“Góc nghe” của Hà Nội

 

 

 

 

(tạp chí Heritage Xuân 2012)

 

 

 

   Ở Hà Nội nghe nhạc thế nào? Chắc chắn tôi không tin “60 đêm duy nhất” của Tuấn Vũ đầy chật ghế ở Nhà Hát Lớn là đại diện cho “gu” nhạc của người Hà Nội. Càng không phải những sàn diễn quét đèn lazer xanh đỏ đông nghẹt khách trong các night club, với thứ âm nhạc nửa não tình nửa dậm dựt sàn nhảy. Nghe nhạc, với người Hà Nội đích thực – hóa ra lại không diệu vợi trưng trổ, những đôi tai lịch lãm chỉ cần vẻ đẹp nguyên khiết của âm nhạc đích thực.

 

 

 

   Khán phòng Ngụy Như Kon Tum ở 19 Lê Thánh Tông năm nay đã bước sang tuổi thứ 106, tòa nhà cổ kính này từng là giảng đường của Đại Học Đông Dương. May mắn sao, sau bao thăng trầm của lịch sử, những nét kiêu sa của kiến trúc Pháp vẫn còn nguyên vẹn.  Phía trên cao khán phòng là bức tranh tường hình vòng cung rộng tới gần 80m2  “Ánh sáng trí Tuệ” của họa sĩ Victor Tardieu- người đầu tiên đưa nghệ thuật hội họa Tây Phương vào Việt Nam. Dưới những mảng màu giản dị và nồng nhiệt của bức tranh gần 100 năm, là sân khấu nhỏ sắp xếp tối giản chỉ với màn nhung, vài chùm đèn rọi. Một “góc nghe” đích thực ấm cúng và thân tình, mộc mạc nhưng không kém phần sang trọng lịch lãm – quả là tinh tế khi lựa chọn khán phòng 300 chỗ này làm “không gian âm nhạc” của Hà Nội.

 

   Càng mở rộng Hà Nội, lại càng thiếu nơi chốn để người ta được tận hưởng sống đẹp; may thay, KGAN đã đưa ra đúng điều thèm khát của lớp khán giả khó tính: một không gian văn hóa, để thưởng ngoạn âm nhạc thuần khiết- theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Kỹ càng chọn ca sĩ xuất hiện trong từng đêm nhạc, âm thanh, ánh sáng phải chỉn chu ra sao- có thể là chuyện tất nhiên của người làm show chuyên nghiệp. Nhưng từ cái vé đến bandroll phải đẹp, đề nghị người xem phải ăn mặc thanh lịch (yêu cầu vốn dĩ chỉ có trong những đêm cổ điển), đón khách là những chàng trai dáng chuẩn như người mẫu, sảnh chờ lung linh hoa và nến – thì Việt Tú (đạo diễn của KGAN) đã “hiện nguyên hình” là một kẻ duy mỹ.  Đã có nhiều danh ca hát ở đây: Tuấn Ngọc, Thanh Lam, Trần Thu Hà, Thu Phương, Tùng Dương…nhưng tôi đồ rằng, khán phòng chật ghế ngay cả trong những đêm nhạc “không danh ca” là vì khán giả bỏ tiền mua vé để được sống trong không gian này, chứ chưa hẳn chỉ vì riêng âm nhạc. Người ta có nhu cầu được thoát khỏi nhịp sống đơn điệu mỗi ngày, được chiều chuộng bản thân trong một nghi lễ của sống chậm và sống đẹp. Tôi nhớ những người Hà Nội xưa, khi nhà có khách hay dịp lễ trọng, bộ quần áo đẹp nhất tủ sẽ được chủ nhân chọn mặc, như một  cách thức bày tỏ lòng trân trọng của mình. Khán giả Hà Nội đến với KGAN cũng bằng nghi thức lịch lãm ấy. Đôi khi trước lúc màn nhung mở ra, trước khi âm nhạc cất lên-  bạn có thể ngỡ ngàng trước một khán phòng toàn những người mặc đẹp.

 

  Căn cốt của KGAN đương nhiên vẫn phải là âm nhạc, ở đây được “chỉ định” là phong cách acoustic và unplugged.  Nghệ sĩ xuất hiện rất gần khán giả, không có effects sân khấu nào để lừa mị người xem, chính sự mộc mạc và chân thực tuyệt đối đã tạo nên những tương tác cảm xúc gọi tên đúng nghĩa là “thăng hoa” và “cống hiến”. Vì thế, với cả nghệ sĩ và khán giả, được sống trong mỗi đêm KGAN đều là một trải nghiệm khó quên. Theo chủ đích dàn dựng của êkip, mọi cá tính “mở đường” dữ dội mấy, đã vào KGAN đều thành đêm “collections”. Toàn hits của ca sĩ, chất lượng đương nhiên ổn định, nhưng với tinh thần tiên phong của Việt Tú – người xem vẫn kỳ vọng KGAN là những gì đương đại hơn nữa.

 

KGAN có một “người kể chuyện” rất nhuốm màu xưa. Đó là nhạc sĩ Hồ Quang Bình, tóc bạc trắng như tiên ông, nhạc sĩ có dáng vẻ phúc hậu và giọng dẫn chuyện đầy mê dụ. Vì lý gì mà vị trưởng lão Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Hà Nội lại đứng ra làm vai trò MC? Thì đây, chính là mong đợi mang hơi hướm hoài cổ: ông muốn được quay lại thời kỳ rực rỡ và lịch lãm của đời sống âm nhạc Hà Nội, thời kỳ từng tồn tại những salon âm nhạc- là nơi chốn để những tài năng được phát lộ; thời kỳ mà cả nghệ sĩ và công chúng đều nhiệt huyết và hết lòng…

 

  Hà Nội có một điều tuyệt vời: dù bạn vui, bạn buồn, bạn đang yêu hay bạn bị tổn thương, bạn đi đông hay đi đơn…đều có thể tìm được một nơi chốn cho mình. Những “góc Hà Nội” riêng tư và an ủi ấy, giờ đã có thêm một “góc nghe” (dù hơi đắt đỏ). Nơi đó, âm nhạc với sức nhiệm màu chữa lành những vết xước, làm bạn tươi tắn và bừng sáng trở lại. Dù có thể chỉ ngắn ngủi trong vài tiếng đồng hồ, nhưng được thoát khỏi những mệt mỏi đè nặng- đã đủ là kỳ diệu.

