Kẻ ma mãnh ngây thơ

Đạt zồ

1

Xưởng điêu khắc của Đinh Công Đạt nằm ngoài đê An Dương, Tây Hồ – tuềnh toành như cái lò gạch trong truyện ngắn của Nam Cao. Dưới bụi chuối lá cao bất thường, ngổn ngang những tượng nhân mã dở dang, chồi cùn rế rách, cưa đục bào, những mẩu gỗ nham nhở và mành tre. Đạt giống một bác thợ cả, quần áo dính bê bết sơn, đang ngồi lẩn mẩn đóng cái chốt đinh vào một miếng gỗ trông hết sức kỳ quặc, (và chẳng lạ gì nếu dăm bữa nữa, ta thấy miếng gỗ ấy được treo trong một không gian “rất art” với giá đắt kinh người). Khách hắt hơi loạn xạ bởi mùi sơn và bụi gỗ, Đạt chạy vào nhà móc ra một cái khăn lụa cashmere dệt thủ công của Hermès, bảo: “xỉ mũi vào đây tạm này, xưởng toàn đàn ông không có khăn giấy”.

   Lác đác trong xưởng vẫn thấy kiến, nhện, mặt nạ âm- dương, gà bồi giấy… những thứ làm nên tên tuổi “nhà điêu khắc Đinh Công Đạt”. Suốt hàng thập kỷ nay, hệ thống các trường Mỹ Thuật nước nhà đào tạo ra toàn các nhà điêu khắc ưa to tát. Không tượng đài thì cũng tượng vườn, tượng công viên, hoặc chí ít cũng tượng người. Đến Đinh Công Đạt, thì kiến – cua – châu chấu – sên – cóc – cá sấu – chó – lợn – gà…trở thành hình tượng nghệ thuật. Đạt chỉ làm những thứ vớ vẩn đó, đến hơn chục năm, trên đủ các chất liệu gỗ- gốm- sắt – bồi giấy (à, phải nói thêm là trước Đinh Công Đạt, không ai hình dung có thể đưa chất liệu giấy báo cũ vào nghệ thuật điêu khắc ở Việt Nam), tốn hàng chục triển lãm trong và ngoài nước, trở thành có “thương hiệu”. Mỗi tội chẳng bán được đồng xu nào! Họa sĩ muốn sống thì phải bán được tranh được tượng, nhưng Đạt nhất định không chuyển sang điêu khắc “món khác”, lý do chỉ là “làm bọn đấy thích mà!”. Nhưng rồi Giời thương, đến lúc Đạt cũng hết đận tài sản chẳng có gì ngoài mặt nạ, kiến và nhện. Côn trùng hay động vật đều bán ầm ầm, “thanh khoản” tốt đến nỗi tới bây giờ người ta vẫn đặt anh làm tiếp, điêu khắc của Đạt dần được sử dụng như một thứ décor cao cấp. Đạt thường nhún vai khi bị “tỉ đểu” là anh thương mại, – “thì vẫn là cái lũ đó, ngày xưa các ông chê không có giá trị thương mại đó thôi! ”

Nhưng điêu khắc (hay bọn côn trùng) chỉ là một góc dễ hiểu của Đinh Công Đạt. Con người nghệ sĩ của anh cần một cách biểu hiện tự do và đa ngôn ngữ hơn. Trong sự phát triển của mỹ thuật đương đại ở Việt Nam, Đinh Công Đạt là một trong những người làm nghệ thuật ý niệm (Conceptual Art) đầu tiên. Chỉ có giấy báo cũ và hàng chữ số 1212, thế mà Đạt làm đủ loại triển lãm và sắp đặt ở Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp…Những căn phòng “newspaper no meaning” hay các bức tường chỉ lặp đi lặp lại một dãy số 1212 ám ảnh như một sự vô nghĩa tuyệt đối, một nỗi trống rỗng đến man rợ mà chúng ta đâu đó trong đời hẳn từng có lần rơi vào. (Cái dãy số ấy, được Đạt giải thích là… số hiệu trung đoàn pháo cao xạ của anh).

Nhưng dù sao thì tạng chất của Đinh Công Đạt cũng không phải là phản kháng (hoặc anh chẳng cố gồng lên để “phản biện” hay “cởi trói” như số đông). Đạt nói, “Đương đại, nó là tinh thần chứ không phải là thể loại, nó ứng với mỗi người chứ không có công thức chung. Phản kháng chỉ là một thái độ, chứ không phải là ứng xử tiêu biểu, càng không phải là duy nhất của nghệ thuật tạo hình. Tôi chẳng có gì xấu hổ hay thấy mình thấp kém khi cứ mộc mạc hồn nhiên”.

2.

 

Đinh Công Đạt hiện là Windows Designer người Việt duy nhất của Hermès – nhãn hiệu xa xỉ nhất thế giới. Tinh thần để Hermès trở thành một đế chế quyền lực suốt 2 thế kỷ qua, là sự tôn vinh sáng tạo và tay nghề hoàn hảo của nghệ thuật thủ công. Cứ 3 tháng một lần, Đinh Công Đạt thực hiện một window dislay (cửa sổ trưng bày) cho Hermès, việc ấy anh đã làm trong suốt 6 năm nay. Giữa không gian xa hoa của Hermès, Đạt sẽ đặt dấu ấn của mình vào đó, cực kỳ Việt Nam. Bữa tôi đến xưởng của Đạt, anh đang cùng thợ chuốt và sơn một cái chạn tre sang màu xanh ngắt, và phát điên lên để tìm một sắc tím “không có trong bảng màu nào” cho đám mành trúc ngổn ngang trong sân. Rồi túi Birkin sẽ đặt trên những cái đôn tre, khăn lụa Carré sẽ vắt ơ hờ trên những mây với trúc ấy, nhuyễn mượt như không- đơn giản và đầy tôn vinh. “Hermès đã dạy tôi điều này: bạn làm cái gì không quan trọng, cuối cùng phải là thái độ và ý thức. Nghĩa là, hãy luôn thôi thúc mình còn có thể làm tốt hơn được không?! Nếu còn tốt hơn được, hãy làm ơn dỡ ra mà làm lại. Như vậy, việc tôi dùng chất liệu là vàng, bạc, giấy, hay tre nứa…cho Hermès đâu còn là chuyện quan trọng. Mà thái độ của tôi, thẩm mỹ của tôi, sự hết lòng hết mức có thể – mới làm nên giá trị”. 6 năm nay, những “cửa sổ” của Hermès lặp đi lặp lại câu chuyện Việt Nam, chất liệu Việt Nam. Và Đinh Công Đạt – người kể chuyện đầy kiêu hãnh và biến ảo, lúc tối giản, lúc tối đa, lúc nhẹ nhõm tươi tắn, lúc thô ráp…thường đưa những “mạch chuyện” của mình trở về truyền thống. Lời xưa cũ lại là lời tinh hoa!

Trong khu vực thời trang cao cấp, nghệ thuật điêu khắc và tinh thần đương đại của Đinh Công Đạt có đủ đất để tung tẩy, anh còn làm window display cho Milano, Luala, Tân Mỹ, Thủy Design House…. Tôi có chơi với hai kẻ giá đắt như “cắt cổ”, là đạo diễn Việt Tú và Đinh Công Đạt! Thế nhưng hai “cỗ máy chém” ấy xua đi không hết việc, một tháng Việt Tú có thể chạy gần 20 show, cái nào cũng bự! Còn Đạt, quanh năm tứ mùa sống với một đống deadline đổ lên đầu –mỗi lần gặp đều nghe anh than vãn một câu quen đến phát ớn: “đang hôn mê! Sắp bị việc đè chết rồi!”. Hỏi Đạt, “Có cần đến nhiều tiền thế không?”. Đạt bảo, “Đó không phải chuyện tiền. Mà là niềm vui! Khi những thứ xinh xẻo đẹp đẽ cứ tòi ra dưới tay mình, có thể dừng việc ấy không, có thể không cố gắng không? Nếu rời khỏi công việc – tôi rất chán”. Và mỗi lần bạn bè gặp đau khổ (vì bị phụ bạc hay cô đơn, hay vỡ nợ…) thì Đạt chỉ có một mẫu câu an ủi duy nhất: “Làm việc đi, sẽ không có thời gian để mà buồn chán hay hư hỏng đâu mày!”.

Đinh Công Đạt chẳng mảy may ngại ngùng khi ai đó gọi anh là thợ, thậm chí còn lấy làm sung sướng. Anh luôn tự hào là mình có kỹ năng, đức thu va hà vén, tính chăm chỉ cần mẫn của một người thợ thủ công. “Những phẩm chất đấy là báu vật của tôi”. Đạt có tay nghề tài khéo của một nghệ nhân dân gian, anh làm đồ gỗ, sơn mài, gốm, mặt nạ và diều giấy, vẽ hoa tiên…với chuẩn mực kỹ thuật cổ truyền và tinh thần đương đại. “Cứ kỹ lưỡng tỉ mỉ, duyên dáng hồn hậu được như ông bà chúng ta đi! Cả đời người chưa chắc đã đạt được đến nghệ thuật ấy, cái Đẹp ấy…”. Và vì lòng yêu dấu, những tre – nứa – lụa- gỗ – giấy…thuần chất làng quê Việt Nam luôn được Đinh Công Đạt nâng niu và tôn vinh, kiêu hãnh và không chút mặc cảm – trong những không gian đương đại xa xỉ mà anh thiết kế.

3.

   “Bản chất của Nghệ thuật là sự trung thực, yêu hay ghét đều phải đúng với từng tế bào của mình, là mình!”. Nếu đúng như Đinh Công Đạt nói, thì “lõi” của anh không phải là gã đàn ông vừa nham nhở vừa nanh nọc, cư xử luôn cố tỏ ra tàn nhẫn và ma mãnh. Mà sâu thẳm trong anh hẳn là một đứa trẻ ngơ ngác không chịu lớn, vừa hồn hậu ngây thơ, vừa buồn bã điên rồ. Đạt điêu khắc côn trùng, làm búp bê, đóng những chú chó gỗ ngựa gỗ…có gì đó thân thuộc và cảm động đến chảy nước mắt, vì người ta buộc phải nhớ về một món đồ chơi cũ kỹ mình từng gắn bó suốt tuổi thơ. Những món đồ mang “tính người” không thể còn tìm thấy, trong thế giới hiện tại đã bị ngập tràn đồ chơi Made in China.

Đạt bảo chẳng bao giờ anh xấu hổ vì mình chuyên trị làm những thứ li ti lắt nhắt, không có gì sâu cay u uất đại sự mà thường “hand-made” kiểu đàn bà trẻ con. Vì người lớn nào cũng vẫn có một đứa trẻ trú ẩn trong mình, mỗi tội họ có lắng nghe thấy tiếng nói của Nó hay không thôi. Đạt vẫn có kết nối với đứa trẻ ấy, nó trò chuyện và an ủi anh hàng ngày, nó làm anh vui thích và hớn hở “như một thằng rồ”. Thế giới đồ chơi chính là giấc mơ tiếp tục của đứa trẻ trong gã đàn ông nhàu nhĩ ấy.

Kể đến đây, Đạt bỗng ắng lặng, như thể đang cố nuốt một cục hóc. Rồi anh bảo, “Tôi cũng hèn! Chẳng đủ nhẫn nại, chẳng đủ hy sinh và dấn thân cho tình yêu của mình. Cách đây vài năm, tôi định làm 200 món đồ chơi cho trẻ con(thực tế là đã làm xong khoảng 60 món), bày khắp hang cùng ngõ hẻm trên đất Việt Nam. Rồi tôi sẽ đi hỏi những kẻ làm bố làm mẹ: các anh/chị nghĩ gì khi nhìn bọn trẻ chơi những món đồ chơi này? Sao anh/chị không để thời gian và tình cảm làm đồ chơi cho con mình như ngày xưa chúng ta đã được ông bà- bố mẹ làm cho? Một con búp bê nhem nhuốc mẹ khâu từ vải vụn, một con chó được bố đẽo từ khúc gỗ thừa, đều có thể thiêng liêng như cái chén thánh trong đời một đứa trẻ – người lớn có biết thế không?. Nhưng dự án giản dị đến phát khóc này đã dừng, không phải vì tôi sẽ đi tong 2 năm hay vài trăm triệu. Mà là nếu làm tiếp, tôi buộc phải bước sang một Canh khác, trong khi đời sống của mình chưa sẵn sàng…”.

Những món đồ chơi lẻ đàn ấy tới giờ vẫn còn trong xưởng của Đạt, lẫn với bụi gỗ và đồ đạc đồng nát. Thỉnh thoảng Đạt lại bới ra một con mang đi bán, giá ít nhất 2.000 USD. “Những người lớn chịu giá đắt như thế, vì họ mua một giấc mơ tuổi thơ nối dài”- Đạt phẩy tay giải thích.

Còn giấc mơ của chính Đinh Công Đạt là gì? “À, về già nếu không bị lẫn, không bị tay run do parkinson – tôi sẽ ngồi khâu búp bê. Rồi chất đám đồ chơi của mình lên xe đạp, đi lòng vòng Bờ Hồ bán. Tôi sẽ dùng tiền bán búp bê để mua rượu vang thật ngon”.

Tôi nhớ cuốn sách mà mình tình cờ tặng Đinh Công Đạt, trong lần gặp đầu tiên bắt đầu cho một tình bạn. “Alexis Zorba, con người hoan lạc” – Đạt như một phiên bản muộn của gã Hy Lạp tay chơi ấy, nỗi buồn hay sự cay đắng chỉ có giá trị giễu nhại để những niềm vui trần thế trở nên sâu sắc tuyệt vời hơn, phóng dật và ngon miệng hơn khi anh thưởng thức nó. Và tôi thầm nghĩ, vào một quãng thời gian xa lắc nào đó của tuổi tác, mấy đứa đàn em bọn tôi (tóc đã bạc) sẽ ngồi cùng Đạt uống rượu vang hảo hạng và ngắm sen tàn trên Hồ Tây “đẹp đến đau đớn”. Và người đàn ông có thể vẫn còn Rồ Dại ấy sẽ bảo: “Đời vui mà!”.

Trang!

Tôi chỉ kể về Trang, người đồng nghiệp kì dị và yêu dấu của tôi. Người hiếm khi hiện tên đầy đủ trên mặt báo, vì các loạt bài điều tra tầm vóc của cô ( từng đoạt nhiều giải thưởng báo chí) thường chỉ ký một bút danh phiếm chỉ: “Nhóm phóng viên”!

 

 TRang

Tôi nghĩ Trang là một điều khó chịu của báo Phụ Nữ. Cô không phải chịu định mức bài vở và các ép buộc về thời sự như những phóng viên khác. Có những tháng, Trang mất tích (theo đúng nghĩa đen của từ này) trong mọi hoạt động liên quan đến tòa soạn, chỉ với lý do lãng nhách: “em không cố làm được gì, dù chỉ là một bài báo còi!”

Tôi nghĩ Trang là niềm tự hào đặc biệt của báo Phụ Nữ. Cô can đảm và trung thực, những đề tài điều tra của Trang là độc nhất vô nhị, khó điên người và quan trọng là luôn có tác động xã hội. Ở Trang luôn ngùn ngụt ngọt lửa dấn thân, can đảm phụng sự cho lẽ phải và sự thật. Chúng tôi nhìn vào người đồng nghiệp luôn độc hành ấy để thấy kiêu hãnh về lý tưởng và nghề nghiệp của mình – (dù rằng tinh thần ấy đã mai một ít nhiều trong đời sống báo chí hiện tại).

Trang bước vào nghề báo đã sang năm thứ 12, trước đó cô có mở một trường mầm non nhỏ xíu ở nhà. Khi bước vào nghề, Trang không dắt lưng một mẩu kiến thức nào về phỏng vấn, điều tra, giật tít, theo đuổi nguồn tin hay lựa chọn lát cắt sự kiện….(những kỹ thuật cơ bản mà các phóng viên được nhét đầy đầu trong trường Báo Chí). Cô chỉ có một lòng háo hức kỳ lạ và độ liều lĩnh hiếm thấy. Những bài báo khởi nghiệp của Trang mà tôi nhớ, là “úp sọt” một cán bộ Quận Thanh Xuân ăn tiền của dân, và vạch mặt một vị Chánh Án ở Bắc Ninh tống tiền đương sự. Cả 2 bài báo đầu tay ấy Trang đều nhập vai dân đen đi “chạy trọt”, chỉ nghe rải băng những đối đáp với kẻ công quyền – đã là cả “tấn trò đời” với biết bao nhức nhối, nực cười và căm giận. Cái cách xuất hiện của Trang trong bài viết, như một thứ giấy thử làm nổi màu những nhân cách tha hóa, đã cho tôi một hình dung thú vị về con đường dấn thân của người làm điều tra thực thụ.

Ở bất cứ đâu, việc gì khó nhất – xa nhất – nguy hiểm nhất, thì Trang xung phong đi và làm. Có lần đi công tác về sau một trận lũ quét, Trang ngồi gõ bài mà run bần bật, mặt mũi tái ngắt đau đớn kích động và thất thần. Cô bảo, “em vừa dùng tay bới người chết. Những người trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, vậy mà khi em bới họ ra, tất cả đã bầm dập rồi…”. Có những phóng viên tác nghiệp phải là điều kiện “salon máy lạnh”, với Trang là những chuyến phi xe máy đường trường giữa đêm khuya, giấc ngủ thắc thỏm trên xe đò, hoặc bó gối ngồi qua ngày bên một vạt núi lở chờ thông đường. Trang lặn lội tới những xứ sở không có đường ô tô hiện diện, cô sẽ nhảy xuống bắt xe ôm đi tiếp. Và rồi, đến cả đường mòn cũng không còn, thì cô sẽ cuốc bộ đi xuyên qua từng quả núi hay vạt rừng, như một nhà thám hiểm quyết đi đến tận cùng nỗi đau khổ và oan ức ở những ốc đảo tăm tối tách biệt hẳn với văn minh. Dù ở nơi thâm sơn cùng cốc hay giữa lòng Hà Nội, Trang đã lần theo dấu những án oan, hoặc những vụ thảm sát cả gia đình để bắt cóc trẻ con đem bán, hoặc vạch mặt một thiếu gia con quan chức lộng hành như Cậu Giời, hoặc giải cứu những cô gái Miền Tây bị chuyển bán ra Bắc cho một động mại dâm, hoặc cứu mạng cuộc đời của một bé gái 4 tuổi bị gã bố nuôi bệnh hoạn tra tấn em hàng đêm như thời Trung Cổ…

Ngoài những kỹ năng của một cây điều tra viết điều tra lọc lõi, Trang thường bám theo linh cảm và sự ngang bướng của chính mình. Cùng tấm lòng biết phẫn nộ trước những điều khốn nạn và phi nhân đang ăn hiếp, lừa gạt, trục lợi trên những thân phận thấp cổ bé họng. Thực ra trong nghề báo cũng đâu ít người giữ được sự phẫn nộ ấy! Nhưng nếu phải đánh đổi an toàn của mình, hoặc quá vất vả cực nhọc, hoặc được đổi chác từ những thỏa thuận sinh lợi – thì nhiều người có thể chọn im lặng, và Sự Thật vĩnh viễn câm nín như một nấm mồ. Nhưng Trang thì khác, cô sẽ đi đến cùng những gì mình tin với lương tâm trong sạch và lòng trung thực. Bất chấp an nguy của chính mình, và không xao động trước mua chuộc.

