NHỮNG CÂY VĨ CẦM CỦA XUÂN HUY

 

Xuân Huy

Phụ Nữ TP Xuân 2013

   Xuân Huy có một tin tưởng mãnh liệt (mà anh khẳng định là không điên rồ chút nào), rằng hàng trăm năm sau, những cây vĩ cầm của anh vẫn còn, nó có thể đang phiêu du ở một vùng đất nào đó, trong nhung lụa hoặc khốn cùng, nhưng cây đàn ấy vẫn đang tồn tại và có linh hồn!

  Ở vỉa hè Lý Thái Tổ những chiều cuối tuần, Xuân Huy là linh hồn của dàn nhạc giao hưởng Luala. Anh ngồi giữa những nghệ sĩ đàn dây- như một kết nối đầy tự do. Xuân Huy kéo vĩ cầm, mái tóc rối bời, đôi mắt luôn nhắm nghiền, anh chơi nhạc cổ điển trên đường phố theo cách cực kỳ phóng túng và nhập thân tuyệt đối , như thể chỉ còn duy nhất anh và âm nhạc trong một kết nối thiêng liêng vĩnh cửu. Rời khỏi cây mã vĩ, dường như không còn liên quan gì giữa gã đàn ông ngơ ngác có gì đó rất lặng lẽ, với người nghệ sĩ vừa mở ra cánh cửa ngập tràn hân hoan và dịu dàng – bằng tiếng đàn quyền năng của anh ta. Dường như Xuân Huy vừa khóa mình lại tức khắc, cùng với việc cẩn trọng đặt chiếc violin bé xíu vào cái hộp nhung.

    Người ta từng gọi Nguyễn Xuân Huy là “thần đồng âm nhạc”. Thì đây, tiểu sử nghệ thuật thời niên thiếu và những năm tháng trai trẻ của anh “oách” thế này: thủ khoa khoa Violin của Nhạc Việt Hà Nội, xếp thứ hạng cao trong cuộc thi “Tài năng vĩ cầm trẻ” ở Venhepsky (Ba Lan), du học Violin tại học viện Tchaikovsky, người Việt Nam duy nhất chơi trong Dàn nhạc Giao hưởng Century của công nương Diana với những chuyến du diễn khắp Châu Âu…Chuyện quá khứ đó, có thể những người  Hà Nội đợi chờ để gặp anh ở vỉa hè Luala concert không hề biết, cũng như họ không biết người nghệ sĩ vĩ cầm mà mình yêu quý còn là một nghệ nhân chế tác đàn với đôi tay vàng. Còn Xuân Huy, anh chỉ cười láu lỉnh: “Mọi thứ bạn vừa nói đến, chẳng có gì quan trọng, nó chỉ đơn giản là một câu chuyện trong bao câu chuyện- về một con người mà thôi!”.

Vậy thì, tôi sẽ kể câu chuyện về người làm đàn!

Trong mắt Xuân Huy, để xứng đáng được gọi là một cây violin chuẩn mực trong dàn nhạc cổ điển – phải là một cây đàn được làm thủ công bằng tay, một bản thể duy nhất với chỉ số không lặp lại từ thân, phím, màu vecni, cho đến âm vang của tiếng đàn khi cất lên. Loại violin làm đại trà bằng máy, giống nhau như đúc từ màu vỏ, hình dáng cho đến âm thanh, đẹp cùng một kiểu long lanh vô cảm, có một nhận dạng chung khó chịu: sự vô hồn trong tiếng đàn. Một nhạc cụ trong bộ Acoustic mà người đời thường định giá là sang cả như cây đàn Piano, thì càng đánh càng hỏng, càng để lâu càng đi xuống, vừa xuất xưởng đã mất giá. Cây đàn violin đích thực càng để lâu sẽ càng đẹp, tiếng đàn và thân đàn ám màu thời gian càng trở nên quyến rũ, vì thế nó đương nhiên càng đắt. (Năm 2012, giá nhạc cụ đắt nhất thế giới thuộc về Guarneri Vieuxtemps, cây đàn violin được làm từ năm 1741 bởi nghệ nhân người Ý Guarneri del Gesù, được bán với giá 18 triệu đô la).  Nếu giữ cẩn thận, một cây đàn Violin được làm tốt, hoàn toàn đạt được tuổi thọ 500-600 năm.

