NHẠC SĨ BẢO CHẤN: Tự mình là thuốc cứu mình!

Faces - Quoc-Bao
    

     Bảo Chấn – gương mặt quan trọng của thập niên Nhạc Trẻ bây giờ đã là một ông già. Những câu chuyện về âm nhạc hay cuộc đời, qua mắt nhìn của ông đều rất yên lành và rộng lòng vị tha, nhuốm buồn nhưng không chút trách móc. Gặp Bảo Chấn, tôi không khỏi liên tưởng đến một người ngồi trên sân ga, như cái dấu chấm than lẻ loi và tĩnh lặng, nhìn những chuyến tàu cứ tấp nập ngược xuôi qua.  Bảo Chấn nói ông đang dễ chịu với cuộc sống bình tĩnh của mình. Nhưng tôi vẫn day dứt tiếc, nhưng không phải vì những cú đòn hội đồng mà ông không đến mức phải chịu. Mà tôi tiếc vì ông đã tự đóng mình lại, như cách đóng lại một kho quặng quý mà ta không mở lại được nữa… 

  • Tôi tập quen với cô độc và bị lãng quên.

-Gặp ông như thế này, thấy ông yên tĩnh với những người bạn già, tôi có cảm giác bây giờ ông đã sống ngoài những ồn ào của đời sống âm nhạc? Ông có còn tụ tập với bạn nghề nhiều không?

+Khoảng mươi năm nay tôi đã đứng tách hẳn ra những “thế sự” của giới nhạc. Đó là điều cần thiết cho tôi, để biết mình cần điều chỉnh cái gì. Những bạn bè làm nghề thì tôi vẫn gặp, nhưng là những người làm phối âm chứ không phải dân sáng tác. Cũng còn nhiều người tín nhiệm tôi, có lẽ vì ông Bảo Chấn là người làm phối âm già nhất còn lại, để biết nhạc cũ là cái gì. Cái hòa âm thời của tôi không sinh động bằng hòa âm bây giờ, nhưng tâm cảm của nó thì phù hợp với bài hát cũ, thành ra nếu mình làm mới quá thì những ca sĩ có tuổi họ không hát được. Thì người có thể biết tạng chất của thế hệ cũ, làm mới lại bài hát theo một lượng vừa độ, đủ để người ta thấy là mới nhưng vẫn an toàn trong không gian của họ, không bị lạc lõng – thì còn lại tôi. Chắc tôi chỉ có ưu điểm đó thôi.

-Gần đây ông có viết ca khúc mới không? Nhiều chương trình lớn gần đây dựng  bài của Bảo Chấn, tôi nghe cũng đều là những sáng tác của ông từ thập niên 1990s.

+Tôi có bài mới đấy. Nhưng tôi để nó phát triển tùy duyên, gặp ai đó muốn hát và mình thấy hợp, thì bài hát sẽ đến với người nghe. Bằng không, tôi để đó thôi, chẳng có gì để phải nôn nóng…

-Nhưng mình sáng tác ra mà không chia sẻ được, giống như việc câm lặng tự vùi mình trong cái hố bí mật?

+Tôi có cảm giác đó thật. Nhưng khi phải ở trong một cái hố sâu nào đó, thì bạn nên tập quen với nó, để thấy cảm giác cô độc hay bị lãng quên đều là bình thường. Anh em bạn nghề làm show vẫn dựng lại bài cũ của tôi, thì tôi cố gắng khi diễn lại cho mọi người nghe cũng phải theo tâm thế mới. Tôi không có điều kiện chọn lại những người hát đã làm nên tên tuổi của mình, cái bất lợi này hóa ra lại lợi, vì nó cho mình điều kiện thử với những bạn trẻ khác, để xem các bạn hát những bài của 20 năm trước sẽ cảm nhận nó như thế nào.

-Bảo Chấn là một trong những người mở đầu cho cảm xúc riêng tư cá nhân và lãng mạn  trong âm nhạc, sau một thời gian dài diện mạo chung của âm nhạc là xung kích chính trị. Với những người cùng thời, khúc thức và cấu trúc giai điệu của Bảo Chấn khá “Tây”, trong khi bố mẹ ông là những nghệ sĩ nổi danh của âm nhạc dân tộc (cha của Bảo Chấn là nhạc sĩ Vĩnh Phan, mẹ là nghệ sĩ cung đình Bích Liễu). Tôi băn khoăn, vì sao ông không đi theo con đường truyền thống của cha mẹ mình?

