Đi tìm “người Mandi hiện đại”

 Image

 

     Vì những hàm oan mơ hồ của lịch sử, hơn nửa thế kỷ qua trên những diễn đàn văn hóa chính thống, cái tên Nguyễn Văn Vĩnh luôn bị ngại ngùng khi nhắc đến. Năm 1999, TP HCM đã có một con đường mang tên Nguyễn Văn Vĩnh, điều này có thể xem như lời chiêu tuyết cho một trong những “người khổng lồ” của nước ta buổi đầu thế kỷ 20. Nhưng phải đến tận cuối 2013, những cuốn sách đầu tiên của ông Tổ nghề báo và ngành xuất bản ở Việt Nam, người cách tân chữ Quốc ngữ, người đem những tác phẩm văn chương quan trọng của thế giới đến đất này bằng năng lực dịch thuật kỳ diệu, nhà tư tưởng Dân chủ có tính khai sáng ở Việt Nam – mới được ra mắt bạn đọc.

 

  • Cuộc đời lộng lẫy và dị thường.

 

       Trong chuyển động kỳ thú của lịch sử, bỗng có những giai đoạn xuất hiện hàng loạt kẻ khác thường. Họ mang một mã gene đặc biệt nào đó, nhận một sứ mệnh thời cuộc mà ông Trời (hoặc có thể là một gửi gắm bí ẩn của Tiền nhân) đặt lên vai,  họ giản dị đi hết cuộc đời mình là kẻ mở đường, để khi nằm xuống họ mang theo ánh sáng không thể trở lại của một vì sao băng. Với cuộc đời bi thương, “lộng lẫy và hết sức nhiêu khê” (chữ dùng của nhà văn Vũ Bằng) – Nguyễn Văn Vĩnh là một trong những ngôi sao băng đi qua thế kỷ 20 đầy biến động của chúng ta.

   Xuất thân trong một gia đình thường dân nghèo túng, bằng con đường tự học, 15 tuổi Nguyễn Văn Vĩnh đã làm thông ngôn của Tòa sứ Lao Cai ( là viên chức trẻ nhất trong lịch sử hệ thống hành chính của Chính phủ Thuộc địa). 25 tuổi, Nguyễn Văn Vĩnh đứng đơn xin thành lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục; cùng năm ông sáng lập (và là chủ bút) “Đăng cổ tùng báo” –  tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Bắc Kỳ. Nhận thấy báo chí là con đường nhanh nhất để phổ biến Quốc ngữ và truyền bá văn minh- văn hóa, ông liên tiếp cho ra đời hàng loạt đầu báo. Cho đến khi từ giã cõi đời (ở tuổi 54), Nguyễn Văn Vĩnh là chủ bút của bảy tờ báo, có thể nói ông chính là người khai sinh ra nghề báo tại Việt Nam. Trên “Đông Dương tạp chí”, Nguyễn Văn Vĩnh nói về mục đích làm báo của mình: “Cổ động cho dân An-nam lấy văn Quốc -ngữ làm quốc văn, làm gốc nghề học”, “Phổ biến văn hóa Tây Phương, cổ động học chữ quốc ngữ, giới thiệu kiến thức thực nghiệm như canh nông, công nghệ…”. Nguyễn Văn Vĩnh đã thực hiện việc dịch các tác phẩm văn hóa từ chữ Nôm- Hán văn- Pháp văn ra Quốc Ngữ; từ Hán văn- Quốc ngữ ra Pháp văn. Là người đầu tiên dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp, Ông muốn “Người Pháp am hiểm tâm hồn người Nam và người Nam am hiểu tinh thần người Pháp”. Nguyễn Văn Vĩnh cũng là người VN đầu tiên dịch có hệ thống và có chủ đích các tác phẩm kinh điển văn học, triết học, chính trị kinh tế học của các đại danh hào và các nhà tư tưởng Pháp và thế giới ra tiếng Việt như: Balzac, Victor Hugo, Alexandre Dumas, La Fontaine, Moliere, Rousseau, Voltaire , Plutarque, Gaston Paris… Người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ là Alexand de Rhodes, sau đó những học giả như Trương Vĩnh Ký, Phan Kế Bính, Phạm Quỳnh hết lòng bồi đắp để Quốc ngữ thực sự trở thành “sinh ngữ”, nhưng đến Nguyễn Văn Vĩnh chữ quốc ngữ mới có bước phát triển đột biến trở thành ngôn ngữ văn học. Trong di sản báo chí mà Nguyễn Văn Vĩnh để lại, người ta thống kê được khoảng 3.000 bài báo. Những vấn đề ông đặt ra về về nông thôn và nông nghiệp Việt Nam, Giáo dục, khoa học,  Y tế, thể thao, Phụ nữ và giới, tư tưởng và lối sống… cho thấy khả năng phi phàm “thấy trước” của ông. Nhiều thập kỷ sau, thậm chí tới tận bây giờ các vấn đề xã hội ông đặt ra, người Việt Nam vẫn đang phải đối mặt. 