 

  Còn tôi, rất muốn vào đêm cuối tuần của tuần cuối tháng, cùng với người tri kỷ của mình sánh vai đến khán phòng cổ kính 19 Lê Thánh Tông, để được thấy những nhạc công chơi nhạc Acoustic, đắm say và đầy ngẫu hứng- như thể hàng đêm họ vẫn được chơi nhạc cùng nhau như thế, với công chúng ruột rà của mình; Để được nghe tiếng hát cất lên với âm thanh đẹp đẽ và trau chuốt nhất…

 

Normal
0

false
false
false

EN-US
X-NONE
X-NONE

/* Style Definitions */
table.MsoNormalTable
{mso-style-name:”Table Normal”;
mso-tstyle-rowband-size:0;
mso-tstyle-colband-size:0;
mso-style-noshow:yes;
mso-style-priority:99;
mso-style-qformat:yes;
mso-style-parent:””;
mso-padding-alt:0in 5.4pt 0in 5.4pt;
mso-para-margin-top:0in;
mso-para-margin-right:0in;
mso-para-margin-bottom:10.0pt;
mso-para-margin-left:0in;
line-height:115%;
mso-pagination:widow-orphan;
font-size:11.0pt;
font-family:”Calibri”,”sans-serif”;
mso-ascii-font-family:Calibri;
mso-ascii-theme-font:minor-latin;
mso-hansi-font-family:Calibri;
mso-hansi-theme-font:minor-latin;}

Việt Tú giữa Đam Mê và Cực Đoan

 

Quỳnh Tun (thực hiện)

 

  Nếu có một giải thưởng dành cho Đạo diễn của năm, người được vinh danh của 2011 chắc chắn sẽ là Việt Tú. Là tổng đạo diễn của Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, Carnaval biển Nha Trang, Fashion Boulevard, Đẹp Fashion Show 10, chung kết Miss Teen, Live show Hồ Ngọc Hà, Live Concert Tùng Dương, tạo dựng cho Hà Nội một “Không gian Âm nhạc” hằng tháng…có cảm giác năng lượng sáng tạo của  Việt Tú như một mỏ quặng thần kỳ, càng khai thác- lại càng đầy thêm.

    Trong công việc, Tú vừa là hung thần vừa là phù thủy: khó tính đến cực đoan, duy mỹ đến từng chi tiết nhỏ nhất, điên rồ một cách tỉnh táo, đẩy sự khác biệt trở thành một “chữ ký thương hiệu”…Còn ngoài đời, đạo diễn đắt sô nhất showbiz Việt là một gã trai Hà Nội bảnh bao và đỏm dáng, ưa la cà, ở tuổi 35 tự thấy mình vẫn “ rất dễ bị kích động”.

 

·        Thà sai cái sai của mình…

Những nghệ sĩ từng làm việc với anh nói rằng, Việt Tú khó tính lắm. Anh cấm đoán người ta cả quyền được băn khoăn…

 +Nếu bạn đã đặt ra một cái đích, thì phải đi đến tận cùng đã, đừng có băn khoăn vì như thế có thể cơ hội sẽ qua đi mất. Sự băn khoăn khiến bạn gặp phải những sai lầm đến từ người khác. Với tôi, thà chết vì bảo thủ, sai cái sai của mình còn hơn. Như mình đang đứng trước ngã tư, cứ phân vân giữa các ngả rẽ, có khi chưa kịp chọn đường đúng thì đã bị ô tô đằng sau húc rồi.

-“Sai cái sai của mình còn hơn”, cực đoan thế nhưng anh lại vẫn muốn quyến rũ đám đông. Điều này có mâu thuẫn nhau?

+Bản thân cuộc sống đã là sự mâu thuẫn rồi. Giống như người làm ảo thuật trên chính cuộc đời mình, ta lấy những điều mâu thuẫn trộn lại với nhau, may mắn thì sẽ ra một hỗn hợp gọi thành công. Tôi nghĩ, sự cực đoan cũng là một nghệ thuật sống. Có biết bao người giỏi, nhưng chỉ rất ít trở thành nghệ sĩ lớn. Hãy nhìn tất cả những con người vĩ đại của thế giới, họ sẽ không thể có tầm vóc như thế nếu không đi đến tận cùng sự cực đoan. Chỉ có điều, họ được số đông thừa nhận và đi theo, họ áp đặt được sự cực đoan của mình lên đám đông mà khiến đám đông thấy vui vẻ thoải mái, là vì họ có nghệ thuật sống.

– Để thành công thì phải cực đoan, mà cực đoan quá thì sẽ thất bại. Khó nhỉ…

+Tôi nghĩ phải có trải nghiệm, thậm chí cả thất bại để rút ra được một công thức cho mình. Bạn có đam mê chưa đủ, bạn nghĩ mình làm đúng chưa đủ, mà ngay cả khi bạn làm đúng thật sự cũng chưa đủ. Phải có cách, nó chỉ đến ở trải nghiệm của một người đã từng rất cực đoan, rất nhiều năng lượng không thể kiểm soát. Mà tôi thấy cái người “từng rất cực đoan” đó giống mình, như một cái lò xo được nén hết cỡ, mình có nhiều năng lượng, nhưng khi nó bung ra quá, nó tạo ra hậu quả kinh khủng. Phải tìm cách tiết chế và điều khiển nguồn năng lượng của chính mình. Tôi thấy cuối cùng, sự ổn định mới là cái quan trọng. Tất cả những thứ đẳng cấp trong cuộc sống này đều không thiếu được 2 yếu tố Hay Bền.

-Và trải nghiệm của quá trình điều tiết cực đoan để thành Việt Tú ngày hôm nay, với anh hình như toàn là may mắn?

+Tôi luôn thực hành mọi luận thuyết trên chính cuộc sống của mình. Bản thân tôi để đến được ngày hôm nay, đã nhiều lần nhận hậu quả đau thương. Hồi trước, tôi nghĩ là mình có quyền và có điều kiện để làm xong một việc, rồi tắt biến điện thoại và mất hút đi đâu đó một thời gian. Nhưng rõ ràng  đó không phải chuyện tốt, khi khách hàng có việc, họ không thể tìm ra anh – cách làm việc ấy không ai muốn ở thời điểm này, cho dù anh có là thiên tài! Rồi mọi vòng quay vẫn tiếp tục, cho dù thiếu ai đi nữa. Nếu anh từ chối, họ sẽ tìm đến những nhân tố mới. Rút cục phần thua ở đây thuộc về cá nhân đã từ chối cơ hội để mình làm việc. Nếu anh là người chuyên nghiệp, đã xác định rõ ràng mục đích của mình thì điều đầu tiên là phải làm việc đã.

Tôi nhớ khi nhận lời làm tổng đạo diễn Đẹp Fashion show 10, tôi rất bế tắc ý tưởng. “Đam Mê”- nghe thì hấp dẫn nhưng thể hiện nó như thế nào? Có một thông điệp của Steven Jobs tôi tâm đắc: đôi khi cuộc đời sẽ đập cho bạn một viên gạch, bạn cứ tưởng mình không thể gượng dậy. Nhưng bạn vẫn phải đứng lên, đi tiếp và theo đuổi đam mê của mình, vì không gì tuyệt vời bằng được sống và làm công việc mình yêu thích. Câu chốt rất hay, chỉ có 3 chữ: Đừng Dừng Lại! Tôi đã lấy thông điệp đó làm key của ĐFS. Tôi thấy hình ảnh con người không dừng lại, cho dù bị bươu đầu sứt trán ấy rất giống mình.