+ Cái hỏng nhất của người viết nhạc là cố phô ra chất Ngũ cung một cách ồn ào, sử dụng như cái logo để chứng tỏ ta đây bản sắc…Tôi để tâm thức tự dẫn đi, tôi thích cái dễ chịu khi tính dân tộc “bắt” rất tự nhiên với chất Tây phương. Lợi điểm của tôi là được thẩm thấu nhạc dân tộc rất kỹ, từ khi nằm trong bụng mẹ tôi đã ngấm Ngũ Cung. Chính vì nó ngấm từ trong máu như thế, nên giai điệu của tôi ít trắc trở, bởi ngôn ngữ dân tộc điều hướng cho mình. Tôi học nhạc Tây, để khi có kiến thức mạch lạc của Tây phương, mình sẽ nhìn nhạc Việt rõ ràng hơn. Tôi thích phối khí  tình cảm, đàn tranh, đàn kìm nó không chói, nó không chống lại mà hòa quyện mềm mại với nhạc cụ Tây phương. Nhạc dân tộc trang bị cho tôi nhiều thứ về tiết tấu, giai điệu để tôi áp dụng trong các ca khúc của mình.

-Ông đã từng là người được yêu chiều nhất, nhận đủ lời xưng tụng ở đúng thời vàng son của nhạc Việt. Bây giờ ông đã đi qua khoảnh khắc huy hoàng ấy rồi, cuộc sống cũng đã nếm trải rất nhiều nỗi buồn, thậm chí cả sự bị ruồng bỏ. Nhìn lại những gì đã qua, ông thấy điều gì?

+Tôi muốn để yên cho quãng bạn nói là “bị ruồng bỏ”. Giống như cuộc đời mình lúc thì ở chỗ này, lúc thì lại di chuyển đến chỗ kia, chặng đường nào cũng có giá trị riêng của nó. Lúc “hoành tráng”, tôi có mua được cái nhà rất to ở trung tâm, sau này tôi chuyển về nhà nhỏ và hẻo lánh hơn – nhìn góc độ nào đó có thể bảo là cuộc sống (vật chất) của tôi tệ đi, nhưng bản thân tôi thấy mình nên sống đúng từng thời điểm của mình. Tôi không lấy vàng son làm cái “ni” để đánh giá để mình phải buồn. Vào thời điểm chói lọi và lúc bị tan vỡ, các cảm giác tôi đã trải qua và hưởng hết rồi. Có hãnh tiến, có thất vọng. Nhưng tôi đã thoát ra, đi con đường khác rồi. Khi suy ngẫm khác đi về cuộc đời, tôi nhận ra rằng tốt nhất mình hãy để yên mọi chuyện, đừng để quá khứ cho dù là vinh quang làm ảnh hưởng đến mình suốt cuộc đời.

-Có thể bây giờ ông đã vượt qua, thì nói về chuyện cũ nhẹ nhàng như thế. Nhưng con người có cơ chế dễ quen với hào quang và sự vuốt ve, chúng ta đâu muốn tập quen và nghiện sự đau khổ?

+Tất nhiên! Không muốn quen nhưng nó vẫn tới, thì biết sao được. Hồi xưa tôi hay suy nghiệm về sự tập: tập nghe cái mình không thích và tập thích cái mình không nghe. Chuyện đời cũng vậy thôi. Bây giờ nói lại những chấn động cũ, thấy xa lắc như việc của ai đó. Nhưng tôi đã không dễ dàng và bình thường trong cả một năm đấy, tại tôi bị sóng lan tỏa của chuyện đó. Mình tôi sống thì không sao, nhưng còn gia đình, người thân, làm mình đau lắm chứ. Năm đầu rất khó khăn, đến nỗi tôi phải chuồn ra nước ngoài ở. Nhưng chính người thân trả lại cho tôi cảm giác yên ổn và thăng bằng.

  • NGười thì vẫn còn, nhưng tôi tiếc cái tình xưa.

-Ông có nghĩ những vòng sóng ồn ào rất lâu sau đó, mãi nó chưa tan và không buông tha cho ông- chỉ bởi ông đã quá nổi tiếng trước đấy. Vì nếu như ông Bảo Chấn vô danh, thì người ta chẳng đủ hả hê để nuôi cơn vùi dập ấy lâu đến thế?

+Tôi từng nghĩ như vậy, tôi thấy công bằng. Anh hưởng lúc này thì anh trả lúc khác. Giống như người vào sòng bài, anh thắng riết rồi cũng phải thua, để lại chút cho chủ sòng chứ. Về già, tôi nghiệm ra rằng mọi sự cố, mọi xáo động của cuộc đời đều có quy luật và có lý do của nó. Có vay ắt sẽ có trả, vay lớn phải trả lớn. Chỉ có cái là, tiếng tăm là điều thật sự tôi không đi tìm, nhưng mà Ông Trời cứ dúi vào tôi.