Phía sau những bài báo của Thu Trang, đã có những số phận thay đổi hoàn toàn, những con người được cứu sống hoặc làm lại cuộc đời. Và ngay cả khi bài báo đã in xong, những câu chuyện kể trên mặt báo cứ sóng sau đè sóng trước, bạn đọc cũng đã quên – thì Trang vẫn chưa nỡ chia tay những nhân vật của mình. Vì họ khổ quá, nếu cô buông tay có thể họ sẽ phải quay lại nơi tăm tối mà cô vừa đưa họ ra. Nên Trang đành đi tiếp, như chị, như mẹ, như cha…để tìm cơ hội sống và học hành cho những đứa trẻ hoặc mồ côi, hoặc cha mẹ tù tội, hoặc thân thích còn lại của đứa trẻ ấy cũng đang tận khổ. Trang nghèo, nhưng cô hào hiệp và rộng lòng, ngay kể cả còn vài chục ngàn trong túi cũng sẵn lòng vét hết đưa cho nhân vật mình vừa phỏng vấn (để họ lo tạm ngày gạo và có gì đấy cho bọn trẻ ăn uống). Chẳng ai như cô, đi vào trại giam viết bài về tù nhân nữ. Mủi lòng vì họ nhớ thương con bơ vơ ngoài đời, sau đó cô tìm mọi cách để đưa những đứa con đi gặp mẹ. Rồi đi viết phóng sự về những đứa trẻ “mồ côi sống” (do cha mẹ đi tù, mất vì ma túy), sau đó “nặng nợ” đi xin học, lo học phí trang trải mấy năm cho đứa trẻ, lo xe cộ – nơi ăn chốn ở – tìm công việc để mấy chị em tạm nuôi nhau trong khi chờ mẹ ra tù. Trang viết blog, lập facebook – ở đó cô kể lại những thân phận khốn cùng mà cô gặp, những điều đau lòng và day dứt không nói hết được trong bất cứ bài báo nào. Và cô hỏi, có ai muốn cùng cô đỡ đần những thân phận ấy không? Trong suốt 8 năm qua, chỉ từ một ngôi nhà ảo của TỜ RANG (nick của cô trên mạng), đã có hàng tỉ đồng, hàng chục tấn gạo, mấy chục ngàn bộ quần áo ấm, biết bao sách vở và giày ủng…đã được thu gom và chuyển đến những em bé nghèo miền núi phía Bắc. Trên dưới trăm chuyến xe hàng cứu trợ ấy, Trang đều trực tiếp áp tải. Cô thu vén từ mua bán đồ, đóng gói, ngồi lên xe say khướt mấy trăm cây số đường núi một bên dốc cao một bên vực sâu. Rồi dỡ hàng chia tận từng đồn biên phòng, từng cụm bản, quần áo quà bánh cũng được trao tận tay từng đứa trẻ. Bao người hảo tâm suốt trong Nam ngoài Bắc, cả những Việt kiều đang sống ở nước ngoài, đều một mực tin rằng tấm lòng của họ sẽ được đưa đến tận tay những người thực sự cần, sẽ không thất thoát dù chỉ một hạt gạo. Vì Trang sẽ thay họ làm điều ấy. Tận tâm và trung thực – như cách cô đã sống và làm nghề.

Chỉ từ hồi đáp thương yêu từ cộng đồng, Trang và một nhóm bạn đã quyên góp xây dựng được khu nội trú tại huyện Điện Biên Đông- tỉnh Điện Biên. Mái ấm này đang nuôi dạy, chăm sóc khoảng gần 60 em nhỏ mồ côi và cơ nhỡ, cho các em học hành và tìm thấy gia đình mới của mình. Cứ rảnh, Trang lại chạy lên Điện Biên Đông, trồng cây trồng hoa ở sân chơi cho bọn trẻ, làm tủ sách, sửa sang những đồ đạc hỏng, mua con giống để Mái Ấm làm trại chăn nuôi cho lũ trẻ vừa được lao động, vừa có điều kiện cải thiện sinh hoạt hàng ngày. Ở đó, có những đứa trẻ gọi Trang là Mẹ.

Trang sống đầy và ôm đồm, cõng việc thiên hạ như một kẻ “thừa hơi”. Người thân của Trang có lúc tủi thân vì bị chia sẻ những chăm sóc đáng lẽ họ được hưởng trọn vẹn. Bạn bè nhiều khi khó chịu mắng mỏ cô, vừa xót xa vừa giận dỗi: “Cứ đi lo cho người khác, cái thân mình thì sao?”. Trang thường chẳng thanh minh gì, cũng không mảy may thay đổi những gì mình định làm. Cũng như cô chưa từng dừng lại khi có lời đe dọa vì cô nhúng mũi vào những khu vực điều tra nguy hiểm, “nếu làm tiếp, có thể sẽ không an toàn tính mạng”. Cũng như cô cách cô thanh thản đẩy trả những phong bì dầy cộp tiền mà “đương sự” mang đến để đổi lấy một sự im lặng. Trang, làm nghề trong sạch và “khùng điên”, bướng bỉnh cắm cúi đi hết con đường mình đã chọn, dù đầy gai sỏi.

Tờ Rang ở trên mạng có vẻ quảng giao và bặt thiệp. Nhưng ngoài đời Trang luôn kỳ cục. Cô thường âm thầm làm gì đó không ai biết, cách Trang bám theo một đề tài đang nung nấu luôn có kiểu căng thẳng của một con báo săn mồi. Tất cả mọi im lặng, tỏ ra ngơi nghỉ hay làm việc nọ việc kia, chỉ để che dấu nỗi bồn chồn khôn tả của kẻ theo dấu vết. Và cô sẽ không ngủ, quên chăm sóc bản thân, quên cả những người quanh mình, chạy xe hàng trăm cây số vào giữa đêm khuya, ăn sáng lúc 23h tối, ngủ gục vì kiệt sức trên bất cứ cái ghế nào tạm ngồi yên được hơn 10 phút…Trang cứ tàn phá mình như thế, cho đến khi có manh mối về Sự Thật. Những bài phóng sự của Trang luôn be bét lỗi ngữ pháp, cứ như ăm ắp sinh lực và ngồn ngộn chất liệu đời sống ấy là một mạch chảy tuôn trào từ bồn chồn của cô chạy thẳng ra bàn phím.

Văn phòng Hà Nội ít người, thỉnh thoảng chúng tôi phải chia nhau đi những việc ngoại giao của tòa soạn, riêng Trang được miễn nhiệm vụ lễ tân. Vì cô sẽ ngồi thộn ra, kiên quyết không mở mồm nói gì, hí hoáy nghịch điện thoại. Họa hoằn cô nói vài câu, thì nghe thường rất buồn cười và không liên quan đến buổi trò chuyện. Trang chỉ là chính mình, hớn hở, tinh khôn, đầy sức sống, bén sắc như dao – khi cô đi lên núi, lúc ngồi giữa bạn bè và người thân, khi tiếp xúc với tội phạm hoặc gặp gỡ những nạn nhân tìm cô cứu giúp. Ở vị trí phụ trách văn phòng, tôi cất giấu Trang như báu vật, và cũng như cất giấu một “cục dấm dớ” không tiện khoe khi có khách lịch sự tới nhà.

Có thể Trang may mắn khi có một tòa soạn “dung túng” và tôn trọng mọi bất kham của cô. Những gì cô dốc sức làm, báo Phụ Nữ sẽ dốc sức bảo vệ. Chúng tôi đặt lòng tin vào cô, ngay cả với những phác thảo đề tài mơ hồ và điên khùng nhất. Tôi có lần hỏi Trang, “em cứ làm như thế, vì dũng cảm hay điếc không sợ súng?”. Trang cười sảng khoái và dễ sợ như tiếng một cỗ máy nghiền đá, bảo: “Lúc đầu thì em dũng cảm thật. Làm xong, nhìn lại mới thấy mình liều như bị điếc!”.

Thật đáng yêu và lộn ruột biết bao, khi giữa những phóng viên ổn định như đàn ong chăm chỉ, thì “lòi ra” một chú bọ cánh cứng rực rỡ, nhiều sừng nhọn, điếc, thất thường và nhiều bí mật. Như Thu Trang- của- báo – Phụ – Nữ!

@@@: Tôi thích Trang với nụ cười như trong bức ảnh phía trên. Em thường cười như thế khi rất thanh thản. Hiền và mộc mạc, làm tôi thấy ấm và yên tâm lại mỗi khi lo lắng. Thì chúng ta chỉ có 1 vẻ mặt thật sự là mình, khi đối diện với những người thân yêu. Như khi Trang nhìn vào người bạn chụp cái ảnh này.

NHẠC SĨ BẢO CHẤN: Tự mình là thuốc cứu mình!

Faces - Quoc-Bao
    

     Bảo Chấn – gương mặt quan trọng của thập niên Nhạc Trẻ bây giờ đã là một ông già. Những câu chuyện về âm nhạc hay cuộc đời, qua mắt nhìn của ông đều rất yên lành và rộng lòng vị tha, nhuốm buồn nhưng không chút trách móc. Gặp Bảo Chấn, tôi không khỏi liên tưởng đến một người ngồi trên sân ga, như cái dấu chấm than lẻ loi và tĩnh lặng, nhìn những chuyến tàu cứ tấp nập ngược xuôi qua.  Bảo Chấn nói ông đang dễ chịu với cuộc sống bình tĩnh của mình. Nhưng tôi vẫn day dứt tiếc, nhưng không phải vì những cú đòn hội đồng mà ông không đến mức phải chịu. Mà tôi tiếc vì ông đã tự đóng mình lại, như cách đóng lại một kho quặng quý mà ta không mở lại được nữa… 

  • Tôi tập quen với cô độc và bị lãng quên.

-Gặp ông như thế này, thấy ông yên tĩnh với những người bạn già, tôi có cảm giác bây giờ ông đã sống ngoài những ồn ào của đời sống âm nhạc? Ông có còn tụ tập với bạn nghề nhiều không?

+Khoảng mươi năm nay tôi đã đứng tách hẳn ra những “thế sự” của giới nhạc. Đó là điều cần thiết cho tôi, để biết mình cần điều chỉnh cái gì. Những bạn bè làm nghề thì tôi vẫn gặp, nhưng là những người làm phối âm chứ không phải dân sáng tác. Cũng còn nhiều người tín nhiệm tôi, có lẽ vì ông Bảo Chấn là người làm phối âm già nhất còn lại, để biết nhạc cũ là cái gì. Cái hòa âm thời của tôi không sinh động bằng hòa âm bây giờ, nhưng tâm cảm của nó thì phù hợp với bài hát cũ, thành ra nếu mình làm mới quá thì những ca sĩ có tuổi họ không hát được. Thì người có thể biết tạng chất của thế hệ cũ, làm mới lại bài hát theo một lượng vừa độ, đủ để người ta thấy là mới nhưng vẫn an toàn trong không gian của họ, không bị lạc lõng – thì còn lại tôi. Chắc tôi chỉ có ưu điểm đó thôi.

-Gần đây ông có viết ca khúc mới không? Nhiều chương trình lớn gần đây dựng  bài của Bảo Chấn, tôi nghe cũng đều là những sáng tác của ông từ thập niên 1990s.

+Tôi có bài mới đấy. Nhưng tôi để nó phát triển tùy duyên, gặp ai đó muốn hát và mình thấy hợp, thì bài hát sẽ đến với người nghe. Bằng không, tôi để đó thôi, chẳng có gì để phải nôn nóng…

-Nhưng mình sáng tác ra mà không chia sẻ được, giống như việc câm lặng tự vùi mình trong cái hố bí mật?

+Tôi có cảm giác đó thật. Nhưng khi phải ở trong một cái hố sâu nào đó, thì bạn nên tập quen với nó, để thấy cảm giác cô độc hay bị lãng quên đều là bình thường. Anh em bạn nghề làm show vẫn dựng lại bài cũ của tôi, thì tôi cố gắng khi diễn lại cho mọi người nghe cũng phải theo tâm thế mới. Tôi không có điều kiện chọn lại những người hát đã làm nên tên tuổi của mình, cái bất lợi này hóa ra lại lợi, vì nó cho mình điều kiện thử với những bạn trẻ khác, để xem các bạn hát những bài của 20 năm trước sẽ cảm nhận nó như thế nào.

-Bảo Chấn là một trong những người mở đầu cho cảm xúc riêng tư cá nhân và lãng mạn  trong âm nhạc, sau một thời gian dài diện mạo chung của âm nhạc là xung kích chính trị. Với những người cùng thời, khúc thức và cấu trúc giai điệu của Bảo Chấn khá “Tây”, trong khi bố mẹ ông là những nghệ sĩ nổi danh của âm nhạc dân tộc (cha của Bảo Chấn là nhạc sĩ Vĩnh Phan, mẹ là nghệ sĩ cung đình Bích Liễu). Tôi băn khoăn, vì sao ông không đi theo con đường truyền thống của cha mẹ mình?

+ Cái hỏng nhất của người viết nhạc là cố phô ra chất Ngũ cung một cách ồn ào, sử dụng như cái logo để chứng tỏ ta đây bản sắc…Tôi để tâm thức tự dẫn đi, tôi thích cái dễ chịu khi tính dân tộc “bắt” rất tự nhiên với chất Tây phương. Lợi điểm của tôi là được thẩm thấu nhạc dân tộc rất kỹ, từ khi nằm trong bụng mẹ tôi đã ngấm Ngũ Cung. Chính vì nó ngấm từ trong máu như thế, nên giai điệu của tôi ít trắc trở, bởi ngôn ngữ dân tộc điều hướng cho mình. Tôi học nhạc Tây, để khi có kiến thức mạch lạc của Tây phương, mình sẽ nhìn nhạc Việt rõ ràng hơn. Tôi thích phối khí  tình cảm, đàn tranh, đàn kìm nó không chói, nó không chống lại mà hòa quyện mềm mại với nhạc cụ Tây phương. Nhạc dân tộc trang bị cho tôi nhiều thứ về tiết tấu, giai điệu để tôi áp dụng trong các ca khúc của mình.

-Ông đã từng là người được yêu chiều nhất, nhận đủ lời xưng tụng ở đúng thời vàng son của nhạc Việt. Bây giờ ông đã đi qua khoảnh khắc huy hoàng ấy rồi, cuộc sống cũng đã nếm trải rất nhiều nỗi buồn, thậm chí cả sự bị ruồng bỏ. Nhìn lại những gì đã qua, ông thấy điều gì?

+Tôi muốn để yên cho quãng bạn nói là “bị ruồng bỏ”. Giống như cuộc đời mình lúc thì ở chỗ này, lúc thì lại di chuyển đến chỗ kia, chặng đường nào cũng có giá trị riêng của nó. Lúc “hoành tráng”, tôi có mua được cái nhà rất to ở trung tâm, sau này tôi chuyển về nhà nhỏ và hẻo lánh hơn – nhìn góc độ nào đó có thể bảo là cuộc sống (vật chất) của tôi tệ đi, nhưng bản thân tôi thấy mình nên sống đúng từng thời điểm của mình. Tôi không lấy vàng son làm cái “ni” để đánh giá để mình phải buồn. Vào thời điểm chói lọi và lúc bị tan vỡ, các cảm giác tôi đã trải qua và hưởng hết rồi. Có hãnh tiến, có thất vọng. Nhưng tôi đã thoát ra, đi con đường khác rồi. Khi suy ngẫm khác đi về cuộc đời, tôi nhận ra rằng tốt nhất mình hãy để yên mọi chuyện, đừng để quá khứ cho dù là vinh quang làm ảnh hưởng đến mình suốt cuộc đời.

-Có thể bây giờ ông đã vượt qua, thì nói về chuyện cũ nhẹ nhàng như thế. Nhưng con người có cơ chế dễ quen với hào quang và sự vuốt ve, chúng ta đâu muốn tập quen và nghiện sự đau khổ?

+Tất nhiên! Không muốn quen nhưng nó vẫn tới, thì biết sao được. Hồi xưa tôi hay suy nghiệm về sự tập: tập nghe cái mình không thích và tập thích cái mình không nghe. Chuyện đời cũng vậy thôi. Bây giờ nói lại những chấn động cũ, thấy xa lắc như việc của ai đó. Nhưng tôi đã không dễ dàng và bình thường trong cả một năm đấy, tại tôi bị sóng lan tỏa của chuyện đó. Mình tôi sống thì không sao, nhưng còn gia đình, người thân, làm mình đau lắm chứ. Năm đầu rất khó khăn, đến nỗi tôi phải chuồn ra nước ngoài ở. Nhưng chính người thân trả lại cho tôi cảm giác yên ổn và thăng bằng.

  • NGười thì vẫn còn, nhưng tôi tiếc cái tình xưa.

-Ông có nghĩ những vòng sóng ồn ào rất lâu sau đó, mãi nó chưa tan và không buông tha cho ông- chỉ bởi ông đã quá nổi tiếng trước đấy. Vì nếu như ông Bảo Chấn vô danh, thì người ta chẳng đủ hả hê để nuôi cơn vùi dập ấy lâu đến thế?

+Tôi từng nghĩ như vậy, tôi thấy công bằng. Anh hưởng lúc này thì anh trả lúc khác. Giống như người vào sòng bài, anh thắng riết rồi cũng phải thua, để lại chút cho chủ sòng chứ. Về già, tôi nghiệm ra rằng mọi sự cố, mọi xáo động của cuộc đời đều có quy luật và có lý do của nó. Có vay ắt sẽ có trả, vay lớn phải trả lớn. Chỉ có cái là, tiếng tăm là điều thật sự tôi không đi tìm, nhưng mà Ông Trời cứ dúi vào tôi.

Nhưng cái mình phải cái trả cho món quà của Ông Trời- nó lại cay nghiệt quá…

+Phải vài năm sau người ta mới nói là cay nghiệt. Còn ở thời điểm bùng nổ thì họ nói là công bằng. Thì tôi cũng hiểu nó là công bằng, để các bên đều thoải mái. Tôi chỉ tiếc, đó là thời đẹp nhất, tôi có nhiều tác phẩm tốt nhất, năng lượng sáng tạo của mình lúc đó ở ngưỡng tràn trề. Thì cắt một nhát- chấm dứt luôn tất cả. Tôi không nghĩ cái dấu chấm của mình đến bằng cách ấy. Sự cố đó không thể tránh được, cái tai mình đón nhận quá trời âm thanh, nó hình thành vào vỏ não của mình, như là mình nghe dân ca vậy. Cái lỗi là mình không tiêu hóa được nó, mình phát ra nguyên si. Hồi đó anh Trần Tiến, Thanh Tùng, Quốc Bảo, Lê Quang đều bị đòn…nhưng người ta chỉ nhè mình. Không tránh được đám đông say máu đâu…

-Sau khi bị trọng thương, chúng ta thường ở trạng thái: một là tắt hẳn, hai là trở lại mạnh mẽ hơn. Ông ở trạng thái nào?

+Tôi sáng suốt, bình tĩnh và ít sân si hơn.

-Điều gì làm lành lại cho ông nhanh nhất?

+Tự mình là thuốc của mình, luôn là cách thuận tự nhiên nhất bạn ạ!

-Bây giờ thì ông thấy chuyện viết quan trọng, hay sống quan trọng hơn?

+Cả hai, nhưng tôi viết khác. Có lúc tôi trống rỗng, không để gì trong đầu nữa. Tôi cố tình để mình như vậy, chờ cho đến khi mình gặp lại cảm giác thèm làm việc- cũng mất vài năm. Tôi bắt đầu nghiên cứu nhạc phim, nhạc không lời…âm nhạc có rất nhiều ngách, mình giải trí với nó. Tôi đi qua Mỹ học tiếp, càng học càng xanh lè mặt, thấy mình là chú ếch to tướng! Đúng là mình dở hơi, thì giờ không có toàn để mất vào chuyện tào lao.

Ông im lặng rất nhiều năm, thậm chí tới giờ ông vẫn đang ngần ngừ chưa trở lại với giới nhạc một cách chính thức. Vì ông đã chán, mất năng lượng, hay vì tổn thương?

+Sau khi chạy việt dã xong, người ta thường phải có thời gian nghỉ ngơi, chỉ để thở một cái thôi. Chẳng may tôi lại thở dài quá…Lúc mình nghỉ ngơi, có nhiều thứ thay đổi quá, giờ quay lại cũng ớn sợ. Gia đình đâu muốn tôi quay lại nhạc nhẽo. Hồi đó thấy tôi ngồi vào bàn, có tờ giấy nhạc trước mặt là mấy đứa con kéo xuống, đưa đi chơi ngay. Vợ con đều không thích tôi lăn lộn với nhạc, bọn con dặn nhau: “tụi bây coi chừng ba, thấy ông đi làm lại là phải cấm nghen!”

-Ông có bao giờ bị cảm giác lo lắng, rằng mình sẽ tới trễ trên chuyến tàu âm nhạc vẫn đang chạy? Ông có tiếc rằng đáng lẽ ra mình phải thuộc về con tàu đó?

+Chắc không có lo lắng đó đâu. Tại vì tôi đã nhảy khỏi con tàu ấy lâu rồi, nó chạy tới chỗ nào đâu còn liên quan đến tôi? Tôi có hơn 10 năm được danh vọng cưng chiều, giờ đã hơn 60 – cũng phải để chỗ cho những hành khách mới chứ. Bây giờ tôi bình yên tĩnh tại. Tự biết mình cần gì, điều gì làm mình dễ chịu nhất, biết về nhu cầu bản thân là điều quan trọng lắm. Nhưng âm nhạc vẫn là phần máu thịt của tôi. Tôi nghe nhiều lắm, update các xu hướng mới của thế giới. Nghe để biết bây giờ người ta đang ở đâu, ngoài kia là mấy giờ?