 

·        Muốn cực đoan cũng được, nhưng phải dẫn đến thành công

 

-Việt Tú sẽ là gì nếu thiếu đi vế “ekip của tôi”, một câu thường trực của anh?

+Tôi sẽ chẳng là gì cả. Tất nhiên là tôi tin rằng đằng sau mỗi ekip phải có 1 cái đầu thủ lĩnh, và tôi phù hợp cho vị trí đó. Nhưng tài giỏi như Khổng Minh, ra trận quân yếu thì vẫn thua như thường. May rằng tôi có Ekip như một gia đình, với sức mạnh của một khối thống nhất.

Anh nói cứ như một người bài xích chủ nghĩa cá nhân ấy nhỉ?

+Tôi theo chủ nghĩa cực kỳ cá nhân! Tuy nhiên, có những thứ nếu đem đặt trên bàn cân logic thông thường, sẽ không bao giờ chúng ta có câu trả lời. Khi tôi quyết định đường chạy của một dự án, tôi lựa chọn đường hướng mình đưa ra phải tốt cho cả êkip chứ không chỉ tốt cho riêng mình. Chúng tôi cùng nhau làm việc, thì phải cùng nhau có mặt trong thành quả.

-Nhiều người tới giờ vẫn giữ quan niệm làm nghệ thuật thì “kỵ” nói chuyện thương mại, vì sợ bị tầm thường đi. Còn anh thì luôn khẳng định những sản phẩm nghệ thuật của mình phải song hành với yếu tố thương mại?

+Tại sao không, khi điều ấy hợp với logic của sự phát triển! Sẽ không có nghĩa lý gì nếu bạn tạo ra một sản phẩm tốt, rất đẳng cấp và tinh tế nhưng lại không bán được, không ai muốn mua – đó là điều đáng buồn nhất. Cho dù bạn có quá yêu nghệ thuật thì vẫn có nhu cầu được thấy sản phẩm của mình được chào đón, có đời sống thực sự của nó.Tôi từng tuyên bố sẽ kiên quyết sẽ đóng lại tất cả những dự án mình làm, nếu như thành công về nghệ thuật không song hành với thành công thương mại. Một trong những ví dụ tiêu biểu là KGÂN. Mặc dù dự án này chưa có thành công thương mại khổng lồ, nhưng nó đã tạo ra thị trường, nó không chấp nhận thói quen xin cho, miễn phí khi thưởng ngoạn nghệ thuật. Thông lệ của KGÂN là mỗi số chúng tôi làm 2 đêm, nhưng số 8 tôi đã cắt đi hẳn 1 đêm. Ekip và ca sĩ có phản ứng rất gay gắt, nhưng tôi nói kiên quyết: Nếu mọi người bán vé được đầy ghế, sẽ có đêm thứ hai. Còn không đồng ý với tôi thì khỏi làm chương trình!  Tôi có thể để những bạn bè quen biết đến ngồi chật ghế 2 đêm. Nhưng người bỏ tiền triệu mua vé họ sẽ nghĩ gì khi mình xả vé như thế? Muốn đi đường dài, thì phải giữ thái độ kiên quyết cho dù nó rất  “khó chịu” với nhiều người.

 -Có vẻ như anh hay đối đầu với ekip, rồi cực đoan dành phần thắng về mình?

+Cứ cho là như thế đi. Nhưng nếu tôi không đúng, thì chỉ sau một lần mọi người sẽ không nghe nữa. Muốn cực đoan cũng được, nhưng kết quả phải dẫn đến thành công, không thể nào lái xe đưa cả ekip đâm thẳng xuống vực rồi bảo rằng mọi người hãy tin cậy mà theo mình.

-Tôi thấy trong KGÂN, các nghệ sĩ thường bị anh áp đặt vào tình thế khác với chính họ. Khoan bàn đến hiệu quả nhé, tôi muốn nói về cái cách anh “át vía” người khác…

+Chúng tôi không dùng sự cực đoan của mình để áp đặt nghệ sĩ, hay ngược lại nghệ sĩ cũng không mang cái cực đoan của mình để áp vào KGAN. Cùng ngồi lại, tính xem có thể làm những gì tốt nhất, đưa ra một câu chuyện và hình ảnh khác với những gì  quen thuộc người ta đã biết nghệ sĩ- đó là điều  chúng tôi làm. Sau show của Trần Thu Hà, ca sĩ Hồng Nhung có nói với tôi: “Chị đứng xem còn thấy hồi hộp, thấy cảm giác linh thiêng trước khi ra sân khấu, các nghệ sĩ lâu nay bị chai lỳ cảm xúc này rồi”. Được xúc động khi màn nhung mở ra, với cả nghệ sĩ và khán giả- đó chính là trả lời của chúng tôi về việc áp đặt có đúng hay không.  Tôi làm việc với nghệ sĩ, luôn cố gắng tìm những góc khuất, những năng lực còn tiềm ẩn của họ. Đơn giản thế này, khi tôi có uy tín và khả năng quy tụ, tôi có thể đề nghị nghệ sĩ những yêu cầu mà bình thường họ không dễ chấp nhận. Nhưng để họ khác đi, lột xác khỏi hình ảnh quen thuộc của mình- thì phải cho nghệ sĩ niềm tin rằng đây là quyết định đúng, và có lợi cho hình ảnh của họ.

 

 

·        Chỉ sợ nhất là mình làm việc không có đam mê

 

-Thế còn chính Việt Tú, phải “khác mình” như thế nào để cùng một khoảng thời gian, cùng làm những việc nếu đặt cạnh nhau sẽ thấy chẳng liên quan gì, vì một bên thuần túy là nghệ thuật, một bên đúng nghĩa chỉ là giải trí và thực dụng?

+ Tôi nghĩ thật phí nếu đi khu biệt khả năng, tư duy và sáng tạo của mình.  Với một người chuyên nghiệp, không có gì tệ bằng câu trả lời: tôi chỉ làm cái này, tôi không làm cái kia. Một người làm nghề đích thực là họ có kiến thức ở nhiều lĩnh vực, làm được nhiều dạng công việc khác nhau – mà cái gì cũng phải tốt. Điều ấy chỉ làm công việc,cuộc sống và bản thân anh ta trở nên bất ngờ và thú vị hơn. Tại sao lại phải hạn chế bớt năng lượng của mình? Chỉ sợ nhất là mình làm việc không có chút đam mê nào.

-À, có cách phân biệt công việc theo hai kiểu: làm vì chính yêu thích của mình, và làm để kiếm tiền. Nếu ở trường hợp thứ 2, hẳn khó để đam mê được thăng hoa?

