BIỆT THỰ DANH NHÂN

  

    Ngôi biệt thự 65 Nguyễn Thái Học có một lịch sử thăng trầm đầy tính tiểu thuyết. Lớp văn ngghệ sỹ cao tuổi ở Hà Nội gọi đây là “Nhà danh nhân”, bởi ngôi biệt thự 3 tầng này mang trong mình cuộc sống và số phận những tên tuổi làm rạng danh nền văn nghệ Việt Nam, trong suốt nửa thế kỷ đã có nhiều kiệt tác được ra đời từ đây…

    Cư dân của nhà 65 Nguyễn Thái Học là các hoạ sỹ Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Đông Lương, Mai Văn Hiến, Văn Giáo, nhà điêu khắc Song Văn, Huỳnh Văn Gấm, Nguyễn Văn Lý, nhạc sỹ Đỗ Nhuận, nhà văn Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam…ngoài ra còn có những người từng đến rồi đi như nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, hoạ sỹ Dương Bích Liên, nhà văn Nguyễn Văn Bổng….Ngôi biệt thự này vốn của cụ Cự Lĩnh, một chủ thầu khoán lớn của Hà Nội thời thuộc Pháp. Nhà gồm 3 tầng, mỗi tầng có 4 phòng riêng bịêt, được xây dựng theo  kiến trúc Pháp. Sau giải phóng Thủ Đô, biệt thự trở thành cơ quan của Hội Mỹ Thuật Việt Nam, sau là chỗ ở của các anh em văn nghệ sỹ. Những nghệ sỹ của nhà 65 đều từ Việt Bắc về. Họ như một quần thể chiến khu tụ lại, sống trung thực, hồn nhiên, đôi khi họ như bị lạc giữa xung quanh, họ không thể tiếp nhận những thứ trái với đơì sống đầy lý tưởng và rất trong sáng của mình. Họ đã sống trong ngôi nhà này với nỗi cực nhọc, mệt mỏi, những lo toan và hạnh phúc như bao người thường. Và trong ngôi nhà này, họ cũng trải qua những trăn trở, hân hoan của việc sách tạo.

Nằm thẳng cổng ra vào ngôi biệt thự là xưởng hoạ, đồng thời là gallery và chỗ ở của hoạ sỹ Song Văn. Hoạ sỹ là người dựng tượng Bác Hồ đặt ở hai đầu Tổ quốc, ông còn là một cuốn cẩm nang sống về các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam, trong gia tài tranh của ông mảng quý giá và hồn nhiên nhất vẫn là hàng trăm bức tranh ông vẽ về đồng bào thiểu số. Phòng của hoạ sỹ Song Văn rộng chừng 30m2 , được trưng dụng tối đa diện tích để bày tranh. Chỗ nghỉ của hoạ sỹ là hốc phòng chừng 3m2 , quanh năm màn rủ với chiếc radio nhỏ để đầu giường. Lứa hậu sinh trong Nhà 65 vẫn nhớ, ngày xưa cụ Song Văn có thú vui nghe đài “ngoài luồng”. Lắm hôm mất điện, hoạ sỹ bỏ đi chơi quên tắt đài, khi điện có lại đài nói to quá, khu phố có người đi mách công an- hoạ sỹ phải lên đồn vì tội nghe “đài địch”. Sau này Mở Cửa, dù tai nghễnh ngãng, hoạ sỹ vẫn còn giữ thói quen để radio nói liu riu suốt ngày.

Ơ sân sau là phòng của họa sỹ Mai Văn Hiến. Ông từng đoạt nhiều giải thưởng của mỹ thuật nước nhà và là cây biếm hoạ có tiếng.  Mỗi Tết Trung Thu, hoạ sỹ lại làm decor sân khấu cho lũ trẻ trong nhà vui chơi, có nhạc sỹ Đỗ Nhuận đệm đàn và nhà điêu khắc Nguyễn Văn Lý góp cỗ bằng mâm nho chín hái từ giàn nho trước căn buồng ở dãy nhà phụ của mình. Phòng của hoạ sỹ Mai Văn Hiến rộng hơn 10m2 , vì giáp trái nhà nên lâu ngày thấm mưa tường bị ố mốc loang lổ, còn chỗ nào khô ráo ông để dựng tranh. Cư dân cũ của nhà 65 nhớ rằng, cho đến những năm cuối đời Hoạ sỹ vẫn quắc thước, nói chuyện “hài một cây”. Ông bị bệnh nghẽn tĩnh mạch, đi lại rất khó khăn nên chỉ quanh quẩn trong căn phòng nhỏ, bầu bạn với chiếc T.V.

Người hiền lành, có gương mặt như Tiên Ông là danh họa Nguyễn Phan Chánh. Cụ là người cao niên nhất nhà 65. Hoạ sỹ ở trên gác 2, cụ điềm đạm, thong dong thư nhàn như một nhà nho, cụ hầu như không tham gia vào những cuộc tranh luận om sòm của đám hoạ sỹ đàn em trong nhà. Cụ Chánh thuộc thế hệ hoạ sỹ đầu tiên của Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương và là người mở đường cho nghệ thuật tranh lụa Việt Nam. Nhà văn Vũ Tú Nam, người hàng xóm cụ nhớ lại: “Phòng cụ Chánh nhỏ lắm, nhưng cụ mê hoa đào phai nên tết nào cụ cũng mua một cành đào to, cắm cao tới tận trần. Ngày Mùng Một, tôi hay dặn cụ đến xông nhà vì cụ nhân từ, phúc hậu. Mỗi Tết cụ lại viết hai câu đối điều, treo ở ngay cổng ra vào để mọi người qua lại được chiêm ngưỡng. Sau này khi cụ Chánh mất, Tết đến Nhà 65 lại thấy chống chếnh, thiếu hai dải câu đối trên giấy đỏ tươi cảm giác tết chưa đủ vị”.

  Cạnh phòng hoạ sỹ Nguyễn Phan Chánh là phòng của nhạc sỹ Đỗ Nhuận. Ông là Tổng Thư ký Hội Nhạc Sỹ Việt Nam suốt mấy chục năm, là tác giả bài “Hành quân xa”, “Giải phóng Điện Biên”, “Du kích sông Thao”… Nhạc sỹ Đỗ Nhuận rất hài hước, tính hiền lành. Sau khi bị tai biến mạch máu não ông trở nên trầm lặng, đến năm 1991 thì ông mất .Căn phòng trên gác 2 giờ là tổ ấm của gia đình con trai ông là vợ chồng nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân- diễn viên Chiều Xuân.