   Thùng đàn của cây Violin bé nhỏ có kết cấu giống như mái vòm của một nhà thờ, âm thanh được truyền trong đó để khi cất lên phải có một độ vang mê dụ. Lớp trên của thân đàn được làm bằng loại gỗ Tùng xốp mềm mọc ở vùng rừng nước Ý; mặt dưới thân đàn là loại gỗ Phong có vân chun trong như ngọc, dai và chắc. Một cây đàn chỉ hay khi thân gỗ tạc lên nó phải có tuổi thọ hơn 100 năm; cây cổ thụ đó được chặt, để khô tự nhiên và ám thời gian hơn 50 năm nữa.(Gỗ để hong trong bóng rợp đươc hơn chục năm vẫn bị coi là còn tươi, làm đàn ra âm thanh chói, khé, chua và lạnh). Mỗi nhà chế tạo đàn có một bí quyết xử lý gỗ, với mục đích cuối cùng: phiến gỗ để đẽo đàn phải được rút kiệt nhựa, độ khô của miếng gỗ ấy phải tương đương với thời gian phơi chừng…300 năm. Gỗ càng cũ – tiếng đàn càng dịu ấm, sáng và tròn trịa, trong ngọt giống tiếng người. Lớp Vecni đàn không chỉ để cho đẹp, mà để điều chỉnh âm thanh chụm lại. Loại vecni có độ thẩm thấu trong suốt của những nhà làm đàn người Ý thế kỷ 17-19 (thời hoàng kim của những cây vĩ cầm) đến nay đã thất truyền, suốt hàng trăm năm sau không một nhà bào chế nào tìm ra được “mã hóa” kỳ diệu của loại vecni đó nữa. Người nghệ nhân phải tìm công thức trên từng chiếc đàn được làm ra dưới tay mình, bởi vậy không có 2 chiếc violin nào tiếng hoàn toàn giống nhau. Tôi băn khoăn không biết, liệu Xuân Huy có bị ám ảnh bởi bộ phim “Cây vĩ cầm đỏ” (The Red Violin), với cây đàn được hun đúc từ tình yêu, khát vọng và mơ ước, đau đớn và tuyệt vọng của nghệ nhân chế tạo đàn violin tài hoa Nicolo Bussotti – người đàn ông đã mất cả gia đình khi vợ ông không qua nổi cơn vượt cạn đứa con trai đâù lòng ? “Ám ảnh thì không! Nhưng đam mê và khát khao vẻ đẹp toàn bích thì dữ dội đúng như người nghệ nhân đã cắt tay vợ để lấy máu làm vecni đàn. Tính kỹ thuật chỉ là cái vỏ bề ngoài, ước vọng của người làm đàn là tạo ra được một cây đàn có âm thanh hoàn hảo- một vẻ đẹp nằm ngoài quy luật của thời gian và khiến mọi trái tim run rẩy…”. Xuân Huy nhấn mạnh thêm: “Đơn giản, đó là dấu ấn mà những người làm đàn chân chính đều muốn nó tồn tại song hành cùng cây đàn đẹp đẽ nhất của mình, như một thứ “chữ ký” của anh ta trên cuộc đời này”.

  Để làm xong một cây đàn, Xuân Huy mất khoảng 4 tháng tỉ mẩn. Nhưng trước đó là quá trình thai nghén liên tục, cứ ám ảnh trong từng ngày sống, (thanh gỗ đang lọc ở giai đoạn nào, ngâm tẩm gỗ ở ngày thứ bao nhiêu, nhựa cây đã rút đến đâu, bao giờ thớ gỗ kiệt để có thể tạo phôi đàn…???). “Nhưng tất cả quá trình đằng đẵng ấy chưa giải quyết được điều gì. Cây đàn làm xong, phải tiếp tục chơi trên nó hàng năm trời, để xem tiếng đàn bị thiếu gì, thừa gì? Làm được cây vĩ cầm như mình sinh ra đứa trẻ, phải theo dõi tâm tính để dạy dỗ nó. Vì thế mà cây violin  đã tốt, để càng lâu năm càng quý” – Xuân Huy nói. Trên thế giới, rất ít nghệ nhân có thể chơi đàn như một nghệ sĩ, họ thường nhờ những tay vĩ cầm thủ chơi  hộ để tìm ra nhược điểm mà “dạy bảo” tiếp đứa con của mình. Xuân Huy luôn biết rõ sự may mắn của anh, khi tự  mình có thể làm ra và dạy dỗ trọn vẹn một cây đàn.