-Mình đã nhảy khỏi tàu rồi, thì việc phải biết “người ta ở đâu, ngoài kia mấy giờ?” liệu có còn quan trọng nữa không?

+Xét cho cùng thì không quan trọng. Nhưng không dễ xóa được tiềm thức của mình. Tôi không cưỡng lại được việc dõi theo hành trình của con tàu ấy. Chỉ để hiểu nó, giống như mình muốn hiểu một cái gì đó rất gần, từng là máu thịt của mình.

-Bao giờ ông sẽ đưa những bài mới ra? Nhạc Bảo Chấn bây giờ thế nào nhỉ?

+Tôi cũng làm xong rồi (sáng tác, phối khí), tiện thì đưa không tiện thì thôi. Tôi chẳng sốt ruột gì. Bây giờ tôi viết cũng có khác chút, có tuổi mà. Tôi trở về sự đơn giản, âm nhạc phải dễ dàng, nó như nước ấy. Nhưng nếu mình chỉ thị là phải tối giản lại là không ổn. Nó phải đến từ tự nhiên, không toan tính, tối giản đừng trong âm mưu. Đơn giản và không “vấp đĩa”- là xong!

Sau những buổi trò chuyện như chúng ta hôm nay ngồi nói với nhau, ông có nhớ không khí lúc mình còn thuộc về “đại chúng”?

+Tôi nhớ những khuôn mặt bạn bè. Người thì vẫn còn, nhưng tôi tiếc không khí và cái tình ngày xưa.

BOX

  Hầu hết các băng đĩa nhạc của Sài Gòn sau giải phóng đều do Bảo Chấn cùng người em mình là NS Bảo Phúc làm hòa âm, ảnh hưởng của ông trong lĩnh vực phối khí còn lan tỏa đến rất nhiều nhạc sĩ trẻ của  Hà Nội trong thời kỳ khai sinh Pop Việt. Khi cả một nền âm nhạc vẫn đang một màu ca khúc chính trị, Bảo Chấn đã sớm cất tiếng nói khác biệt và tuyệt đối cá nhân: không có đau thương chiến tranh, không hô hào minh họa, âm nhạc của ông tụng ca tình yêu và tuổi trẻ, tụng ca vẻ đẹp của những rung động con người. Khúc thức giai điệu của Bảo Chấn thường êm dịu và bay bổng, kiểu mơ mộng nhuốm buồn như tâm trạng những người trẻ thành thị đang loay hoay đi tìm chính mình. Nên ông viết bài nào, lập tức được giới trẻ đương thời “nằm lòng”, trong khoảng 10 năm sáng tác ca khúc, ông có tới gần 50 bản hits. Cho tới tận hôm nay, những “Một ngày mùa đông”, “Nỗi nhớ dịu êm, “Bên em là biển rộng”, “Giấc mơ tuyệt vời”, “Hoa cỏ mùa xuân”, “Dường như”…vẫn là những ca khúc có sức sống bền bỉ của Vpop. 1998, cùng với nhạc sĩ Dương Thụ, Bảo Chấn có tour diễn “Nghe Mưa” đi qua 8 thành phố lớn. “Nghe Mưa” không chỉ là Live show Xuyên Việt đúng nghĩa đầu tiên của thị trường âm nhạc trong nước, mà còn là dấu mốc quan trọng ghi nhớ một giai đoạn vàng son của nhạc Việt.

NSUT Thành Lộc: Tôi chẳng thích lưu giữ hào quang

(Phụ Nữ TP Xuân 2014)

IMG_9360 

 

   Không biết bao nhiêu lâu nữa, sân khấu mới xuất hiện một tài năng đặc biệt như Thành Lộc? Bất cứ vai diễn nào của anh cũng đều đào sâu đến tận cùng số phận và tính cách nhân vật, cách hóa thân của Thành Lộc khiến khán giả được tin rằng họ đang xem chính cuộc đời. Không có trình thức diễn xuất (bởi mỗi lần anh bước ra sàn diễn là một cuộc lột xác bất ngờ), nhưng các vai “chết tên” Thành Lộc đều đáng là kinh điển của sân khấu kịch nói. Có lẽ không nghệ sĩ sân khấu nào đạt được bảng vai phức tạp và đa dạng tính cách như Thành Lộc với hơn 200 vai diễn của anh. “Quyền phép” của Thành Lộc còn ở cách anh tạo ra một đời sống có thật cho sân khấu, kéo khán giả tới rạp, kết nối ngọn lửa yêu nghề của những nghệ sĩ quanh mình…Người ta gọi anh là phù thủy của sân khấu, còn Thành Lộc thì cho rằng, Nghiệp của anh là “làm cho người ta vui, làm cho người ta khóc, làm cho người ta thấy yêu hơn cuộc sống này”.

  • Làm sân khấu giống như mình đi mở một nhà hàng

 -Anh có nhớ khi ra đời IDECAF, khung cảnh sân khấu và khán giả ở  thời điểm ấy như thế nào?

+Lúc đó tôi vẫn đang là diễn viên của sân khấu 5B Võ Văn Tần, 5B đang ở vị trí độc tôn, hầu hết các nghệ sĩ tài năng và tên tuổi đều tập trung về đây. Điều đó tưởng là hay, lại dẫn đến cái bất cập là tất cả đều phải xếp hàng như chờ tàu để có vai, để được nhận vở. Sài Gòn dân số quá đông, người xem nhiều, 5B không đáp ứng được hết nhu cầu của khán giả nữa. Tôi và các nghệ sĩ Huỳnh Anh Tuấn, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Đoàn Khoa, Kim Xuân, Minh Hoàng…cứ thấy như ngồi trên đống lửa, năng lượng mình còn quá nhiều, phải có cách để khai thác khỏi uổng chứ! Nhìn quanh thấy sân khấu thiếu nhi cũng chưa ai đụng đến. Chúng tôi mới quyết định làm một sân khấu dành cho thiếu nhi, diễn những câu chuyện cổ tích kinh điển, ai ngờ lại đắt khách quá trời: một ngày diễn 4 suất, trẻ con tới đông như kiến. Nhà có 1 đứa trẻ, nhưng cả ông bà bố mẹ phải đi xem cùng nó- vậy là chỉ 1 em bé mà mình kéo được 4 người lớn tới rạp! Trên đà thắng lớn, chúng tôi quyết định làm kịch cho người lớn, bắt đầu bằng một loạt vở trên kịch bản văn học của kịch tác gia Moliere: Cậu đồng (Lão hà tiện), Cái tráp vàng (Tác tuýp), Người bệnh tưởng…Rất nhiều nghệ sĩ đến với IDECAF, khán giả cũng dồn về như nước đổ chỗ trũng. Sau đó các sân khấu tư nhân như Phước Sang, Hồng Vân…được đà bung ra. Sân khấu sống lại đến mức bất cứ người Sài Gòn nào cũng tìm dịp đi xem kịch. Tôi nghĩ tạo được cái “mốt” đi xem kịch như thế, sau đó là thói quen, chính là điều đáng mừng nhất.

 -Đưa khán giả đến rạp một buổi đã không dễ, để họ quay lại khó hơn, khó kinh khủng là nuôi dưỡng tình yêu sân khấu thành một nhu cầu tinh thần thường trực trong họ. Bản thân là “cục nam châm” hút khán giả tới rạp, anh nghĩ về điều ấy như thế nào?

+Có một đặc thù may mắn là khán giả Sài Gòn rất phong phú và đáng yêu. Cái gì họ cũng xem được, họ không kỳ thị và khó chịu, họ không ra vẻ là người trí tuệ. Nên khi mình muốn thể nghiệm một dòng kịch nào thì họ cũng cởi mở đón nhận. Tôi nhận ra làm sân khấu giống như mình đi mở một nhà hàng, trong menu có món beef steak, nhưng mình cũng bán cả tô bún riêu nữa. Có một điều mà tôi có thể chia sẻ là ngay cả những nhà hàng sang trọng, họ thường bán được nhiều bún riêu hơn là beef steak, tô bún riêu nó nuôi miếng steak, nhưng nếu mình bỏ bán steak vì bún riêu dễ mà lời quá – thì mình sẽ mất thương hiệu nhà hàng của mình. Những vở diễn có một chút mùi bún riêu được hòa trộn khéo léo với vị beef steak, thì đó là những tác phẩm có tuổi thọ lâu dài nhất của chúng tôi, và cũng chính là bí quyết 16 năm nay giữ tên  IDECAF.

-Nhưng đến lúc nào đó khách ăn bún riêu nhiều lên,liệu có dẫn đến chuyện lệch tay chế biến? Đâu là Bí quyết pha chế của “phù thủy sân khấu” để vẫn giữ được mình, nhưng chạm vào đến nhiều người?

+ Bạn cứ nghĩ xem, có bao giờ chúng ta muốn chỉ nói những chuyện căng thẳng, trịnh trọng, đăm đăm khó chịu trong suốt một ngày không? Chúng ta cần tiếng cười lắm, thèm nói những chuyện bông lơn, thậm chí dung tục. Sân khấu là cuộc đời thu nhỏ, vậy nó phải trung thực với cuộc đời, cần chiêm nghiệm nỗi buồn và tưng bừng với niềm vui. Dĩ nhiên cuộc đời qua góc nhìn của sân khấu phải được thi vị hóa lên, nhưng nó cũng cần được phản ánh trung thực. Chúng tôi thích làm những vở nói những chuyện li ti như con sâu cái kiến, nó mộc mạc như củ khoai củ sắn, chúng tôi không muốn chẻ đầu khán giả để ấn vào những điều cao siêu, những điều ngoài đời người ta không bao giờ nói. Bản thân tôi thấy sân khấu vốn mang tính thời trang, nó phải luôn cập nhật và phổ cập, thì mới không lạc hậu. Trong trường sân khấu dạy rằng cái gì không “thuần phong cách” là vị lai, không tốt đẹp gì. Xin lỗi, quan điểm đó lạc hậu lắm rồi, bây giờ mà thuần phong cách thì là sự đơn điệu. Nên người diễn viên mà một năm không đến sàn diễn là anh lạc hậu rồi, anh không biết được khán giả cần cái gì.

Mỗi khi lên sân khấu, anh có đo khán giả không?

+Đo chứ! Chính là điều khiến tôi yêu sân khấu vô cùng. Vì bởi mỗi ngày tôi gặp những lớp khán giả mới. Tôi diễn hay hơn hoặc tệ đi, một phần do kích ứng từ khán giả. Sân khấu có một ma lực đặc biệt là mình khám phá chính mình qua tương tác trực tiếp.

-Nhưng tôi nghĩ phản ứng từ khán giả cũng hên xui lắm, Khán giả khác nhau, trình độ khác nhau, nên họ sẽ tiếp cận vở diễn theo góc độ sống khác nhau của mình – căn cứ vào “nhiệt độ” khán giả đâu hẳn là đã chính xác?

+Đúng là chẳng thể lường được phản ứng của khán giả, hôm nay mình diễn bung hết sức mà không có hiệu quả, hôm mai mình chỉ dón rén tí xíu mà hiệu quả gấp đôi, ngày hôm sau nữa mình diễn ý như vậy cho chắc thì khán giả lại im re…Nên phải có sự chắc chắn từ cốt lõi của người diễn viên, có bản lĩnh nghề nghiệp để kiểm soát mình thế nào cho đúng. Tôi nói điều này hơi marketting một chút, khán giả thích Thành Lộc là ở chỗ: cũng vở diễn đó, vai diễn đó, mà mỗi lần đi xem đã thấy anh ta khác hẳn rồi, anh ta chẳng giống như lần trước họ đã xem. Là vì tôi luôn cập nhật, để cũng câu thoại đó, khi cất lên thì nó rất ăn khớp với thời điểm hiện tại. Có những vở tụi tôi diễn tới 10 năm (“Hợp đồng mãnh thú”, “12 bà mụ”…) chúng tôi sửa thoại ác liệt. Sức sống của kịch Nam là ở chỗ đó, bạn không được lạc hậu, mà phải thích ứng.

-Người diễn viên cần phải giữ được sự tươi mới mỗi khi lên sân khấu, nhưng để một ngày có thể diễn tới 4 suất mà không lỳ mòn cảm xúc, thì điều đó thuộc về kỹ thuật hay bẩm chất?

+Tôi thích dùng chữ tư chất hơn. Có những vở kịch mình không cách nào thay thoại, vì nó rất chính thống. Nhưng tôi nghĩ sự ngẫu hứng là đặc điểm khác biệt nhận diện giữa người nghệ sĩ này và người nghệ sĩ kia. Tính ngẫu hứng rơi vào người có trình độ, nó không phải ất ơ bản năng, mà là có chủ ý, được điều khiển bởi phông nền văn hóa và kỹ thuật của người diễn viên. Tôi luôn nghĩ diễn kịch và đi xem kịch là công việc của những người trí thức, có học.

-Anh có nói về tầng ẩn sau những câu chuyện mộc mạc như củ khoai củ sắn, những vở kịch cổ tích cho trẻ con nhưng người lớn xem phải suy ngẫm. Vì IDECAF dựng nhiều kịch từ Andeccen, tôi xin ví dụ về truyện cổ Andeccen nhé. Khi chúng ta 5 tuổi, đọc Andeccen thì đấy là chuyện cổ tích ngọt ngào, khi ta 20 tuổi, thấy thế giới của Andeccen rộng quá, không phải là cổ tích nữa, còn khi đổ vỡ ở tuổi trung niên, chúng ta sẽ nhận những thấm thía khác từ câu chuyện thời thơ bé ấy…Mỗi một trải nghiệm sống sẽ khám phá một tầng nghĩa khác, nhưng nếu khán giả không nhận ra món quà ẩn người nghệ sĩ gửi gắm  trong các tác phẩm của mình- thì chẳng phải là đáng tiếc lắm sao?

+Cho dù đã xác định là mình xem trọng sự giải trí để bán được vé, nhưng khán giả chỉ cười đến nổ rạp, rồi về quên mất, thì nó uổng quá đi! Ít ra, người ta bỏ ra hơn 2h đồng hồ, sau đó vài ngày sau họ ngẫm nghĩ cũng được, rồi họ rút ra điều gì đó cho cuộc sống của mình, nhỏ xíu cũng được. Một vở kịch chỉ cần một bài học nhỏ thôi, người xem không nhất thiết phải hiểu ngay, hãy để nó ngấm một cách không ngờ, khi gặp một cơn cớ thích hợp thì ký ức đó sẽ bật ra, soi chiếu hoặc an ủi người ta. Đó chính là sức mạnh của nghệ thuật.

  • Tôi vẫn đang tràn trề

–Nhìn trung thực, giai đoạn nào anh nhiều năng lượng sáng tạo nhất? “Thầy già con hát trẻ”, “gừng càng già càng cay”- anh thấy câu nào đúng?

+Bây giờ tôi vẫn thấy mình đang tràn trề mà. Cái “trẻ- già” ở trong nghệ thuật, cả hai câu bạn nhắc đều đúng. Tôi chỉ không thích câu “Tre già măng mọc”, măng mọc là việc của măng, đâu phải chờ cho tre già. Nghệ thuật không có ngôi sao này thay thế ngôi sao kia, chuyện tắt đi là vấn đề tự thân của mỗi ngôi sao, khi nó không tự mài giũa và vun giữ năng lượng cho mình. Có rất nhiều ngôi sao mới nhưng tắt rất sớm, có những ngôi sao cũ thì cứ sáng mãi, vì người ta rất nghiêm túc trong nghề nghiệp.

– Có vai diễn để đời, trở thành hình tượng để đời- điều ấy với anh có quan trọng không, có là mục đích không?

+Đạt được điều ấy thì tôi mừng lắm, nhưng nó không phải là mục đích. Tôi theo sân khấu chỉ vì tôi quá mê mấy ông cụ diễn viên khét tiếng ngoài Bắc, tôi thèm được diễn hay giống như Đào Mộng Long, Trọng Khôi, Đoàn Dũng, Hà Văn Trọng, Thế Anh….tôi muốn được đứng trên sàn diễn và nói những câu hay ho như mấy ổng. Ngày xưa, mấy người đó vào SG diễn, xe Hải Âu chở diễn viên đi trước, tôi gò lưng đạp xe đạp đuổi theo sau về đến tận cổng  khách sạn rồi đứng bên đường ngó thôi. Sáng dậy sớm lại chạy lên khách sạn, đứng từ xa ngắm họ uống café, thế là mãn nguyện rồi. Tôi đâu dám mơ sau này mình được diễn chung với họ? Ngày tôi đóng Lôi Vũ, NSND Đình Nghi  ngồi dưới xem cứ lắc đầu, tôi diễn bên trên nhìn cụ mà chết khiếp (sau mới biết cụ bị bệnh gì đó mà đầu cứ lắc lắc). Tan tuồng, vợ chồng cụ chặn tôi lại. Cụ bảo: “Này, chúng tôi chờ cậu ra đấy”, tôi tái xám vì sợ thì cụ nói tiếp: “Tôi là người từng xem Lôi Vũ trên khắp thế giới. Thì bây giờ tôi nói thế này cậu đừng có kiêu nhé, tôi thấy cậu là người đóng vai Chu Xung hay nhất”. Trời, tôi chết sững vì hạnh phúc. Lần nữa, tôi diễn “Dạ cổ hoài lang” ở Hà Nội, thần tượng của tôi là cụ Đào Mộng Long đi xem, hôm sau cụ lên Hội Nghệ sĩ Sân khấu kể là xem xong cụ sướng quá nên quên mất mình xe đạp, cụ đi bộ về nhà và lạc đường luôn. Đó là những phần thưởng mà tôi thấy trong một đời nghệ sĩ của mình, nhận như vậy là quá đủ rồi, mình chết được rồi.

Chúng ta thử tượng tượng đến tình huống khi Thành Lộc không còn gắn với sân khấu! Anh nghĩ sẽ thế nào?

+Tôi với sàn diễn như con cá sống trong nước, quăng tôi ra khỏi sân khấu, tôi thở rất khó khăn. Khi tôi đứng trên sàn diễn, tôi thấy mình sống có ích cho cuộc đời và tràn đầy năng lượng, không có sàn diễn tôi thấy mình vô dụng. Nhưng qua một quãng thời gian trải nghiệm, thì tôi bình tĩnh chấp nhận rằng ngày nào đó, mình phải rời bỏ sàn diễn là điều tất nhiên thôi, nó là quy luật. Dĩ nhiên điều đó sẽ làm mình buồn, nhưng biết sao được, đó mới là dòng chảy của cuộc đời.

-Tôi nhớ khi NSND Đào Mộng Long còn sống, tôi có ghé nhà thăm cụ và bị ám ảnh rất lâu. Nói chuyện với cụ, tôi thấy cụ vẫn đang bị dính ở một sân khấu trong mơ nào đó, dù khi ấy Đào Mộng Long đã rời sân khấu hơn 20 năm rồi. Tôi nhớ cảm giác thương xót và buồn bã của mình lúc ấy, không phải vì tuổi già cô đơn của ông cụ, mà vì tôi nhìn thấy một người mộng du đi lạc, một người bị dứt khỏi nơi chốn mà ở đấy họ mới sống, và họ đành tiếp tục tồn tại nhưng không còn sống nữa…

+ Tôi hiểu điều bạn vừa nói, vì bi kịch của ba tôi cũng giống như cụ Đào Mộng Long. Tôi giác ngộ cuộc đời và tỉnh táo hơn các cụ. Tôi kể bạn nghe nhé, mới ra trường tôi đã nổi tiếng rồi, và trong khoảng 10 năm tất cả những bài báo viết về Thành Lộc, đều được tôi cẩn thận cắt lại, dán vào một cuốn album. Đến năm 32 tuổi, tôi đốt cuốn album ấy! Tôi nhận ra tất cả những thứ hào quang đó là ảo, nó không có giá trị gì, nếu mình cứ lật giở để coi, rất dễ mình tự đánh lừa bản thân. Thật sự mà nói, tôi được sinh ra và bỗng dưng có danh tiếng- tất cả cái đó là ý của Thượng Đế, như là một sự phân công của số phận. Ngày hôm nay tôi sống trong danh vọng, nhưng một ngày nào đó mà bạn thấy tôi đang bưng đồ cho bạn ở quán cafe, thề có Thượng Đế đang nhìn vào tôi, tôi không xấu hổ vì điều đó, vì tôi biết nhiệm vụ của tôi ở quãng ấy. Sự nổi tiếng quãng này là một phần thưởng tôi được Thượng Đế ban cho, vì cũng có những người rất tài năng nhưng cả đời họ không thể nổi tiếng. Mình được phần thưởng đó, là mình mắc nợ người khác. Thì kiếp này tôi phải trả nợ bằng cách làm cho người ta vui, làm cho người ta khóc, làm cho người ta thấy yêu hơn cuộc sống này. Hào quang là thứ không nắm bắt được, cho nên tôi chẳng thích lưu giữ lại làm gì.