Nhà sử học, GS Phan Huy Lê nhìn nhận: “Cùng với Phan Chu Trinh, ông là Nhà Tư tưởng dân chủ có tính khai sáng ở Việt Nam. Con đường Nguyễn Văn Vĩnh lựa chọn để truyền bá tư tưởng Dân chủ là bằng văn hóa và văn học, vì vậy nó thấm sâu vào lòng người”. Năm 1926 (44 tuổi), Nguyễn Văn Vĩnh thành lập trung tâm Âu Tây Tư Tưởng, với mục đích truyền bá văn hóa- văn minh và triết học của Phương Tây để thay đổi tâm thức nông nghiệp, phụ thuộc nặng về vào Hán học của người Việt lúc đó. Trong khi “người khổng lồ” cùng thời là Phạm Quỳnh vẫn mặc áo the đoạn, chít khăn đóng, đi xe kéo tay…thì Nguyễn Văn Vĩnh “ thường mặc áo sơ mi, quần short, cưỡi xe mô tô, giao du với đủ giới, nói to, cười lớn, ưa săn bắn và có óc phiêu lưu” (Theo Nguyễn Vỹ- “Văn thi sĩ Tiền chiến”). Hẳn ông muốn khẳng định mình là “Tân Nam tử” (người nước Nam mới- một bút danh của ông) từ tư tưởng cho đến lối sống! Chủ trương xây dựng một “nước Nam mới”, Nguyễn Văn Vĩnh rất chú ý đến thông điệp chính trị- xã hội qua việc chọn các tác phẩm ông dịch sang chữ Quốc ngữ. Ông viết nhiều về sự cần thiết phải phát triển thương maị và xây dựng xã hội dân sự cho An-nam, các vấn đề về luật pháp, quốc tịch, thầu khoán, nghệ thuật dân gian đều được bàn đến một cách sâu sắc trong những bài báo của Nguyễn Văn Vĩnh. Ông chuẩn hóa ngữ pháp và chính tả Tiếng Việt,  để Quốc ngữ có thể diễn đạt được những khái niệm khoa học, kinh tế, văn chương và văn hóa một cách chính xác. Nguyễn Văn Vĩnh tự nhận mình là “người Mandi hiện đại, sản phẩm của một nền giáo dục hỗn tạp và khiếm khuyết”. Thôi thúc đau đáu trong ông là làm sao có thể tạo ra một nước Việt văn minh như Châu Âu, không còn bị những dân tộc khác coi là “mọi rợ”.