+Những chi tiết thể hiện niềm đam mê công việc có thể rất nhỏ, như khi nhân viên của tôi chuẩn bị cho một chương trình, cách các em ấy ép từng cái thẻ thẳng thớm, dán banner thật phẳng phiu, cắt mác chai nước cẩn thận rồi mới đưa cho nghệ sĩ trên sân khấu…đều tỉ mỉ, chu đáo và cẩn thận. Không phải là khách hàng không biết những chi tiết nhỏ như cái đinh bị nhô lên khỏi lớp thảm trải sàn thì mình được quyền làm bừa làm ẩu – chỉ có nghiệp dư mới suy nghĩ như vậy. Tôi nhìn các em ấy làm, thấy phần nào thành quả của mình. Điều đó, có thể được gọi tên là đam mê chứ. Nhỏ hay lớn không quan trọng, quan trọng là mình hãy làm ở mức tốt nhất có thể. Còn với những người đặt lòng tin vào mình- chỉ có một thứ thôi: Thành công hay thất bại. Thành công mới là cách duy nhất để người ta tiếp tục đồng hành với nhau bền bỉ.

-Bây giờ nhìn lại những chuyện như đưa dàn nhạc 150 người lên nóc khách sạn làm show đón giao thừa như năm 2003, anh có thấy mình bị quá khích?

+Không hề!  Bởi nếu không có tôi ngày đó, hẳn không có tôi bây giờ. Mỗi thứ đã qua giống như một viên gạch xây nên nền móng của ngày hôm nay. Hoặc là một giả thuyết khác- tôi vẫn luôn quá khích như thế. Chỉ có điều, ngày hôm nay tôi đã biết kiểm soát và điều tiết khối năng lượng của mình để nó bùng nổ an toàn và hiệu quả hơn.

-Từ cuộc sống đến công việc, anh đều khác thường. Phải là một Việt Tú không giống ai-  liệu có phải một trong những quan điểm sống của anh?

+ Sợ nhất là những người cứ phải cố gắng sống nô lệ để vừa vặn với hình ảnh người khác nghĩ về họ. Tôi không bao giờ dại dột như thế, cứ phải gồng mình lên là một điều rất khổ. Quan trọng là đầu tiên tôi phải thấy hạnh phúc với cuộc sống của mình, được làm việc mình yêu thích, và những công việc ấy mang lại niềm vui cho người cạnh mình. Hãy thư giãn đi, nếu người ta có nghĩ tôi không phải Việt Tú cũng chẳng sao, họ không thể lấy đi những gì tôi đang có.

 

(Ảnh trong bài: JUNDAT)

 

CÙNG CON VƯỢT QUA BÓNG TỐI


 

  Cuộc phỏng vấn với nhân vật đã ám ảnh tôi nhiều ngày, tôi đã nhận được 1 bài học về tình yêu thương, về việc làm mẹ…chỉ qua buổi nói chuyện với Hà.

(PHỤ NỮ Xuân 2012)

 

   Trải hơn 10 lần phẫu thuật buồng trứng và vòi trứng, 3 lần làm thụ tinh ống nghiệm – người phụ nữ ấy mới được làm mẹ. Hai bé song sinh ra đời non tháng, yếu bấy đến nỗi lập tức đối diện với nguy cơ đột quỵ và bị bong võng mạc. Hành trình giành giật sự sống cho con và những ngày cùng con vượt qua bóng tối  của chị đã khiến tôi tin rằng: phép nhiệm màu của tình mẫu tử có thể thay đổi được cả những định đoạt tàn nhẫn của số phận.

  Trước mặt tôi là quyển vở học sinh bìa sờn cũ, đó là “hồ sơ” theo dõi việc ăn và dùng thuốc những tháng đầu đời của 2 bé song sinh Đỗ Bảo Linh- Đỗ Bảo Minh (sinh tháng 3.2008). Mỗi trang giấy là mỗi đêm trắng của bố mẹ 2 bé với chu trình lặp đi lặp lại: cho con uống thuốc và ăn – rồi bé trớ sạch – hút rửa mũi họng- lại bú- lại trớ…Nét chữ xiêu vẹo về đêm, thỉnh thoảng có đôi dòng nhật ký về tiến triển sức khỏe và nhận thức của bọn trẻ. Những dòng chữ ngắn ngủi  ấy như  chùm tia nắng rạng rỡ  hy vọng giữa bộn bề  những con số và ký hiệu hoang mang kiệt sức. Còn trong câu chuyện với tôi, người mẹ lúc thì cười, lúc thì rơm rớm nước mắt, khi quay ngược thời gian để nhớ lại hành trình cam go và đầy thương yêu mà vợ chồng chị đã trải qua…

   Nguyễn Thu Hà và Đỗ Văn Hiệp (Đội Cấn- Hà Nội) kết hôn năm 2004, họ vừa kịp vui mừng khi Hà có thai đôi đã lập tức phải đối diện với tin dữ: một thai bị lưu, một thai không thể di chuyển vào tử cung nên đã gây vỡ vòi trứng. Mổ cấp cứu, mới phát hiện buồng trứng của Hà còn có khối u như quả cam nhỏ. Vòi trứng còn lại bị dính tắc- vậy là chỉ trong vòng vài tháng, Hà phải trải qua khoảng 10 cuộc phẫu thuật với kết quả cô chỉ còn 1 bên buồng trứng, không còn vòi trứng nào. Giờ, Hà muốn làm mẹ chỉ còn cách duy nhất là thụ tinh ống nghiệm. Hai vợ chồng bắt đầu chặng đường “tìm con” ở BV Phụ Sản Trung Ương, tại đây họ làm ống nghiệm 2 lần. Đều thất bại! Vợ chồng họ quyết định: Lên đường vào Nam làm tiếp ống nghiệm, chưa có con chưa về!

   Lần này thì ca ống nghiệm của Hà thành công. Nhưng vừa cấn thai Hà đã có dấu hiệu dọa sảy, bác sĩ chỉ định phải nằm tại chỗ trong 3 tháng đầu. Ăn và vệ sinh tại giường, liên tục đặt thuốc và máu vẫn ra hàng ngày, sau 3 tháng “liệt giường”, cơ chân Hà bị teo nhỏ, bắp chân chảy nhão đến mức có thể vắt ngược được lên ống đồng. Ngày trở dậy Hà phải tập đi từng bước như một em bé, lên xuống cầu thang chồng cô luôn phải bế. Hiệp có cách yêu vợ tận tụy và đầy chở che. Khi Hà đau ốm trên giường bệnh của 10 lần phẫu thuật, và hơn 3 tháng vợ anh nằm bất động giữ thai, Hiệp tự tay chăm vợ từ miếng ăn giấc ngủ, không nề hà việc tắm táp,  đổ bô cho vợ.

  Hà mang thai đôi, một trai một gái. Thai được 5 tháng, bác sĩ nói thai kỳ đã ổn định, họ có thể ra Hà Nội. Nhưng chỉ được đến tháng thứ 6, sức khỏe của Hà lại bất ổn, diễn tiến xấu dần từng ngày, cái thai đôi chèn chỗ của phổi khiến mỗi nhịp thở của Hà rít lên ầm ầm như cái van áp suất sắp bật. Gia đình hoảng sợ tính: phải mổ sớm, không Hà sẽ chết mất. Hà thở bình, kiên quyết không chịu mổ, cô chiến đấu từng ngày để tiếp tục được ủ con trong bụng. Vào ngày 22.3.2008,  bé Bảo Linh (Mít)- Bảo Minh chào đời (sớm hơn hai tháng), do mẹ bị vỡ ối.