Người chế tác đàn Xuân Huy luôn tin chắc mọi cây vĩ cầm đều có linh hồn, khi sinh ra nó đã mang số sống hoặc số chết: “Hồn của cây đàn phụ thuộc vào người tạo ra và người chủ sử dụng nó, nó mang tâm tính và là tiếng lòng của người chơi nhạc. Khi người chủ cũ mất đi, thường rất lâu sau cây đàn mới có thể quen được với người chơi khác. Cây đàn có thể hưng phấn, giận dỗi, hay u buồn…giống như thế giới tâm hồn của con người. Có những nghệ sĩ đại tài, nhưng trên sân khấu họ vẫn vấp hoặc mắc lỗi với cây violin. Chỉ vì họ không phá được “vía” của cây đàn và chế ngự nó”. Chính vì vậy, với Xuân Huy, việc làm đàn là một thứ Đạo. Đi tìm cây đàn hay giống một cuộc hành trình đơn độc hướng Thiện, trước hết là thanh tẩy mình, sau đó là truyền lan hân hoan cho những người khác. Những người chơi nhạc cổ điển thường đem lại cho người đối diện cảm giác an bằng thiền mặc. Xuân Huy nói: “Như thực hiện một phép tu, giữa bốn bức tường, chỉ có cây đàn bên cạnh, người chơi nhạc cổ điển tu động trong đơn độc không ai biết. Sự ép mình khổ hạnh để đạt đến giải thoát và vô thức trống rỗng, chỉ còn dòng chảy âm nhạc là tồn tại duy nhất”. Xuân Huy luôn chơi vĩ cầm như thế, giữa đám đông lao xao trên đường phố, hay trong một nhà hát im phắc, khi dòng âm  thanh tuôn trào mê đắm- thì chỉ còn anh đơn thân với cây vĩ cầm của mình, giống một kết buộc của số phận, như Noah trên chiếc thuyền ngày tận thế của mình.

  Trong bộ sưu tập của Xuân Huy, có vài cây Violin được làm từ thế kỷ 18 do các nghệ nhân Ý. Trong những cây đàn cũ bị hỏng, người ta mang đến nhờ anh bóc ra sửa, trả lại cho nó một diện mạo và âm thanh khác, có không ít cây cả trăm năm tuổi. Và những cây vĩ cầm của Xuân Huy cũng đã chu du cùng trời cuối đất. “Có thể cây đàn của tôi đang viễn du theo một dàn nhạc nào đó đi khắp thế gian, cũng có thể có cây đang an ủi cho một con người cô độc nào đó ở tận Châu Phi, biết đâu lại có cây khác nằm mốc meo bong tróc trên một gác bếp hay bị bỏ quên trong một tủ đồ cũ? Tôi không mừng vì nhung lụa, cũng chẳng xa xót vì những hẩm hiu. Bởi biết trước phận “đứa con” của mình, người nghệ nhân đã chẳng thể làm nên những cây đàn. Tất cả chỉ là những chuyển hóa luân hồi mà thôi” – người làm đàn nhỏ nhẹ.

Tôi thì không muốn tin, những cây đàn Xuân Huy dốc lòng yêu  như thế, bằng tất cả sự hân hoan, ao ước, và nỗi cô độc của anh- lại bị lãng quên ở đâu đó. Như giấc mơ điên rồ trong một cuốn phim đẹp, biết đâu hàng trăm năm sau, cây vĩ cầm của nghệ nhân làm đàn Xuân Huy đến từ Việt Nam, lại được tấu lên trong mái vòm cong của một nhà hát ở Vienna hay Berlin? Biết đâu đấy, sẽ có những gia đình để lại cho con cháu mình cây đàn của Xuân Huy như một tài sản để dành, thay vì vàng bạc hay những tài khoản trong ngân hàng? Và khát khao của người làm đàn – về một vẻ đẹp hoàn mỹ nằm ngoài quy luật băng hoại của thời gian, sẽ còn hiện diện không chỉ ở kiếp này….