Tư tưởng của Nguyễn Văn Vĩnh (xây dựng nền cộng hòa, xóa bỏ hệ thống hành chính của Triều đình Huế, lập nên một Chính phủ VN có Hiến pháp, khích lệ dân chúng đến với dân chủ và bình đẳng…), đương nhiên khiến nhà cầm quyền khó chịu. Đã nhiều động thái mang tính mua chuộc được đưa ra: triều đình Huế tặng thưởng Kim Khánh và đề nghị ông giữ chức Thượng Thư, Chính phủ Pháp hai lần tặng Bắc Đẩu Bội Tinh – nhưng Nguyễn Văn Vĩnh đều khẳng khái từ chối. Để ông “tiệt đường”, chỉ có giải pháp ép Nguyễn Văn Vĩnh phải phá sản, đóng cửa những tờ báo- nhà in- hội quán của ông. Nhà cầm quyền đã làm điều ấy. Tháng 3.1936 Nguyễn Văn Vĩnh phải chia biệt thân quyến để sang Lào đi đào vàng trả nợ. Hai tháng sau, một đêm mưa người ta thấy ông tím tái trên chiếc thuyền độc mộc giữa dòng Sê-pôn, tay vẫn nắm chặt quản bút và một cuốn sổ, 11 kỳ phóng sự “Một tháng với những người đào vàng” của ông còn đang in dở trên báo  L’Annam Nouveau (tờ báo tiếng Pháp do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút). Con người có cuộc đời lộng lẫy và dị thường  ấy đã có kết cục bi thảm như thế.

  • “Ông nội tôi thật sự là Ai”?

  Di sản tinh thần của Nguyễn Văn Vĩnh tản mát trên những tờ báo giai đoạn thuộc địa. Chưa từng có một quyển sách hay công trình nghiên cứu nào về tầm vóc của ông trong lịch sử văn hóa thế kỷ 20. Năm 2007, bộ phim tài liệu- chân dung mang tên “Mạn đàm về người Mandi hiện đại”  về học giả Nguyễn Văn Vĩnh gây xôn xao trong giới văn hóa. Phim mang nhiều nghĩa tư liệu gia đình, tác giả là ông Nguyễn Lân Bình – người cháu nội của cụ Vĩnh – thực hiện cùng đạo diễn Trần Văn Thủy. Phim chiếu phạm vi rất hẹp, ở vài trường đại học và Viện nghiên cứu, dăm chục  nhóm nhỏ những người có quan tâm đến xem tại tư gia của ông Bình. Bẵng đi cho đến cuối 2013, ngành xuất bản có một sự kiện: “Nguyễn Văn Vĩnh là ai?”, “Lời người Mandi hiện đại”, “Parole du barbare moderne” – những quyển sách về Nguyễn Văn Vĩnh lần đầu tiên được đến với độc giả. Chủ biên của bộ sách này vẫn là Nguyễn Lân Bình, những lời chia sẻ của ông Bình tại buổi ra mắt sách có nhiều nghẹn ngào tâm trạng mà niềm vui không phủ được hết nỗi buồn.

Nhà riêng ông Bình thanh bạch, phòng khách cũng là phòng thờ, trên tường là dãy ảnh cụ Vĩnh và những người vợ (ai cũng đẹp) cùng 14 người con khả ái mặt mũi sáng ngời. Bộ tràng kỷ bằng gỗ quý có bút tích của cụ Nguyễn Văn Vĩnh được khảm trai cầu kỳ, thời gian đề dưới bài thơ nhỏ và chữ ký của cụ Vĩnh là năm 1919. Đây là di sản bằng vật chất duy nhất của cụ Vĩnh được truyền lại cho con cháu. Nguyễn Lân Bình là con trai ông Nguyễn Dực, thứ nam của cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh gia tộc đã sa sút và chịu nhiều mặc cảm, ông Bình luôn bị ám ảnh bởi sự im lặng lạnh nhạt của bố và các bác mình khi nhắc về ông nội. “Suốt thời thơ bé của tôi không có câu chuyện kể nào về ông nội. Ngày giỗ ông tôi hàng năm diễn ra rất chua chát, mẹ tôi phủ một tấm vải lên ban thờ, bày chén nước trắng, bát gạo, ít hoa quả, rồi cha tôi mở tủ lấy ảnh của ông bà, bày ảnh ra và thắp hương. Hết ngày giỗ, ảnh ông bà tôi dọn lại cất vào tủ, trong gia đình những người chú bác của tôi cũng không ai dám treo ảnh ông nội. Trong lòng đứa bé đang lớn không khỏi đau xót phân vân, tôi có xin cha cho biết về cuộc đời và mộ phần ông mình. Lần nào cha tôi cũng im lặng. Cho đến khi đọc sách giáo khoa văn sử cho học sinh phổ thông, sách ghi “Nguyễn Văn Vĩnh là bồi bút, tay sai của Pháp”, tôi mới hiểu vì sao cả gia tộc mình đã chọn sự tránh né, lạnh nhạt, thậm chí gần như muốn quên đi về ông nội. Mọi người đã chịu quá nhiều thống khổ khi là “hậu duệ của kẻ bán nước”, nhiều người ly tán vĩnh viễn, có người đi tù gần 20 năm, tổn thương từ quá khứ hiện diện trong từng gia đình nhỏ. Những muốn có câu trả lời minh bạch “ông nội tôi thật sự là Ai?”, năm 2004 tôi bắt đầu công việc đi tìm tư liệu về Nguyễn Văn Vĩnh, hoàn toàn không có định hướng về con đường mình đi…”.