Gia đình nhà văn Vũ Tú Nam và nhà văn- nhà báo Thanh Hương nhập cư vào gác 2 Nhà 65 năm 1959. (Phòng của Vũ Tú Nam trước đó là của nhà văn Nguyễn Đình Thi). Ông là Tổng biên tập báo Văn Nghệ -Tổng Thư ký Hội Nhà Văn Việt Nam, bà là Tổng biên Tập  báo Phụ Nữ Việt Nam. Tài sản của cặp vợ chồng”Chánh- Tổng” này suốt mấy chục năm trời không có gì ngoài những tủ sách che kín tường. Sống giữa các ông họa sỹ “quậy rách trời” và ngang ngạnh, nhà văn Vũ Tú Nam là người chỉn chu và hiền lành, về nhà ông hầu như chỉ hí húi đọc và viết. Sau này, nhà văn đã chuyển về khu Vạn Bảo, căn phòng ở nhà 65 Nguyễn Thái Học được sang tên cho chủ mới.

Gác 3 là nơi cư trú những nhân vật đặc biệt của hội hoạ Việt Nam. Người đầu tiên là danh hoạ Nguyễn Tư Nghiêm, ông là một trong Tứ Trụ của hội hoạ Việt Nam hiện đại (Nghiêm- Liên- Sáng- Phái). Không vợ con, hoạ sỹ sống một mình lặng lẽ và âm thầm. Người trong khu nhà chỉ nhìn thấy ông 2 lần/ngày: khi hoạ sỹ xách xe đạp đi làm buổi sáng và 10h đêm ông xuống tầng 1 lấy nước. Căn phòng đã có cửa, ông còn làm thêm bên ngoài một bức liếp, không ai biết ông ăn uống, nấu nướng, vẽ gì bên trong. Khi về già, ông kết bạn với hoạ sỹ hoạt hìnhThu Giang- con gái nhà văn Nguyễn Tuân. Sau, danh họa theo vợ về sống ở khu tập thể Trung Tự, căn phòng trên gác 3 nhà 65 Nguyễn Thái Học không có người ở, mạng nhện chăng lạnh lẽo, nghe nói vẫn còn một số tranh của hoạ sỹ vẽ ngày xưa đựợc cất trong căn phòng ấy. Hoạ sỹ Nguyễn Tư Nghiêm là một trong những người có ý định mở Bảo Tàng tư nhân đầu tiên. Có lần hiếm hoi tôi được trò chuyện với ông, họa sĩ nói ông mong muốn tìm lại được phần nào những bức tranh đã lưu lạc của mình để lập một bảo tàng (tranh Tư Nghiêm) mang tên Thu Giang.

Hoạ sỹ Văn Giáo trên gác 3 là người vẽ nhiều nhất về Bác Hồ, ông có những bức tranh phong cảnh rất nuột nà trong trẻo. Văn Giáo cao khoảng 1,80m nhưng tính nhút nhát (có giai thoại nói ông là người rất sợ ma). Không trà, không rượu, ông có sở thích là bánh kẹo- đồ ngọt và… tập thể dục, buổi tối dù trong khu nhà có cuộc nhậu vui đến mấy- đúng 9h tối Văn Giáo xin rút lui để về tập thể dục. Hoạ sỹ mất năm 1996, vợ chồng người con trai là hoạ sỹ Văn Đức ở trong căn phòng này. Những năm họa sĩ mới mất, dịp Tết đến, đi qua phòng hoạ sỹ Văn Giáo bạn bè lại ngậm ngùi nhớ ông. Họ nhớ mỗi lần đón Xuân, hoạ sỹ lại vẽ con giáp của năm treo ở cửa cùng cùng một bài thơ xuân tự sáng tác – gò vần rất hồn nhiên và cọc cạch.

Cạnh phòng họa sỹ Văn Giáo là gia đình hoạ sỹ Trần Đông Lương. Hoạ sỹ nổi tiếng với tranh thiếu nữ (lụa và phấn màu), ông dành gần trọn cuộc đời để thể hiện vẻ đẹp ý nhị và thanh cao của các thiếu nữ Hà Thành, có hơn 500 bức tranh nhan sắc của ông theo các nhà sưu tập đi khắp nơi trên thế giới. Hoạ sỹ bị tai biến mạch máu não, tay phải bị liệt, ông đã tập vẽ lại bằng tay trái, ông vẽ đẹp và thuần thục đến nỗi giai đoạn sau tranh ông còn được yêu thích hơn. Hoạ sỹ qua đời năm 1993, chưa kịp mở triển lãm cá nhân (ước vọng này tới tận năm 2000, gia đình và bạn bè mới thực hiện được cho ông). Căn phòng giờ không biết con trai ông có còn ở?

 Người còn lại của gác 3 là người ngang tàng, có số phận trắc trở nhất biệt thự 65 Nguyễn Thái Học. Ông là danh hoạ Nguyễn Sáng, một trong những cây đại thụ của hội hoạ VN. Nguyễn Sáng là “cây rượu” số một của nhà 65 ( và của cả Hội mỹ Thuật VN), từ sáng sớm đến đêm khuya hầu như đều thấy ông ngất ngư với chén rượu. Ông hay ngồi uống một mình trong quán nghèo đầu phố Sinh Từ, hoặc cùng bạn bè lập “Quần Anh hội” trong căn phòng 10m2 của mình. Hoạ sỹ có câu ” sư tử chỉ đi một mình”, và quả thật ông là người cô đơn. Đôi khi, bọn thanh niên trong nhà 65 thường phải bế ông lên tận phòng khi ông uống say về nằm dưới cổng ra vào. Hoạ sỹ Nguyễn Sáng lấy vợ năm ông đã 60 tuổi. Cô dâu trẻ, mong manh vì bị bệnh tim. Hôm cưới chú rể rầu rầu ôm hoa một mình chào bạn bè ở sân 51 Trần Hưng Đạo, vì cô dâu bị ngất. Một thời gian sau, vợ hoạ sỹ qua đời vì bệnh nặng, ông chỉ biết gửi mối tình với người vợ trẻ bạc mệnh vào những bức chân dung vẽ theo trí nhớ. Sau này hoạ sỹ mất trong Sài Gòn, một người họ hàng của người vợ đến ở căn phòng này.