Mít nặng 1,8kg, Minh 1,6kg- sinh non nên cả hai bé đều chưa kịp hoàn thiện phổi và mắt. BS chỉ định Mít và Minh phải sang Viện Nhi Trung Ương để mổ mắt thật sớm do cả hai bé đều bị ROP (tình trạng rối loạn phát triển của mạch máu võng mạc ở trẻ sanh non), nguy cơ bị mù cực cao. Để muộn ngày nào thì võng mạc càng tiến gần đến mốc bị xơ hóa, cơ hội cứu đôi mắt càng ít đi. Điều kiện tối thiểu cho một ca mổ là bệnh nhân phải thở được, nhưng Mít suy hô hấp có lúc ngừng thở, cứ rời lồng ấp là bé lại tím ngắt. Bố Hiệp nhớ lại: “21 ngày tuổi, Minh phẫu thuật mắt lần đầu. Lúc đó, Minh gầy da bọc xương, đùi nó bé đúng bằng ngón tay tôi, nó đã sọp xuống nhẹ cân hơn cả lúc mới sinh. 2 ngày sau thì đến lượt Mít phẫu thuật, tôi quấn con vào cái khăn bế từ phòng X.Q sang phòng lồng ấp, người Mít trắng nhợt không còn chút máu, khoảng cách giữa hai căn phòng sao đằng đẵng. Tôi đã ứa nước mắt khi nghĩ không biết liệu Hà có còn được nhìn thấy con còn sống…”.

  Thời gian ở cữ của Hà là những tuần dài cùng chồng túc trực 24/24h trong phòng sơ sinh của Viện Nhi. Hai bé thỉnh thoảng lại có cơn ngừng thở tự nhiên, nếu không kịp búng vào chân để bé khóc và tỉnh dậy, thì đó sẽ là giấc ngủ vĩnh viễn. “Ở phòng lồng ấp ấy, thỉnh thoảng lại có một em bé bị mất, rất nhiều trẻ đã chết một cách vô lý, tôi cứ ám ảnh mãi về một bé ra đi vào ngày 1.5 do bác sĩ nghỉ lễ. Con quá yếu, có lúc Mít thở máy đầu con bị phồng to như người ta bơm quá nhiều hơi vào một quả bóng – vợ chồng tôi không ai dám nói ra nỗi hoảng sợ rằng con mình có thể bị ngưng thở bất cứ lúc nào”.

    Mít đã được trả lại đôi mắt lành lặn sau 3 lần phẫu thuật. Còn Minh thì không ổn- tổ chức xơ trong mắt vẫn tiếp tục tăng sinh. Sau lần mổ thứ 2 của Minh, tháng 5.2008 có đoàn chuyên gia về mắt của Mỹ đến Hà Nội, khám cho bé họ nói: mắt của Minh đáp ứng được điều trị, đang tiến triển tốt. Hai bố mẹ lại phập phồng hy vọng. Một tháng sau tái khám, bác sĩ cho biết võng mạc của Minh đã bị bong, không cách gì cứu mắt được nữa! Cú sét tuyệt vọng số phận giáng xuống khiến Hiệp và Hà quỵ gục, chỉ thấy bủa vây mịt mù, họ không biết rồi đây sẽ chăm con như thế nào, cuộc sống của Minh rồi sẽ ra sao??? Sau 3 tuần câm lặng và kiệt quệ, Hà là người bình tĩnh trước. Cô nói chuyện với chồng, để cùng anh chấp nhận thực tế. “ Hai vợ chồng đến gặp Nguyễn Thanh Tùng- nghệ sĩ đàn bầu bị khiếm thị do dioxin. Câu nói của Thanh Tùng “em không thấy mình bất hạnh mà chỉ thấy mình bị bất tiện” đã vực dậy tinh thần cho tôi. Như vậy, khiếm thị không có nghĩa là cuộc đời đóng cửa lại với đứa trẻ, bất hạnh hay hạnh phúc là do đứa trẻ tiếp nhận và chủ động với cuộc sống của mình như thế nào. Vợ chồng tôi quyết định chuyển sang phương án giáo dục con , thay vì ngồi đó chờ những phép màu hão huyền” – Hà nhớ lại.

 Nhưng ở Nguyễn ĐÌnh Chiểu – trường dành cho người khiếm thị chỉ nhận trẻ từ 7 tuổi. Hiệp và Hà lại nghĩ: tại sao lại không can thiệp giáo dục cho bé từ 0 tuổi? Thế là họ lần tìm thông tin  về các phương pháp can thiệp sớm dành cho trẻ khiếm thị của nước ngoài để tham khảo cho trường hợp của Minh. Lúc này, phát triển thể chất của Minh lại ở ngưỡng nguy hiểm: 10 tháng tuổi bé vẫn chưa tự nhấc nổi đầu mình lên, thêm nữa bé còn bị giãn não. Lại những chuỗi ngày đưa Minh đi phục hồi chức năng ở Viện Nhi, sau 2 tháng không thấy mảy may biến chuyển, vợ chồng họ lại tìm trên mạng để kết nối với một câu lạc bộ các bà mẹ có con bị thiểu năng bên Mỹ, để xin tài liệu tự tập cho con. Thật kỳ diệu là sau 10 ngày tập, bé Minh đã ngồi dậy được.  Cũng theo tài liệu này, hàng ngày Hà kiên trì massage cho con, niềm tin của cô đã được đáp đền: kết quả siêu âm lúc Minh 1 tuổi cho thấy, bé không còn dấu vết nào của chứng giãn não.

Một ngày, nghe chuyện có người vừa đưa con bị bong võng mạc độ 5 (cấp độ nặng nhất) đi Nga phẫu thuật, em bé đã nhìn lại được. Hiệp lập tức tìm đến gia đình may mắn ấy, anh tận mắt thấy em bé 4 tuổi có thể nhặt cái tăm vừa đánh rơi. Ngay tối hôm đó, vợ chồng họ quyết định dồn góp tài sản cuối cùng để sang Nga cứu đôi mắt cho Minh. Đúng 1 tuần sau ngày Hiệp gặp em bé được cứu mắt- gia đình họ đã có mặt tại Saint Peterburg. Lúc đó là tháng 4.2009, chị em Mít  được 13 tháng tuổi.  3 tuần ở Nga, xong phẫu thuật bóc xơ võng mạc, bác sĩ hẹn sau 4-6 tháng Minh quay lại mổ lần hai. Tháng 8.2009, bố mẹ đưa Minh sang Nga lần 2 để phẫu thuật ghép võng mạc. Đau đớn là phẫu thuật không thành công, võng mạc ghép lại bị bong!