———————

-“Anh tìm thấy gì – giữa những phoi bào, giữa  ngổn ngang các lọ pha chế vecni, cây vĩ cầm còn dang dở, và dòng âm thanh thô mộc chưa được gọt giũa?”.

+ “Đó là đam mê và bù đắp. Cảm giác thảnh thơi và ngơi nghỉ. Sự cứu rỗi và ân khước!”.

(Xuân Huy)

Ngọc Đại- kẻ độc hành cuồng điên…

 ngoc dai

 

Người điên rồ và hoang tưởng nhất của âm nhạc Việt Nam. Người luôn mơ tìm được thứ âm nhạc không bao giờ cũ. Kẻ độc hành khăng khăng không thỏa hiệp bầy đàn

  • “Cơn điên” mang tên Nhật Thực 1

Tôi gặp Ngọc Đại năm 2001 ở nhà vợ chồng họa sĩ Văn Thao (con trai cả nhạc sĩ Văn Cao). Ông vừa rã rời sau cuộc li hôn với người vợ cả, sống nay đây mai đó bạt tử. Trong đầu Ngọc Đại lúc đó chỉ ăm ắp và ngột ngạt chuyện âm nhạc (và 12 năm sau tôi gặp ông, cũng vậy), ông không nghĩ mình tra tấn người đối thoại khi lần gặp nào cũng chỉ là một chủ đề duy nhất: Nhật Thực!

“Nhật Thực” là tên gọi chính thức của một “cơn điên” của Ngọc Đại vào thời điểm đó. Đọc thơ Vi Thùy Linh, cô gái tròn 20 tuổi yêu tận hiến, một cái mạch nào đó trong đầu Ngọc Đại bị chạm. Thế là trong 3 đêm, 24  khúc hoan ca và bi ca của tình yêu được ông viết ra – ông gọi nguyên “chùm” đó là Nhật Thực! Và ông gặp Trần Thu Hà, đúng lúc cô ở đỉnh tràn trề năng lượng và ngưỡng  liều lĩnh. Nội lực của Hà lúc ấy, như một khinh khí cầu đã căng tức, cô chán nhạc Pop và những tác giả viết kiểu ủy mị dễ nghe (nhưng Hà lại loay hoay chưa tìm được lối đi tiếp cho mình). Nhạc Ngọc Đại vừa là cái van, vừa là cánh cửa – mở ra cho Hà một chân trời khác, mà từ đó nhìn về những gì Hà từng hát trước đó, thì thấy thật nhạt.

  Live show đầu tiên đời đi hát của Trần Thu Hà là Nhật Thực, xảy ra vào tháng Tư năm 2002. Khi xin giấy phép cho album và chương trình, Cục NTBD nhấc lên đặt xuống, như vị nhạc sĩ Cục Trưởng lúc đó nói lý do: “vì khó phổ cập, phần lời thì ẩn ức dục tình (?!), âm nhạc thì lạ và điên cuồng quá!”. Nhưng sau “Nhật Thực I”, thì không còn một ai ngần ngại khi gọi Trần Thu Hà là Diva. Còn cái tên Đỗ Bảo- nhạc sĩ phối khí của chương trình và album, trở thành thương hiệu tin cậy trong giới làm hòa âm phía Bắc (lúc đó, Bảo chưa xuất hiện với tư cách một người viết ca khúc). Và đạo diễn trẻ Việt Tú nghiễm nhiên được định danh là người làm sân khấu tiên phong, một hiện tượng khác thường. Âm nhạc Hà Nội hơn 10 năm sau, vẫn chưa lặp lại liveshow nào khiến người ta bừng thức như thế.