-Người xưa nói “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, anh chưa đi đến đoạn đấy, anh còn nói mạnh được. Tôi không nghĩ câu chuyện của NSND Đào Mộng Long là bi kịch của người quen được sống trong danh vọng và hào quang của ánh đèn, tôi chỉ thấy nỗi buồn đau của một người phải rời khỏi tình yêu của mình. Anh thử tưởng tượng đi, một ngày nào đó, khi anh phải rời khỏi nơi mình như con cá sống trong nước…

+Cái điều khiến tôi lo lắng nhất là, nếu rơi vào trường hợp đó, tôi có đủ tiền nuôi bản thân mình hay không? Tôi không đam mê nhiều như bạn tưởng đâu. Cụ Long đam mê nghề quá mạnh, đến mức mất hết cả tỉnh táo và quên đi mình là ai. Thế hệ các cụ, tình yêu là thuần khiết. Những nghệ sĩ lớn của thế hệ cụ Đào Mộng Long và ba tôi, họ có quyền ôm hào quang đó, có quyền kéo dài giấc mơ của mình. Vì thời điểm đó, sân khấu tử tế và quá đẹp. Còn thế hệ tôi giác ngộ chuyện này lắm. Chúng tôi kiếm tiền nhanh, nên mới ý thức mọi danh vọng chỉ là hòa nhoáng. Tôi kiểm soát rất tốt, ý thức rằng một ngày nào đó phải rời sàn diễn là chuyện hết sức bình thường. Quan trọng là còn ngày nào với sàn diễn là tôi hết mình ngày đó, tôi không vụ lợi, đổ mồ hôi công sức một cách thành thật. Môi trường sân khấu không có những ngôi sao độc sáng, mà phải có những đồng sự như cái nền, như bầu trời thì mình mới được tôn lên. Phải có diễn viên phụ rất giỏi thì diễn viên chính mới hay được. Tôi luôn tin rằng, tài của mình chỉ được nhận ra khi xung quanh là những người tài khác. Về phương diện nghề nghiệp hay tôn giáo, thì tôi đều thấy mỗi cá nhân chỉ là một hạt bụi. Có là ông Trời thì khi nằm xuống, quan tài chúng ta đâu thêm được miếng thứ 7 phải không?! Nếu có chăng, sẽ có những người cùng thế hệ với tôi, họ kể cho con cháu mình nghe: ngày xưa có nghệ sĩ tên là Thành Lộc.  Với tôi, thế là đủ!

Người mang “Sound card Việt Nam”

 TDU

 

1.

Âm nhạc nổi loạn và khác thường, nhưng ngoài đời Dương là người dễ chịu và nhẹ nhàng. Dương tận tụy và tinh tế trong những chăm sóc người khác, từ món quà nhỏ khi đi xa về hay bó hoa một dịp lễ, cũng đều thấy cái tình, tính thẩm mỹ và những quan tâm li ti của người tặng. Dương là một người Hà Nội đúng nghĩa, với sự ấm áp và hào hiệp, tử tế và nhân hậu. Nam tính của Tùng Dương không ở cơ bắp hay tỏ ra hùng hổ, mà ở sự tôn trọng phụ nữ, trong những hành xử đàng hoàng. Có Dương là bạn, đó là điều để ta yên tâm như mình có một tài sản, một thứ “của để dành”.

  Tùng Dương duy mỹ không đồng phục với đám đông nghệ sĩ tự cho mình là elite thượng tầng xã hội. Không chỉ âm nhạc – trang phục biểu diễn của Dương trên phương diện thời trang luôn có tính avant-garde, khước từ cái đèm đẹp phổ biến đương thời. Nhiều nhạc sĩ và ca sĩ chỉ loanh quanh trong không gian âm nhạc của chính mình, trong nhà anh ta (và cô ta) chỉ có đĩa nhạc của bản thân, Tùng Dương là một trong những nghệ sĩ chịu khó đi- đọc- xem- nghe nhiều nhất mà tôi biết. Dương thích thơ, chăm đọc sách, giao du với giới nghệ sĩ đương đại, say mê tìm hiểu nhiều nghành nghệ thuật khác nhau, chịu khó update những xu hướng âm nhạc mới và sản phẩm của các nghệ sĩ độc lập trên thế giới. Vì mở rộng mình nên quan niệm nghệ thuật & âm nhạc ở Tùng Dương luôn mới, đôi khi là quá khác biệt so với hoạt động âm nhạc thường ngày trong nước. Đành rằng mỗi người một nhịp điệu, nhưng chẳng chóng thì chày, Dương sẽ “lạc bầy” mà độc hành thôi.

2.

Cả nền ca hát đi trong an toàn của những thói quen chung, thì Tùng Dương- với nhu cầu phô diễn cá tính và cái Tôi mạnh mẽ, đã nhắc người ta về giá trị của sự khác biệt. Vừa xuất hiện (Sao Mai Điểm hẹn 2004), Dương đã được công chúng và giới chuyên môn đặt nhiều kỳ vọng. Thế “âm thịnh” của nhạc Việt đã chờ đợi rất lâu một giọng nam thực sự sáng tạo, mà năng lượng dữ dội và đầy mê đắm của Dương là cốc nước mát lành cho cơn khát ấy. Được “Tổ đãi”, dự án âm nhạc nào của Dương cũng thành công (kể cả về hiệu quả  thương mại), vẫn nói đùa Dương rằng “chẳng tuần chay nào thấy cậu vắng nước mắt”, “Mề Đay” của các giải thưởng âm nhạc lớn trong bộ sưu tập của Dương giờ đã đủ cả. Ngay cả ông Ngọc Đại, kẻ vừa gàn vừa kiêu số 1 của làng nhạc, cũng còn nhún nhường nhận định: “nhạc sĩ nào được cậu hát, là một điều may mắn!”. Tôi không biết Tùng Dương có ngấm ngầm tự kiêu tự đại cho cái thế thượng phong của mình hay không? Hoặc cũng có đắc ý tự biết mình nhưng cậu không tỏ ra ta đây? Nhưng may mắn quá cũng không phải là hoàn cảnh tốt cho người làm sáng tạo. Người nghệ sĩ cần phải trải nghiệm cả sự bế tắc, sự bị từ chối, họ  phải biết nơi cùng tối thì mới có thúc đẩy cho khởi đầu mới.

Tôi không cầu mong, nhưng nếu có thêm một chút đắng vào con đường âm nhạc của Tùng Dương- tôi sẽ chẳng chia buồn. Bởi tôi tin, cái u tối ấy sẽ có lúc là chất liệu cần đến của Dương.

3.

Không ít danh ca trả giá cho cả đời hát mà chẳng có được một âm chất Việt Nam, dù họ bỏ công nghiên cứu từ xẩm xoan cho đến quan họ, ca trù, chầu văn. Tùng Dương (lại may sao!) được Trời cho, chỉ cần mở miệng là đã đậm đặc Việt Nam, ăm ắp Phương Đông. Ca sĩ chuyên nghiệp sau nhiều năm mài giũa dây thanh đới, cất giọng lên là lộng lẫy Bel Canto, vượt qua 3 quãng 8 cũng chẳng phải hiếm. Nhưng kỹ thuật hát “vang, rền, nền, nảy” thì đã thất truyền trong các trường nhạc, không biết do “cái ẩn sẵn trong máu” như thế nào, mà Dương có thể hát nảy họng hạt nhuần nhị đúng kiểu nghệ nhân cổ một cách hoàn toàn tự nhiên.

  “Sound card Việt Nam” không chỉ từ giọng hát, mà ẩn trong cốt lõi tâm hồn Tùng Dương. Có tình yêu và sự cảm hiểu truyền thống, con đường nghệ thuật của Dương có đích đến rõ ràng (cậu ao ước sứ mệnh của mình là tạo tác sức sống tiếp dẫn trong đương đại cho âm nhạc truyền thống) – tin rằng Tùng Dương sẽ là người cất lên âm sắc Việt một cách đẹp đẽ, ấm áp và đầy kiêu hãnh…

tduong

 

 

ẨN SỐ TÙNG DƯƠNG

 

 

     Nói chuyện với Tùng Dương, tôi luôn có cảm giác âm nhạc phủ kín cơ thể và cuộc sống của anh. Đó là một thế giới không cùng mà Dương điên mê, lưu lạc và tìm mình trong đó. Nếu Dương tin cậy bạn, anh sẽ cho bạn tiến đến gần phần yếu đuối và cảm động nhất trong sâu thẳm của mình: đó là âm nhạc. Nếu Dương kiêu hãnh muốn khoe với bạn về gia tài và những giấc mơ hoang đường nhất của anh: đó cũng chính là âm nhạc.

 

Dương dễ  ở trạng thái “tuôn trào”, nhưng lại bị cẩn thận và khéo léo nếu anh chuẩn bị sẵn tâm thế cho một cuộc phỏng vấn. Bởi vậy, để chân thực Là Tùng Dương nhất – tôi sẽ chỉ góp lại những trao đổi của chúng tôi trong vài buổi café bạn bè.

 

  • Tôi không định phô diễn một giọng hát đẹp!

-Tùng Dương đang ở “tuổi 30 yêu dấu”, tôi nghĩ là lúc anh đúng ở độ chín. Vừa đủ trải nghiệm mà lại ăm ắp năng lượng. Nói là quãng này hát hay nhất cũng có lý chứ?

+Sau chín là sẽ chín nẫu đấy. Tôi không muốn nghĩ mình đang ở một cái đỉnh nào, bắt tay vào một dự án là mỗi lần tôi lại nhủ mình: nào, hãy can đảm để thay đổi để đi vào con đường mới. Tôi hát đang hay nhất – đó là cảm nhận của chị trong tư cách một người nghe. Tôi thì thấy mình đang trở về cốt lõi, là mình và đúng mình nhất.

-Cấp tiến như Tùng Dương, người chưa bao giờ ngại “đường khó” – mà cũng có một quãng toàn hát nhạc xưa. Cả nền âm nhạc Việt Nam đang đi kiếm tiền bằng nhạc xưa, thấy anh cũng chăm chỉ “Tình Ca” –  nói thật lòng là tôi có thất vọng. “Chiếc khăn Piêu” là bài hát yêu thích của năm 2012, sang tới cuối năm 2013 rồi anh xuất hiện ở sân khấu nào khán giả cũng hô: “Chiếc khăn Piêu đi! Chiếc khăn Piêu đi!”, sự thật thì anh có thích điều đó không?

+Cũng chán lắm rồi! Tôi đã từng hát trong những đêm nhạc nhìn xuống mình chỉ còn chưa đầy 10 khán giả, nhưng cực đoan như thế để làm gì? Lấy dự án phổ thông để dồn góp nuôi dự án cấp tiến, điều đó chẳng tốt hơn là mình cứ khăng khăng một kiểu để không có cơ hội (về vật chất) thực hiện những giấc mơ hoang đường nhất của mình?! Tôi thích những khán giả tỉnh táo, mình làm hay thì họ khen, làm dở thì họ chê. Cái khắt khe của khán giả chính là động lực thúc đẩy mình làm cái mới. Sự cấp tiến từ nghệ sĩ chưa đủ, nó phải tìm thấy tương tác từ khán giả. Trường hợp của “Chiếc khăn Piêu” hay “Bài ca trên núi” thì tôi nghĩ mình đã mang lại một giá trị mới, một hơi thở của hôm nay cho tác phẩm có đời sống trong quá khứ. Khán giả sẽ được nghe lại 2 bài hát này trong “Độc Đạo”, với không gian hòa âm chưa bao giờ họ chứng kiến. Tôi nghĩ nó vẫn thú vị.

 

-Có rất nhiều nghệ sĩ khi họ chưa làm gì, người ta đã phán đoán được hết điều họ định làm. Cái đoán được trước này nó rất chán, vì không ai muốn chờ đợi điều đã biết. Còn anh, chỉ cần cầm mic là “thăng”, là nổi loạn đến mức không thể khống chế. Tôi nghe các đạo diễn âm nhạc bảo, khi Tùng Dương “phê” nhạc thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Người khác không đoán được về anh, còn chính anh có tự đoán trước được về mình không?

+Tôi cũng không đoán được! Tôi không thể đo trước được độ hưng phấn của mình, giống như bạn say thì bạn không thể kiềm chế. Tôi để thả lỏng cho mình tự do, không khống chế các giới hạn của mình, bung hết ra cho nó đẹp chứ! Lúc thăng nhất tôi không phân biệt được mình giải phóng hình thể hay giọng hát, mà để bản thể mình chạm đến sự quyết liệt và mạnh mẽ nhất.

Tôi hay nghĩ về anh khi nhìn các nghệ sĩ trẻ đang quằn quại làm khó để nhận diện mình. Đến tận album “Những Ô màu khối lập phương”,  anh vẫn bị tính toán, kiểu sơ đồ tầng lớp, tự làm cho mình thành nguy hiểm. “Liti” thì anh đã tiết chế và thả lỏng hơn. Giọng hát của anh trong sự đơn giản và tự nhiên, tôi thấy đáng quý và đẹp.

+ Ngày xưa tôi cố gắng để mình “dị” đi, có khát vọng phải làm gì đó khác thường, nhưng vẫn bị giới hạn vì cái khác thường ấy mới ở bề mặt. Cách hát thì quá quằn quại bức bối, đôi khi cố tình “làm quá”. Tôi đã lược bỏ dần những lớp vỏ rườm rà ấy, để tiến đến sự giản dị. Điều này nghe tưởng dễ dàng, nhưng là một bước tiến quan trọng mà tôi chỉ nhận ra khi mình đã thăng trầm qua việc Sống và trải nghiệm nghề nghiệp.  Điều cốt lõi giữ lại, chính là Tâm của tôi với nghề ngày càng đào sâu, ngày càng dốc lòng dốc dạ. Đam mê có lúc tàn hay bùng là do điều kiện ngoại cảnh tác động, nhưng tấm lòng với nghề thì may sao- nó cứ đinh ninh như thế. Thì tuổi trẻ ai cũng phải qua cái điểm nguông cuồng và ngang bướng, muốn mình phải thật khác thường. Nhưng cũng lưu ý là nhiều người “điên” một cách rất tính toán, chứ không phải do bản năng thúc đẩy. Sự tự nhiên nó rất khác với việc bạn chuẩn bị để quái dị, vì cái chuẩn bị đã là giả. Tôi thấy nhiều người ngoài đời sống điên lắm, nhưng trong nghệ thuật họ lại nhạt nhẽo. Những cái vặn vẹo cố tỏ ra khác thường chỉ là cái vỏ. Tất cả những tiểu xảo sẽ qua, cái còn lại là tư tưởng trong tác phẩm và cách biểu đạt tư tưởng ấy như thế nào. Đến album “Độc Đạo”, tôi nghĩ là mình đã đạt đến sự tự nhiên – hát mà không toan tính nữa.

-Cá nhân tôi thấy, bây giờ mà khen Tùng Dương hát “tinh tế”, “mãnh liệt” hay “lộng lẫy”…cũng không đúng nữa. Những tính từ ấy chỉ là các mảnh ghép, trong khi chúng ta có thể hình dung về một không gian.

+Đúng như chị nói, những cái đó chỉ là 1 trạng thái, nó đã qua rồi, tôi đâu định phô diễn một giọng hát đẹp. Nhưng trong nghệ thuật, dù chỉ một khoảnh khắc bạn chạm được đến đời sống của ai đó, bài hát của bạn gieo cho người ta niềm tin yêu, sự ấm áp, để người ta thấy cảm động vì cuộc sống còn đẹp đẽ thế… thì đã đủ giá trị rồi. Tôi muốn âm nhạc của tôi phải luôn trung thực với tâm hồn tôi, khi đời sống của mình có những dịch chuyển và thay đổi- âm nhạc cất lên cũng như vậy. Như cái vỏ và cái lõi – vỏ thế nào, lõi thế đấy. Đừng biến cái vỏ của bạn rất khác cái lõi, như thế hoặc là giả dối, hoặc là thiếu tự trọng. Làm gì cũng phải vừa vặn và chân thực nhất với cái lõi của mình.

  • NguyênLê cho tôi một con đường, một giá trị để tiếp quản.

– Có những danh ca gắn cả đời ca hát của mình trong một xu hướng âm nhạc, còn anh thì mỗi sản phẩm là một thể loại, nhiều màu và luôn thay đổi. Vậy điều gì bền vững trong âm nhạc của anh?

+Đó chính là bản sắc Việt. Tôi càng đi nhiều, càng nhận ra bản sắc là một báu vật không gì đánh đổi được. Chính vì yêu dấu, nên tôi rất muốn làm tươi mới tinh thần Việt trong âm nhạc của mình bằng hơi thở đương đại. Thể loại hay xu hướng âm nhạc chỉ là cái vỏ, là con đường để mình biểu cảm cái “lõi” là bản sắc, hướng tới đích đến là tính tư tưởng. Tôi có hát jazz, new age, electronica…thì cuối cùng vẫn phải là Tùng Dương của Việt Nam.

-Anh thật may mắn vì có cơ hội được làm việc với 2 nhạc sĩ coi tính chủng tộc là căn cốt thiết yếu trong nghệ thuật của họ: đó là Ngọc Đại và Nguyên Lê. Tôi nghĩ rất ít những người làm âm nhạc trong nước có thể “tiếp máu” âm nhạc cổ truyền với luồng sinh khí hiện đại như thế, bằng cách như thế. Hai nhạc sĩ đó, họ hẳn đã lay động anh mạnh mẽ?

+Ngọc Đại và Nguyên Lê không cần “hự” với “hạ”, không cần cưỡng ép Ngũ Cung trong âm nhạc của mình, mà họ vẫn rất dân gian. Một người bằng âm thanh, mọt người bằng giai điệu. Phải quá yêu âm sắc truyền thống thì họ mới sáng tạo như thế được. Gần đây gặp lại Ngọc Đại, tôi rất xúc động. Tôi có cơ hội làm việc với nhiều nghệ sĩ, nhưng người kiêu hãnh về tính Việt Nam như nhạc sĩ Ngọc Đại thì quá hiếm. Mặc dù đời sống cá nhân của ông không thuận lợi, ông chịu nhiều từ chối, nhưng tôi mừng khi ông vẫn giữ được chính mình mà không chịu thỏa hiệp, vẫn nuôi niềm đam mê và tư tưởng đau đáu của mình về chủng tộc, xem điều đó là cái gốc để phát triển. Còn tính bản sắc của Nguyên Lê là trong tiếng đàn, trong tư tưởng được diễn giải bằng nhạc cụ. Đến mức mà mình nghe âm nhạc của ông ấy, mình sởn da gà. Tại sao lại có mối giao cảm lớn như vậy của một người lớn lên ngoài biên giới Việt, không ăn mắm tôm, không liên quan đến làng quê? Nguyên Lê gốc Việt, nhưng ở Pháp từ hồi bé tí, là một ông Tây rồi. Nhưng vì sao ông lại dành bao nhiêu thời gian và tình yêu để làm nên thứ âm nhạc hay như thế, đậm đặc màu Việt Nam như thế? Tôi nghĩ điều đó là sứ mệnh ông Trời cho người nghệ sĩ, để họ phải làm. Trời thì cho mỗi người một thiên chức, mình phải biết trân trọng và đam mê cái thiên chức của mình. Tôi trăn trở và suy tưởng nhiều về sứ mệnh của nghệ sĩ, đó là cái “đường dây” đầu tiên để tôi làm album Độc Đạo. “Độc Đạo” là lối đi cô đơn của người nghệ sĩ, là sự kiêu hãnh vào con đường của mình, mình sống trong cuộc sống phải tạo ra giá trị nào đó.

