “nhúng mũi” vào những bức xúc về đời sống văn hóa)…

– Trước những lố lăng đồi bại của xã hội, tôi thấy rất nhiều người không có phản ứng gì. Không biết có phải do gốc gác là tính an phận thủ thường của kẻ sĩ Bắc Hà, mà giới nghệ sĩ phía Bắc (đặc biệt là Hà Nội) lại thường nhát, không dám bộc lộ một cách minh bạch và công khai chính kiến của mình, mỗi khi có bức xúc về môi trường văn hóa. Anh thì lại nói quá nhiều, đến mức gây khó chịu. Người quý thì bảo có tấm lòng, còn không có khi đánh giá là nhiễu sự….

+Tiểu thuyết “Tuổi 20 yêu dấu” của Nguyễn Huy Thiệp thuở ban đầu đưa đến một NXB, người biên tập có đề nghị: “Anh có thể giữ nguyên ý của mình, nhưng tự viết lại đoạn đó cho mềm mại đi?!”. Ông Thiệp nói ý là: “Trước một câu chuyện đồi bại trong xã hội, người bán chè xu hay xe ôm đều bức xúc, nhưng trong giới hạn của họ, chỉ có thể trò chuyện với nhau về những bức xúc đó ở vỉa hè. Thằng nhà văn phải có trách nhiệm nói chuyện bằng giấy trắng mực đen, phải in ra và phát hành một cách chính thức”. Tôi cũng có chút tên, chút uy tín ở xã hội. Ông Giời ông ấy trao cho tôi sứ mệnh là thằng nghệ sĩ, thì tôi phải phát ngôn chính thức bằng vị trí của mình trên công luận về những chuyện của đất nước. Thấy những hành xử nhố nhăng với văn hóa tôi không chịu được, phải lên tiếng. Bởi tính xấu mà tôi ghét nhất là thói ngậm miệng ăn tiền. Tính này, tiếc rằng nó lại phổ biến ở giới nghệ sĩ Hà Nội.

-Tôi thì thấy trách nhiệm công dân không chỉ yếu kém ở nghệ sĩ mà còn ở giới trí thức nữa. Những người có trình độ và văn hóa cao hơn mặt bằng chung, nhưng chỉ thường chê bai oán thán những nhố nhăng thời cuộc trên Face Book và ở bàn nhậu, tỏ ra mình cũng trăn trở và biết đúng sai. Nếu họ cố gắng để phản biện quyết liệt và công khai, biết đâu đã thay đổi phần nào những nhố nhăng đó..

+Trí thức trong xã hội là những người hơn ai hết cần coi phản biện là thái độ sống cơ bản. Sự im lặng trước những điều tồi tệ, đồng nghĩa với thái độ đồng lõa, nó là cái đớn hèn. Làm thằng đàn ông, phải có cảm xúc, phải biết thế nào là nhục thì mới không hèn. Phải tự thấy nếu không nói ra là nhục nhã, thì người ta mới không hèn. Lại quay về chuyện của Nguyễn Huy Thiệp. Khi lời đề nghị phải sửa để tác phẩm “mềm mại” đi, lão ấy nói: “Thằng nhà văn chỉ có cách phát ngôn duy nhất là tác phẩm, bằng giấy trắng mực đen. Nếu bảo tôi gạch đoạn đó đi, sửa nó, khác gì tôi bịt mồm tôi! Không in thì thôi!”. Và ngày hôm nay, quyển đó vẫn chưa in. Đó là một câu chuyện rất hay về thái độ sống không thỏa hiệp. Nói thật, trong giới họa sĩ, nhiều người rất kém và hèn. Ai cũng chăm chăm chuyện đi bán tranh, kiếm tiền, mua nhà mua cửa để cho thuê, buôn đất đai…Họ tự bịt tai bịt mắt bịt mồm khi phải đụng chạm đến giới quản lý văn hóa, hoặc những dư luận có trái chiều. Họ sợ ảnh hưởng, phiền hà, bị ghét.