Nhưng cái mình phải cái trả cho món quà của Ông Trời- nó lại cay nghiệt quá…

+Phải vài năm sau người ta mới nói là cay nghiệt. Còn ở thời điểm bùng nổ thì họ nói là công bằng. Thì tôi cũng hiểu nó là công bằng, để các bên đều thoải mái. Tôi chỉ tiếc, đó là thời đẹp nhất, tôi có nhiều tác phẩm tốt nhất, năng lượng sáng tạo của mình lúc đó ở ngưỡng tràn trề. Thì cắt một nhát- chấm dứt luôn tất cả. Tôi không nghĩ cái dấu chấm của mình đến bằng cách ấy. Sự cố đó không thể tránh được, cái tai mình đón nhận quá trời âm thanh, nó hình thành vào vỏ não của mình, như là mình nghe dân ca vậy. Cái lỗi là mình không tiêu hóa được nó, mình phát ra nguyên si. Hồi đó anh Trần Tiến, Thanh Tùng, Quốc Bảo, Lê Quang đều bị đòn…nhưng người ta chỉ nhè mình. Không tránh được đám đông say máu đâu…

-Sau khi bị trọng thương, chúng ta thường ở trạng thái: một là tắt hẳn, hai là trở lại mạnh mẽ hơn. Ông ở trạng thái nào?

+Tôi sáng suốt, bình tĩnh và ít sân si hơn.

-Điều gì làm lành lại cho ông nhanh nhất?

+Tự mình là thuốc của mình, luôn là cách thuận tự nhiên nhất bạn ạ!

-Bây giờ thì ông thấy chuyện viết quan trọng, hay sống quan trọng hơn?

+Cả hai, nhưng tôi viết khác. Có lúc tôi trống rỗng, không để gì trong đầu nữa. Tôi cố tình để mình như vậy, chờ cho đến khi mình gặp lại cảm giác thèm làm việc- cũng mất vài năm. Tôi bắt đầu nghiên cứu nhạc phim, nhạc không lời…âm nhạc có rất nhiều ngách, mình giải trí với nó. Tôi đi qua Mỹ học tiếp, càng học càng xanh lè mặt, thấy mình là chú ếch to tướng! Đúng là mình dở hơi, thì giờ không có toàn để mất vào chuyện tào lao.

Ông im lặng rất nhiều năm, thậm chí tới giờ ông vẫn đang ngần ngừ chưa trở lại với giới nhạc một cách chính thức. Vì ông đã chán, mất năng lượng, hay vì tổn thương?

+Sau khi chạy việt dã xong, người ta thường phải có thời gian nghỉ ngơi, chỉ để thở một cái thôi. Chẳng may tôi lại thở dài quá…Lúc mình nghỉ ngơi, có nhiều thứ thay đổi quá, giờ quay lại cũng ớn sợ. Gia đình đâu muốn tôi quay lại nhạc nhẽo. Hồi đó thấy tôi ngồi vào bàn, có tờ giấy nhạc trước mặt là mấy đứa con kéo xuống, đưa đi chơi ngay. Vợ con đều không thích tôi lăn lộn với nhạc, bọn con dặn nhau: “tụi bây coi chừng ba, thấy ông đi làm lại là phải cấm nghen!”

-Ông có bao giờ bị cảm giác lo lắng, rằng mình sẽ tới trễ trên chuyến tàu âm nhạc vẫn đang chạy? Ông có tiếc rằng đáng lẽ ra mình phải thuộc về con tàu đó?

+Chắc không có lo lắng đó đâu. Tại vì tôi đã nhảy khỏi con tàu ấy lâu rồi, nó chạy tới chỗ nào đâu còn liên quan đến tôi? Tôi có hơn 10 năm được danh vọng cưng chiều, giờ đã hơn 60 – cũng phải để chỗ cho những hành khách mới chứ. Bây giờ tôi bình yên tĩnh tại. Tự biết mình cần gì, điều gì làm mình dễ chịu nhất, biết về nhu cầu bản thân là điều quan trọng lắm. Nhưng âm nhạc vẫn là phần máu thịt của tôi. Tôi nghe nhiều lắm, update các xu hướng mới của thế giới. Nghe để biết bây giờ người ta đang ở đâu, ngoài kia là mấy giờ?

-Mình đã nhảy khỏi tàu rồi, thì việc phải biết “người ta ở đâu, ngoài kia mấy giờ?” liệu có còn quan trọng nữa không?

+Xét cho cùng thì không quan trọng. Nhưng không dễ xóa được tiềm thức của mình. Tôi không cưỡng lại được việc dõi theo hành trình của con tàu ấy. Chỉ để hiểu nó, giống như mình muốn hiểu một cái gì đó rất gần, từng là máu thịt của mình.