 2003, Hà sang Mỹ lấy chồng – Ê-kíp tan rã, nhưng vẫn còn nợ nhà tài trợ (theo hợp đồng chương trình phải diễn đủ 3 miền; nhưng Nhật Thực I mới chỉ diễn 2 đêm ở Hà Nội). Ngọc Đại “on tour” tiếp cùng 2 ca sĩ mới toe từ Sao Mai bước ra: Khánh Linh và Tùng Dương. Dù có chút tiếng tăm nhưng show ở Sài Gòn và Huế sau đó chỉ là cái bóng mờ nhạt và chắp vá của Nhật Thực 1.

Rồi Ngọc Đại sang Bỉ sống với người vợ thứ 2 – Isabelle, cô là chuyên viên giáo dục của Phái đoàn Liên Minh Châu Âu tại Việt Nam. Belle trẻ măng và tuyệt đẹp, nhận lời làm vợ Ngọc Đại trong những ngày ông đang khốn khổ kiếm tấm giấy phép cho Nhật Thực 1. Liền trong 3 năm cô sinh cho ông 2 đứa con. Ở Bỉ, Ngọc Đại kịp làm vài dự án âm nhạc với cộng đồng nghệ sĩ underground bản địa, ông sống sung túc vì Belle rất tháo vát. Vợ đẹp con xinh, nhưng  bị “con ma âm nhạc nó ám”, Ngọc Đại nằng nặc đòi về Việt Nam, vì “không ở trên đất Việt, có một mạch gì đó trong tôi bị đứt gãy…”

   2006, Ngọc Đại ở nhà thuê tại ngõ phố Đào Tấn. Chỗ nằm là cái ổ be bé,

còn lại trưng dụng diện tích tối đa để bày đống đồ lề làm nhạc của ông. Phòng trọ nhỏ trở thành tụ điểm và studio của nhóm Đại – Lâm- Linh (có hỗn danh là Tam Ca Đầu Trọc). Nhạc của Đại Lâm Linh lấy gốc là những bài hát của Nhật Thực, nhưng mọi vẻ đẹp của ca từ và giai điệu đã bị phá cho tan nát.  Chỉ còn hư từ, ảo giác, những đổ vỡ – một không gian âm nhạc phi cấu trúc, u ám và hỗn mang.  Công chúng thì không nghe được thứ âm nhạc chỉ còn những thất thanh, rên rỉ và  ú ớ ấy. Dân trong nghề nhiều người khó chịu, bảo Ngọc Đại làm trò, quậy kiểu điên điên để được chú ý. Đương nhiên ông không quan tâm mọi lời đàm tiếu, vẫn tiếp tục âm thầm làm thứ âm nhạc bị gọi là “điên loạn”. Có dịp hiếm hoi, ông nói: “Muốn phá trước hết phải hiểu biết về nền móng, phải qua một quá trình nhận biết. Nhật Thực nghe lại sau 10 năm tự tôi thấy cũ quá, phải dỡ nó ra để xây cái mới”!

  • 40 năm vẫn đương đại

 Bảng xếp hạng Bài Hát Yêu Thích của liveshow gần cuối năm 2012, lọt vào “Giọng Mưa Đàn Bà”- bài hát Ngọc Đại viết từ năm 1978. Việt Tú, tổng đạo diễn của Bài Hát Yêu Thích nói: “Hơn 30 năm sau, mà nghe nhạc ông Đại vẫn quá mới! Những nghệ sĩ đang vỗ ngực là mình đương đại, xách dép chạy theo không kịp”. Tính thẳng thắn đến phũ mồm, NGọc Đại chẳng ngại ngần chỉ ra “công thức” của nhiều bậc đa đề làng nhạc: “Cứ lấy tí Tiền chiến, đắp thêm chút lãng mạn cổ điển, lắp vào tiết tấu phương Tây…Cái cách kế thừa ấy khiến âm nhạc của chúng ta chắp vá như tấm váy đụp!”.