Bước ngoặt xảy ra vào ngày ông Bình đọc được mẩu bình luận trên một trang báo nước ngoài, họ nhận xét cách nhìn của Việt Nam đã công bằng và tiến bộ hơn, chứng minh qua việc học giả Nguyễn Văn Vĩnh được đưa vào “Từ điển Việt Nam Văn Học bộ mới”, Huệ Chi là tên người biên tập phần về Nguyễn Văn Vĩnh. “Tôi lập tức đi tìm cô Huệ Chi để bày tỏ lòng biết ơn với một người đã nhìn nhận tích cực về ông mình. Gặp, tôi mới biết người đó là Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, con trai cụ Nguyễn Đổng Chi. Anh Huệ Chi cũng không biết nhiều hơn tôi về cụ Vĩnh, nhưng anh đã khẳng định cho tôi niềm tin về nhân cách và tâm hồn của ông nội mình. Chi tiết quan trọng nhất là anh Huệ Chi hỏi, “Con cụ Vĩnh còn những ai?”, tôi đếm ngón tay kể ra. “Vậy Bình phải ghi ngay lại câu chuyện về những người này! Họ không còn mấy nữa đâu, nếu xa xôi tôi sẽ đi với Bình”. Từ gợi ý của anh Huệ Chi, tôi bắt đầu quay video tư liệu, ghi lại những câu chuyện về và tâm sự của các bác tôi” – ông Bình nhớ lại những manh mối đầu tiên của con đường đi tìm dấu vết người ông nội chưa từng gặp.