-Bao giờ ông sẽ đưa những bài mới ra? Nhạc Bảo Chấn bây giờ thế nào nhỉ?

+Tôi cũng làm xong rồi (sáng tác, phối khí), tiện thì đưa không tiện thì thôi. Tôi chẳng sốt ruột gì. Bây giờ tôi viết cũng có khác chút, có tuổi mà. Tôi trở về sự đơn giản, âm nhạc phải dễ dàng, nó như nước ấy. Nhưng nếu mình chỉ thị là phải tối giản lại là không ổn. Nó phải đến từ tự nhiên, không toan tính, tối giản đừng trong âm mưu. Đơn giản và không “vấp đĩa”- là xong!

Sau những buổi trò chuyện như chúng ta hôm nay ngồi nói với nhau, ông có nhớ không khí lúc mình còn thuộc về “đại chúng”?

+Tôi nhớ những khuôn mặt bạn bè. Người thì vẫn còn, nhưng tôi tiếc không khí và cái tình ngày xưa.

BOX

  Hầu hết các băng đĩa nhạc của Sài Gòn sau giải phóng đều do Bảo Chấn cùng người em mình là NS Bảo Phúc làm hòa âm, ảnh hưởng của ông trong lĩnh vực phối khí còn lan tỏa đến rất nhiều nhạc sĩ trẻ của  Hà Nội trong thời kỳ khai sinh Pop Việt. Khi cả một nền âm nhạc vẫn đang một màu ca khúc chính trị, Bảo Chấn đã sớm cất tiếng nói khác biệt và tuyệt đối cá nhân: không có đau thương chiến tranh, không hô hào minh họa, âm nhạc của ông tụng ca tình yêu và tuổi trẻ, tụng ca vẻ đẹp của những rung động con người. Khúc thức giai điệu của Bảo Chấn thường êm dịu và bay bổng, kiểu mơ mộng nhuốm buồn như tâm trạng những người trẻ thành thị đang loay hoay đi tìm chính mình. Nên ông viết bài nào, lập tức được giới trẻ đương thời “nằm lòng”, trong khoảng 10 năm sáng tác ca khúc, ông có tới gần 50 bản hits. Cho tới tận hôm nay, những “Một ngày mùa đông”, “Nỗi nhớ dịu êm, “Bên em là biển rộng”, “Giấc mơ tuyệt vời”, “Hoa cỏ mùa xuân”, “Dường như”…vẫn là những ca khúc có sức sống bền bỉ của Vpop. 1998, cùng với nhạc sĩ Dương Thụ, Bảo Chấn có tour diễn “Nghe Mưa” đi qua 8 thành phố lớn. “Nghe Mưa” không chỉ là Live show Xuyên Việt đúng nghĩa đầu tiên của thị trường âm nhạc trong nước, mà còn là dấu mốc quan trọng ghi nhớ một giai đoạn vàng son của nhạc Việt.

NSUT Thành Lộc: Tôi chẳng thích lưu giữ hào quang

(Phụ Nữ TP Xuân 2014)

IMG_9360 

 

   Không biết bao nhiêu lâu nữa, sân khấu mới xuất hiện một tài năng đặc biệt như Thành Lộc? Bất cứ vai diễn nào của anh cũng đều đào sâu đến tận cùng số phận và tính cách nhân vật, cách hóa thân của Thành Lộc khiến khán giả được tin rằng họ đang xem chính cuộc đời. Không có trình thức diễn xuất (bởi mỗi lần anh bước ra sàn diễn là một cuộc lột xác bất ngờ), nhưng các vai “chết tên” Thành Lộc đều đáng là kinh điển của sân khấu kịch nói. Có lẽ không nghệ sĩ sân khấu nào đạt được bảng vai phức tạp và đa dạng tính cách như Thành Lộc với hơn 200 vai diễn của anh. “Quyền phép” của Thành Lộc còn ở cách anh tạo ra một đời sống có thật cho sân khấu, kéo khán giả tới rạp, kết nối ngọn lửa yêu nghề của những nghệ sĩ quanh mình…Người ta gọi anh là phù thủy của sân khấu, còn Thành Lộc thì cho rằng, Nghiệp của anh là “làm cho người ta vui, làm cho người ta khóc, làm cho người ta thấy yêu hơn cuộc sống này”.

  • Làm sân khấu giống như mình đi mở một nhà hàng

 -Anh có nhớ khi ra đời IDECAF, khung cảnh sân khấu và khán giả ở  thời điểm ấy như thế nào?