     Nhà 65 là nơi lui tới của giới văn nghệ sỹ thời bấy giờ: Trần Dần, Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, Văn Cao, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn…thường tìm đến đây để bộc bạch nỗi lòng và những tâm sự của mình. ( thậm chí, người ta đã cho rằng 65 Nguyễn Thái Học là “tụ điểm” khởi sự  Nhân Văn Giai Phẩm). Nhà 65 có hơn 10 nghệ sỹ, hầu hết đã khuất núi. Những người bạn tri kỷ hay ghé tới chỗ các ông bây giờ cũng đã quần tụ cùng nhau ở một cõi khác. Lớp hậu sinh cũng lưu lạc dần để nhà 65 đón thêm những cư dân mới về. Biệt thự nằm trên mặt phố chính của Hà Nội, hè phố xưa kia rộng, thoáng và rợp bóng cây, chỉ náo nhiệt khi có xe điện đổ chuông leng keng chạy qua. Cơ thể duyên dáng của toà biệt thự Pháp với ngói  ống, tường hoa, đường tiện chạy quanh và hai cánh vòm cổng bằng gỗ lim – giờ đây đang vặn mình để trổ ra những vết lở loét và những u mụn. Đó là những kiốt gội đầu, bán máy khâu, sửa xe máy, đóng khung tranh…chen vai thích cánh làm nát hết khung cảnh mặt tiền. Chưa kể những căn hộ cơi nới đua ra những “chuồng cọp” chót vót trên lầu hai lầu ba. Mới đây chạy xe máy qua 65 Nguyễn Thái Học, tôi giật mình tí ngã vì cái biển hiệu “TÔ HOÀI- SỬA KHÓA!”

Tiếc cho quá vãng vàng son của ngôi biệt thự. Bởi lâu nay chẳng có ai nhòm ngó tới chứng tích lịch sử – “bảo tàng sống” này của các danh nhân Việt Nam. Nên những ai còn” lưu hương yêu dấu” với chốn này, trong lòng không khỏi ngậm ngùi khi thời gian và những cư dân Hà Nội của ngày hôm nay đang làm nốt công việc phũ phàng của sự Lãng Quên…

 

MỘT NGÀY VỚI CẦN LAO

Tôi chuyển về nhà cũ sau một thời gian đua đòi ra chung cư ở thử. Về, đương nhiên phải sửa sang cái nhà. Thôi thì mất công nghỉ việc dọn nhà, gọi mấy tốp thợ đến làm cuốn chiếu một thể cho xong.

Sáng:

  Tốp thợ gỗ từ làng Phù Đổng bên kia cầu Tranh Trì, sang làm lại cái sàn bị mối xông. Thợ Cả bằng tuổi chủ nhà, sinh năm 1977, mặt nhăn như táo héo, dáng nhỏ thó suy dinh dưỡng. Thợ Cả khoe vừa lấy vợ trẻ nõn, nàng mới 19 tuổi, hì hục động phòng suốt 3 tháng vẫn chưa thấy vợ có khác lạ gì. “Mình có tuổi rồi, chỉ ngại cha già con cọc”- Thợ Cả băn khoăn. Mấy chú thợ vừa bào đục vừa hát inh nhà, được dịp tán bậy về “các thể loại máy móc” – niềm vui rõ ràng là đơn giản, chả khác gì công chức ngày lĩnh lương.

Tiện có thanh niên cần lao, chủ nhà nhờ tháo hộ tấm rèm vải nặng trịch che cho bức tường kính mặt tiền tầng 3. Tháo để bỏ đi, dùng suốt 5 năm rồi, người còn chán huống hồ là rèm, với lại mép vải cũng đã sờn, màu xanh cốm đã cũng đã loang vết bạc. Thợ Cả tần ngần đứng cạnh đống vải từng là rèm, cầm lên xem đi xem lại rồi lúng búng lựa lời: “Nếu chị không dùng…thực sự chị không dùng…hay không mang về quê cho họ hàng, thì tôi xin có được không?”. “Tất nhiên là được, anh cứ tự nhiên! Tôi chỉ ngại nó cũ quá rồi”. “Giặt đi đẹp chán!”.

Lúc sau chủ nhà tò mò hỏi han kỹ lưỡng, xem nhà Thợ Cả xây ở quê có rộng hay không, mấy cửa sổ, kích thước cửa thế nào để tư vấn chia lại tấm rèm cho đủ? Thợ Cả ngượng nghịu: “Trước khi cưới, có hứa sẽ làm nhà cho ở. Tôi đóng xong mẻ gạch rồi, hôm trước sửa nhà cho ông X. trên Đội Cấn, ông anh cho cái khuôn cửa cũ. Hôm nay tôi xin thêm được bộ rèm của chị. Biết đâu lúc nhà tôi đẻ thằng Cò, tôi chẳng cất được mái nhà cho mẹ con nó nằm mát mẻ… ”.

  Giấc mơ về căn nhà gạch có tấm rèm xanh cốm hình như cứ phấp phới trong đầu Thợ Cả, suốt tới cuối buổi làm nét mặt Thợ Cả hân hoan một vẻ khó tả. Cái phơi phới ấy đủ để tỏa sáng kể cả vẻ rầu rĩ của một quả táo héo.

Chiều:

 

  Lượn từ phố vật liệu xây dựng Khuất Duy Tiến sang phố xây dựng vật liệu Cát Linh- cuối cùng cũng chọn được mẫu giấy dán tường. Chủ hàng béo tốt như bà Phó Đoan, cười khành khạch: “Chị thích em rồi đó! 100 ngàn mỗi mét vuông, đã gồm công thợ. Rẻ như cho!”. 5h chiều chú thợ dán tường đến nhà, mặt lầm lì đâm lê. Chủ nhà te tái mời nước với gợi chuyện cho có không khí vui vẻ, chú thợ đáp lời giật cục nhạt nhẽo, tay thoăn thoắt trét keo dán lên tường xem chừng hơi ẩu. Phòng nhỏ lắt nhắt, chủ nhà lại bày đặt phối màu này nọ, có vẻ phức tạp hơn công đoạn bình thường, nên chú thợ cắm cảu tăng dần theo hướng nguy hiểm khó lường. 8h tối, chỉ còn mảng tường cuối cùng, chủ nhà dè dặt đề nghị chú thợ chén tạm bát mỳ tôm trứng cho đúng bữa. Chú thợ lắc đầu quầy quậy: “Em phải dán nốt, 9h tối là chuyến xe khách cuối cùng về Nam Định. Dừng ăn uống lỡ không xong việc kịp bắt xe”.