-Chăm chăm vẽ tranh, kiếm tiền, bán tranh, mua nhà…anh có cam đoan mình đứng ngoài những thứ đó không? Có khi không nói chẳng phải vì hèn, mà người ta chẳng có  vị thế để nói?

+Tôi đứng ngoài thật! Tôi không có nửa mét vuông nhà nào cho thuê, không đầu tư đất đai, không buôn bán gì. Tôi bán tranh giá đắt lại là việc khác. Những người kia cứ bán được tranh, cứ mua được đất, cứ đầu tư nhà hàng quán xá…và cứ phản biện, cứ bức xúc như những công dân có trách nhiệm thì tôi tôn trọng họ quá! Tôi biết rằng, có nhiều họa sĩ ít tuổi hơn tôi cũng nghĩ điều đó, nhưng họ ngại không dám nói ra, vì dễ bị nghĩ “Trâu buộc ghét trâu ăn”, thằng ấy chưa bán được nhiều tranh, nên ghen tị mà dèm pha. …Nói thật là vì nhà tôi rất to, tôi mới nói được!

 

-Tự ôm rơm rặm bụng, tự mình bắt mình đi “canh gác di sản”. Gác nhưng không gác được, nó vẫn mất mát và biến dạng đó thôi. Đọc những bài báo của anh khi có một câu chuyện tổn thương di sản, tôi tự hỏi không biết anh giữ được bao nhiêu lâu thái độ này? Mình bất lực, mình không làm được gì thêm, mình gắng gỏi để tạo thay đổi nhưng không chạm vào ai,  và mọi chuyện vẫn nhố nhăng…Anh có bị rơi vào cảm giác đó không?

+ (Thẫn thờ một lúc) Bạn đi tour một vòng các ngôi chùa quanh Hồ Tây chưa? Hỏng hết rồi. Bây giờ các chùa đều là bối cảnh phim cổ trang Trung Quốc, không còn theo nguyên tắc tín ngưỡng và thẩm mỹ của người Việt nữa. Lúc bi quan nhất tôi nghĩ, bài báo mình viết ra rồi cũng chỉ dăm ông bà có cùng quan tâm đọc với nhau, chứ chẳng đánh động đến ai. Nhưng rồi chẳng lẽ vì không có ai đọc, hoặc chẳng có tác động đến chính sách, đến những người có quyền…thì mình không làm gì?! Nếu cứ nghĩ thế, thì còn ai làm gì? Đâu còn phải là con người! Con người tử tế và lành mạnh là phải biết bức xúc trước những cái xấu.

  • Nghệ sĩ của chúng ta có yếu điểm là không thật lòng.

  Lê Thiết Cương là một đại diện quan trọng của hội họa sau thời kỳ Đổi Mới. Lứa ấy, phê bình mỹ thuật gọi là Thế hệ Vàng, với sự bùng nổ của tinh thần tự do và tính cá nhân, vừa dân tộc vừa hiện đại, cách tân ngôn ngữ nhưng vẫn đảm bảo bám rễ sâu vào nguồn mạch văn hóa truyền thống.

– Hoạt động mỹ thuật trong vòng 15 năm trở lại đây sôi động về bề mặt , (trên số lượng các triển lãm và gallery) nhưng lại có phần hời hợt, nông cạn, tự lặp lại mình và bị thương mại hóa. Tinh thần không còn sự hồn nhiên và tính cá nhân đặc sắc như thế hệ Đổi Mới của các anh. Vì sao lại có sự hẫng nhịp này?