+Lúc đó tôi vẫn đang là diễn viên của sân khấu 5B Võ Văn Tần, 5B đang ở vị trí độc tôn, hầu hết các nghệ sĩ tài năng và tên tuổi đều tập trung về đây. Điều đó tưởng là hay, lại dẫn đến cái bất cập là tất cả đều phải xếp hàng như chờ tàu để có vai, để được nhận vở. Sài Gòn dân số quá đông, người xem nhiều, 5B không đáp ứng được hết nhu cầu của khán giả nữa. Tôi và các nghệ sĩ Huỳnh Anh Tuấn, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Đoàn Khoa, Kim Xuân, Minh Hoàng…cứ thấy như ngồi trên đống lửa, năng lượng mình còn quá nhiều, phải có cách để khai thác khỏi uổng chứ! Nhìn quanh thấy sân khấu thiếu nhi cũng chưa ai đụng đến. Chúng tôi mới quyết định làm một sân khấu dành cho thiếu nhi, diễn những câu chuyện cổ tích kinh điển, ai ngờ lại đắt khách quá trời: một ngày diễn 4 suất, trẻ con tới đông như kiến. Nhà có 1 đứa trẻ, nhưng cả ông bà bố mẹ phải đi xem cùng nó- vậy là chỉ 1 em bé mà mình kéo được 4 người lớn tới rạp! Trên đà thắng lớn, chúng tôi quyết định làm kịch cho người lớn, bắt đầu bằng một loạt vở trên kịch bản văn học của kịch tác gia Moliere: Cậu đồng (Lão hà tiện), Cái tráp vàng (Tác tuýp), Người bệnh tưởng…Rất nhiều nghệ sĩ đến với IDECAF, khán giả cũng dồn về như nước đổ chỗ trũng. Sau đó các sân khấu tư nhân như Phước Sang, Hồng Vân…được đà bung ra. Sân khấu sống lại đến mức bất cứ người Sài Gòn nào cũng tìm dịp đi xem kịch. Tôi nghĩ tạo được cái “mốt” đi xem kịch như thế, sau đó là thói quen, chính là điều đáng mừng nhất.

 -Đưa khán giả đến rạp một buổi đã không dễ, để họ quay lại khó hơn, khó kinh khủng là nuôi dưỡng tình yêu sân khấu thành một nhu cầu tinh thần thường trực trong họ. Bản thân là “cục nam châm” hút khán giả tới rạp, anh nghĩ về điều ấy như thế nào?

+Có một đặc thù may mắn là khán giả Sài Gòn rất phong phú và đáng yêu. Cái gì họ cũng xem được, họ không kỳ thị và khó chịu, họ không ra vẻ là người trí tuệ. Nên khi mình muốn thể nghiệm một dòng kịch nào thì họ cũng cởi mở đón nhận. Tôi nhận ra làm sân khấu giống như mình đi mở một nhà hàng, trong menu có món beef steak, nhưng mình cũng bán cả tô bún riêu nữa. Có một điều mà tôi có thể chia sẻ là ngay cả những nhà hàng sang trọng, họ thường bán được nhiều bún riêu hơn là beef steak, tô bún riêu nó nuôi miếng steak, nhưng nếu mình bỏ bán steak vì bún riêu dễ mà lời quá – thì mình sẽ mất thương hiệu nhà hàng của mình. Những vở diễn có một chút mùi bún riêu được hòa trộn khéo léo với vị beef steak, thì đó là những tác phẩm có tuổi thọ lâu dài nhất của chúng tôi, và cũng chính là bí quyết 16 năm nay giữ tên  IDECAF.

-Nhưng đến lúc nào đó khách ăn bún riêu nhiều lên,liệu có dẫn đến chuyện lệch tay chế biến? Đâu là Bí quyết pha chế của “phù thủy sân khấu” để vẫn giữ được mình, nhưng chạm vào đến nhiều người?

+ Bạn cứ nghĩ xem, có bao giờ chúng ta muốn chỉ nói những chuyện căng thẳng, trịnh trọng, đăm đăm khó chịu trong suốt một ngày không? Chúng ta cần tiếng cười lắm, thèm nói những chuyện bông lơn, thậm chí dung tục. Sân khấu là cuộc đời thu nhỏ, vậy nó phải trung thực với cuộc đời, cần chiêm nghiệm nỗi buồn và tưng bừng với niềm vui. Dĩ nhiên cuộc đời qua góc nhìn của sân khấu phải được thi vị hóa lên, nhưng nó cũng cần được phản ánh trung thực. Chúng tôi thích làm những vở nói những chuyện li ti như con sâu cái kiến, nó mộc mạc như củ khoai củ sắn, chúng tôi không muốn chẻ đầu khán giả để ấn vào những điều cao siêu, những điều ngoài đời người ta không bao giờ nói. Bản thân tôi thấy sân khấu vốn mang tính thời trang, nó phải luôn cập nhật và phổ cập, thì mới không lạc hậu. Trong trường sân khấu dạy rằng cái gì không “thuần phong cách” là vị lai, không tốt đẹp gì. Xin lỗi, quan điểm đó lạc hậu lắm rồi, bây giờ mà thuần phong cách thì là sự đơn điệu. Nên người diễn viên mà một năm không đến sàn diễn là anh lạc hậu rồi, anh không biết được khán giả cần cái gì.