   Thực ra trước Nguyễn Lân Bình, đã từng có 2 người con trai của cụ Vĩnh là ông Nguyễn Phổ và Nguyễn Kỳ bỏ suốt 20 năm trời cùng toàn bộ gia sản cho việc sưu tầm tư liệu về Nguyễn Văn Vĩnh. Hai người bác đã trao cho Nguyễn Lân Bình thành quả những cố gắng tuyệt vọng của họ, với lời dặn: “Cháu phải đi tiếp, không thể để đứt quãng công việc này. Ngoài gột rửa danh dự cho dòng tộc, còn một giá trị khác lớn lao hơn: trả lại cho lịch sử một sự thật!”. Di sản được trao truyền tới tay ông Bình là khoảng 100 bài báo của Nguyễn Văn Vĩnh. Nhưng các tư liệu đó đều không có nguồn gốc và thiếu căn cứ (để xác nhận là của cụ Vĩnh viết ra, in ở đâu, thời điểm nào), nên gần như chỉ có giá trị kỷ niệm mà không sử dụng được cho mục đích trị khoa học. Lần ngược lại bóng đêm và đám rối của quá khứ, ông Bình mất gần 10 năm để hồi phục chân dung tinh thần của Nguyễn Văn Vĩnh. Năm 2007, bộ phim tài liệu “Mạn đàm về người Mandi hiện đại” được thực hiện, bắt đầu từ những thước phim tư liệu ông Bình tự ghi hình ruột thịt mình bằng camera du lịch. Đạo diễn Trần Văn Thủy cùng ông sang tận Sê-pôn (nơi cụ Vĩnh đi đào vàng và bị chết trên sông), kinh phí làm phim từ thuê máy móc thiết bị, thuê nhân sự (người quay phim, âm thanh, ánh sáng), chi phí xe cộ đi lại…là một cố gắng kinh hoàng đối với gia cảnh thanh đạm của vợ chồng ông Bình. Chạy vạy đừng đồng, 24h mỗi ngày kể cả khi ngủ chỉ một ám ảnh duy nhất trong đầu ông Bình: phải phục dựng lại chân dung xác thực về Nguyễn Văn Vĩnh. “Một năm làm phim, 1.500 phút bản quay, chúng tôi dựng thành 4 tập phim 215 phút. Nhiều người đã khóc khi xem phim, nhiều người nói rằng họ được đánh động một cách sâu sắc. Nhưng “Mạn đàm về người Mandi hiện đại” mang lại hiệu quả lớn hơn tôi chờ mong, là sau đó những người có manh mối về Nguyễn Văn Vĩnh ở trong và ngoài nước đều tập trung tư liệu gửi về cho tôi. Tôi nghĩ may mắn đó là nhờ vong hồn linh thiêng của tổ tiên đã dắt chúng tôi đi con đường cần phải đến”- ông Bình xúc động nhớ lại. Ông Bình còn là admin, người viết, biên tập viên (duy nhất) của website chính thức về Nguyễn Văn Vĩnh (www.tannamtu.com). Bất cứ trường Đại học hay tổ chức nào có nhu cầu nghe và biết về học giả Nguyễn Văn Vĩnh, ông Bình lập tức mang sách, mang phim và tất cả nhiệt huyết của mình lên đường.

 Theo như công bố trong phụ lục tập 1 “Lời người Mandi hiện đại”, thì bộ sách sẽ gồm 14 tập, được phân chia khoa học theo các chủ đề: Phong tục và thiết chế người An-nam, Nguyễn Văn Vĩnh với các vấn đề giáo dục, Báo chí- nhà in- văn học- ngôn ngữ và lời nói, Đời sống sinh hoạt và các vấn đề về phụ nữ, Vai trò của tri thức, Kinh tế- tài chính-ngân hàng- tiền tệ- lương và các vấn đề thuế, Tập quán- phong tục và tôn giáo của người An-nam… Đứng vai trò chủ biên của bộ sách, quá nhiều áp lực đặt lên vai ông Nguyễn Lân Bình: “Khó khăn về tài chính còn có thể tháo gỡ, thử thách đáng sợ nhất là việc biên tập và tìm người dịch (vì gần 500 bài báo của Nguyễn Văn Vĩnh sẽ in trong bộ sách đều được viết bằng tiếng Pháp) – phải gọi là khó vỡ mặt! Bởi người dịch phải hội đủ các yếu tố: dịch giỏi, có uy tín trong giới văn hóa, có tâm huyết với công trình Nguyễn Văn Vĩnh”. Cuối cùng, ông Bình đã có được sự xúm tay của các dịch giả hàng đầu như: Trần Thị Băng Thanh (Hán văn), Dương Tường, Châu Diên, Nguyễn Như Phong (Pháp văn)…

  Đã đi ra khỏi mục đích tìm lại danh dự cho dòng tộc,  Nguyễn Lân Bình đau đáu: “Nguyễn Văn Vĩnh luôn muốn bằng mọi giá phải có sách cho dân đọc, hẳn ông kỳ vọng thông qua sách vở cùng với tính bản thiện của con người, sớm muộn cũng làm lay động được lối suy nghĩ của con người Việt Nam thời ông tồn tại. Cả cuộc đời ông đã lao tâm khổ tứ với lý tưởng này, chưa một phút giây nào ông từ bỏ lý tưởng của mình. Tôi tha thiết thật nhiều độc giả hôm nay được tiếp xúc với tinh thần và tư tưởng của Nguyễn Văn Vĩnh, để đánh thức kiêu hãnh và đức hiếu tri trong người Việt”.