+Lứa họa sĩ sau thế hệ Đổi Mới bị cái bệnh ảnh hưởng Trung Hoa quá mạnh, kể cả những người rất nổi tiếng. Thế hệ chúng tôi đứng trên nền văn hóa Làng, nhìn sang Châu Âu để cách tân. Thì lứa sau đứng ở hội họa Trung Hoa để nhìn ngược về Việt Nam. Tôi có cảm giác là cái tạng tính dân tộc của họa sĩ Trung Hoa lục địa, khi vô thức tập thể mạnh, thì đi vào Pop Politics dễ hơn người Việt. Nghệ sĩ của chúng ta có yếu điểm là không thật lòng. Vì Pop Politics là một trong những cách để nghệ sĩ phản kháng, nhưng những người vẽ Pop Politics ở Việt Nam họ có phản kháng gì đâu, đến phản kháng về văn hóa họ còn không dám…

-Trở lại điều chúng ta nói lúc trước, là trí thức và nghệ sĩ phải có thái độ phản biện. Và khi các nghệ sĩ đương đại thực hiện sứ mệnh phản biện (bằng nghệ thuật của mình), mà ta kết luận họ không thật lòng – liệu có là quy chụp?

+Khi không có đời sống ấy, thì không có tấm lòng ấy đâu bạn. Nghệ thuật đương đại nhất thiết phải có ý, không có 1 tác phẩm sắp đặt và trình diễn nào lại chẳng có ý gì, mà để có ý thì phải trở lại câu chuyện thái độ sống. Nghệ thuật đương đại rất mạnh trong việc biểu đạt thái độ của người nghệ sĩ. Muốn thế, anh phải có  ý thức công dân, tấm lòng, sự hiểu biết về xã hội và chính trị. Mà tất cả cái đó đều cần có bề dày văn hóa, có trải nghiệm, học và đọc và nghe nhiều, cần thời gian để bồi đắp. Tôi có thể dẫn chứng những tên tuổi có tay nghề rất cao, thành công về thị trường, có triển lãm nước ngoài…Nhưng tôi không nhìn thấy chính họ trong tác phẩm. Ngày xưa, văn nghệ chỉ có con đường phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân và kháng chiến thì tác phẩm rất hay, cực kỳ xúc động. Là vì người ta thực lòng. Nghệ sĩ họ yêu nước thật, họ thấy cách mạng là thiêng liêng thật. Thì mới vẽ hay được như thế. Điều đó chứng tỏ rằng, không cứ phải có xung đột giữa văn nghệ và chính trị mới có được tác phẩm lớn. Bây giờ rõ ràng văn nghệ không nhất thiết phục vụ chính trị thì chẳng có tác phẩm hay.

 

-Các họa sĩ trẻ không còn mê đắm con đường hội họa giá vẽ. Cảm giác họ quăng ra bất cứ cái gì cũng là trình diễn hay sắp đặt. Phê bình mỹ thuật cũng tranh cãi nhiều, rằng đương đại của các họa sĩ bây giờ có thực là đương đại? Hay nghệ thuật đương đại cũng nhiều lúc làm trò bịp kiểu “hoàng đế cởi truồng”?

+Nghệ thuật đương đại bỏ đi sự công phu, rèn luyện hàng ngày của tay- là cái công phu nghĩa đen. Nhưng nó đòi hỏi công phu khác của việc sống và trải nghiệm, công phu của việc học. Anh thấy dễ bởi đời sống của anh nông thôi, cái đó nó là sự nguy hiểm của con dao hai lưỡi, nó đang bị lạm dụng. Cũng có những họa sĩ làm đương đại có tác phẩm tốt. Tôi rất thích Trương Tân, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Minh Phước….Vấn đề ở đây là những người hưởng thụ văn hóa (là khán giả) lại không chạm tới. Nghệ thuật đương đại đòi hỏi phông văn hóa ở cả người sáng tạo và người tiếp nhận. Khi công chúng không thể tương tác, do không đủ trình độ thì cũng không thể đổ lỗi hết cho các nghệ sĩ. Ngày hôm nay người ta muốn trở thành công chúng của Nghệ thuật, nhất thiết phải tự đào tạo mình.