Giới nghề nghiệp thì vẫn còn nhớ, ngay những năm sau Giải phóng, Ngọc Đại là một trong những người tiên phong phát triển thể loại nhạc nhẹ (cùng Trần Tiến, Dương Thụ, Nguyễn Cường). Nhưng ngay cả với những người “cùng chiếu” ấy, thì tư duy cách tân của Ngọc Đại vẫn là đi quá xa và quá sớm. Ngọc Đại kiến tạo một thế giới âm nhạc với cấu trúc trái thông thường, mạch cảm xúc đa chiều, giàu tính tượng hình và vùng vô thức rất mạnh. Không ngạc nhiên khi ngoài 1 vài đoạn đường chung ngắn ngủi với Trần Thu Hà, Thanh Lâm và Linh Dung- chẳng ca sĩ nào đủ can đảm từ chối đám đông để đi cùng ông trong âm nhạc. Còn tự ông thì có một câu tuyên bố ngạo ngược làm nhiều người tức tai: 40 năm nữa, không ai mới hơn Tôi!

Cho nên NGọc Đại luôn độc hành. Người đi trước tự biết phận mình là lạc bầy, ông chấp nhận điều này, nhưng không khỏi có lúc buồn- “người ta nghe nhạc tôi muộn quá!”.   Ai đó khen nhạc Ngọc Đại Lạ, ông thường cẩn thận chữa lại: “Tôi mới”, và giải thích thêm: “Trong Mới có kếnối, có vin từ gốc gác, nhưng quan trọng là anh phải Mô-đéc, phải đi trước …”. Yêu đến đau đớn hồn cốt của dân ca và nhạc cổ truyền, Ngọc Đại luôn tự hào mình có trầm tích văn hóa “đặc sệt Việt Nam”. Cụ thân sinh là chủ một gánh chèo, từ lúc bé xíu Ngọc Đại đã ra xé vé vào gảy đàn kìm. Lang thang cả tuổi thơ đi theo gánh hát – văn hóa dân gian Bắc Bộ, làn điệu và biến báo nhịp phách của chèo, tuồng, cải lương, xoan, xẩm…đã ngấm vào Ngọc Đại tự nhiên như hơi thở. Ông nói về điều này như một ân huệ: “Tất cả gia tài âm nhạc của tôi đều ở cổ truyền mà ra!”.

  • “Kẻ sáng tạo không bận tâm chuyện mình bị từ chối!”.

 

 

 

Một ngày đông 2012 tôi đi tìm gặp Ngọc Đại, ông đang ở nhờ trong một khu vườn rộng khuất vắng trên mạn Hồ Tây. Cuộc sống của ông có vẻ tối giản (theo nghĩa vật chất tầm thường nhất của từ này). 66 tuổi, ông già nhanh và có phần hốc hác. Thỉnh thoảng bạn bè hay con cái (của người vợ cả) qua thăm, cho ông chút tiền để phòng thân. Ông tiêu vèo trong 1,2 ngày – rồi lại ăn đong. Dành dụm cho ngày mai không phải tính Ngọc Đại, suốt cả thời trai trẻ tới giờ, ông vẫn là kẻ lúc trong túi không 1 xu rách, có lúc đổ ra cả bị tiền khoản đãi bạn bè.  Giờ thì Ngọc Đại tự đi chợ nấu ăn ở cái bếp nhỏ chung với chú bảo vệ khu vườn, nhiều tuần trời chỉ gạo lức muối mè qua bữa, ốm đau nằm bẹp một góc không ai biết, âm thầm làm việc không ai biết, thậm chí có chết đi ở cái xó vườn rộng này cũng không ai biết. Câu chuyện mà Ngọc Đại kể đơn giản trong hơi thuốc lào rất dài, ông không biết đã làm người đối diện cay cay sống mũi. “Cuộc sống bị dồn đẩy đến cô độc là điều kiện tốt của kẻ sáng tạo”, Ngọc Đại bảo thế, nhưng tôi cho là ông đang cố dùng phép thắng lợi tinh thần, chứ nhu cầu được đối đáp và giao tiếp về âm nhạc của ông vẫn còn tha thiết lắm. Chẳng thế mà ông lại dồn “mẻ tiền phòng thân” mới nhất các con gửi để sửa căn nhà sàn ọp ẹp ông đang trú tạm. Với mong ước lạc quan và thơ ngây thế này: nơi đây sẽ là một sân khấu nhỏ ấm áp, để người ta có thể đến nghe nhạc Ngọc Đại, như một tụ điểm nghệ thuật độc lập!