    8h30 việc dán tường hoàn thành, chú thợ mệt lử cò bợ. Đỡ cốc nước mát từ tay chủ nhà, uống một hơi hết sạch, chú thợ phân trần cho thái độ không hòa nhã suốt buổi của mình: “Em đi dán thế này, tiền keo hồ tự bỏ ra, công được trả 7 ngàn đồng mỗi mét vuông. Bà chủ hàng giấy coi em như ô- sin, chiều nào cũng phải đưa đón 2 thằng con bà ấy đi bơi với ra tượng đài Lê-Nin trượt pa-tanh. Chị bảo mình lụy người ta, cần người ta đưa việc, thế chứ nữa cũng phải lạy lục mà chiều”. “Thế về Nam Định làm gì vội?”. Chú thợ mặt ngẩn ra, nước mắt tự dưng rơm rớm: “Vợ chồng em cùng làm, người phết keo người miết giấy dán rất nhanh chứ không chậm như hôm nay làm cho nhà chị. Nghèo quá phải dắt nhau đi kiếm sống, con trai em mới 4 tháng tuổi vứt ở quê ông bà nuôi bộ bằng sữa bò. Nó viêm phổi, đang cấp cứu ở bệnh viện huyện, vợ em về với con từ trưa. Em định không nhận dán nhà chị, nhưng nghĩ về nhà muộn vài tiếng được tiền thuốc cho con nên  em cố!”

Chả biết nói gì! Nghĩ đến cảnh chú thợ lòng như lửa đốt đưa 2 thằng Em Chã nào đó đi bơi với trượt patin, cách 150km là bé sơ sinh đang cấp cứu không có bố ở cạnh, mắt tự dưng cay xè.

Mới một ngày tiếp xúc cần lao mà đã thấy buồn thế. Còn muôn người gồng gánh buôn thúng bán bưng- cửu vạn- ôsin nhấp nhô ngoài đời kia, nghe hết chuyện của họ chắc mình hóa điên mất. Vì cảm giác bất lực chẳng làm được gì; Vì thấy mình tàn nhẫn từ cái váy đẹp tàn nhẫn đi; Vì bỗng nhớ ra mình vẫn cò kè mặc cả 1000đ với chị hàng rau ăn vận rách như tổ đỉa, chỉ vì cái thói quen “phải có” khi đi chợ…Hồn nhiên quá đi, đôi khi cũng chạm được đến mức Ác!

Mỗi khi nghe nhạc, tôi luôn tin cái Đẹp, cái Thiện còn hiện hữu trên đời!

 Image

    Trần Mạnh Hùng có vẻ ngoài nghiêm ngắn và khiêm nhường như một ông giáo. Khi anh nói chuyện, luôn dẫn dụ người nghe bởi sự sâu sắc và hài hước trong vẻ chậm rãi nhẩn nha. Hùng sinh năm 1973, anh hiện là gương mặt quan trọng và quý hiếm của nền khí nhạc Việt Nam. Nếu không tính đến các tác phẩm khí nhạc vạm vỡ của Trần Mạnh Hùng, chỉ riêng những album anh đã làm với Thanh Lam, Hồng Vy, Ngọc Khuê, Trọng Tấn, Lan Anh, Tân Nhàn….đủ để dân trong nghề trân trọng xem anh là nhạc sĩ hòa âm, nhà sản xuất hàng đầu với sở trường bán cổ điển.

  Vợ của Hùng là ca sĩ Hồng Vy, giọng nữ soprano sở hữu những album thính phòng được yêu mến trên kệ đĩa như “Hoa lửa và Vy”; “Vinh quang Việt Nam”… Đời sống âm nhạc Thủ Đô  sắp tới sẽ khuyết thiếu 1 góc nhỏ, tuy lặng thầm nhưng luôn gây kích ứng phấn khích cho nghệ sĩ làm nghề; bởi Hùng và Vy sẽ rời Hà Nội, họ ổn định cuộc sống mới của gia đình mình tại TP Hồ Chí Minh. Cuộc chuyển rời này quá nhiều dằng níu quyến luyến đối với người trong cuộc, đủ là cơn cớ cảm xúc để họ ra được album “Giấc mơ mùa lá”, một giấc mơ tuyệt đẹp bằng âm nhạc về Hà Nội.

  • “Người sáng tác như  kẻ đơn độc mò mẫm dưới đáy hồ”

-Anh bắt đầu với đàn bầu, rồi thế nào lại chuyển sang khí nhạc? Nền tảng căn cơ của nhạc dân tộc đã giúp gì cho chặng đường sáng tác sau này của anh?

+Khi tôi thi vào trường nhạc, việc học đàn bầu là do “hoàn cảnh xô đẩy” chứ không phải là lựa chọn theo ý thích. Những môn như piano hay violon…phải có người trong gia đình làm nhạc thì mới có “cơ” được học, bố mẹ tôi là dân ngoại đạo – nên tôi bắt buộc thi vào khoa ít người muốn theo học là nhạc cụ dân tộc. Nhưng học rồi mới thấy mình may mắn. Bởi nhạc dân tộc không có sách nào để tự học cả, âm nhạc Phương Tây còn có thể ra nước ngoài học, nếu không có  tiền thì mua sách về tự xem, nghe băng đĩa để ghi nốt. Nhạc Phương Đông không ghi nốt được, những rung, nhấn, vỗ, láy là dạy truyền tay, tự cảm nhận. Tinh thần của âm nhạc dân tộc sau này được tôi khai thác trong khí nhạc của mình. Mượn nhạc cụ phương Tây, nhưng câu chuyện tôi kể trong các sáng tác của mình luôn là Việt Nam, nó không tách khỏi những rung nhấn, vỗ, láy…Tôi học đàn bầu đang thích, đến 15 tuổi thì dừng vì thầy tôi nói “đàn bầu không có tương lai”. Thế là tôi chuyển sang khoa sáng tác, 23 tuổi tôi mới bắt đầu học sáng tác giao hưởng thính phòng, 27 tuổi tôi đi dạy về sáng tác ở các trường nghệ thuật. Chuyện học hành thì như thế, nhưng đam mê của tôi thời tuổi trẻ là Pink Floyd và nhạc điện tử, ngay cả dùng nhạc để kiếm sống thì tôi cũng bắt đầu với việc chơi Pop- Rock trong các bar, vũ trường, sân khấu, phòng thu âm của Hà Nội. Nên giao hưởng của tôi pha trộn những thể loại âm nhạc tôi đã trải qua: dân gian, Rock, jazz, điện tử, cổ điển…Tôi không trói mình vào một kỹ thuật hay khuôn phép nào, các thể loại âm nhạc chỉ giống như nguyên liệu để tôi tạo nên câu chuyện cảm xúc của  mình.

Giới giao hưởng thính phòng nhìn nhận Trần Mạnh Hùng như một đại diện quý hiếm của lớp nhạc sĩ trẻ. Nhưng chỉ khi anh bắt tay làm các sản phẩm nghiêng nhiều về nhạc nhẹ cùng Thanh Lam- Lê Minh Sơn, anh mới được công chúng biết đến. Những người “học thuật” như anh có bao giờ thấy tủi thân về chuyện này?