    Nghỉ việc ở một cơ quan nước ngoài, Hà vào TP HCM theo học lớp huấn luyện dành riêng cho giáo viên trường Nguyễn ĐÌnh Chiểu. Cô tin, chỉ có bố mẹ mới là chuyên gia tốt nhất để dạy Minh. Một cách bản năng, Minh rất sợ thế giới xung quanh, bé không dám chạm tay vào đồ vật và luôn nhút nhát. Minh cần phải khám phá thế giới bắt đầu bằng xúc giác, bé đã được tập “nhìn” bằng cách cảm nhận da thịt khi sờ vào tay bố mẹ, sờ để biết nhịp tim nhanh chậm, khái niệm ấm- lạnh, cứng- mềm qua những gì bé được chạm vào. Hà chia sẻ về quá trình dạy con của mình: “Minh học sờ, học ngửi, học nghe để khám phá thế giới. Để hiểu khái niệm cao- thấp, bé được tự leo cây; Để biết thế nào là chòng chành, bé được đi cano, lạnh- bé sờ đá, chua- bé được nếm chanh…Mẹ và bố thường tự bịt mắt mình lại để hình dung cái gì đang diễn ra xung quanh, điều chỉnh hướng dẫn cho phù hợp với Minh. Làm bất cứ điều gì cũng nói chuyện với bé: mẹ mở vòi nước này, mẹ múc nước, mẹ dội nước lên người  Minh này. Bố đang bước xuống cầu thang, bố mở cửa, bố rẽ trái này… 6 tháng chỉ tập đi tập lại cho Minh 1 kỹ năng, rất lâu và nhẫn nại, đến mức có lúc tưởng như Minh không tiến triển gì. Nhưng hai vợ chồng đã xác định tinh thần là phải kiên nhẫn đồng hành cùng con”. Giờ thì Minh có thể “nhìn” bằng tất cả các giác quan còn lại. Bé nghe tiếng động mà biết được bố đang cạo râu, tiếng đánh răng này là của mẹ, tiếng nhai ròn tan kia là chị Mít đang ăn dưa chuột. Minh leo cầu thang không ngã, ngửi mùi khói biết bà đang nấu món gì, 3 tuổi bé đã tự phục vụ vệ sinh cá nhân của mình, ngã đau sẽ đứng dậy đi tiếp chứ không lèo nhèo khóc. Đặc biệt, Minh là em bé đầu tiên ở Việt Nam biết dò đường đi bằng gậy…

Với những em bé tật nguyền, bố mẹ thường có phản ứng: chiều chuộng con theo kiểu bù đắp: Hoặc coi bé là sản phẩm hỏng, giấu diếm về bệnh tật (thậm chí dấu cả sự tồn tại của bé) như bé là khiếm khuyết của gia đình. Vợ chồng Hiệp và Hà thì khác: “Bố mẹ phải tự tin thì mới truyền được sự tự tin cho con. Nếu mình xấu hổ về bé, thì làm sao bé có thể tự tin và yêu quý cuộc đời mình?!”. Minh và Mít đang học trường mầm non Tomoe, Minh ở giữa các bạn luôn là em bé vui vẻ, chủ động và hạnh phúc như mọi em bé bình thường. Mít thì mới hơn 3 tuổi đã tỏ ra một bà chị đích thực, yêu em hết mực dịu dàng và chu đáo. Mít có thể ru em ngủ, dạy em nhận biết xung quanh, thay quần áo và coi em giúp bố mẹ.

Với bản tính hướng về phía trước một cách thực tế và tích cực, Hà đã hình dung ra chặng đường tiếp theo: “Nhưng rồi sẽ đến lúc Minh nhận ra mình khác bạn bè. Để bé không sốc, Minh cần phải biết con khác thường. Nên ngay từ bây giờ, vợ chồng tôi đã yêu cầu mọi người không né tránh về tình trạng của Minh. Con đã biết mình không nhìn được, và việc ấy chẳng có gì là kinh khủng, thậm chí nó bình thường như chuyện Minh đói bụng. Minh không được ưu ái hay khoan nhượng trong những lỗi lầm của mình với lý do “phạm lỗi do khiếm thị”. Con lớn lên phải có niềm kiêu hãnh của một người đàn ông mạnh khỏe về cả thể chất và tinh thần. Trên thế giới nhiều người khiếm thị đã trượt tuyết, chơi nhạc, thể thao, viết văn…có thể Minh không có điều kiện để trở thành một trong những cá nhân xuất chúng đó, nhưng phải cho con cơ hội để thử sức và được phát triển bình thường!”.

Điều gì đã đem lại sức mạnh giúp Hiệp và Hà vượt qua chừng ấy gian khó? Hà nói đơn giản: “Đó là tình yêu và niềm tin về một tương lai  luôn tươi đẹp. Phải yêu mới tin, vì chỉ cần một người ngã lòng, một người buông xuôi là người kia sẽ lập tức yếu đuối và kiệt sức!” Còn Hiệp, sau phút trầm ngâm anh trả lời: “Con đã chọn chúng tôi, đó là nhân duyên. Hạnh phúc diệu kỳ của việc làm bố mẹ đã cho chúng tôi sức mạnh và năng lượng bất tận của tình thương yêu”.

Hy vọng luôn thắp lửa trong tổ ấm nhỏ của họ. Gương mặt Hiệp và Hà rạng lên khi nói về một kỳ vọng mới: Các nhà khoa học Mỹ vừa mở một viện nghiên cứu về nghành mắt ở Bắc Kinh, đã có 4 bệnh nhân ROP như Minh được chữa thành công bằng phương pháp cấy tế bào gốc. Hồ sơ của bé Minh đã được gửi sang Bắc Kinh, biết đâu với phát triển của khoa học, một ngày nào đó đôi mắt Minh sẽ được thấy ánh sáng?

    Cầu mong sao, ngày mà Đỗ Bảo Minh nhìn được sẽ không phải là câu chuyện hoang đường….

ĐÀM LIÊN VẪN MỘNG DU TUỒNG


(PHỤ NỮ Xuân 2012)

 

  Nghệ thuật tuồng được truyền giữ tới ngày hôm nay, có sự góp sức của rất nhiều tài danh. Nhưng Đàm Liên chắc chắn là hiện tượng độc sáng không lặp lại. Trong mỗi vai diễn của Đàm Liên, truyền thống đầy ăm ắp và lạ lẫm cá tính sáng tạo. Không ngoa khi nói rằng Đàm Liên đã mở thêm trình thức mới cho Tuồng. Năm nay, NSND Đàm Liên bước vào tuổi 68, bà vẫn đỏm dáng, giữ nguyên cốt cách của người đàn bà tự biết mình đẹp và luôn được yêu chiều. Say nghề đến độ Đàm Liên sống trong ngày thường mà vẫn như mộng du cùng tuồng, bà nói chuyện, bà cười, bà liếc mắt nhìn, từng cái khoát tay hay bước chân đi…đều nhuốm màu “trích đoạn”.