  Nhưng liệu có ai lên mạn Hồ Tây xa tít, để nghe nhạc dưới căn nhà sàn này? Khi mà ông đã cất công mang âm nhạc của mình ra nhà hát, chủ động hòa giải đám đông bằng việc gửi bài cho VTV như một thí sinh mới toe trong “Bài Hát Việt”- để mà nhận lại sự thờ ơ, thậm chí cả những lời nhục mạ từ đám fan đông nghịt của thứ nhạc Pop thời trang? Thì đây, kẻ độc hành cuồng điên lại quay về thái độ độc đoán khó chịu: “Không chấp nhận Ngọc Đại là việc của mọi người! Kẻ sáng tạo không bận tâm về chuyện mình bị từ chối!”.

   Trong câu chuyện kéo dài cả buổi chiều, tôi thấy ông vẫn điên điên tỉnh tỉnh, dại dại khôn khôn, lãng mạn và hoang đường – y như 12 năm trước. Nhưng có thêm phần gì đó rất đỗi chua chát. Ừ thì ông nói vẫn tự biết phận mình, nhưng gia tài hơn 500 tác phẩm âm nhạc còn để đó, chưa biết lúc nào và chưa biết ai sẽ đụng đến? Ngày ông bỏ gia đình ở Châu Âu để về nước, Isabelle có “cấp vốn” cho 60 ngàn Euro, Ngọc Đại nướng sạch vào âm nhạc. Tiền nhẵn túi, nhưng dự án Đại Lâm Linh vẫn dang dở, thậm chí gần như chấm dứt – chỉ vì lý do không còn tiền và không có cửa ra để đi tiếp. Giờ thì ca sĩ không có, mà vẫn phải viết ra, nên Ngọc Đại chỉ còn cách tự hát rồi thu CD (!!!). Trước sự kiêu hãnh của ông, tôi thấy xấu hổ về cảm giác ngậm ngùi của mình. Ngọc Đại đâu cần thương hại, ông đã tự chọn cách không thỏa hiệp. Nhưng cực đoan đến thế, đâu chỉ thiệt thòi mình ông, mà là thiệt thòi cho cả gia tài (đáng lẽ có) của nền âm nhạc…

HÀ NỘI mùa đông 2012.

Đối thoại với Ngọc Đại:

 

Nhạc của tôi, đã cất lên phải Khác Biệt!

-Âm nhạc tồn tại trong đời sống của ông như thế nào?

+Ngày xưa tôi nghĩ âm nhạc là không khí đmình thở. Bây giờ thì khác, đó là một trạng thái sống, vận động và thức tỉnh.

-Vận động? Nghĩa là phải tiến về phía trước?

-Không hẳn, có những cái khiến tôi nhìn lại phía sau, có khi chỉ là vận động trong ảo giác. Chỉ cần có 1 cái cớ là mình bùng ra. Tôi nghĩ sự sáng tạo không có con đường hay khuôn khổ gì định hình, nó gần với vô thức hơn là nhận thức.

-Ông có bao giờ thấy mình cùng đường không?

+Những người sáng tác đang làm nghệ thuật theo kiểu việc hành chính, có thể họ có cảm giác này. Khi anh có quá nhiều kế hoạch và các định liệu, phải là pop hay jazz hay electronic  này nọ kia khác…mới hợp thời- thì anh bị giới hạn đấy! Nhạc của tôi có thể bài hay bài dở- nhưng đã cất lên là phải Khác Biệt, đường lối riêng luôn phải có.

-Lâu rồi ông có chia sẻ với ai không? Những lời khen chê của đồng nghiệp, có khiến ông suy nghĩ?

+Chia sẻ nghề nghiệp ư,  khó quá đi!Không có! Nghe nhạc của tôi, mấy ông bạn cũng có ý kiến này nọ, họ chê mình thấy buồn, nhưng họ khen theo cái kiểu còn khiến mình buồn hơn. Cũng chả trách được, đã khác đường thì khó mà hiểu  nhau! Với lại, những người dừng lại rồi, thì họ có quyền bình luận như một khán giả! Chứ không phải như người sáng tạo.

-Thực ra, việc nương vào âm nhạc  truyền thống chẳng cứ gì riêng Ngọc Đại, mà là  quan điểm phổ biến với các nhạc sĩ có lòng kiêu hãnh về dân tộc tính.