Mỗi khi lên sân khấu, anh có đo khán giả không?

+Đo chứ! Chính là điều khiến tôi yêu sân khấu vô cùng. Vì bởi mỗi ngày tôi gặp những lớp khán giả mới. Tôi diễn hay hơn hoặc tệ đi, một phần do kích ứng từ khán giả. Sân khấu có một ma lực đặc biệt là mình khám phá chính mình qua tương tác trực tiếp.

-Nhưng tôi nghĩ phản ứng từ khán giả cũng hên xui lắm, Khán giả khác nhau, trình độ khác nhau, nên họ sẽ tiếp cận vở diễn theo góc độ sống khác nhau của mình – căn cứ vào “nhiệt độ” khán giả đâu hẳn là đã chính xác?

+Đúng là chẳng thể lường được phản ứng của khán giả, hôm nay mình diễn bung hết sức mà không có hiệu quả, hôm mai mình chỉ dón rén tí xíu mà hiệu quả gấp đôi, ngày hôm sau nữa mình diễn ý như vậy cho chắc thì khán giả lại im re…Nên phải có sự chắc chắn từ cốt lõi của người diễn viên, có bản lĩnh nghề nghiệp để kiểm soát mình thế nào cho đúng. Tôi nói điều này hơi marketting một chút, khán giả thích Thành Lộc là ở chỗ: cũng vở diễn đó, vai diễn đó, mà mỗi lần đi xem đã thấy anh ta khác hẳn rồi, anh ta chẳng giống như lần trước họ đã xem. Là vì tôi luôn cập nhật, để cũng câu thoại đó, khi cất lên thì nó rất ăn khớp với thời điểm hiện tại. Có những vở tụi tôi diễn tới 10 năm (“Hợp đồng mãnh thú”, “12 bà mụ”…) chúng tôi sửa thoại ác liệt. Sức sống của kịch Nam là ở chỗ đó, bạn không được lạc hậu, mà phải thích ứng.

-Người diễn viên cần phải giữ được sự tươi mới mỗi khi lên sân khấu, nhưng để một ngày có thể diễn tới 4 suất mà không lỳ mòn cảm xúc, thì điều đó thuộc về kỹ thuật hay bẩm chất?

+Tôi thích dùng chữ tư chất hơn. Có những vở kịch mình không cách nào thay thoại, vì nó rất chính thống. Nhưng tôi nghĩ sự ngẫu hứng là đặc điểm khác biệt nhận diện giữa người nghệ sĩ này và người nghệ sĩ kia. Tính ngẫu hứng rơi vào người có trình độ, nó không phải ất ơ bản năng, mà là có chủ ý, được điều khiển bởi phông nền văn hóa và kỹ thuật của người diễn viên. Tôi luôn nghĩ diễn kịch và đi xem kịch là công việc của những người trí thức, có học.

-Anh có nói về tầng ẩn sau những câu chuyện mộc mạc như củ khoai củ sắn, những vở kịch cổ tích cho trẻ con nhưng người lớn xem phải suy ngẫm. Vì IDECAF dựng nhiều kịch từ Andeccen, tôi xin ví dụ về truyện cổ Andeccen nhé. Khi chúng ta 5 tuổi, đọc Andeccen thì đấy là chuyện cổ tích ngọt ngào, khi ta 20 tuổi, thấy thế giới của Andeccen rộng quá, không phải là cổ tích nữa, còn khi đổ vỡ ở tuổi trung niên, chúng ta sẽ nhận những thấm thía khác từ câu chuyện thời thơ bé ấy…Mỗi một trải nghiệm sống sẽ khám phá một tầng nghĩa khác, nhưng nếu khán giả không nhận ra món quà ẩn người nghệ sĩ gửi gắm  trong các tác phẩm của mình- thì chẳng phải là đáng tiếc lắm sao?

+Cho dù đã xác định là mình xem trọng sự giải trí để bán được vé, nhưng khán giả chỉ cười đến nổ rạp, rồi về quên mất, thì nó uổng quá đi! Ít ra, người ta bỏ ra hơn 2h đồng hồ, sau đó vài ngày sau họ ngẫm nghĩ cũng được, rồi họ rút ra điều gì đó cho cuộc sống của mình, nhỏ xíu cũng được. Một vở kịch chỉ cần một bài học nhỏ thôi, người xem không nhất thiết phải hiểu ngay, hãy để nó ngấm một cách không ngờ, khi gặp một cơn cớ thích hợp thì ký ức đó sẽ bật ra, soi chiếu hoặc an ủi người ta. Đó chính là sức mạnh của nghệ thuật.