 

 Tư gia của NSND Đàm Liên ngay cạnh chợ xe máy cũ Chùa Hà, nhà nằm trong ngõ, rộng và quạnh vắng. Bà chủ nhà đi liên miên, suốt ngày đoàn tuồng các địa phương ới về dựng vở với dạy diễn viên. Về hưu 13 năm, Đàm Liên tự hào mình vẫn “chạy sô như điên” và “cát xê tôi cao lắm”. Mấy anh ngoài chợ xe Chùa Hà kể, “bà ấy về nhà là biết ngay, tập cười tập khóc tiếng cứ lảnh lót vang ra cả ngoài đường lớn”.

Quần óng ánh kim tuyến, áo viền đầy bèo nhún, Đàm Liên soạn một thế ngồi thật điệu ở trên tràng kỷ. “Bà chúa Tuồng” chủ động vào chuyện bằng ký ức của mối tình đầu (hình như, khi nỗi cô đơn của tuổi già ập đến, những ngày cũ tươi đẹp thường là nơi để người ta nương tựa tìm hơi ấm). Đàm Liên nhớ rằng, nụ hôn đầu tiên mình dành cho một chàng trai người Ba Lan. Hôm đó, cô học sinh 16 tuổi diễn trên tàu Ba Lan, chàng thủy thủ hâm mộ đã kéo cô ra một góc tàu và…hôn, Đàm Liên chỉ nhớ rằng “mắt anh ấy xanh biếc, như màu trời”. Suốt một tuần sau, chàng thủ thủ bỏ tàu lên bờ để nhìn cô gái anh yêu qua cánh cổng sắt của khu học sinh nội trú. Rồi ngày chàng thủy thủ về nước, Đàm Liên nói dối nhà trường quên đồ diễn ở trên tàu để tìm cơ hội chia tay  với chàng. Họ khóc như mưa gió, chẳng kịp hứa hẹn gì. “5 năm liền, tàu anh ấy đi đến đâu cũng gửi bưu ảnh về, tôi không hồi âm lần nào, nhưng trong lòng nhớ thương lắm. Tới giờ tôi vẫn chẳng thể quên, anh ấy tên là Misa”- Đàm Liên bùi ngùi. Trước mắt tôi không phải là Đàm Liên của tuổi 68, mà là cô gái nhỏ 16 tuổi nước mắt ngân ngấn, choáng váng vì nụ hôn đầu  đời.

 Đàm Liên nói rằng mình sinh ra để làm người đàn bà mơ mộng. Mới “nứt mắt” đã mê thơ tình lãng mạn của Louis Aragon, Sergei Exenin, tiểu thuyết “Jane Eyre”, ”Anna Karenina”…xem truyện thường quay lưng vào tường khóc lén, thường mơ có tình yêu đẹp, được người tình xưng là “tôi” với “em” như trong tiểu thuyết. Chính vì vậy, dù sinh ra và lớn lên trong nôi tuồng (ông ngoại là chủ gánh tuồng “Bầu Leo”, mẹ là đào thương nức tiếng Phú Yên một thời) nhưng suốt thời tuổi nhỏ, Đàm Liên chỉ mơ được làm diễn viên điện ảnh. Bà nhớ lại: “Năm 15 tuổi, mẹ bắt tôi vào đoàn tuồng để nối nghiệp, bị ép thì theo chứ trong lòng không thoải mái. Nhận những vai lặt vặt cầm kiếm, vác cờ chạy qua sân khấu, vì không thích nên tôi cũng chẳng nán ở cánh gà xem người khác diễn. Cho đến một hôm, mẹ nằm đưa võng thằng út ngủ, giọng hát ru u buồn của mẹ nghe sao lúc đó thấm thía, chưa bao giờ tôi thấy nhạc dân gian lại hay đến thế. Rồi tôi xem thầy Minh Đức diễn “Chị Ngộ”, múa kiếm trong vở “Trưng Nữ Vương” mới mê mẩn làm sao…Những điều đó như sợi dây vô hình, “trói” tôi vào tuồng lúc nào không biết ”.

Thích tuồng rồi Đàm Liên tập đến kiệt sức, múa trong tuồng là một “hệ ngôn ngữ” có tính biểu đạt rất mạnh, cô tập đi khít chân thành 1 đường thẳng, học theo bài luyện tay dẻo của các nghệ sĩ Kinh Kịch để mềm khớp khi múa. Các làn điệu của tuồng thường trúc trắc, nhấn nhá, lấy hơi nhà chữ sâu, thanh đới cổ họng liên tục đưa đẩy. Câu hát tuồng là từ sâu trong tâm can mà ra, rứt ruột rứt gan mà thành, cho nên tập xong một bản Nam Ai đầy tâm trạng là kiệt sức. Hát tuồng không thể ỉ vào bản năng và dây thanh đới trời cho, nó là sự khổ luyện đầy nhọc nhằn. Đàm Liên nói: “Tôi vào nghề, đinh ninh lời dạy của thầy tôi- NSND Ngô Thị Liễu: Sân khấu chỉ có chừng ấy. Nhưng người diễn viên không bị bó hẹp bởi hai cánh gà, không gian của người diễn viên tuồng nằm trong đôi tay, đôi chân, nằm trong hình thể, đôi mắt…nó rộng hay hẹp, nó bằng phẳng hay gập ghềnh, nó là sông ngòi hay ruộng đồng nhà cửa, nà núi non hay biển rộng, là con thuyền trên sông phẳng lạng hay đang chòng chành trên sóng lớn- đều do chính ta mà thành”. Đứng phắt dậy khỏi tràng kỷ, Đàm Liên khoát chân đi quanh phòng khách minh họa. Vòng đi này là qua sông, một vòng nữa đã là cheo leo sườn núi, 3 vòng đi nữa lại đến đồng bằng…bà cười lanh lảnh kiêu hãnh: “Hóa trang mà thay tóc, thay quần áo là thường. Làm sao để vẫn quần áo ấy, gương mặt ấy, mà tinh thần đã là người khác, cảm xúc khác. Bạn biết người diễn viên đẹp là thế nào không? Không phải khi họ mặt hoa da phấn, quần là áo lượt; Mà là khi họ nhập vai, đóng kẻ ác ra ác, người điên dại ra điên dại- nghĩa là họ đẹp!”

Tuồng là nghệ thuật biểu diễn toàn cơ thể, với Đàm Liên quy tắc này được đẩy tới mức chặt chẽ. Không bao giờ có một ánh mắt vu vơ, một cái nhíu mày vô mục đích, mọi chuyển động nhỏ nhất trên cơ thể đều phải chất chứa thông điệp. Tới giờ, Đàm Liên vẫn tự hào là không có ai luyện giọng, múa, nghiên cứu về biểu cảm của mắt và hình thể như mình. Vai diễn Bà Huyện đánh ghen trong “Nghêu-Sò- Ốc – Hến”, Đàm Liên chỉ dùng 10 ngón tay mà diễn tả hết được lòng ghen tột độ, sự chua chát và đau đớn lồng lộn của bà Huyện. Bạn nghề phải nhận xét: “Đàm Liên diễn ghen, từ ngón tay cũng biết ghen”. Đôi bàn tay múa may của bà Huyện đã làm phong phú thêm mẫu hình đào ghen, đạt tới mức “kinh điển” đến độ bây giờ nhiều diễn viên trẻ coi là một trình thức.