+Tôi không nghĩ đến nỗi buồn như chị vừa nói, bởi mỗi loại nhạc có một đặc thù khán giả riêng, được làm điều mình yêu thì liệu có nên coi là mình thiệt thòi? Những tác giả thính phòng như tôi, mỗi năm được dàn dựng biểu diễn 1-2 lần đã là quá may mắn. Nhiều nhạc sĩ sáng tác rồi để đó, có khi 10 năm họ chưa có dịp chia sẻ đến công chúng, mà họ đâu nản lòng! Mà quá nhiều người biết đến mình không phải là chuyện hay đâu, thậm chí nó không tốt cho công việc của người nhạc sĩ. Người sáng tác, anh ta cứ lủi thủi viết, như kẻ đơn độc mò mẫm dưới đáy hồ, tìm kiếm điều chỉ có cá nhân anh ta biết là quý giá. Hơn nữa, tính cách của tôi không thích đám đông, không hoà đồng được với sở thích của mọi người. Hồi trẻ, tôi cũng thử cố gắng giống như người khác: ngồi café, đi chơi đám bạn, tụ tập tán phét…nhưng tôi thấy mình bị vất vả quá, kiểu hòa nhập ấy khác với con người mình quá. Nên lại thôi, tôi phù hợp với im lặng. Chỗ náu thân của tôi là giao hưởng thính phòng.

-Anh vào TP HCM sinh sống – chỗ ở thay đổi, còn âm nhạc của anh liệu có còn “toàn tòng” cổ thính phòng cổ điển?

+Công việc và âm nhạc của tôi vẫn vậy thôi, internet có thể thu hẹp mọi khoảng cách, tôi vẫn làm việc với các nghệ sĩ ngoài Bắc. Ở trong TP HCM có Bộ Tứ thính phòng trẻ tuổi: Việt Anh, Nguyễn Mạnh Duy Linh, Đinh Lăng, Kiên Cường- hy vọng tôi sẽ kết bạn và nhập hội với họ thành nhóm 5 người để cùng chia sẻ nghề nghiệp.

  • “Hồng Vy hạnh phúc nhất khi tác phẩm của tôi được vang lên”.

-Đã có những cặp đôi ca sĩ- nhà sản xuất rất đẹp của âm nhạc như Thanh Lam- Quốc Trung; Mỹ Linh- Anh Quân. Còn anh và Hồng Vy thì sao? Sau  5  năm mới ra được 2 album của Vy do anh là nhà sản xuất – khai thác tài năng của nhau chỉ như thế cũng là hơi phí!

+Vy không có mong muốn trở thành một ngôi sao, cũng như không thích tận dụng tối đa khả năng của chồng cho mình; tôi thì chẳng nghĩ rằng mình là nhà sản xuất, vì khả năng nhìn nhận thị trường và marketing của tôi rất kém. Bọn tôi chỉ thỉnh thoảng đồng cảm làm chung một cái gì đó, tạo niềm vui cho Vy, trong khuôn khổ kinh tế và chuyên môn chúng tôi có thể. Vy luôn muốn hy sinh cho công việc của tôi, để tôi được toàn tâm vào việc sáng tác giao hưởng thính phòng. Cô ấy hạnh phúc nhất khi tác phẩm của tôi được vang lên trong Nhà Hát.

-Giọng Hồng Vy không phải quá đặc biệt, nhưng chỉ sau 2album riêng Vy đã có vị trí không lẫn và đáng kiêu hãnh trong lòng công chúng của nhạc thính phòng. Do anh đã làm cho Hồng Vy khác biệt, hay bản thân tinh thần của cô ấy khác biệt?

+Được khác biệt là mong muốn của tất cả các ca sĩ, Vy nỗ lực hiện thực hóa mong muốn đó của mình. Vy không có giọng đẹp trời cho như bố (NSND Doãn Tần), nhưng Vy có kỹ thuật thanh nhạc rất tốt, đặc biệt khi cô ấy cất giọng tôi luôn thấy ngọn lửa của sức mạnh nội tâm. Và Vy rất thông minh, cô ấy biết mình nên làm gì. Những CD đã làm, Vy đặt  điều kiện cho tôi là cô ấy muốn album phải như thế nào: Tôi tìm con đường thực hiện, diễn đạt thành âm nhạc ước mơ đó của Vy.

-Vợ chồng anh đều kiệm lời, làm việc lặng lẽ, không xuất hiện trên truyền thông khi không liên quan đến âm nhạc. Phải chăng đó là “đặc tính cổ điển”?

+Tôi chưa bao giờ nghĩ vợ chồng mình là người nổi tiếng, chúng tôi sống đơn giản. Nếu không có công việc, chẳng lý gì để chúng tôi phân bua cuộc sống của mình trên báo chí. Thời gian bọn tôi dành cho gia đình, công việc, nghiên cứu âm nhạc đã kín hết mỗi ngày, không còn chỗ cho những tụ tập ồn ã. Ở Hà Nội, ngoài 3 buổi đi dạy mỗi tuần, tôi chỉ ra đường để ăn sáng và đổ xăng. Ngoài lý do không thích ồn, không hợp chỗ đông người, còn vì sức khỏe của tôi không ổn lắm, tôi bị dị ứng thời tiết đường hô hấp. Cũng vì thế, chúng tôi mới phải xa Hà Nội để vào TP HCM- nơi khí hậu đỡ khắc nghiệt hơn.

-Việc hai người chuyển vào TP HCM, anh có hình dung Vy sẽ khó khăn hơn khi xa Hà Nội…

+Vy hiện là ca sĩ biên chế của Nhà hát Ca Múa Nhạc VN, trong khi tìm chỗ để chuyển biên chế, trước mắt Vy sẽ không có việc làm. Cũng không sao, tôi cố gắng bươn chải hơn thôi. Mọi người thì nói là giọng Vy vào Sài Gòn thành đồ quý hiếm, nhưng tôi lại thấy ở Sài Gòn cơ hội cho Vy ít đi, bởi thành phố này không chuộng nhạc thính phòng. Vy phải rời xa nơi chốn gắn bó mình từ thời thơ bé, nơi có người thân, có khán giả yêu mến và sự nghiệp phần nào đã được định hình- để bắt đầu lại, đó là hy sinh quá lớn mà Vy dành cho tôi. Tôi hy vọng, bù lại thiệt thòi về nghề nghiệp, Vy sẽ có an ủi là dành được nhiều thời gian để chăm con. Giá tiêu dùng ở Sài Gòn rẻ hơn Hà Nội nhiều lần, đất trong đó rộng rãi hào phóng, ai cũng tìm được chỗ vừa vặn với mình để sống và lập nghiệp. Tin rằng vợ chồng tôi sẽ có cuộc sống mới dễ chịu.