  GS Nguyễn Huệ Chi có lần bức xúc: chẳng biết vì “hù dọa” nào khiến ta không dám gọi Nguyễn Văn Vĩnh là nhà yêu nước? Còn nhà sử học Dương Trung Quốc thì nhìn nhận thẳng thắn: “giới sử học đã có một khuyết điểm lớn là bỏ qua rất nhiều những vấn đề của lịch sử, chúng ta chỉ muốn lịch sử như chúng ta muốn, chứ không phải là lịch sử như chúng ta có”. Không biết đến bao giờ, trong những giáo trình chính thức về văn học sử giai đoạn đầu thế kỷ 20, Nguyễn Văn Vĩnh mới được nhắc đến như một nhà văn hóa lớn, người có công khai trí kiến quốc, người phụng sự  đất nước bằng lý tưởng thiêng liêng và một tình yêu riêng biệt?! Lịch sử xét cho cùng là cuộc đối thoại sự thật không ngừng giữa hiện tại và quá khứ. Và khi chúng ta cố gắng tiến đến gần sự thật, thì đó chính là thái độ tôn trọng nhất dành cho lịch sử.

 

BOX 1:

Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh là một sự nghiệp toàn diện đến kỳ diệu và ở lĩnh vực nào ông cũng đạt được đỉnh cao. Sinh thời, Nguyễn Văn Vĩnh đã tự đặt cho mình hiệu danh là Tân Nam Tử, tức Người Việt Nam mới, đến nay, sau gần 100 năm, con người đó vẫn là một con người rất mới. Ông đã để lại cho chúng ta không phải chỉ là những di sản lớn về văn hóa mà ông còn để lại một bài học lớn về việc xây dựng một con người Việt Nam mới” (Nhà văn Nguyên Ngọc).

BOX 2:

“Nước Nam ta sau này, hay dở cũng ở như chữ Quốc ngữ.

…Cái hạnh phúc ấy, cái điềm hay cho hậu vận nước Tổ- Việt ta ấy, là nhờ ở chữ quốc ngữ. Chữ đâu mà hay thay! Mà dễ đọc thay! Gốc hai mươi ba chữ, năm dấu soay vần, mà tiếng nước Nam bao nhiêu cũng viết được đủ….Nhưng ngặt vì một nỗi; chữ thì dễ đọc, ai cũng biết rồi; nhưng lấy sách đâu mà đọc. Hết Cung- oán đến Truyện- Kiều, bất quá được vài mươi quyển, người đọc nhanh ra không đầy ba ngày hết sách.

Bởi thế chúng tôi mới in ra bộ sách này gọi tên chung là bộ “Sách –ngoài-dịch-nôm”, cứ mỗi tuần lễ in ra một quyển, bán cực rẻ, để cho sách quốc ngữ mỗi ngày một nhiều ra, và người có kẻ nghèo, ai ai cũng mua và xem được.

Hết pho Tam-quốc-chí này lại in tiếp ngay pho khác, bất cứ truyện, tuồng, ca, rao, thơ, phú, cách trí, triết học, lý họa, sử học, địa dư học, chính trị học, lý tài học, sách nào hay, có ích thì chúng tôi cũng in tất cả vào bộ này”

 (Nguyễn Văn Vĩnh – trích lời mở đầu cho bộ “Sách ngoài dịch nôm”. Quyển đầu tiên trong bộ này là “Tam quốc chí diễn nghĩa”,  do Nguyễn Văn Vĩnh và Phan Kế Bính dịch từ Hán văn ra Quốc Ngữ, là bản dịch tiếng Việt đầu tiên của tác phẩm này, xuất bẳn 1909 tại Hà Nội).