-Theo truyền thống có hai dạng: người nghệ sĩ có sẵn tính dân gian trong huyết quản, anh ta yêu nó như tự thân phải thế, bởi đó là cốt lõi trong tâm hồn và đời sống của anh ta; Dạng thứ hai là trò lắp ghép, đưa cái “sample” truyền thống vào tác phẩm, nó rất bề mặt mà không chạm sâu vào tâm thức Việt. Tôi thấy nương vào truyền thống đến từng nào, để mình không bị lạc vào quá khứ, mình vẫn ở nhịp đập của ngày hôm nay, không bị lỗi thời quê mùa, cũng không phải thứ “giả cổ”…đúng là một câu chuyện khó khăn.

+ Những người bế tắc tiếp cận di sản theo kiểu đặt lời mới cho dân ca, khi muốn viết có âm hưởng ca trù hay quna họ thì bê đúng cái khúc thức ấy vào…Điều đó không tạo ra giá trị, nó không phải là sự sáng tạo mới trên nền tảng truyền thống. Người nghệ sĩ có tư tưởng về chủng tộc thì họ luôn cố gắng mang lại điều gì đó riêng biệt khi tiếp máu truyền thống. Dân gian là bản sắc, đời sống, chiêm nghiệm, những đau khổ buồn vui dồn góp qua chiều dài lịch sử tâm hồn người Việt….Tôi nghĩ đã là con người Việt Nam thì phải coi những giá trị đó là thiêng liêng. Nhưng phải có một thứ âm nhạc Contemporary Traditional của Việt Nam, nó chuyển hóa, tiếp diễn, tạo đời sống và diện mạo mới cho truyền thống. Nó không ủ ê hay cũ kỹ, nó đẹp và đầy đặn, vẫn luôn luôn đầy chất thơ. Ứng xử với truyền thống không phải là mượn vào hoặc áp đặt. Nếu ta không tạo dựng được một đời sống có tiếp diễn, thì cái truyền thống sẽ chết, nó chỉ có giá trị tồn tại trong bảo tàng thôi.

-Có một số điều chúng ta bị ám ảnh rất sâu bên trong con người mình,  cho đến khi nhờ một va chạm nào đó mà trở nên sáng rõ. Cuộc gặp gỡ với nhạc sĩ Nguyên Lê đã soi rọi điều gì cho anh?

+ Nguyên Lê là một nghệ sĩ có sức mạnh trong tư tưởng. Tôi nghĩ mình gặp anh Lê là một sắp đặt của số phận. Ngày xưa tôi nghe các đĩa nhạc Nguyên Lê phải qua CD chép lậu mua ở Hàng Trống, nghe xong thấy hoang mang như rúc vào một mớ bòng bong, hòa thanh tầng lớp mình không hiểu gì cả. Cái tiếp cận Việt Nam tính của Nguyên Lê cũng có nhiều cấp độ, 20 năm trước anh Lê mới chạm chất liệu Việt Nam ở ngoài vỏ thôi. Sau quãng thời gian dài như thế, bản thân Nguyên Lê cũng đã trở về, sự nhuần nhị chỉ đến  từ những trải nghiệm Sống,  chứ không chỉ trong tâm tưởng hay bằng tài liệu lưu trữ. Đến “Độc Đạo” là một Nguyên Lê khác, không trưng trổ như xưa, con đường ấy đã qua rồi, đĩa nhạc này đi vào cốt lõi hơn, anh ấy rất thanh thản. Nguyên Lê có nói Tùng Dương là sự khám phá của anh ấy ở Việt Nam, chúng tôi kích ứng được nhau, cùng làm một điều mới trong sự tự do và riêng biệt của mỗi người. Điều quan trọng nhất mà NguyênLê làm cho tôi không phải là một album, một sản phẩm. Mà là cho tôi nhìn rõ một con đường, một giá trị để tiếp quản. Đó là lòng tự tôn dân tộc từ ý tưởng, tư tưởng cho đến suy tưởng. Âm nhạc của ai, thời đại nào không quan trọng, nhưng phải ra màu văn hóa, chúng ta phải đi tìm bản thân trong chính chủng tộc của mình.

 

 

  • Con đường Độc hành còn hơn là bè phái

 

-Thỉnh thoảng tôi vẫn nghe lời khen dành cho một sản phẩm âm nhạc mới ra mắt là “Nghe Tây quá!”. Với nhiều người đó là điều để họ tự hào, họ thấy mình đạt một đẳng cấp trong nghề…

+Lời khen ấy dễ giết chết nhau đấy! Với tôi, “sản phẩm này Tây quá”- là một lời chê. À, mày không có bản sắc, mày lạc bố lạc mẹ, chân không tới đất cật không tới trời! Được khen thế là cũng muối mặt đấy. Trong thời đại này, dù bạn có làm gì, phiêu du tới đâu – thì bạn vẫn phải tìm về bản sắc. Có nhiều cá nhân thông minh nhanh nhạy, nhưng họ không thành công lớn và không thuyết phục được chúng ta – là vì họ không có bản sắc, họ nhợt nhạt mất gốc.

 

-Nghệ thuật ở mức đơn giản, nó sẽ cho người ta cảm giác êm đềm, quyến rũ, sự cảm động. Tầng mức sâu hơn là nó chạm vào và mở rộng đời sống người ta, truyền cảm hứng để họ bừng thức và có ước vọng về một thế giới mà trước nay họ chưa từng nghĩ tới. Đích đến cuối cùng là sự cộng cảm ấy, nhưng có không ít kẻ sáng tạo  chọn phương cách cực đoan là không cần chia sẻ, họ chấp nhận mình bị từ chối. Cái cách tuẫn tiết trên niềm tin bản thể và sự cô độc ấy, thường những người trong showbiz chẳng thể hiểu nổi…

+ Cái hay của người nghệ sĩ là sức lan tỏa tự phát tiết, họ truyền được cảm hứng cho giới làm nghề và công chúng, tiếp nối và nhân lên những giá trị đã có. Làm nghệ thuật nhất thiết cần cực đoan, để tin vào mình, theo đuổi lý tưởng của mình đến cùng. Nhưng cực đoan không phải là từ chối đón những cánh cửa mới. Yêu bản thể của mình đến mức không đón nhận ai nữa, không nghe ai nữa thì sẽ đóng mình lại. Tôi nghĩ cứ cực đoan trong nghệ thuật đi, không cần thiết phải bày tỏ cực đoan ra bằng sự chối bỏ đồng loại, không cần chia sẻ. Như thế là quá dại, họ không biết mình ở đâu.

 

-Trong khung cảnh âm nhạc hiện nay, anh có thấy mình đơn độc dần, tìm người đồng hành ngày càng khó?

+Chị đang nhìn vào mắt tôi, và thấy điều đó? Hà Trần có lần nói với tôi, “em sẽ trở thành người cô độc ở Việt Nam”. Điều ấy sớm muộn cũng đến, tôi bình tĩnh mà. Đến một mức độ nào đó thì tôi sẽ không còn người đồng hành nữa. Có một ê-kíp cùng nhịp điệu, cùng từ trường là điều nghệ sĩ nào cũng ao ước, nhưng nó đâu dễ khi nhìn quanh tôi thấy những đích đến khác nhau, thế giới sáng tạo cũng khác nhau…thôi thì con đường độc hành vẫn còn hơn là bè phái. Người nghệ sĩ phải lặng lẽ, sáng tạo là câu chuyện cá nhân chứ không phải của tập thể. Mỗi cá nhân phải mãnh liệt hết sức, mạnh mẽ hết sức- thì mới có thể hòng tạo ra điều gì đó mới mẻ và có ích. Tôi sẽ chỉ rủ rê những đối tượng mà mình thật sự mong muốn và kỳ vọng vào họ. Mình còn năng lượng thì hãy thử thách chính mình, hãy đi đến hết đường, đừng hoảng sợ điều gì.

– Anh nghĩ thế nào về bản ngã của người nghệ sĩ?

 +Nó chỉ rõ quá khứ, hiện tại, tương lai. Anh là ai? Làm gì và đi về đâu? Anh có là duy nhất hay không.

-Tôi đoán anh hẳn có giấc mơ: âm nhạc của mình sẽ vang lên ngoài biên giới!

+Không dễ hoàn thành được hết dự định, nhưng tôi tin cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, tôi có thể hài lòng là mình đã cố gắng thực hiện hết sứ mệnh của mình. Khi hòa trộn với những chủng tộc và bản sắc khác, tôi sẽ không bao giờ phải tự ti lo sợ họ “át vía” mình. Cứ thủng thẳng thôi, nhưng tôi tin mình sẽ làm được điều ao ước: góp phần làm trù phú thêm sắc màu Việt Nam trong âm nhạc của ngày hôm nay./.

Lê Thiết Cương: KẺ ĐI TÌM CHÌA KHÓA…

 Lê Thiết Cương

 Gallery 39A, nhà Lê Thiết Cương lâu nay là salon nghệ thuật có tiếng ở Hà Nội. Đoạn đẹp nhất phố Lý Quốc Sư, mặt tiền thênh thang rộng sắc màu đầy tính hội họa, chỉ dành cho mấy người bán nước bán xôi ngồi nhờ. Bước qua khung cửa xanh là một thế giới khác, tối giản và thuần Việt của Cương. Không gian ấy an lành và tĩnh lặng, nhuốm màu xưa cũ. Trong gam trầm của đồ gỗ và gốm sứ cổ, của những bức tranh rất nhiều khoảng trống chỉ một màu nhạt không chuyển tone – Lê Thiết Cương với chemise rực màu cam và giọng nói cáu kỉnh, nổi bật đến độ cô độc.

  • Làm thằng đàn ông, biết thế nào là nhục thì mới không hèn.

    Chiếc ghế gỗ tôi tình cờ ngồi ở phòng khách tầng trệt có nét điêu khắc mềm mại và tinh xảo như chỉ thêu trên vải, chạm trên lưng ghế là một bài thơ. Dân chơi đồ cổ gọi ghế này là đoản kỷ, Cương muốn gọi bằng tiếng Việt là Ghế Yêu (vì chỉ đủ chỗ 2 người ngồi). Món cổ vật hơn 200 năm tuổi này được Lê Thiết Cương đặc biệt nâng niu, thành quả của một lần đấu giá chí chết với “tụi Tây”. Cương chơi đồ cổ, nhiều thứ quý và cực độc, anh bảo mình tầm đồ vì tình, giữ không “chảy máu” ra nước ngoài được chút nào quý chút ấy, đồ của người Việt thì phải thuộc về người Việt. Sau, nếu có bảo tàng nào đủ yên tâm, anh sẽ tặng lại. Từ câu chuyện thế nào là bảo tàng Tử Tế, chúng tôi không tránh được nhắc về  di sản và những “ấm ức” rất Lê Thiết Cương – (kẻ nói thật đến khó nghe, khó chịu, luôn “nhúng mũi” vào những bức xúc về đời sống văn hóa)…

– Trước những lố lăng đồi bại của xã hội, tôi thấy rất nhiều người không có phản ứng gì. Không biết có phải do gốc gác là tính an phận thủ thường của kẻ sĩ Bắc Hà, mà giới nghệ sĩ phía Bắc (đặc biệt là Hà Nội) lại thường nhát, không dám bộc lộ một cách minh bạch và công khai chính kiến của mình, mỗi khi có bức xúc về môi trường văn hóa. Anh thì lại nói quá nhiều, đến mức gây khó chịu. Người quý thì bảo có tấm lòng, còn không có khi đánh giá là nhiễu sự….

+Tiểu thuyết “Tuổi 20 yêu dấu” của Nguyễn Huy Thiệp thuở ban đầu đưa đến một NXB, người biên tập có đề nghị: “Anh có thể giữ nguyên ý của mình, nhưng tự viết lại đoạn đó cho mềm mại đi?!”. Ông Thiệp nói ý là: “Trước một câu chuyện đồi bại trong xã hội, người bán chè xu hay xe ôm đều bức xúc, nhưng trong giới hạn của họ, chỉ có thể trò chuyện với nhau về những bức xúc đó ở vỉa hè. Thằng nhà văn phải có trách nhiệm nói chuyện bằng giấy trắng mực đen, phải in ra và phát hành một cách chính thức”. Tôi cũng có chút tên, chút uy tín ở xã hội. Ông Giời ông ấy trao cho tôi sứ mệnh là thằng nghệ sĩ, thì tôi phải phát ngôn chính thức bằng vị trí của mình trên công luận về những chuyện của đất nước. Thấy những hành xử nhố nhăng với văn hóa tôi không chịu được, phải lên tiếng. Bởi tính xấu mà tôi ghét nhất là thói ngậm miệng ăn tiền. Tính này, tiếc rằng nó lại phổ biến ở giới nghệ sĩ Hà Nội.

-Tôi thì thấy trách nhiệm công dân không chỉ yếu kém ở nghệ sĩ mà còn ở giới trí thức nữa. Những người có trình độ và văn hóa cao hơn mặt bằng chung, nhưng chỉ thường chê bai oán thán những nhố nhăng thời cuộc trên Face Book và ở bàn nhậu, tỏ ra mình cũng trăn trở và biết đúng sai. Nếu họ cố gắng để phản biện quyết liệt và công khai, biết đâu đã thay đổi phần nào những nhố nhăng đó..

+Trí thức trong xã hội là những người hơn ai hết cần coi phản biện là thái độ sống cơ bản. Sự im lặng trước những điều tồi tệ, đồng nghĩa với thái độ đồng lõa, nó là cái đớn hèn. Làm thằng đàn ông, phải có cảm xúc, phải biết thế nào là nhục thì mới không hèn. Phải tự thấy nếu không nói ra là nhục nhã, thì người ta mới không hèn. Lại quay về chuyện của Nguyễn Huy Thiệp. Khi lời đề nghị phải sửa để tác phẩm “mềm mại” đi, lão ấy nói: “Thằng nhà văn chỉ có cách phát ngôn duy nhất là tác phẩm, bằng giấy trắng mực đen. Nếu bảo tôi gạch đoạn đó đi, sửa nó, khác gì tôi bịt mồm tôi! Không in thì thôi!”. Và ngày hôm nay, quyển đó vẫn chưa in. Đó là một câu chuyện rất hay về thái độ sống không thỏa hiệp. Nói thật, trong giới họa sĩ, nhiều người rất kém và hèn. Ai cũng chăm chăm chuyện đi bán tranh, kiếm tiền, mua nhà mua cửa để cho thuê, buôn đất đai…Họ tự bịt tai bịt mắt bịt mồm khi phải đụng chạm đến giới quản lý văn hóa, hoặc những dư luận có trái chiều. Họ sợ ảnh hưởng, phiền hà, bị ghét.

-Chăm chăm vẽ tranh, kiếm tiền, bán tranh, mua nhà…anh có cam đoan mình đứng ngoài những thứ đó không? Có khi không nói chẳng phải vì hèn, mà người ta chẳng có  vị thế để nói?

+Tôi đứng ngoài thật! Tôi không có nửa mét vuông nhà nào cho thuê, không đầu tư đất đai, không buôn bán gì. Tôi bán tranh giá đắt lại là việc khác. Những người kia cứ bán được tranh, cứ mua được đất, cứ đầu tư nhà hàng quán xá…và cứ phản biện, cứ bức xúc như những công dân có trách nhiệm thì tôi tôn trọng họ quá! Tôi biết rằng, có nhiều họa sĩ ít tuổi hơn tôi cũng nghĩ điều đó, nhưng họ ngại không dám nói ra, vì dễ bị nghĩ “Trâu buộc ghét trâu ăn”, thằng ấy chưa bán được nhiều tranh, nên ghen tị mà dèm pha. …Nói thật là vì nhà tôi rất to, tôi mới nói được!

 

-Tự ôm rơm rặm bụng, tự mình bắt mình đi “canh gác di sản”. Gác nhưng không gác được, nó vẫn mất mát và biến dạng đó thôi. Đọc những bài báo của anh khi có một câu chuyện tổn thương di sản, tôi tự hỏi không biết anh giữ được bao nhiêu lâu thái độ này? Mình bất lực, mình không làm được gì thêm, mình gắng gỏi để tạo thay đổi nhưng không chạm vào ai,  và mọi chuyện vẫn nhố nhăng…Anh có bị rơi vào cảm giác đó không?

+ (Thẫn thờ một lúc) Bạn đi tour một vòng các ngôi chùa quanh Hồ Tây chưa? Hỏng hết rồi. Bây giờ các chùa đều là bối cảnh phim cổ trang Trung Quốc, không còn theo nguyên tắc tín ngưỡng và thẩm mỹ của người Việt nữa. Lúc bi quan nhất tôi nghĩ, bài báo mình viết ra rồi cũng chỉ dăm ông bà có cùng quan tâm đọc với nhau, chứ chẳng đánh động đến ai. Nhưng rồi chẳng lẽ vì không có ai đọc, hoặc chẳng có tác động đến chính sách, đến những người có quyền…thì mình không làm gì?! Nếu cứ nghĩ thế, thì còn ai làm gì? Đâu còn phải là con người! Con người tử tế và lành mạnh là phải biết bức xúc trước những cái xấu.

  • Nghệ sĩ của chúng ta có yếu điểm là không thật lòng.

  Lê Thiết Cương là một đại diện quan trọng của hội họa sau thời kỳ Đổi Mới. Lứa ấy, phê bình mỹ thuật gọi là Thế hệ Vàng, với sự bùng nổ của tinh thần tự do và tính cá nhân, vừa dân tộc vừa hiện đại, cách tân ngôn ngữ nhưng vẫn đảm bảo bám rễ sâu vào nguồn mạch văn hóa truyền thống.

– Hoạt động mỹ thuật trong vòng 15 năm trở lại đây sôi động về bề mặt , (trên số lượng các triển lãm và gallery) nhưng lại có phần hời hợt, nông cạn, tự lặp lại mình và bị thương mại hóa. Tinh thần không còn sự hồn nhiên và tính cá nhân đặc sắc như thế hệ Đổi Mới của các anh. Vì sao lại có sự hẫng nhịp này?

+Lứa họa sĩ sau thế hệ Đổi Mới bị cái bệnh ảnh hưởng Trung Hoa quá mạnh, kể cả những người rất nổi tiếng. Thế hệ chúng tôi đứng trên nền văn hóa Làng, nhìn sang Châu Âu để cách tân. Thì lứa sau đứng ở hội họa Trung Hoa để nhìn ngược về Việt Nam. Tôi có cảm giác là cái tạng tính dân tộc của họa sĩ Trung Hoa lục địa, khi vô thức tập thể mạnh, thì đi vào Pop Politics dễ hơn người Việt. Nghệ sĩ của chúng ta có yếu điểm là không thật lòng. Vì Pop Politics là một trong những cách để nghệ sĩ phản kháng, nhưng những người vẽ Pop Politics ở Việt Nam họ có phản kháng gì đâu, đến phản kháng về văn hóa họ còn không dám…

-Trở lại điều chúng ta nói lúc trước, là trí thức và nghệ sĩ phải có thái độ phản biện. Và khi các nghệ sĩ đương đại thực hiện sứ mệnh phản biện (bằng nghệ thuật của mình), mà ta kết luận họ không thật lòng – liệu có là quy chụp?

+Khi không có đời sống ấy, thì không có tấm lòng ấy đâu bạn. Nghệ thuật đương đại nhất thiết phải có ý, không có 1 tác phẩm sắp đặt và trình diễn nào lại chẳng có ý gì, mà để có ý thì phải trở lại câu chuyện thái độ sống. Nghệ thuật đương đại rất mạnh trong việc biểu đạt thái độ của người nghệ sĩ. Muốn thế, anh phải có  ý thức công dân, tấm lòng, sự hiểu biết về xã hội và chính trị. Mà tất cả cái đó đều cần có bề dày văn hóa, có trải nghiệm, học và đọc và nghe nhiều, cần thời gian để bồi đắp. Tôi có thể dẫn chứng những tên tuổi có tay nghề rất cao, thành công về thị trường, có triển lãm nước ngoài…Nhưng tôi không nhìn thấy chính họ trong tác phẩm. Ngày xưa, văn nghệ chỉ có con đường phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân và kháng chiến thì tác phẩm rất hay, cực kỳ xúc động. Là vì người ta thực lòng. Nghệ sĩ họ yêu nước thật, họ thấy cách mạng là thiêng liêng thật. Thì mới vẽ hay được như thế. Điều đó chứng tỏ rằng, không cứ phải có xung đột giữa văn nghệ và chính trị mới có được tác phẩm lớn. Bây giờ rõ ràng văn nghệ không nhất thiết phục vụ chính trị thì chẳng có tác phẩm hay.