-“Giấc mơ mùa lá”, đĩa nhạc “rất Hà Nội” của anh và Hồng Vy nhận được nhiều hồi âm xúc động của người nghe. Thử hình dung, trong một ngày “bơ vơ” ở Sài Gòn, anh nghe lại chính đĩa nhạc của mình…

+Tình yêu với Hà Nội là điều không bao giờ thay đổi, là gắn bó máu thịt cùng tôi như gia đình hay bạn bè. Tôi có thể đi xa, nhưng điều thân yêu thì vẫn luôn hiện hữu một góc ấm áp trong tâm hồn mình. Tôi nghĩ âm nhạc là một giấc mơ đẹp đẽ và thanh thản vào đúng lúc mình đang tỉnh; giúp ta cắt khỏi thực tại trong khoảnh khắc. Chắc chắn, “Giấc mơ mùa lá” sẽ đem tôi trở về Hà Nội của tôi, dù chỉ bằng tâm tưởng.

-Khi anh đến bên âm nhạc, khẽ khàng và đơn giản là một người nghe- cảm xúc của anh khi đó thế nào?

+ Người làm nhạc khi nghe nhạc không có cái hạnh phúc thưởng ngoạn như người bình thường. Bởi tai nghe của chúng tôi đã mất đi sự hồn nhiên, chúng tôi dù có cố gắng đặt mình ở tâm thế thưởng thức, nhưng chỉ một đoạn là lại quay ra phân tích: bản nhạc này người ta làm gì mà hay thế, bè bối của từng nhạc cụ ra làm sao….Nhưng dù vậy tôi luôn thấy được an ủi khi chỉ còn lại riêng mình với âm nhạc. Có những khi tôi rất buồn, tôi liền vào Nhà hát Lớn. Nghe xong một bản giao hưởng, tôi thấy mình tràn đầy năng lượng và phấn chấn trở lại, cứ như cái cây xanh được tưới nước mát. Tâm trạng tôi không phải lúc nào cũng dễ thăng bằng, sự bi thảm, u uất trong đầu mình có lúc hiện hết vào trong âm nhạc. Giao hưởng “Một nửa cõi Trầm” là như thế đấy. Nhưng mỗi lần nghe nhạc, tôi lại được tin rằng cái Đẹp- cái Thiện vẫn còn hiện hữu rất nhiều trên cuộc đời này!

-Cảm ơn nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng về chia sẻ của anh!

 Giải thưởng âm nhạc Hội nhạc sĩ VN hàng năm đều có tên Trần Mạnh Hùng. Năm 2007, ngoài giải nhất Khí nhạc trong thể loại tác phẩm lớn với bản giao hưởng 4 chương “Một nửa cõi trầm” Trần Mạnh Hùng còn được giải nhì sáng tác thanh nhạc với “Gió lộng bốn phương” (không giải nhất). Năm 2008, anh được trao giải nhì cho tác phẩm “Tứ tấu đàn dây số 2” (Cũng không có giải nhất). Năm 2009, một lần nữa Hùng giành “cú đúp” hai giải nhất cho Giao hưởng thơ “Lệ Chi Viên” và ca khúc “Giấc mơ mùa lá” ở cả hai lãnh địa Khí nhạc và Ca khúc. “Lệ Chi Viên” được Kênh truyền hình đối ngoại DW của Đức đặt hàng và trình diễn dưới sự chỉ huy của nữ nhạc trưởng Pháp Claire Levacher tại Festival Beethoven (9/2009 tại Đức). Giao hưởng thơ “Hào khí Thăng Long” và Duo “Thế giới không chiến tranh” tiếp tục đoạt giải nhất khí nhạc và sáng tác thanh nhạc của Giải thưởng Hội nhạc sĩ năm 2010.

 (Phụ Nữ Chủ Nhật)

NGƯỜI “CHỐNG LƯNG” CHO DIVA MỸ LINH

Image

“Không thể đặt giả thuyết nếu Mỹ Linh không phải vợ Anh Quân, liệu ban nhạc Anh Em có tận tụy với cô ấy đến thế? Vì Linh đã là một nửa cuộc sống của tôi, tôi không nghĩ đến “hoàn cảnh” Mỹ Linh không cùng Anh Em song hành!”.

 

Nhạc sĩ Anh Quân – tay Guitar Lead đồng thời là thủ lĩnh của ban nhạc Anh Em-  lắc đầu không chấp nhận chữ “nếu” mà người phỏng vấn đưa ra. Đặt nền móng vững chãi và kiến tạo không gian rộng rãi đủ để Mỹ Linh bay bổng thỏa trường lực của một Diva; cùng Mỹ Linh mở đường với một thái độ kiêu hãnh và can đảm, chinh phục công chúng suốt 15 năm qua để funk& soul  từ “thứ lạc loài” trở thành dòng nhạc chủ lưu được giới trẻ đương đại ưa chuộng – người đàn ông này đã luôn đứng phía sau, “chống lưng” cho Diva Tóc Ngắn trên từng chặng đường âm nhạc của cô.

 

  • Mỹ Linh là ca sĩ may mắn nhất Việt Nam khi có ban nhạc ruột.

Ca sĩ Mỹ Linh luôn nhấn mạnh vai trò của ban nhạc Anh Em như một thành tố không thể thiếu trong những thành công của chị. Anh thấy sự thực là thế, hay vì Linh là người có ứng xử biết điều?

+Có thể người ngoài nhìn vào còn nghi ngờ, nhưng tôi là chồng Mỹ Linh, người đồng hành và nhà sản xuất của Linh, tôi thấy điều ấy thực sự rõ ràng. Hơn ai hết, Linh nhận biết được vai trò quan trọng đó. Ban nhạc đệm cho Linh chỉ là một phần, cái lớn hơn là tinh thần. Mọi thành viên của Anh Em đều viết bài cho Linh hát,  luôn dồn hết tâm huyết vào các sản phẩm âm nhạc của Linh. Có thể nói Linh là ca sĩ may mắn nhất của nhạc Việt khi có được sự hậu thuẫn như thế này. Bởi tính ra không ca sĩ nào có một ban nhạc ruột như thế, sẵn sàng đi cùng cô ấy ở mọi nơi mà không cần một đồng thù lao nào. Mỗi thành quả của Linh, anh em ban nhạc đều thấy đó là thành công của họ.