  • Cuối cùng tôi cũng là một thằng người đầy nhầm lẫn

Lê Thiết Cương có nói, anh không thể sống nếu một ngày không dính líu đến nghệ thuật. Tính Cương hào phóng rộng rãi, lại có“biệt nhãn liên tài”, lại yêu bạn yêu bè như yêu thân. Nên anh tự nguyện làm Mạnh Thường Quân cho biết bao văn nghệ sĩ Hà Nội. Từ 2005 đến 2011, tại Gallery 39A đã “xảy ra” 30 cuộc triển lãm: tranh Trịnh Công Sơn, Đào Hải Phong; điêu khắc của Lê Đình Nguyên; ra mắt sách của Nguyễn Quang Thiều, Vi Thùy Linh, Nguyễn Huy Thiệp; lễ mở xiêm y cho đào nương Phạm Thị Huệ, ảnh của Đặng Ngọc Thái… Không chỉ miễn phí hoàn toàn, có khi Cương còn bỏ tiền túi ra lo ngược cho nghệ sĩ. Tận tụy và kỹ lưỡng, chăm chút từng cái giấy mời trở đi, người ta tưởng như bất kỳ cuộc triển lãm nào ở Gallery 39A cũng là Của Lê Thiết Cương. Không khí salon nghệ thuật đúng nghĩa, nơi người ta  hăm hở hết lòng, nơi người ta thấy mình được kích ứng (và tạo ra kích ứng), nơi người ta khao khát chia sẻ sáng tạo…từng hiện diện trong ngôi nhà hào hiệp này.

  Cuối 2011, Lê Thiết Cương tuyên bố đóng của Gallery 39A, một cái tin bằng bao thuốc lá trên báo Tuổi Trẻ nói lý do: vì anh muốn tập trung thời gian cho những dự án cá nhân. Tôi thì đồ rằng sự thật là Cương chán, ngọn lửa hào hiệp của anh hóa ra cũng chỉ là một quầng ấm áp nho nhỏ cho một bọn người nghệ sĩ đơn độc. Nó không truyền nóng  được cho đám đông hờ hững ngoài kia, anh hình như đau khổ vì trong đám đông đó, có rất nhiều kẻ làm oan sứ mệnh nghệ sĩ…

Thì Lê Thiết Cương lại quay Về Mình, loay hoay tìm ý nghĩa việc Sống trong Vẽ (và có khi ngược lại?).

– Tôi nhớ, anh từng bảo nếu bắt Lê Thiết Cương vẽ một cái tranh xấu là vô cùng khó, sống mới khó chứ vẽ không khó! Cái việc sống quan trọng hơn làm nghệ thuật, anh nhận ra từ lúc nào?

+ Điều này, khi trẻ người ta không nhận ra được. Tôi nhận ra đổi mới chính mình rất khó. Quan niệm nghệ thuật thì không thể đổi, nó là cái vân tay. Nhưng mình không được lặp lại mình. Không có một nghệ sĩ chân chính nào lại không khát khao đổi mới mình, được khác chính mình. Cái điều đó như một sự tự trọng, nếu không thì mình cầm bút vẽ tiếp mà làm gì? Ai cũng có ước ao đấy, nhưng phải nhớ là mọi biến động trong nghệ thuật dứt khoát phải là biến động trong đời sống, nếu không sẽ chỉ là sự giả vờ. Mà thức ăn của nghệ thuật có cái ác là nó không chỉ ăn hạnh phúc, mà nó còn đòi ăn sự mất mát, sự bất hạnh, thậm chí cả bệnh tật. Chứ khỏe quá, hạnh phúc quá có khi lại không được.

-Tranh của anh càng ngày càng buồn, càng nhiều khoảng trống, càng yên tĩnh. Ngày xưa cũng từng náo nức hòa sắc cơ mà…

+Nó theo tuổi. Càng già càng lặng. Nó đúng với đời sống thật của tôi. Bây giờ tôi vẽ màu âm âm thế này.

-“Nghệ thuật là cách tìm về mình, là mình, làm mình”- cũng của chính anh tuyên ngôn nhé, trong một bài báo tôi đặt anh viết về lý do anh chọn nghệ thuật tối giản…

(Lê Thiết Cương mang ra bức tranh vừa mới vẽ, một hình người ngồi bó gối với 3 chiếc chìa khóa chập chờn trên đầu).