 

-Các họa sĩ trẻ không còn mê đắm con đường hội họa giá vẽ. Cảm giác họ quăng ra bất cứ cái gì cũng là trình diễn hay sắp đặt. Phê bình mỹ thuật cũng tranh cãi nhiều, rằng đương đại của các họa sĩ bây giờ có thực là đương đại? Hay nghệ thuật đương đại cũng nhiều lúc làm trò bịp kiểu “hoàng đế cởi truồng”?

+Nghệ thuật đương đại bỏ đi sự công phu, rèn luyện hàng ngày của tay- là cái công phu nghĩa đen. Nhưng nó đòi hỏi công phu khác của việc sống và trải nghiệm, công phu của việc học. Anh thấy dễ bởi đời sống của anh nông thôi, cái đó nó là sự nguy hiểm của con dao hai lưỡi, nó đang bị lạm dụng. Cũng có những họa sĩ làm đương đại có tác phẩm tốt. Tôi rất thích Trương Tân, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Minh Phước….Vấn đề ở đây là những người hưởng thụ văn hóa (là khán giả) lại không chạm tới. Nghệ thuật đương đại đòi hỏi phông văn hóa ở cả người sáng tạo và người tiếp nhận. Khi công chúng không thể tương tác, do không đủ trình độ thì cũng không thể đổ lỗi hết cho các nghệ sĩ. Ngày hôm nay người ta muốn trở thành công chúng của Nghệ thuật, nhất thiết phải tự đào tạo mình.

  • Cuối cùng tôi cũng là một thằng người đầy nhầm lẫn

Lê Thiết Cương có nói, anh không thể sống nếu một ngày không dính líu đến nghệ thuật. Tính Cương hào phóng rộng rãi, lại có“biệt nhãn liên tài”, lại yêu bạn yêu bè như yêu thân. Nên anh tự nguyện làm Mạnh Thường Quân cho biết bao văn nghệ sĩ Hà Nội. Từ 2005 đến 2011, tại Gallery 39A đã “xảy ra” 30 cuộc triển lãm: tranh Trịnh Công Sơn, Đào Hải Phong; điêu khắc của Lê Đình Nguyên; ra mắt sách của Nguyễn Quang Thiều, Vi Thùy Linh, Nguyễn Huy Thiệp; lễ mở xiêm y cho đào nương Phạm Thị Huệ, ảnh của Đặng Ngọc Thái… Không chỉ miễn phí hoàn toàn, có khi Cương còn bỏ tiền túi ra lo ngược cho nghệ sĩ. Tận tụy và kỹ lưỡng, chăm chút từng cái giấy mời trở đi, người ta tưởng như bất kỳ cuộc triển lãm nào ở Gallery 39A cũng là Của Lê Thiết Cương. Không khí salon nghệ thuật đúng nghĩa, nơi người ta  hăm hở hết lòng, nơi người ta thấy mình được kích ứng (và tạo ra kích ứng), nơi người ta khao khát chia sẻ sáng tạo…từng hiện diện trong ngôi nhà hào hiệp này.

  Cuối 2011, Lê Thiết Cương tuyên bố đóng của Gallery 39A, một cái tin bằng bao thuốc lá trên báo Tuổi Trẻ nói lý do: vì anh muốn tập trung thời gian cho những dự án cá nhân. Tôi thì đồ rằng sự thật là Cương chán, ngọn lửa hào hiệp của anh hóa ra cũng chỉ là một quầng ấm áp nho nhỏ cho một bọn người nghệ sĩ đơn độc. Nó không truyền nóng  được cho đám đông hờ hững ngoài kia, anh hình như đau khổ vì trong đám đông đó, có rất nhiều kẻ làm oan sứ mệnh nghệ sĩ…

Thì Lê Thiết Cương lại quay Về Mình, loay hoay tìm ý nghĩa việc Sống trong Vẽ (và có khi ngược lại?).

– Tôi nhớ, anh từng bảo nếu bắt Lê Thiết Cương vẽ một cái tranh xấu là vô cùng khó, sống mới khó chứ vẽ không khó! Cái việc sống quan trọng hơn làm nghệ thuật, anh nhận ra từ lúc nào?

+ Điều này, khi trẻ người ta không nhận ra được. Tôi nhận ra đổi mới chính mình rất khó. Quan niệm nghệ thuật thì không thể đổi, nó là cái vân tay. Nhưng mình không được lặp lại mình. Không có một nghệ sĩ chân chính nào lại không khát khao đổi mới mình, được khác chính mình. Cái điều đó như một sự tự trọng, nếu không thì mình cầm bút vẽ tiếp mà làm gì? Ai cũng có ước ao đấy, nhưng phải nhớ là mọi biến động trong nghệ thuật dứt khoát phải là biến động trong đời sống, nếu không sẽ chỉ là sự giả vờ. Mà thức ăn của nghệ thuật có cái ác là nó không chỉ ăn hạnh phúc, mà nó còn đòi ăn sự mất mát, sự bất hạnh, thậm chí cả bệnh tật. Chứ khỏe quá, hạnh phúc quá có khi lại không được.

-Tranh của anh càng ngày càng buồn, càng nhiều khoảng trống, càng yên tĩnh. Ngày xưa cũng từng náo nức hòa sắc cơ mà…

+Nó theo tuổi. Càng già càng lặng. Nó đúng với đời sống thật của tôi. Bây giờ tôi vẽ màu âm âm thế này.

-“Nghệ thuật là cách tìm về mình, là mình, làm mình”- cũng của chính anh tuyên ngôn nhé, trong một bài báo tôi đặt anh viết về lý do anh chọn nghệ thuật tối giản…

(Lê Thiết Cương mang ra bức tranh vừa mới vẽ, một hình người ngồi bó gối với 3 chiếc chìa khóa chập chờn trên đầu).

+Đây! Trở về mình! Ai chẳng khao khát tìm được mình, sống chân thật với mình. Cái số 3 nó như số nhiều ấy, có thể bạn có rất nhiều chìa khóa, nhưng chưa chắc đã mở được cánh cửa để về với mình. Có khi đi rất nhiều đường, có khi cả một thế hệ chưa chắc đã tìm thấy mình, chưa nói đến một cá nhân. Trong nghề, có những người rất chăm chỉ, yêu nghề nhưng cả đời vẫn chỉ là nghệ nhân. Nghệ thuật nó bạc lắm.

– Soi mình trong nghệ thuật, anh thấy rõ hơn điều gì?

+Là thấy cuối cùng tôi cũng là một thằng người đầy nhầm lẫn, yếu đuối, và không tìm thấy chìa khóa. Đầy mơ mộng, có từng ấy cái chià khóa, cũng cố gắng mở nhưng không biết có mở đúng căn phòng  của mình hay không? Cũng chẳng biết thế nào là đúng sai, rồi nhầm lẫn hết cả. Thực sự nếu có một giây phút nào đó thoáng qua mình biết được chuyện sai- đúng, xấu- đẹp, thì lúc đó cũng không còn cơ hội làm gì nữa, vì khi trẻ mình đã sống ào ào như một quán tính. Đến tuổi này mới nhận ra, thế này mới là đúng, mình làm thế kia là lạc mình, nhưng không còn thời gian hay cơ hội nữa, muộn hết rồi. Vì còn là sức khỏe, còn là trong mình muốn làm điều đó không. Bây giờ tôi còn nhiều dự án hay, ý tưởng đã có, chuẩn bị hết rồi, mọi việc đã vạch ra đủ… nhưng lòng mình thấy chán, năng lượng không đủ mạnh, nên vẫn không thể bắt tay vào được. (Nói đến đây, Lê Thiết Cương dừng mắt ở bức ảnh treo đối diện chỗ ngồi. Ảnh này, Cương chụp trước cửa nhà mình, một người đàn ông nghèo dắt chiếc xe đạp chở rau muống, nụ cười của ông ta thật thanh thản và nhẹ nhõm). Hàng ngày tôi ngồi vị trí này, cái ảnh đối diện tầm mắt, nhắc tôi rằng mình vẫn phải sống thôi. Cuộc sống là thứ ta không trốn tránh được, thì hãy cố gắng thưởng thức nó cao nhất trong điều kiện mình có thể. Mình chỉ được xây ngôi nhà trên miếng đất của mình, không thể tìm hạnh phúc ở miếng đất của người khác. Một người nông dân, chỉ có chiếc xe đạp cà tàng, quần áo cũ nát, đống rau muống còn ế nguyên- mà ông ta vẫn cười được. Thế mà mình không cười, thì mình thật vớ vẩn.

Các triển lãm cá nhân của Lê Thiết Cương

2013   Triển lãm 13, Gallery 39, Hà Nội, Việt Nam

2009  Hòa Bình,  Gallery Shingendo, Tokyo, Nhật Bản

2008    Chuyện của Lan,  Gallery Thanh Bình, Hà Nội, Việt Nam

2007:   Như Không, Trung Tâm văn hóa Hàn Quốc, Hà Nội, Việt Nam.

2004 : Gặp Mình, Gallery55, Bangkok, Thái Lan.

2003 : Đối Thoại không lời, Gallery Plum Blossoms, New York, Mỹ

1998 : Việt Nam ngày nay, Gallery Andy Julien, Zurich, Thụy Sỹ.

1995Con đường tĩnh lặng, Plum Blossoms, Hong Kong & Singapore.

1991 : Đồng dao, 16 Ngô Quyền, Hà Nội, Việt Nam.

Hiện có tranh treo tại Bảo tàng Quốc gia Singapore

NHỮNG CÂY VĨ CẦM CỦA XUÂN HUY

 

Xuân Huy

Phụ Nữ TP Xuân 2013

   Xuân Huy có một tin tưởng mãnh liệt (mà anh khẳng định là không điên rồ chút nào), rằng hàng trăm năm sau, những cây vĩ cầm của anh vẫn còn, nó có thể đang phiêu du ở một vùng đất nào đó, trong nhung lụa hoặc khốn cùng, nhưng cây đàn ấy vẫn đang tồn tại và có linh hồn!

  Ở vỉa hè Lý Thái Tổ những chiều cuối tuần, Xuân Huy là linh hồn của dàn nhạc giao hưởng Luala. Anh ngồi giữa những nghệ sĩ đàn dây- như một kết nối đầy tự do. Xuân Huy kéo vĩ cầm, mái tóc rối bời, đôi mắt luôn nhắm nghiền, anh chơi nhạc cổ điển trên đường phố theo cách cực kỳ phóng túng và nhập thân tuyệt đối , như thể chỉ còn duy nhất anh và âm nhạc trong một kết nối thiêng liêng vĩnh cửu. Rời khỏi cây mã vĩ, dường như không còn liên quan gì giữa gã đàn ông ngơ ngác có gì đó rất lặng lẽ, với người nghệ sĩ vừa mở ra cánh cửa ngập tràn hân hoan và dịu dàng – bằng tiếng đàn quyền năng của anh ta. Dường như Xuân Huy vừa khóa mình lại tức khắc, cùng với việc cẩn trọng đặt chiếc violin bé xíu vào cái hộp nhung.

    Người ta từng gọi Nguyễn Xuân Huy là “thần đồng âm nhạc”. Thì đây, tiểu sử nghệ thuật thời niên thiếu và những năm tháng trai trẻ của anh “oách” thế này: thủ khoa khoa Violin của Nhạc Việt Hà Nội, xếp thứ hạng cao trong cuộc thi “Tài năng vĩ cầm trẻ” ở Venhepsky (Ba Lan), du học Violin tại học viện Tchaikovsky, người Việt Nam duy nhất chơi trong Dàn nhạc Giao hưởng Century của công nương Diana với những chuyến du diễn khắp Châu Âu…Chuyện quá khứ đó, có thể những người  Hà Nội đợi chờ để gặp anh ở vỉa hè Luala concert không hề biết, cũng như họ không biết người nghệ sĩ vĩ cầm mà mình yêu quý còn là một nghệ nhân chế tác đàn với đôi tay vàng. Còn Xuân Huy, anh chỉ cười láu lỉnh: “Mọi thứ bạn vừa nói đến, chẳng có gì quan trọng, nó chỉ đơn giản là một câu chuyện trong bao câu chuyện- về một con người mà thôi!”.

Vậy thì, tôi sẽ kể câu chuyện về người làm đàn!

Trong mắt Xuân Huy, để xứng đáng được gọi là một cây violin chuẩn mực trong dàn nhạc cổ điển – phải là một cây đàn được làm thủ công bằng tay, một bản thể duy nhất với chỉ số không lặp lại từ thân, phím, màu vecni, cho đến âm vang của tiếng đàn khi cất lên. Loại violin làm đại trà bằng máy, giống nhau như đúc từ màu vỏ, hình dáng cho đến âm thanh, đẹp cùng một kiểu long lanh vô cảm, có một nhận dạng chung khó chịu: sự vô hồn trong tiếng đàn. Một nhạc cụ trong bộ Acoustic mà người đời thường định giá là sang cả như cây đàn Piano, thì càng đánh càng hỏng, càng để lâu càng đi xuống, vừa xuất xưởng đã mất giá. Cây đàn violin đích thực càng để lâu sẽ càng đẹp, tiếng đàn và thân đàn ám màu thời gian càng trở nên quyến rũ, vì thế nó đương nhiên càng đắt. (Năm 2012, giá nhạc cụ đắt nhất thế giới thuộc về Guarneri Vieuxtemps, cây đàn violin được làm từ năm 1741 bởi nghệ nhân người Ý Guarneri del Gesù, được bán với giá 18 triệu đô la).  Nếu giữ cẩn thận, một cây đàn Violin được làm tốt, hoàn toàn đạt được tuổi thọ 500-600 năm.

   Thùng đàn của cây Violin bé nhỏ có kết cấu giống như mái vòm của một nhà thờ, âm thanh được truyền trong đó để khi cất lên phải có một độ vang mê dụ. Lớp trên của thân đàn được làm bằng loại gỗ Tùng xốp mềm mọc ở vùng rừng nước Ý; mặt dưới thân đàn là loại gỗ Phong có vân chun trong như ngọc, dai và chắc. Một cây đàn chỉ hay khi thân gỗ tạc lên nó phải có tuổi thọ hơn 100 năm; cây cổ thụ đó được chặt, để khô tự nhiên và ám thời gian hơn 50 năm nữa.(Gỗ để hong trong bóng rợp đươc hơn chục năm vẫn bị coi là còn tươi, làm đàn ra âm thanh chói, khé, chua và lạnh). Mỗi nhà chế tạo đàn có một bí quyết xử lý gỗ, với mục đích cuối cùng: phiến gỗ để đẽo đàn phải được rút kiệt nhựa, độ khô của miếng gỗ ấy phải tương đương với thời gian phơi chừng…300 năm. Gỗ càng cũ – tiếng đàn càng dịu ấm, sáng và tròn trịa, trong ngọt giống tiếng người. Lớp Vecni đàn không chỉ để cho đẹp, mà để điều chỉnh âm thanh chụm lại. Loại vecni có độ thẩm thấu trong suốt của những nhà làm đàn người Ý thế kỷ 17-19 (thời hoàng kim của những cây vĩ cầm) đến nay đã thất truyền, suốt hàng trăm năm sau không một nhà bào chế nào tìm ra được “mã hóa” kỳ diệu của loại vecni đó nữa. Người nghệ nhân phải tìm công thức trên từng chiếc đàn được làm ra dưới tay mình, bởi vậy không có 2 chiếc violin nào tiếng hoàn toàn giống nhau. Tôi băn khoăn không biết, liệu Xuân Huy có bị ám ảnh bởi bộ phim “Cây vĩ cầm đỏ” (The Red Violin), với cây đàn được hun đúc từ tình yêu, khát vọng và mơ ước, đau đớn và tuyệt vọng của nghệ nhân chế tạo đàn violin tài hoa Nicolo Bussotti – người đàn ông đã mất cả gia đình khi vợ ông không qua nổi cơn vượt cạn đứa con trai đâù lòng ? “Ám ảnh thì không! Nhưng đam mê và khát khao vẻ đẹp toàn bích thì dữ dội đúng như người nghệ nhân đã cắt tay vợ để lấy máu làm vecni đàn. Tính kỹ thuật chỉ là cái vỏ bề ngoài, ước vọng của người làm đàn là tạo ra được một cây đàn có âm thanh hoàn hảo- một vẻ đẹp nằm ngoài quy luật của thời gian và khiến mọi trái tim run rẩy…”. Xuân Huy nhấn mạnh thêm: “Đơn giản, đó là dấu ấn mà những người làm đàn chân chính đều muốn nó tồn tại song hành cùng cây đàn đẹp đẽ nhất của mình, như một thứ “chữ ký” của anh ta trên cuộc đời này”.

  Để làm xong một cây đàn, Xuân Huy mất khoảng 4 tháng tỉ mẩn. Nhưng trước đó là quá trình thai nghén liên tục, cứ ám ảnh trong từng ngày sống, (thanh gỗ đang lọc ở giai đoạn nào, ngâm tẩm gỗ ở ngày thứ bao nhiêu, nhựa cây đã rút đến đâu, bao giờ thớ gỗ kiệt để có thể tạo phôi đàn…???). “Nhưng tất cả quá trình đằng đẵng ấy chưa giải quyết được điều gì. Cây đàn làm xong, phải tiếp tục chơi trên nó hàng năm trời, để xem tiếng đàn bị thiếu gì, thừa gì? Làm được cây vĩ cầm như mình sinh ra đứa trẻ, phải theo dõi tâm tính để dạy dỗ nó. Vì thế mà cây violin  đã tốt, để càng lâu năm càng quý” – Xuân Huy nói. Trên thế giới, rất ít nghệ nhân có thể chơi đàn như một nghệ sĩ, họ thường nhờ những tay vĩ cầm thủ chơi  hộ để tìm ra nhược điểm mà “dạy bảo” tiếp đứa con của mình. Xuân Huy luôn biết rõ sự may mắn của anh, khi tự  mình có thể làm ra và dạy dỗ trọn vẹn một cây đàn.

Người chế tác đàn Xuân Huy luôn tin chắc mọi cây vĩ cầm đều có linh hồn, khi sinh ra nó đã mang số sống hoặc số chết: “Hồn của cây đàn phụ thuộc vào người tạo ra và người chủ sử dụng nó, nó mang tâm tính và là tiếng lòng của người chơi nhạc. Khi người chủ cũ mất đi, thường rất lâu sau cây đàn mới có thể quen được với người chơi khác. Cây đàn có thể hưng phấn, giận dỗi, hay u buồn…giống như thế giới tâm hồn của con người. Có những nghệ sĩ đại tài, nhưng trên sân khấu họ vẫn vấp hoặc mắc lỗi với cây violin. Chỉ vì họ không phá được “vía” của cây đàn và chế ngự nó”. Chính vì vậy, với Xuân Huy, việc làm đàn là một thứ Đạo. Đi tìm cây đàn hay giống một cuộc hành trình đơn độc hướng Thiện, trước hết là thanh tẩy mình, sau đó là truyền lan hân hoan cho những người khác. Những người chơi nhạc cổ điển thường đem lại cho người đối diện cảm giác an bằng thiền mặc. Xuân Huy nói: “Như thực hiện một phép tu, giữa bốn bức tường, chỉ có cây đàn bên cạnh, người chơi nhạc cổ điển tu động trong đơn độc không ai biết. Sự ép mình khổ hạnh để đạt đến giải thoát và vô thức trống rỗng, chỉ còn dòng chảy âm nhạc là tồn tại duy nhất”. Xuân Huy luôn chơi vĩ cầm như thế, giữa đám đông lao xao trên đường phố, hay trong một nhà hát im phắc, khi dòng âm  thanh tuôn trào mê đắm- thì chỉ còn anh đơn thân với cây vĩ cầm của mình, giống một kết buộc của số phận, như Noah trên chiếc thuyền ngày tận thế của mình.