-Cũng nhiều ngôi sao có cộng sự giỏi, họ cũng chung ao ước và mục đích tốt đẹp là cùng nhau làm nên một thành quả gì đó cho âm nhạc, nhưng sự gắn kết trong ê-kíp thường không bền vững.  Mới thấy, yếu tố gia đình như Anh Em và Mỹ Linh cũng là một ràng buộc quan trọng?

+Đã có nhiều ekip hợp rồi chia, các ban nhạc nổi lên rồi tan rã. Anh Em vẫn vững chãi tới bây giờ nhờ sự duy trì của mối quan hệ quá đặc biệt giữa các thành viên trong ban nhạc, giữa ban nhạc với Mỹ Linh và ngược lại. Chúng tôi thương quý nhau như ruột thịt, ngoài quan hệ công việc, còn gắn kết keo sơn khác là tình bạn thủy chung đã được thử thách. Nhưng điều này mới quan trọng, khi mỗi người thiếu đi sự khiêm nhường để nhận ra thành tựu là của tất cả chứ không phải của cá nhân mình – thì sự đổ vỡ là khó tránh. Vì khi đó, cái tôi ích kỷ và háo danh lợi sẽ “đè” mục tiêu chung đẹp đẽ mà ê-kíp đặt ra ban đầu.

-Chặng đường gây dựng Anh Em thành ban nhạc số 1 Việt Nam có vẻ toàn thuận lợi. Ít nhất là vừa từ CHLB Đức trở về, bọn anh đã “vớ” ngay được ca sĩ sáng giá nhất của nhạc Pop.

 

+Chuyện “vớ được” đúng là rất may. Nhưng Mỹ Linh cũng quá hên khi có được chúng tôi đấy chứ! Thực sự thì hành trình đi đến ngày hôm nay của ban nhạc không thuận lợi như bên ngoài nhìn vào. Chúng tôi đã từng có bất đồng về quan điểm, lòng tin thoạt đầu còn mỏng manh nên mọi người rất dễ tổn thương. Tôi được anh em bầu ra làm đội trưởng,  cách của tôi là nói ít làm nhiều, gây dựng niềm tin giữa mọi người. Từ khi thành lập đến giờ, chúng tôi luôn theo nguyên tắc: tất cả các thành viên đều quan trọng như nhau, chia đều công việc cũng như cát-xê bằng nhau, không có sự chênh lệch nào. Tôi nghĩ sự tin cậy và công bằng đã tạo nên tính bền vững. Đến bây giờ thì tất cả chúng tôi đều thấy quý giá việc mình vẫn giữ được ban nhạc, càng ngày chơi cùng nhau càng thích, càng ăn ý.

-Nhưng suốt một thời kỳ dài, nhắc đến Anh Em- người ta chỉ nhắc đến Anh Quân- Huy Tuấn. Điều này thật chẳng công bằng với những người còn lại….

+Chuyện tế nhị này là nỗi khó xử của chính tôi. Thậm chí ngày xưa người ta nói đến Anh Em là chỉ nhắc đến Anh Quân, chứ cũng không kể đến Huy Tuấn. Họ còn nói Mỹ Linh không hát bài nào khác ngoài nhạc của chồng. Trong khi đó, đĩa của Linh chỉ có 2-3 bài của tôi, còn lại của mọi người. Nhưng tôi không thể phân bua được chuyện ấy. May là những cộng sự của tôi vượt qua được những tự ái thông thường. Quan trọng là chúng tôi đối xử với nhau thế nào trong ban nhạc, mọi người đều biết rằng họ rất quan trọng trong sự tồn tại của Anh Em và trong sự nghiệp của Linh.

  • Tôi luôn bị kết tội “làm hỏng” Mỹ Linh

-Khi Mỹ Linh bỏ nhạc Pop theo con đường Funk& Soul của Anh Quân- Huy Tuấn, đã vấp phải không ít sự phản đối. Sau bao nhiêu năm người ta mới nhận ra anh không dẫn Mỹ Linh đi sai đường?

+Tôi rất nhớ điều chị vừa nhắc. Sự khó khăn của chúng tôi không đến mức phải nhiều năm sau mới được chấp nhận, nhưng ngay cả đến bây giờ thì điều tiếng vẫn còn. Nào là “Từ khi dính đến Anh Quân-Huy Tuấn, không thể nghe được Mỹ Linh nữa”. Nhưng với tôi, những điều đó chỉ là vài ý kiến, còn thành quả thế nào thì mọi người cũng đã thấy. Ngay từ “Tóc Ngắn I” tôi làm cho Mỹ Linh, đã tạo ra một làn sóng lớn, từ cách thức sản xuất, hòa âm phối khí…nó đã gây cảm hứng cho các bạn trẻ trong giới nhạc sau này. Người trong cuộc thì vững lòng, không bị lay chuyển gì. Nhưng cứ bị kết tội “làm hỏng” Mỹ Linh, cũng có cảm giác oan ức và buồn. Tôi luôn tâm niệm, làm điều gì mình say mê, mình có khả năng để thực hiện nó và hết lòng vì nó- thì chắc chắn sẽ có kết quả tốt.

-Buổi họp báo công bố đề cử giải Âm nhạc Cống Hiến năm 2011, anh có nói “mát mẻ” rằng mình đã đợi bao nhiêu năm mới được đề cử. Cũng tới lúc đó, các nhà báo mới giật mình nhận ra sự bỏ quên này…

+Bao năm qua, các sản phẩm tôi làm với tư cách nhà sản xuất đều nhận được đề cử Cống Hiến, không chỉ đĩa của Mỹ Linh, mà đĩa của Nguyên Thảo, Đức Tuấn cũng vậy. Tất cả những dự án âm nhạc của Linh đều do tôi làm, nhưng hầu như mọi người đều quên vai trò của tôi. Đối với khán giả thì còn có thể hiểu được, nhưng với những người có hiểu biết chuyên sâu về âm nhạc, thì họ phải nhận ra chứ? Tôi không mong đợi giải thưởng, nhưng nếu chúng ta nói đến ghi nhận công bằng, thì việc bỏ quên những người thực sự làm nghề là điều vô lý.

-Anh âm thầm sau những thành công của ca sỹ, đến nỗi người ta đồn Mỹ Linh đi hát kiếm tiền, Anh Quân ở nhà ….nghịch phòng thu. Xét theo mức độ nổi tiếng bằng cách được báo mạng nhắc tên, thì hình như anh đang bị tụt?