  • Tôi vẫn đang tràn trề

–Nhìn trung thực, giai đoạn nào anh nhiều năng lượng sáng tạo nhất? “Thầy già con hát trẻ”, “gừng càng già càng cay”- anh thấy câu nào đúng?

+Bây giờ tôi vẫn thấy mình đang tràn trề mà. Cái “trẻ- già” ở trong nghệ thuật, cả hai câu bạn nhắc đều đúng. Tôi chỉ không thích câu “Tre già măng mọc”, măng mọc là việc của măng, đâu phải chờ cho tre già. Nghệ thuật không có ngôi sao này thay thế ngôi sao kia, chuyện tắt đi là vấn đề tự thân của mỗi ngôi sao, khi nó không tự mài giũa và vun giữ năng lượng cho mình. Có rất nhiều ngôi sao mới nhưng tắt rất sớm, có những ngôi sao cũ thì cứ sáng mãi, vì người ta rất nghiêm túc trong nghề nghiệp.

– Có vai diễn để đời, trở thành hình tượng để đời- điều ấy với anh có quan trọng không, có là mục đích không?

+Đạt được điều ấy thì tôi mừng lắm, nhưng nó không phải là mục đích. Tôi theo sân khấu chỉ vì tôi quá mê mấy ông cụ diễn viên khét tiếng ngoài Bắc, tôi thèm được diễn hay giống như Đào Mộng Long, Trọng Khôi, Đoàn Dũng, Hà Văn Trọng, Thế Anh….tôi muốn được đứng trên sàn diễn và nói những câu hay ho như mấy ổng. Ngày xưa, mấy người đó vào SG diễn, xe Hải Âu chở diễn viên đi trước, tôi gò lưng đạp xe đạp đuổi theo sau về đến tận cổng  khách sạn rồi đứng bên đường ngó thôi. Sáng dậy sớm lại chạy lên khách sạn, đứng từ xa ngắm họ uống café, thế là mãn nguyện rồi. Tôi đâu dám mơ sau này mình được diễn chung với họ? Ngày tôi đóng Lôi Vũ, NSND Đình Nghi  ngồi dưới xem cứ lắc đầu, tôi diễn bên trên nhìn cụ mà chết khiếp (sau mới biết cụ bị bệnh gì đó mà đầu cứ lắc lắc). Tan tuồng, vợ chồng cụ chặn tôi lại. Cụ bảo: “Này, chúng tôi chờ cậu ra đấy”, tôi tái xám vì sợ thì cụ nói tiếp: “Tôi là người từng xem Lôi Vũ trên khắp thế giới. Thì bây giờ tôi nói thế này cậu đừng có kiêu nhé, tôi thấy cậu là người đóng vai Chu Xung hay nhất”. Trời, tôi chết sững vì hạnh phúc. Lần nữa, tôi diễn “Dạ cổ hoài lang” ở Hà Nội, thần tượng của tôi là cụ Đào Mộng Long đi xem, hôm sau cụ lên Hội Nghệ sĩ Sân khấu kể là xem xong cụ sướng quá nên quên mất mình xe đạp, cụ đi bộ về nhà và lạc đường luôn. Đó là những phần thưởng mà tôi thấy trong một đời nghệ sĩ của mình, nhận như vậy là quá đủ rồi, mình chết được rồi.

Chúng ta thử tượng tượng đến tình huống khi Thành Lộc không còn gắn với sân khấu! Anh nghĩ sẽ thế nào?

+Tôi với sàn diễn như con cá sống trong nước, quăng tôi ra khỏi sân khấu, tôi thở rất khó khăn. Khi tôi đứng trên sàn diễn, tôi thấy mình sống có ích cho cuộc đời và tràn đầy năng lượng, không có sàn diễn tôi thấy mình vô dụng. Nhưng qua một quãng thời gian trải nghiệm, thì tôi bình tĩnh chấp nhận rằng ngày nào đó, mình phải rời bỏ sàn diễn là điều tất nhiên thôi, nó là quy luật. Dĩ nhiên điều đó sẽ làm mình buồn, nhưng biết sao được, đó mới là dòng chảy của cuộc đời.