  Trong bộ sưu tập của Xuân Huy, có vài cây Violin được làm từ thế kỷ 18 do các nghệ nhân Ý. Trong những cây đàn cũ bị hỏng, người ta mang đến nhờ anh bóc ra sửa, trả lại cho nó một diện mạo và âm thanh khác, có không ít cây cả trăm năm tuổi. Và những cây vĩ cầm của Xuân Huy cũng đã chu du cùng trời cuối đất. “Có thể cây đàn của tôi đang viễn du theo một dàn nhạc nào đó đi khắp thế gian, cũng có thể có cây đang an ủi cho một con người cô độc nào đó ở tận Châu Phi, biết đâu lại có cây khác nằm mốc meo bong tróc trên một gác bếp hay bị bỏ quên trong một tủ đồ cũ? Tôi không mừng vì nhung lụa, cũng chẳng xa xót vì những hẩm hiu. Bởi biết trước phận “đứa con” của mình, người nghệ nhân đã chẳng thể làm nên những cây đàn. Tất cả chỉ là những chuyển hóa luân hồi mà thôi” – người làm đàn nhỏ nhẹ.

Tôi thì không muốn tin, những cây đàn Xuân Huy dốc lòng yêu  như thế, bằng tất cả sự hân hoan, ao ước, và nỗi cô độc của anh- lại bị lãng quên ở đâu đó. Như giấc mơ điên rồ trong một cuốn phim đẹp, biết đâu hàng trăm năm sau, cây vĩ cầm của nghệ nhân làm đàn Xuân Huy đến từ Việt Nam, lại được tấu lên trong mái vòm cong của một nhà hát ở Vienna hay Berlin? Biết đâu đấy, sẽ có những gia đình để lại cho con cháu mình cây đàn của Xuân Huy như một tài sản để dành, thay vì vàng bạc hay những tài khoản trong ngân hàng? Và khát khao của người làm đàn – về một vẻ đẹp hoàn mỹ nằm ngoài quy luật băng hoại của thời gian, sẽ còn hiện diện không chỉ ở kiếp này….

———————

-“Anh tìm thấy gì – giữa những phoi bào, giữa  ngổn ngang các lọ pha chế vecni, cây vĩ cầm còn dang dở, và dòng âm thanh thô mộc chưa được gọt giũa?”.

+ “Đó là đam mê và bù đắp. Cảm giác thảnh thơi và ngơi nghỉ. Sự cứu rỗi và ân khước!”.

(Xuân Huy)

Ngọc Đại- kẻ độc hành cuồng điên…

 ngoc dai

 

Người điên rồ và hoang tưởng nhất của âm nhạc Việt Nam. Người luôn mơ tìm được thứ âm nhạc không bao giờ cũ. Kẻ độc hành khăng khăng không thỏa hiệp bầy đàn

  • “Cơn điên” mang tên Nhật Thực 1

Tôi gặp Ngọc Đại năm 2001 ở nhà vợ chồng họa sĩ Văn Thao (con trai cả nhạc sĩ Văn Cao). Ông vừa rã rời sau cuộc li hôn với người vợ cả, sống nay đây mai đó bạt tử. Trong đầu Ngọc Đại lúc đó chỉ ăm ắp và ngột ngạt chuyện âm nhạc (và 12 năm sau tôi gặp ông, cũng vậy), ông không nghĩ mình tra tấn người đối thoại khi lần gặp nào cũng chỉ là một chủ đề duy nhất: Nhật Thực!

“Nhật Thực” là tên gọi chính thức của một “cơn điên” của Ngọc Đại vào thời điểm đó. Đọc thơ Vi Thùy Linh, cô gái tròn 20 tuổi yêu tận hiến, một cái mạch nào đó trong đầu Ngọc Đại bị chạm. Thế là trong 3 đêm, 24  khúc hoan ca và bi ca của tình yêu được ông viết ra – ông gọi nguyên “chùm” đó là Nhật Thực! Và ông gặp Trần Thu Hà, đúng lúc cô ở đỉnh tràn trề năng lượng và ngưỡng  liều lĩnh. Nội lực của Hà lúc ấy, như một khinh khí cầu đã căng tức, cô chán nhạc Pop và những tác giả viết kiểu ủy mị dễ nghe (nhưng Hà lại loay hoay chưa tìm được lối đi tiếp cho mình). Nhạc Ngọc Đại vừa là cái van, vừa là cánh cửa – mở ra cho Hà một chân trời khác, mà từ đó nhìn về những gì Hà từng hát trước đó, thì thấy thật nhạt.

  Live show đầu tiên đời đi hát của Trần Thu Hà là Nhật Thực, xảy ra vào tháng Tư năm 2002. Khi xin giấy phép cho album và chương trình, Cục NTBD nhấc lên đặt xuống, như vị nhạc sĩ Cục Trưởng lúc đó nói lý do: “vì khó phổ cập, phần lời thì ẩn ức dục tình (?!), âm nhạc thì lạ và điên cuồng quá!”. Nhưng sau “Nhật Thực I”, thì không còn một ai ngần ngại khi gọi Trần Thu Hà là Diva. Còn cái tên Đỗ Bảo- nhạc sĩ phối khí của chương trình và album, trở thành thương hiệu tin cậy trong giới làm hòa âm phía Bắc (lúc đó, Bảo chưa xuất hiện với tư cách một người viết ca khúc). Và đạo diễn trẻ Việt Tú nghiễm nhiên được định danh là người làm sân khấu tiên phong, một hiện tượng khác thường. Âm nhạc Hà Nội hơn 10 năm sau, vẫn chưa lặp lại liveshow nào khiến người ta bừng thức như thế.

 2003, Hà sang Mỹ lấy chồng – Ê-kíp tan rã, nhưng vẫn còn nợ nhà tài trợ (theo hợp đồng chương trình phải diễn đủ 3 miền; nhưng Nhật Thực I mới chỉ diễn 2 đêm ở Hà Nội). Ngọc Đại “on tour” tiếp cùng 2 ca sĩ mới toe từ Sao Mai bước ra: Khánh Linh và Tùng Dương. Dù có chút tiếng tăm nhưng show ở Sài Gòn và Huế sau đó chỉ là cái bóng mờ nhạt và chắp vá của Nhật Thực 1.

Rồi Ngọc Đại sang Bỉ sống với người vợ thứ 2 – Isabelle, cô là chuyên viên giáo dục của Phái đoàn Liên Minh Châu Âu tại Việt Nam. Belle trẻ măng và tuyệt đẹp, nhận lời làm vợ Ngọc Đại trong những ngày ông đang khốn khổ kiếm tấm giấy phép cho Nhật Thực 1. Liền trong 3 năm cô sinh cho ông 2 đứa con. Ở Bỉ, Ngọc Đại kịp làm vài dự án âm nhạc với cộng đồng nghệ sĩ underground bản địa, ông sống sung túc vì Belle rất tháo vát. Vợ đẹp con xinh, nhưng  bị “con ma âm nhạc nó ám”, Ngọc Đại nằng nặc đòi về Việt Nam, vì “không ở trên đất Việt, có một mạch gì đó trong tôi bị đứt gãy…”

   2006, Ngọc Đại ở nhà thuê tại ngõ phố Đào Tấn. Chỗ nằm là cái ổ be bé,

còn lại trưng dụng diện tích tối đa để bày đống đồ lề làm nhạc của ông. Phòng trọ nhỏ trở thành tụ điểm và studio của nhóm Đại – Lâm- Linh (có hỗn danh là Tam Ca Đầu Trọc). Nhạc của Đại Lâm Linh lấy gốc là những bài hát của Nhật Thực, nhưng mọi vẻ đẹp của ca từ và giai điệu đã bị phá cho tan nát.  Chỉ còn hư từ, ảo giác, những đổ vỡ – một không gian âm nhạc phi cấu trúc, u ám và hỗn mang.  Công chúng thì không nghe được thứ âm nhạc chỉ còn những thất thanh, rên rỉ và  ú ớ ấy. Dân trong nghề nhiều người khó chịu, bảo Ngọc Đại làm trò, quậy kiểu điên điên để được chú ý. Đương nhiên ông không quan tâm mọi lời đàm tiếu, vẫn tiếp tục âm thầm làm thứ âm nhạc bị gọi là “điên loạn”. Có dịp hiếm hoi, ông nói: “Muốn phá trước hết phải hiểu biết về nền móng, phải qua một quá trình nhận biết. Nhật Thực nghe lại sau 10 năm tự tôi thấy cũ quá, phải dỡ nó ra để xây cái mới”!

  • 40 năm vẫn đương đại

 Bảng xếp hạng Bài Hát Yêu Thích của liveshow gần cuối năm 2012, lọt vào “Giọng Mưa Đàn Bà”- bài hát Ngọc Đại viết từ năm 1978. Việt Tú, tổng đạo diễn của Bài Hát Yêu Thích nói: “Hơn 30 năm sau, mà nghe nhạc ông Đại vẫn quá mới! Những nghệ sĩ đang vỗ ngực là mình đương đại, xách dép chạy theo không kịp”. Tính thẳng thắn đến phũ mồm, NGọc Đại chẳng ngại ngần chỉ ra “công thức” của nhiều bậc đa đề làng nhạc: “Cứ lấy tí Tiền chiến, đắp thêm chút lãng mạn cổ điển, lắp vào tiết tấu phương Tây…Cái cách kế thừa ấy khiến âm nhạc của chúng ta chắp vá như tấm váy đụp!”.

Giới nghề nghiệp thì vẫn còn nhớ, ngay những năm sau Giải phóng, Ngọc Đại là một trong những người tiên phong phát triển thể loại nhạc nhẹ (cùng Trần Tiến, Dương Thụ, Nguyễn Cường). Nhưng ngay cả với những người “cùng chiếu” ấy, thì tư duy cách tân của Ngọc Đại vẫn là đi quá xa và quá sớm. Ngọc Đại kiến tạo một thế giới âm nhạc với cấu trúc trái thông thường, mạch cảm xúc đa chiều, giàu tính tượng hình và vùng vô thức rất mạnh. Không ngạc nhiên khi ngoài 1 vài đoạn đường chung ngắn ngủi với Trần Thu Hà, Thanh Lâm và Linh Dung- chẳng ca sĩ nào đủ can đảm từ chối đám đông để đi cùng ông trong âm nhạc. Còn tự ông thì có một câu tuyên bố ngạo ngược làm nhiều người tức tai: 40 năm nữa, không ai mới hơn Tôi!

Cho nên NGọc Đại luôn độc hành. Người đi trước tự biết phận mình là lạc bầy, ông chấp nhận điều này, nhưng không khỏi có lúc buồn- “người ta nghe nhạc tôi muộn quá!”.   Ai đó khen nhạc Ngọc Đại Lạ, ông thường cẩn thận chữa lại: “Tôi mới”, và giải thích thêm: “Trong Mới có kếnối, có vin từ gốc gác, nhưng quan trọng là anh phải Mô-đéc, phải đi trước …”. Yêu đến đau đớn hồn cốt của dân ca và nhạc cổ truyền, Ngọc Đại luôn tự hào mình có trầm tích văn hóa “đặc sệt Việt Nam”. Cụ thân sinh là chủ một gánh chèo, từ lúc bé xíu Ngọc Đại đã ra xé vé vào gảy đàn kìm. Lang thang cả tuổi thơ đi theo gánh hát – văn hóa dân gian Bắc Bộ, làn điệu và biến báo nhịp phách của chèo, tuồng, cải lương, xoan, xẩm…đã ngấm vào Ngọc Đại tự nhiên như hơi thở. Ông nói về điều này như một ân huệ: “Tất cả gia tài âm nhạc của tôi đều ở cổ truyền mà ra!”.

  • “Kẻ sáng tạo không bận tâm chuyện mình bị từ chối!”.

 

 

 

Một ngày đông 2012 tôi đi tìm gặp Ngọc Đại, ông đang ở nhờ trong một khu vườn rộng khuất vắng trên mạn Hồ Tây. Cuộc sống của ông có vẻ tối giản (theo nghĩa vật chất tầm thường nhất của từ này). 66 tuổi, ông già nhanh và có phần hốc hác. Thỉnh thoảng bạn bè hay con cái (của người vợ cả) qua thăm, cho ông chút tiền để phòng thân. Ông tiêu vèo trong 1,2 ngày – rồi lại ăn đong. Dành dụm cho ngày mai không phải tính Ngọc Đại, suốt cả thời trai trẻ tới giờ, ông vẫn là kẻ lúc trong túi không 1 xu rách, có lúc đổ ra cả bị tiền khoản đãi bạn bè.  Giờ thì Ngọc Đại tự đi chợ nấu ăn ở cái bếp nhỏ chung với chú bảo vệ khu vườn, nhiều tuần trời chỉ gạo lức muối mè qua bữa, ốm đau nằm bẹp một góc không ai biết, âm thầm làm việc không ai biết, thậm chí có chết đi ở cái xó vườn rộng này cũng không ai biết. Câu chuyện mà Ngọc Đại kể đơn giản trong hơi thuốc lào rất dài, ông không biết đã làm người đối diện cay cay sống mũi. “Cuộc sống bị dồn đẩy đến cô độc là điều kiện tốt của kẻ sáng tạo”, Ngọc Đại bảo thế, nhưng tôi cho là ông đang cố dùng phép thắng lợi tinh thần, chứ nhu cầu được đối đáp và giao tiếp về âm nhạc của ông vẫn còn tha thiết lắm. Chẳng thế mà ông lại dồn “mẻ tiền phòng thân” mới nhất các con gửi để sửa căn nhà sàn ọp ẹp ông đang trú tạm. Với mong ước lạc quan và thơ ngây thế này: nơi đây sẽ là một sân khấu nhỏ ấm áp, để người ta có thể đến nghe nhạc Ngọc Đại, như một tụ điểm nghệ thuật độc lập!

  Nhưng liệu có ai lên mạn Hồ Tây xa tít, để nghe nhạc dưới căn nhà sàn này? Khi mà ông đã cất công mang âm nhạc của mình ra nhà hát, chủ động hòa giải đám đông bằng việc gửi bài cho VTV như một thí sinh mới toe trong “Bài Hát Việt”- để mà nhận lại sự thờ ơ, thậm chí cả những lời nhục mạ từ đám fan đông nghịt của thứ nhạc Pop thời trang? Thì đây, kẻ độc hành cuồng điên lại quay về thái độ độc đoán khó chịu: “Không chấp nhận Ngọc Đại là việc của mọi người! Kẻ sáng tạo không bận tâm về chuyện mình bị từ chối!”.

   Trong câu chuyện kéo dài cả buổi chiều, tôi thấy ông vẫn điên điên tỉnh tỉnh, dại dại khôn khôn, lãng mạn và hoang đường – y như 12 năm trước. Nhưng có thêm phần gì đó rất đỗi chua chát. Ừ thì ông nói vẫn tự biết phận mình, nhưng gia tài hơn 500 tác phẩm âm nhạc còn để đó, chưa biết lúc nào và chưa biết ai sẽ đụng đến? Ngày ông bỏ gia đình ở Châu Âu để về nước, Isabelle có “cấp vốn” cho 60 ngàn Euro, Ngọc Đại nướng sạch vào âm nhạc. Tiền nhẵn túi, nhưng dự án Đại Lâm Linh vẫn dang dở, thậm chí gần như chấm dứt – chỉ vì lý do không còn tiền và không có cửa ra để đi tiếp. Giờ thì ca sĩ không có, mà vẫn phải viết ra, nên Ngọc Đại chỉ còn cách tự hát rồi thu CD (!!!). Trước sự kiêu hãnh của ông, tôi thấy xấu hổ về cảm giác ngậm ngùi của mình. Ngọc Đại đâu cần thương hại, ông đã tự chọn cách không thỏa hiệp. Nhưng cực đoan đến thế, đâu chỉ thiệt thòi mình ông, mà là thiệt thòi cho cả gia tài (đáng lẽ có) của nền âm nhạc…

HÀ NỘI mùa đông 2012.

Đối thoại với Ngọc Đại:

 

Nhạc của tôi, đã cất lên phải Khác Biệt!

-Âm nhạc tồn tại trong đời sống của ông như thế nào?

+Ngày xưa tôi nghĩ âm nhạc là không khí đmình thở. Bây giờ thì khác, đó là một trạng thái sống, vận động và thức tỉnh.

-Vận động? Nghĩa là phải tiến về phía trước?

-Không hẳn, có những cái khiến tôi nhìn lại phía sau, có khi chỉ là vận động trong ảo giác. Chỉ cần có 1 cái cớ là mình bùng ra. Tôi nghĩ sự sáng tạo không có con đường hay khuôn khổ gì định hình, nó gần với vô thức hơn là nhận thức.

-Ông có bao giờ thấy mình cùng đường không?

+Những người sáng tác đang làm nghệ thuật theo kiểu việc hành chính, có thể họ có cảm giác này. Khi anh có quá nhiều kế hoạch và các định liệu, phải là pop hay jazz hay electronic  này nọ kia khác…mới hợp thời- thì anh bị giới hạn đấy! Nhạc của tôi có thể bài hay bài dở- nhưng đã cất lên là phải Khác Biệt, đường lối riêng luôn phải có.

-Lâu rồi ông có chia sẻ với ai không? Những lời khen chê của đồng nghiệp, có khiến ông suy nghĩ?

+Chia sẻ nghề nghiệp ư,  khó quá đi!Không có! Nghe nhạc của tôi, mấy ông bạn cũng có ý kiến này nọ, họ chê mình thấy buồn, nhưng họ khen theo cái kiểu còn khiến mình buồn hơn. Cũng chả trách được, đã khác đường thì khó mà hiểu  nhau! Với lại, những người dừng lại rồi, thì họ có quyền bình luận như một khán giả! Chứ không phải như người sáng tạo.

-Thực ra, việc nương vào âm nhạc  truyền thống chẳng cứ gì riêng Ngọc Đại, mà là  quan điểm phổ biến với các nhạc sĩ có lòng kiêu hãnh về dân tộc tính.

+ Nếu ví vốn cổ như khúc gỗ quý, nhạc sĩ như ông thợ mộc đóng đồ, tài năng ra sao sẽ thể hiện trên sản phẩm – đúng không? Có người mộng mẹo vừa khít, nhìn rất bền vững, nhưng lại quê mùa cục mịch; Có người phong cách, kiểu mẫu hiện đại nhưng lại bị lai căng, không tôn trọng truyền thống; Có người quá lệ thuộc vào cổ truyền, thành ra đồ giả cổ- đánh mất cả mình…

-Còn “đồ mộc” của Ngọc Đại?

+Rất vững về đường nét, bản sắc của dân tộc mình- nhưng phải mô-đéc, phải có tính đi trước! Mình không được thoát ly khỏi chủng tộc, nhưng hình thức đưa ra có tương tác với con người thế giới. Bởi các khác niệm bề mặt như sự tự do, tình yêu, nghệ thuật, sự đau khổ…nó không khoanh vùng theo lãnh thổ, mà là câu chuyện chung của Giống Người.

-Bây giờ ông có viết gì?

+Tôi tưởng mình bị kiệt quệ vì những dồn ép của đời sống, nhưng ai ngờ vừa mấy hôm trước tôi có 1 “cú” kinh khủng: trong 1 đêm viết hơn 10 bài về Tổ Quốc. Cơn bùng nổ này đã xảy đến 3 lần: năm 1978 viết 1 đêm 18 bài phổ thơ Hàn Mặc Tử, 2002 trong 3 đêm phổ 24 bài của Vi Thùy Linh, và lần này. Khi bị đẩy đến tận cùng, năng lượng lại bật ra cái khác. Tôi có cảm giác mình như cái hồ phẳng lặng trên mặt, nhưng bất cứ lúc nào cũng có thể nổi sóng. Tôi viết về Tổ Quốc là một cách gọi dậy tình yêu, niềm kiêu hãnh của người ta về Đất nước – bằng âm nhạc.

-Những trải nghiệm đã qua, ông thấy thử thách nào khó khăn nhất?

+Đó là chuyện tiền nong, danh tiếng! Đến nỗi mình chỉ cần tặc lưỡi 1 cái là sẽ đi làm một cái gì đó vì tiền, hoặc để mình “phổ cập” hơn. Nhưng thời gian của một lão già 66 tuổi còn ít lắm, tôi tiếc nên phải dành dụm làm những thứ thực sự cho mình! Với tôi- nghệ thuật không thể quần chúng hóa!

-Ông bị xem là kẻ gàn, lập dị số 1 của nhạc Việt?

+Tôi không kỳ quặc, mà đó là cách mình tránh đời sống một cách tối đa để không bị vướng bận. Ngay cả việc phải hạn chế nhu cầu vật chất đến mức như bây giờ tôi đang sống, cũng không phải là điều tôi thấy buồn.

-Gia tài âm nhạc của ông hầu hết chưa “lộ thiên”? Tôi nghe đồn vậy…

+Coi như thế, gần như đóng kín hết! Tự tôi cũng thấy phí!