+Chúng tôi luôn sống giữa những lời đồn thổi. Nhưng việc sống đúng vị trí của mình mới là điều quan trọng. Khi tôi đã xác định việc của mình là nhạc sĩ, nhà sản xuất thì đương nhiên tôi phải đứng phía sau. Còn cứ muốn nhảy lên trước, để được mọi người nhắc đến, thì sẽ không còn thời giờ để làm công việc của mình nữa. Hơn nữa, phòng thu là nơi tôi say mê, không thấy mình thiệt thòi gì. Nên biết vị trí của mình ở đâu , mà ngồi cho yên tâm. Mọi chuyện cứ bị đảo lộn vì luôn có những người cứ thích nhảy chỗ này chỗ kia không phải vị trí của mình. Tôi rất thích ngồi chỗ mình đang ngồi bây giờ. Đây là lựa chọn của tôi để được làm những gì mình thích: được làm nhạc, được mày mò về kỹ thuật phòng thu, hòa âm phối khí, và mê nhất là được đánh nhạc cùng Anh Em.

-Trong những quyết định về đường hướng âm nhạc của Anh EM và Mỹ Linh, anh có cực đoan?

+Tôi cực đoan với chính mình, còn với mọi người tôi rất lắng nghe. Vì tôi luôn tin rằng một cái đầu giỏi mấy cũng không hay bằng nhiều cái đầu

-Gần đây không thấy anh mặn mà “nuôi gà” nữa- vì đã có sẵn “phượng hoàng”, hay “gà” cũng ngại mang tiếng là bản sao?

+Nghệ sĩ, nếu có cá tính thì không ai áp đặt được. Nếu tôi làm cho người khác mà cố tình giống ML là tôi thua rồi. Quan trọng là ca sĩ, họ có khác được cái bóng của Mỹ Linh không? Tôi luôn bị định kiến là làm đĩa cho ai “màu” cũng giống Linh, tôi làm bất cứ gì, người ta phải chăm chăm xem có phải “bản sao Mỹ Linh” không trước khi xem liệu nó có hay? Trong khi sự thực là chính tôi phải luôn lưu ý những ca sĩ đến làm đĩa với mình:  Em mà hát thế thì bị giống “người ta” lắm, phải hát khác đi!

  • Được chơi nhạc cùng Anh EM là điều tuyệt vời nhất

 

-Con gái út của anh chị, bé Mỹ Anh có thu âm trong album mới nhất “Mỹ Linh Acoustic” cùng mẹ. Giọng và âm vực đẹp như thế, thêm “truyền thống hoành tráng” của gia đình- Mỹ Anh không tỉ thí trong Doremi hay VN Got Talent quả cũng phí….

+Mỹ Anh giọng rất tốt nhưng chưa ổn định, vì có thể khi lớn  lại thay đổi. Tôi đang làm album cho Mỹ Anh, nhưng với mục đích giữ lại giọng hát thơ trẻ của con, chứ không nhằm thành sản phẩm mang tính thương mại. Bây giờ Mỹ Anh thành công gì chỉ có bố mẹ thích, còn chính bé chỉ quan tâm đến chuyện được chơi, được học, được vui đùa cùng anh chị- bố mẹ. Như vậy, nếu “ép” con phải có thành công sớm thì vì hãnh diện của chúng tôi, chứ không phải vì con. Nên chắc chắn tôi sẽ không đẩy con mình ra để thành người nổi tiếng. Bao giờ tự Mỹ Anh thấy cần và thích, con sẽ tự lựa chọn. Mỹ Anh có thể biểu diễn trong những chương trình cộng đồng hay từ thiện, nhưng để đẩy bé lên thành một ngôi sao nhí thì vợ chồng tôi không muốn điều ấy.

-Hình như anh không hứng thú với cụm từ “gia đình nổi tiếng”?

+Hoàn toàn không! Chúng tôi cố gắng duy trì một cuộc sống bình thường. Nổi tiếng đương nhiên có lợi, nhưng là bất cập hại. Sẽ rất mệt mỏi. Để làm một người chuyên nghiệp rất khó, mình phải biết bỏ đi những thứ lặt vặt mới đủ thời gian và tâm sức tận hiến cho điều mình say mê. May là Linh không phải là người phụ nữ phù phiếm và ham danh vọng, cô ấy đồng tình với tôi trong quyết định để gia đình sống là người thường.

-Lâu rồi công chúng không gặp hình ảnh Anh Quân ôm guitar hát bè cùng Mỹ Linh. Mà anh từng là ca sĩ chính trong “Thiên Đường” (album đầu tay của ban nhạc Anh Em), kỹ thuật hát “dày mỏng” các ca sĩ nhạc trẻ còn thua xa…

 +Hát cũng là sở thích  và tôi tự thấy mình hát không tệ. Nhưng trong nhà có một ca sĩ là đủ! Lâu rồi tôi cũng không hát, nên say mê cũng giảm nhiều. Tôi chơi đàn thấy đúng với mình nhất và đủ thỏa nguyện rồi.

 -Điều gì tiếp thêm năng lượng sáng tạo cho anh?

+Nói ra nghe có thể buồn cười: Tôi nhiều năng lượng nhất khi có một cây đàn mới. Khi đó tôi thấy đầu óc mình thông suốt, làm gì cũng nhanh và sảng khoái. Mỗi tội kích ứng này hơi tốn kém.

Vậy để có “doping” cho Mỹ Linh tour “Và em sẽ hát”, anh đã mua đàn mới chưa?

+Tất nhiên rồi! Tôi vừa đi mua đàn trước khi gặp chị.

-Cảm giác của anh bây giờ, khi lại được cùng ban nhạc của mình chuẩn bị cho một tour diễn lớn?

+Tôi luôn sung sướng khi được ngồi cùng với ban nhạc của mình, dù là làm bất cứ việc gì. Còn được chơi nhạc cùng nhau thì điều đó càng tuyệt vời, nó không tả được. Hàng tháng chúng tôi vẫn chơi trong chương trình của The RoofTop, năm ngoái Anh Em có tham gia những show lớn như “Quê Nhà” của Nguyên Lê, “Riêng một góc trời” của Tuấn Ngọc….Đánh cùng nhau thì nhiều, nhưng chương trình thực sự của ban nhạc thì phải 6 năm rồi. Kể từ Mỹ Linh tour 06,chúng tôi mới được trở lại trạng thái nhiệt huyết và hưng phấn trọn vẹn này!

-Cảm ơn anh, chúc cho liveshow xuyên Việt “Và em sẽ hát” của Mỹ Linh và Anh Em band sẽ là điểm son của đời sống âm nhạc 2012!

(Phụ Nữ Chủ Nhật)