16 tuổi, Đàm Liên chính thức bước lên sân khấu với 3 tiếng “dạ” của nhân vật Liễu Nguyệt Tiêm trong vở tuồng cổ “Đào Phi Phụng”. Vì giết tướng giặc để cứu chồng mà Liễu Nguyệt Tiêm bị chồng mắng nhiếc, xua đuổi. Nỗi hàm oan ngang trái chất chứa chỉ trong 3 tiếng “dạ” – cô bé Đàm Liên đã khiến những nghệ sĩ tuồng tài danh đương thời phải kinh ngạc. Nhận vai Trưng Trắc trong “Trưng nữ Vương”, Đàm Liên dùng trình thức mê sảng, chân đi bê siếng ngang sân khấu như pho tượng di động, đôi mắt cuồng dại, đôi tay buông thõng vô hồn…diễn tả nỗi đau đớn tột cùng của Trưng Trắc khi nghe tin chồng bị giết. Đã xem “Trưng Nữ Vương” không ai quên được hình ảnh Trưng Trắc áp thanh gươm của chồng vào má, nước mắt tuôn thật thà- người diễn viên đã cháy hết mình cùng nhân vật. Bi mà không lụy, đau đớn mà không quằn quại, song cũng không lên lên gân- vị anh hùng mang nỗi đau đớn của muôn ngàn người đàn bà…đó là Trưng Trắc của Đàm Liên.

Trong vở “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”, chỉ 2 phút mà  Đàm Liên diễn tả hết sự thảm thương và đỉnh điểm đau đớn của kiếp người bị mất, qua đúng điệu cười uất hận trong khóc nấc. Các lứa diễn viên sau này, không ai học “nhuyễn” được điệu sặc cười giả điên, đôi mắt hoang dại và lối diễn tưng tửng của Đàm Liên trong vai Phương Cơ “Ngọn lửa Hồng Sơn”. Có thể nói, Đàm Liên hóa thân tài tình với “bùa phép” của một phù thủy sân khấu. Ở tuổi 45, không ai tin nổi Đàm Liên có thể “biến” thành Loan Dung của “Lý Phụng Đình” – với cách đi, dáng đứng, điệu cười ngây thơ và trong trẻo của một thiếu nữ mới lớn. Tác giả Lê Duy Hạnh xem xong phải thốt lên: “Tôi không thấy Đàm Liên nữa mà đúng là cô gái 16 tuổi!”.  Nhưng phải đến “Ông già cõng vợ đi xem hội”, mới thấy hết độ “quái” của Đàm Liên. Cùng một không gian, thời gian, Đàm Liên đã phân thân thành 2 nhân vật: ông già chơi trống bỏi và cô vợ trẻ lẳng lơ; phần thân trên là cơ thể son trẻ nhí nhảnh của cô gái, phía dưới là đôi chân run rẩy của ông già. Trong tuồng chưa từng có quy chuẩn nào để thể hiện 2 nhân vật này, và Đàm Liên đã sáng tạo thêm một trình thức mới. “Ông già cõng vợ đi hội” đã giúp “Bà Chúa Tuồng” lập một kỷ lục đáng đưa vào guiness: hơn 2000 buổi diễn cho một vai tuồng.

   Gần 60 vai diễn, không vai nào giống vai nào, nhiều vai thuộc hàng kinh điển với những chuẩn mực và trình thức nghiêm ngặt, có những vai phải tự tạo cho mình cách diễn. NSND Đàm Liên nói về “bí kíp” của mình: “Tôi là diễn viên không bao giờ muốn lặp lại đường mòn của lối diễn thợ, diễn không nghiên cứu, chỉ với vốn liếng là bản năng sẵn có. Tất cả những vai diễn của tôi, dù là phụ- tôi luôn xem xét, phân tích tâm lý nhân vật, tìm những cách đặc tả thật đắt và độc đáo. Nhận vai, không chỉ vật lộn với chính mình trên sàn diễn, mà ở nhà, trên đường đi, thậm chí trong lúc ngủ…tôi cũng trăn trở về từng động tác. Có ý gì mới, lập tức ghi vào sổ để khỏi quên. Tôi luôn tin, trong nghệ thuật không có vai diễn nhỏ, chỉ có diễn viên nhỏ.”

  Ở một bài báo, GS. Hoàng Chương có viết: “Đàm Liên khó tính, rất kiệm lời khen” (với bạn nghề chăng?). Trong buổi nói chuyện với Đàm Liên, nghệ sĩ liên tục cằn nhằn về “cách diễn hùng hục” của lứa diễn viên bây giờ: “Tuồng diễn chi li lắm, cái biểu cảm của ánh mắt “ác liệt” vô cùng. Tôi thấy có nghệ sĩ tuồng đang được ca ngợi nức nở, nhảy lên sân khấu là mắt long xòng xọc, có biết ghìm giữ sâu sắc gì đâu! Giờ, ít diễn viên có mắt lắm”. Thì đúng là sau Đàm Liên, tuyệt không thấy ai biểu cảm toàn cơ thể chỉ qua ánh mắt như bà. Có khán giả mộ điệu của tuồng từng nói rằng, mắt Đàm Liên mạnh hơn mọi diễn đạt của lời nói. Thì đây, ngồi trên ghế tràng kỷ trong phòng khách, Đàm Liên thử cho tôi xem thế nào là ánh nhìn lẳng lơ “cưa giai”, thế nào là ánh mắt điên loạn, đau thương, tuyệt vọng, thế nào là ánh mắt tin cậy thơ ngây…tôi đành tin người mộ điệu kia đã chính xác. Nói về mắt, chẳng hiểu sao Đàm Liên lại thở dài: “Đàn ông mê tôi vì mắt. Đôi mắt là tài sản đặc biệt, cũng khiến tôi gặp nhiều đắng cay. Tôi đa tình từ bé, nhiều người rung động với mình thế – làm sao không run tim cho được?”.

   Làm sao không run tim cho được, một người yêu nghề và yêu đời đến thế! Phải yêu nghề lắm để ôm hết vào mình: “Tuồng là quê hương tôi. Tuồng là gia đình tôi. Tuồng là cuộc đời tôi. Tuồng là niềm hạnh phúc lớn lao cũng là nỗi trăn trở đớn đau mà tôi đã trải qua với bao sóng gió”. Phải yêu đời lắm thì mới có nỗi hoảng sợ đôi bàn tay mình không còn đẹp ở tuổi 68, chau chuốt dung nhan ngay cả khi ở trong nhà một mình, đỏ mặt thẹn thùng khi kể về những mối tình si thuở đôi mươi. Thì đây, Đàm Liên bộc bạch: “Ngồi một mình, nói một mình, hát một mình, múa một mình, cười một mình, khóc một mình và yêu cũng chỉ một mình là chuyện thường tình của một đời làm diễn viên Tuồng như tôi…”.