+Đây! Trở về mình! Ai chẳng khao khát tìm được mình, sống chân thật với mình. Cái số 3 nó như số nhiều ấy, có thể bạn có rất nhiều chìa khóa, nhưng chưa chắc đã mở được cánh cửa để về với mình. Có khi đi rất nhiều đường, có khi cả một thế hệ chưa chắc đã tìm thấy mình, chưa nói đến một cá nhân. Trong nghề, có những người rất chăm chỉ, yêu nghề nhưng cả đời vẫn chỉ là nghệ nhân. Nghệ thuật nó bạc lắm.

– Soi mình trong nghệ thuật, anh thấy rõ hơn điều gì?

+Là thấy cuối cùng tôi cũng là một thằng người đầy nhầm lẫn, yếu đuối, và không tìm thấy chìa khóa. Đầy mơ mộng, có từng ấy cái chià khóa, cũng cố gắng mở nhưng không biết có mở đúng căn phòng  của mình hay không? Cũng chẳng biết thế nào là đúng sai, rồi nhầm lẫn hết cả. Thực sự nếu có một giây phút nào đó thoáng qua mình biết được chuyện sai- đúng, xấu- đẹp, thì lúc đó cũng không còn cơ hội làm gì nữa, vì khi trẻ mình đã sống ào ào như một quán tính. Đến tuổi này mới nhận ra, thế này mới là đúng, mình làm thế kia là lạc mình, nhưng không còn thời gian hay cơ hội nữa, muộn hết rồi. Vì còn là sức khỏe, còn là trong mình muốn làm điều đó không. Bây giờ tôi còn nhiều dự án hay, ý tưởng đã có, chuẩn bị hết rồi, mọi việc đã vạch ra đủ… nhưng lòng mình thấy chán, năng lượng không đủ mạnh, nên vẫn không thể bắt tay vào được. (Nói đến đây, Lê Thiết Cương dừng mắt ở bức ảnh treo đối diện chỗ ngồi. Ảnh này, Cương chụp trước cửa nhà mình, một người đàn ông nghèo dắt chiếc xe đạp chở rau muống, nụ cười của ông ta thật thanh thản và nhẹ nhõm). Hàng ngày tôi ngồi vị trí này, cái ảnh đối diện tầm mắt, nhắc tôi rằng mình vẫn phải sống thôi. Cuộc sống là thứ ta không trốn tránh được, thì hãy cố gắng thưởng thức nó cao nhất trong điều kiện mình có thể. Mình chỉ được xây ngôi nhà trên miếng đất của mình, không thể tìm hạnh phúc ở miếng đất của người khác. Một người nông dân, chỉ có chiếc xe đạp cà tàng, quần áo cũ nát, đống rau muống còn ế nguyên- mà ông ta vẫn cười được. Thế mà mình không cười, thì mình thật vớ vẩn.

Các triển lãm cá nhân của Lê Thiết Cương

2013   Triển lãm 13, Gallery 39, Hà Nội, Việt Nam

2009  Hòa Bình,  Gallery Shingendo, Tokyo, Nhật Bản

2008    Chuyện của Lan,  Gallery Thanh Bình, Hà Nội, Việt Nam

2007:   Như Không, Trung Tâm văn hóa Hàn Quốc, Hà Nội, Việt Nam.

2004 : Gặp Mình, Gallery55, Bangkok, Thái Lan.

2003 : Đối Thoại không lời, Gallery Plum Blossoms, New York, Mỹ

1998 : Việt Nam ngày nay, Gallery Andy Julien, Zurich, Thụy Sỹ.

1995Con đường tĩnh lặng, Plum Blossoms, Hong Kong & Singapore.

1991 : Đồng dao, 16 Ngô Quyền, Hà Nội, Việt Nam.

Hiện có tranh treo tại Bảo tàng Quốc gia Singapore