-Tôi nhớ khi NSND Đào Mộng Long còn sống, tôi có ghé nhà thăm cụ và bị ám ảnh rất lâu. Nói chuyện với cụ, tôi thấy cụ vẫn đang bị dính ở một sân khấu trong mơ nào đó, dù khi ấy Đào Mộng Long đã rời sân khấu hơn 20 năm rồi. Tôi nhớ cảm giác thương xót và buồn bã của mình lúc ấy, không phải vì tuổi già cô đơn của ông cụ, mà vì tôi nhìn thấy một người mộng du đi lạc, một người bị dứt khỏi nơi chốn mà ở đấy họ mới sống, và họ đành tiếp tục tồn tại nhưng không còn sống nữa…

+ Tôi hiểu điều bạn vừa nói, vì bi kịch của ba tôi cũng giống như cụ Đào Mộng Long. Tôi giác ngộ cuộc đời và tỉnh táo hơn các cụ. Tôi kể bạn nghe nhé, mới ra trường tôi đã nổi tiếng rồi, và trong khoảng 10 năm tất cả những bài báo viết về Thành Lộc, đều được tôi cẩn thận cắt lại, dán vào một cuốn album. Đến năm 32 tuổi, tôi đốt cuốn album ấy! Tôi nhận ra tất cả những thứ hào quang đó là ảo, nó không có giá trị gì, nếu mình cứ lật giở để coi, rất dễ mình tự đánh lừa bản thân. Thật sự mà nói, tôi được sinh ra và bỗng dưng có danh tiếng- tất cả cái đó là ý của Thượng Đế, như là một sự phân công của số phận. Ngày hôm nay tôi sống trong danh vọng, nhưng một ngày nào đó mà bạn thấy tôi đang bưng đồ cho bạn ở quán cafe, thề có Thượng Đế đang nhìn vào tôi, tôi không xấu hổ vì điều đó, vì tôi biết nhiệm vụ của tôi ở quãng ấy. Sự nổi tiếng quãng này là một phần thưởng tôi được Thượng Đế ban cho, vì cũng có những người rất tài năng nhưng cả đời họ không thể nổi tiếng. Mình được phần thưởng đó, là mình mắc nợ người khác. Thì kiếp này tôi phải trả nợ bằng cách làm cho người ta vui, làm cho người ta khóc, làm cho người ta thấy yêu hơn cuộc sống này. Hào quang là thứ không nắm bắt được, cho nên tôi chẳng thích lưu giữ lại làm gì.

-Người xưa nói “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, anh chưa đi đến đoạn đấy, anh còn nói mạnh được. Tôi không nghĩ câu chuyện của NSND Đào Mộng Long là bi kịch của người quen được sống trong danh vọng và hào quang của ánh đèn, tôi chỉ thấy nỗi buồn đau của một người phải rời khỏi tình yêu của mình. Anh thử tưởng tượng đi, một ngày nào đó, khi anh phải rời khỏi nơi mình như con cá sống trong nước…

+Cái điều khiến tôi lo lắng nhất là, nếu rơi vào trường hợp đó, tôi có đủ tiền nuôi bản thân mình hay không? Tôi không đam mê nhiều như bạn tưởng đâu. Cụ Long đam mê nghề quá mạnh, đến mức mất hết cả tỉnh táo và quên đi mình là ai. Thế hệ các cụ, tình yêu là thuần khiết. Những nghệ sĩ lớn của thế hệ cụ Đào Mộng Long và ba tôi, họ có quyền ôm hào quang đó, có quyền kéo dài giấc mơ của mình. Vì thời điểm đó, sân khấu tử tế và quá đẹp. Còn thế hệ tôi giác ngộ chuyện này lắm. Chúng tôi kiếm tiền nhanh, nên mới ý thức mọi danh vọng chỉ là hòa nhoáng. Tôi kiểm soát rất tốt, ý thức rằng một ngày nào đó phải rời sàn diễn là chuyện hết sức bình thường. Quan trọng là còn ngày nào với sàn diễn là tôi hết mình ngày đó, tôi không vụ lợi, đổ mồ hôi công sức một cách thành thật. Môi trường sân khấu không có những ngôi sao độc sáng, mà phải có những đồng sự như cái nền, như bầu trời thì mình mới được tôn lên. Phải có diễn viên phụ rất giỏi thì diễn viên chính mới hay được. Tôi luôn tin rằng, tài của mình chỉ được nhận ra khi xung quanh là những người tài khác. Về phương diện nghề nghiệp hay tôn giáo, thì tôi đều thấy mỗi cá nhân chỉ là một hạt bụi. Có là ông Trời thì khi nằm xuống, quan tài chúng ta đâu thêm được miếng thứ 7 phải không?! Nếu có chăng, sẽ có những người cùng thế hệ với tôi, họ kể cho con cháu mình nghe: ngày xưa có nghệ sĩ tên là Thành Lộc.  Với tôi, thế là đủ!