+ Nếu ví vốn cổ như khúc gỗ quý, nhạc sĩ như ông thợ mộc đóng đồ, tài năng ra sao sẽ thể hiện trên sản phẩm – đúng không? Có người mộng mẹo vừa khít, nhìn rất bền vững, nhưng lại quê mùa cục mịch; Có người phong cách, kiểu mẫu hiện đại nhưng lại bị lai căng, không tôn trọng truyền thống; Có người quá lệ thuộc vào cổ truyền, thành ra đồ giả cổ- đánh mất cả mình…

-Còn “đồ mộc” của Ngọc Đại?

+Rất vững về đường nét, bản sắc của dân tộc mình- nhưng phải mô-đéc, phải có tính đi trước! Mình không được thoát ly khỏi chủng tộc, nhưng hình thức đưa ra có tương tác với con người thế giới. Bởi các khác niệm bề mặt như sự tự do, tình yêu, nghệ thuật, sự đau khổ…nó không khoanh vùng theo lãnh thổ, mà là câu chuyện chung của Giống Người.

-Bây giờ ông có viết gì?

+Tôi tưởng mình bị kiệt quệ vì những dồn ép của đời sống, nhưng ai ngờ vừa mấy hôm trước tôi có 1 “cú” kinh khủng: trong 1 đêm viết hơn 10 bài về Tổ Quốc. Cơn bùng nổ này đã xảy đến 3 lần: năm 1978 viết 1 đêm 18 bài phổ thơ Hàn Mặc Tử, 2002 trong 3 đêm phổ 24 bài của Vi Thùy Linh, và lần này. Khi bị đẩy đến tận cùng, năng lượng lại bật ra cái khác. Tôi có cảm giác mình như cái hồ phẳng lặng trên mặt, nhưng bất cứ lúc nào cũng có thể nổi sóng. Tôi viết về Tổ Quốc là một cách gọi dậy tình yêu, niềm kiêu hãnh của người ta về Đất nước – bằng âm nhạc.

-Những trải nghiệm đã qua, ông thấy thử thách nào khó khăn nhất?

+Đó là chuyện tiền nong, danh tiếng! Đến nỗi mình chỉ cần tặc lưỡi 1 cái là sẽ đi làm một cái gì đó vì tiền, hoặc để mình “phổ cập” hơn. Nhưng thời gian của một lão già 66 tuổi còn ít lắm, tôi tiếc nên phải dành dụm làm những thứ thực sự cho mình! Với tôi- nghệ thuật không thể quần chúng hóa!

-Ông bị xem là kẻ gàn, lập dị số 1 của nhạc Việt?

+Tôi không kỳ quặc, mà đó là cách mình tránh đời sống một cách tối đa để không bị vướng bận. Ngay cả việc phải hạn chế nhu cầu vật chất đến mức như bây giờ tôi đang sống, cũng không phải là điều tôi thấy buồn.

-Gia tài âm nhạc của ông hầu hết chưa “lộ thiên”? Tôi nghe đồn vậy…

+Coi như thế, gần như đóng kín hết! Tự tôi cũng thấy phí!

-Tại “điên” quá nên khó sử dụng?

+Những bài công chúng thích (gập đốt ngón tay, đếm) như “Hoa Gạo”, “Giọng mưa đàn bà”, “Tiếc nuối”, “Dệt tầm gai”…là dễ nghe nhất đấy. Không điên rồ đâu, nó màu nhiệm và Phương Đông lắm!

Nếu ông bớt cực đoan, biết đâu sống dễ hơn?

+Ứng xử thì có thể mềm mại được, bây giờ tôi không còn muốn cãi nhau, cái gì mình cũng nhường nhịn được hết. Nhưng đụng đến quan điểm nghệ thuật thì kiên quyết không thỏa hiệp. Đã bàn về sáng tạo là phải tới cùng!

-Khác Biệt- hai từ ấy vận vào ông như thế nào?

+Lúc đầu chỉ là bản năng, nhưng khi mình có nhận thức rồi thì nó là lựa chọn của tự trọng. Nó là một thách đố, luôn vẫy gọi đồng thời là giá treo cổ của tôi.

 

QUỲNH TUN