-Tại “điên” quá nên khó sử dụng?

+Những bài công chúng thích (gập đốt ngón tay, đếm) như “Hoa Gạo”, “Giọng mưa đàn bà”, “Tiếc nuối”, “Dệt tầm gai”…là dễ nghe nhất đấy. Không điên rồ đâu, nó màu nhiệm và Phương Đông lắm!

Nếu ông bớt cực đoan, biết đâu sống dễ hơn?

+Ứng xử thì có thể mềm mại được, bây giờ tôi không còn muốn cãi nhau, cái gì mình cũng nhường nhịn được hết. Nhưng đụng đến quan điểm nghệ thuật thì kiên quyết không thỏa hiệp. Đã bàn về sáng tạo là phải tới cùng!

-Khác Biệt- hai từ ấy vận vào ông như thế nào?

+Lúc đầu chỉ là bản năng, nhưng khi mình có nhận thức rồi thì nó là lựa chọn của tự trọng. Nó là một thách đố, luôn vẫy gọi đồng thời là giá treo cổ của tôi.

 

QUỲNH TUN

 

 

 

 

THIẾU CON, PHỤ NỮ CÓ BẤT TOÀN?

Con cái có nên xem là giá trị bắt buộc phải có của mỗi người? Khi một phụ nữ lựa chọn không sinh con (hoặc (bị) không có con) – liệu cuộc đời của cô ấy có bất toàn? Ở góc nhìn cá nhân của nhà thơ Phan Huyền Thư, người phụ nữ say mê sinh nở (cậu con trai thứ 3 của chị vừa chào đời); và đạo diễn Phan Đăng Di, người đàn ông ở tuổi “băm vô số nhát” nhưng vẫn kiên quyết chưa lập gia đình – Từ chuyện con cái, chúng ta có thể suy ra nhiều điều…

 

  • “Chúng ta không ai sống thay cuộc đời của ai được”

 

 

-Theo lối suy nghĩ thông thường của người Việt, phụ nữ phải lấy chồng và sinh con mới là người có hạnh phúc. Nếu khuyết thiếu một trong 2 yếu tố trên (nhất là vế con cái), cuộc đời người phụ nữ đó bị xem như bất toàn. Nhà thơ Phan Huyền Thư và đạo diễn Phan Đăng Di nghĩ gì về quan điểm này?

Phan Huyền Thư : Tôi biết rằng  “Nhân bất thập toàn ” -con người vốn dĩ đã bất toàn rồi nên việc phấn đấu để hoàn thiện bản thân là việc cốt yếu với mỗi người. Thực ra quan niệm về hạnh phúc của mọi người nói chung dựa trên nền tảng đạo đức xã hội và văn hoá truyền thống của mỗi tộc người khác nhau, nói như vậy không có nghĩa là ngăn cản các quan niệm cá nhân và lối sống lập dị của cá thể trong cuộc sống. Có nhiều cách để trở nên hạnh phúc và toàn bích mà không cần phải nghiêng về đám đông, nhưng cũng không thể lấy tiêu chí của thiểu số cá tính ra để áp đặt lại các giá trị gốc của sự phát triển của “cả loài”được!

Có chồng , sinh con hay không thuộc về quyền tự quyết của mỗi cá nhân… Nhưng có thể ” có khả năng” làm được điều đó hay không lại do quyền quyết định của…đấng tối cao hay nói cách khác là còn do số phận định đoạt….

Phan Đăng Di: Suy nghĩ đó có thể sẽ đúng trong một thời đại mà phụ nữ bị phụ thuộc hoàn toàn vào nam giới và hầu như không có một thế đứng nào trong xã hội (về việc làm cũng như kinh tế), thậm chí là còn không có cả quyền được biết chữ nữa. Khi ấy, vai trò của họ phó thác cả vào người đàn ông và một xã hội đàn ông toàn trị, họ chắc chắn sẽ dễ dàng bị khuôn theo mô hình đóng khung làm vợ, làm mẹ, làm việc nhà, làm ruộng… trong đó làm mẹ là điều cốt tử vì chỉ có cách đó họ mới duy trì được một vị trí tạm gọi là an toàn đối với chồng và có con thiết thực là một dạng “bảo hiểm” để về già không lo bị hắt hủi hay đói rét . Mô hình được áp đặt trên toàn thế giới cả nghìn năm này (và hiện nay vẫn còn khá chắc chắn ở một số nền kinh tế kém phát triển hay một số nền văn hóa mà vì lí do tôn giáo, phụ nữ bị cho ra rìa) đã khiến xã hội (đo đàn ông định hướng) của chúng ta hồn nhiên tin rằng phụ nữ còn gì để chọn mà chần chừ không chộp ngay mô hình “lý tưởng” đó (có chồng, có con).    Nhưng hóa ra khi phụ nữ thoát ra khỏi thân phận phụ thuộc đàn ông về kinh tế và  có quyền lựa chọn, thì nhiều người trong số họ chọn khác. 30% phụ nữ Nhật ngoài 30  chưa kết hôn và nhiều người trong số này không thấy hôn nhân và con cái là vấn đề quá quan trọng với họ. 50% các cuộc hôn nhân ở Tây Âu kết thúc bằng li hôn và chuyện phụ nữ hay đàn ông đơn thân nuôi con là phổ biến, chẳng ai nhìn việc một người có con hay không có con, nuôi con một mình  hay chấp nhận nuôi con riêng của bồ là “bất toàn” cả. Đó được xem là quyền lựa chọn của mỗi cá nhân. Quyền này là bất khả xâm phạm, được pháp luật bảo vệ và hệ thống an sinh xã hội đảm bảo.

Chuyện của Nhật Bản hay phương Tây nói ra thì có vẻ xa xôi vì  đạt đến trình độ phát triển như vậy chúng ta còn mất rất nhiều năm, nhưng một điều  ta có thể thấy từ thực tiễn xảy ra những mô hình đó là: trong một xã hội, khi con người (cả đàn ông và phụ nữ) bằng lao động của mình có được  một vị thế độc lập về kinh tế và được đảm bảo về an sinh xã hội thì sự lựa chọn phương cách sống của họ sẽ rộng hơn, những  mô hình sống “truyền thống” sẽ tất yếu biến chuyển theo hướng cá nhân hóa lựa chọn, những quan điểm về hạnh phúc vì thế cũng sẽ được diễn dịch theo hướng cá nhân thay vì bị chi phối mạnh mẽ bởi định kiến hay thói quen của cộng đồng. Khi đó việc nhòm ngó và bình luận về lựa chọn của người khác tự nó sẽ trở nên lố bịch.

– Vậy chúng ta có nghĩ nên tính con cái vào giá trị và trách nhiệm cuộc đời của mỗi người? Có phải việc thành bại của con cái được xem chính là thành bại của cuộc đời bố mẹ – đã đẻ ra hàng loạt những áp lực mà người lớn đang đổ lên đầu lũ trẻ?

Phan Đăng Di: Cái đó lại cũng tùy vào suy nghĩ và lựa chọn của mỗi người, không có một mẫu số chung nào cả. Một nữ tu chọn cuộc sống không con cái dành cả đời đi chăm sóc những người bệnh phong chắc chắn sẽ tin rằng mình đang sống một cuộc đời có giá trị và trách nhiệm. Lộng lẫy và nổi tiếng như Brigitte Bardot, sau khi chia tay thời xuân sắc, màn bạc và những ông chồng, giờ sống vui vẻ với một đàn chó xồm thì đời  bà ta có vì thế mà kém ý nghĩa đi đâu…

Những người có tình yêu lớn với con cái, xem con cái là giá trị lớn nhất của đời mình thì đó cũng là một điều tự nhiên, nhưng nếu nghĩ  rằng thành bại của con chính là thành bại của cuộc đời bố mẹ rồi áp lực nó phải thành công như một sự bù đắp cho hy sinh của mình là một điều khá viển vông. Lý do  rất hiển nhiên là chúng ta không ai sống thay cuộc đời của ai được cả. May lắm thì ta chỉ có thể tìm được cách mà sống ổn cuộc đời mình . Còn con cái, có khi cũng đành phó thác cho hên xui.

Phan Huyền Thư: Rất đơn giản, nếu có con thì sẽ được tính đúng như vậy đấy, ngược lại không có con thì sẽ chẳng có gì để mà tính đếm và cũng chẳng có áp lực nào…khiến chúng ta phải sống có trách nhiệm và xây dựng giá trị tự thân và không có động cơ gắn kết giữa con người mang tính ruột thịt, máu mủ với nhau nữa…

  • Thêm một đứa con, là có thêm một lí do đê sống quyết liệt hơn.

Thế hệ ông bà, bố mẹ chúng ta vẫn xem con cái như một thứ tài sản “bảo hiểm cuộc đời” (về già có con nuôi và phụng dưỡng mình; khi mất đi có con hương khói cúng giỗ)?  Anh, Chị có sẵn sàng ở vai “tài sản bảo hiểm” và có chờ đợi sự đáp trả tương đương ở lứa hậu duệ của mình?

Phan Huyền Thư: Con cái là “cái nợ đồng lần”… Tôi tin chắc rằng yếu tố duy trì nòi giống mang ý nghĩa lớn lao và thiêng liêng hơn nhiều so với việc mong nương nhờ con cháu khi về già. Tôi không thích quan điểm này , rất không thích! Phần lớn người ta đều phải lo cho con cháu đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay …chưa chắc đã hết lo. Nếu sinh chon chỉ để chăm chăm ” đòi nợ” lúc về già thì không nên sinh con làm gì! Một cuộc đầu tư vô tiền khoáng hậu và mạo hiểm…Người hạnh phúc là người luôn nhận thấy ở con cháu mình một phần máu thịt, một phần cốt cách, một phần ước mơ và khát khao chưa hoàn thiện của mình…các thế hệ sau sẽ làm nốt những gì mình còn dang dở…sứ mệnh của con người là tiếp nối và tiến hoá…

Phan Đăng Di: Tôi có bố mẹ là giáo viên, trong thời gian còn làm việc, cũng như nhiều bậc cha mẹ khác cùng hoàn cảnh, các cụ phải xoay xở đủ cách để nuôi con ăn học xong xuôi. Nay về  hưu thì có lương hưu và bảo hiểm xã hội, và còn tích lũy được một khoản tiền nhỏ phòng khi đau ốm. Các cụ sống một đời sống giản dị, tiết kiệm, không từ chối sự phụng dưỡng của con cái nhưng cũng không đòi hỏi, vì từ lâu các cụ đã sẵn sàng một phương châm sống là trong mọi trường hợp, phải cố gắng tự lo được cho mình chứ không quá trông chờ vào ai khác.

Tôi đã học được rất nhiều từ phương châm sống đó, kể cả trong cuộc sống bình thường lẫn việc làm phim.

Có một điều tra cho thấy, những phụ nữ không muốn sinh con đều là người thành đạt hoặc công việc ổn định, dân trí cao, chín chắn và tự chủ trong cuộc sống. Lý do họ đưa ra thường là: để họ sống cho mình nhiều nhất, được toàn tâm toàn sức làm những việc mình ao ước, được sống theo cách mình muốn. Anh – Chị có nghĩ đó là sự ích kỷ?

 

Phan Huyền Thư : Không, tôi không cho đó là sự ích kỷ. Tôi thấy đó là sự “ấu trĩ”. Những người phụ nữ ấy thật may mắn vô cùng vì mẹ của họ đã không có suy nghĩ giống họ… Nếu không thì họ đã không có mặt trên cuộc đời này để mà thành đạt hoặc sống theo cách mình muốn như họ đang suy nghĩ….

Phan Đăng Di: Nếu lựa chọn đó thực sự làm cho người phụ nữ hạnh phúc thì cũng tốt chứ, có gì mà ích kỉ? Cái quan trọng là họ đã suy nghĩ kĩ khi có quyết định như vậy. Trên thực tế, nhiều đứa trẻ được sinh ra trên đời chẳng phải vì một suy nghĩ nghiêm túc nào của bố mẹ hết, nhiều khi chỉ là kết quả của một phút nhỡ nhàng hay một cái chặc lưỡi thôi. Cha mẹ mà còn không có trách nhiệm với mỗi quyết định trong đời mình thì cũng khó mà có trách nhiệm với con cái được, và đây mới là sự ích kỉ.

Với người Á Đông, khi một em bé ra đời đồng nghĩ với việc bố mẹ bé bắt đầu một hành trình thương yêu và đầy lo âu, (hình trình ấy chỉ kết thúc khi họ không còn trên đời này). Có con, thêm hạnh phúc nhưng cũng là thêm nỗi khổ. Bản thân đứa trẻ lại không được lựa chọn việc bé chào đời, bé là quyết định đơn phương (có thể ích kỷ) của người lớn. Nhưng chính các bậc cha mẹ lại không thể đảm bảo việc con mình sẽ là một cá nhân hạnh phúc. Như vậy, việc mỗi sinh mệnh có mặt trên cuộc đời, đâu chỉ đơn giản là hân hoan?

Phan Huyền Thư : Nếu biết được sự hữu hạn của đời sống bé nhỏ thế nào trước vô hạn của hạo nhiên… Chắc chắn mỗi cá thể làm người đều đã biết yêu thương đồng loại , biết trân trọng sự sống và biết nâng niu những giá trị tự thân của mình hơn rất nhiều lần có thể…Tôi tin chắc là như vậy, đến tận cuối con đường nhọc nhằn được xây đắp bằng hạnh phúc và khổ đau, con người ta phần lớn đều còn nhiều tiếc nuối và ân hận vì đã sống hoài, sống phí…mấy ai được thanh thản mỉm cười khi ra đi? Với tôi,vợ chồng là duyên nợ, con cái là phúc phận của đời người…một món quà thiêng liêng của tạo hoá…có người hân hoan đón nhận, có người muốn khước từ, có người buộc phải nhận và có người âm thầm vứt bỏ nó đi… Họ đều đã tự kiến tạo nên số phận của chính mình bằng hành vi mà họ lựa chọn trước một sinh mệnh, một cuộc đời khác độc lập với họ nhưng lại do chính họ có thể tạo ra…

Phan Đăng Di: Nhưng cũng phải thấy rằng cuộc đời là cuộc đời chính vì không phải lúc nào nó cũng là hân hoan cả. Nỗi buồn, mất mát hay cả sự bất an là điều chúng ta muốn tránh nhưng nó cũng là cần thiết để chúng ta có một nhận thức trọn vẹn về cuộc sống. Đứa trẻ, nhất là một đứa trẻ Việt nam cũng nên được biết và làm quen với điều ấy, đừng nên bao bọc nó trong một sự an toàn hay tiện nghi thái quá nhất là khi ta biết rằng môi trường sống mà rồi đây nó phải đôi mặt chắc chắn là đầy khó khăn chứ không như là một xứ sở thần tiên có bướm bay, hàng bạch dương hay dòng suối mát nào ở bên Âu châu đâu .

Để biết cách hạnh phúc vì sự sống tự thân của chính mình, chứ không phải do các giá trị “mượn vào” (như con cái, hay tài sản, danh vị)- chị Thư, anh Di có thấy điều ấy khó khăn? Việc ta biết yêu và nâng niu chính mình, liệu có giúp ích được gì cho người khác?

Phan Đăng Di: Rất khó vì con người thực ra cũng là một sinh vật yếu đuối và dễ bị  hoàn cảnh tác động. Mà hoàn cảnh của chúng ta bây giờ còn quá nhiều ngộ nhận, quá nhiều ngụy biện và ít niềm tin. Chúng ta thiếu những giá trị căn bản để dựa vào như sự công bằng, lòng khoan dung, sự tôn trọng quyền tự do và tự do lựa chọn của cá nhân…Tuy nhiên, mọi sự thay đổi theo hướng tiến bộ suy cho cùng sẽ phải khởi phát từ mỗi cá nhân, mà việc ta biết tự yêu và ngay cả tự ghét mình- một nhận thức rất cao của nhân bản, là khởi đầu của quá trình đó. Bởi vì chỉ khi ta biết nhìn sâu vào chính mình ta mới biết thật xấu hổ khi soi mói và tự tiện áp đặt suy nghĩ hay hành động chủ quancủa mình vào đời người khác; và chỉ khi ta biết nhu cầu của chính mình ta mới hiểu nhu cầu của người khác để mà cho hay nhận, dù người khác đó có thể là con cái hay cha mẹ mình đi nữa.

Phan Huyền Thư: Giá trị tự thân của mỗi người nằm ở đâu: ở những gì ta tạo ra và mang đến cho cuộc đời này hay là những gì ta nhận được từ cuộc đời này để rồi tự cho rằng đó là thành giá trị của riêng ta?

Với riêng tôi, có thêm một đứa con là có thêm một lí do để sống quyết liệt hơn, có thêm một lí do để hi sinh và nâng cao trách nhiệm sống, có thêm một động lực để hoàn thiện nhân cách, có thêm một lí do để nhận biết giá trị tự thân và yêu thêm mình vì một phần máu thịt, thân xác và tâm hồn mình sẽ hiện hữu và tiếp tục tồn tại trên cõi đời này ngay cả khi mình đã kết thúc cuộc hành trình nhọc nhằn này để bước sang một hành trình khác… Thật tiếc cho những người phụ nữ nào chỉ sở hữu các giá trị tự thân mà không được nếm trải hạnh phúc và những lí do để làm mẹ trên cõi đời này…

Mỗi khi nghe nhạc, tôi luôn tin cái Đẹp, cái Thiện còn hiện hữu trên đời!

 Image

    Trần Mạnh Hùng có vẻ ngoài nghiêm ngắn và khiêm nhường như một ông giáo. Khi anh nói chuyện, luôn dẫn dụ người nghe bởi sự sâu sắc và hài hước trong vẻ chậm rãi nhẩn nha. Hùng sinh năm 1973, anh hiện là gương mặt quan trọng và quý hiếm của nền khí nhạc Việt Nam. Nếu không tính đến các tác phẩm khí nhạc vạm vỡ của Trần Mạnh Hùng, chỉ riêng những album anh đã làm với Thanh Lam, Hồng Vy, Ngọc Khuê, Trọng Tấn, Lan Anh, Tân Nhàn….đủ để dân trong nghề trân trọng xem anh là nhạc sĩ hòa âm, nhà sản xuất hàng đầu với sở trường bán cổ điển.

  Vợ của Hùng là ca sĩ Hồng Vy, giọng nữ soprano sở hữu những album thính phòng được yêu mến trên kệ đĩa như “Hoa lửa và Vy”; “Vinh quang Việt Nam”… Đời sống âm nhạc Thủ Đô  sắp tới sẽ khuyết thiếu 1 góc nhỏ, tuy lặng thầm nhưng luôn gây kích ứng phấn khích cho nghệ sĩ làm nghề; bởi Hùng và Vy sẽ rời Hà Nội, họ ổn định cuộc sống mới của gia đình mình tại TP Hồ Chí Minh. Cuộc chuyển rời này quá nhiều dằng níu quyến luyến đối với người trong cuộc, đủ là cơn cớ cảm xúc để họ ra được album “Giấc mơ mùa lá”, một giấc mơ tuyệt đẹp bằng âm nhạc về Hà Nội.

  • “Người sáng tác như  kẻ đơn độc mò mẫm dưới đáy hồ”

-Anh bắt đầu với đàn bầu, rồi thế nào lại chuyển sang khí nhạc? Nền tảng căn cơ của nhạc dân tộc đã giúp gì cho chặng đường sáng tác sau này của anh?

+Khi tôi thi vào trường nhạc, việc học đàn bầu là do “hoàn cảnh xô đẩy” chứ không phải là lựa chọn theo ý thích. Những môn như piano hay violon…phải có người trong gia đình làm nhạc thì mới có “cơ” được học, bố mẹ tôi là dân ngoại đạo – nên tôi bắt buộc thi vào khoa ít người muốn theo học là nhạc cụ dân tộc. Nhưng học rồi mới thấy mình may mắn. Bởi nhạc dân tộc không có sách nào để tự học cả, âm nhạc Phương Tây còn có thể ra nước ngoài học, nếu không có  tiền thì mua sách về tự xem, nghe băng đĩa để ghi nốt. Nhạc Phương Đông không ghi nốt được, những rung, nhấn, vỗ, láy là dạy truyền tay, tự cảm nhận. Tinh thần của âm nhạc dân tộc sau này được tôi khai thác trong khí nhạc của mình. Mượn nhạc cụ phương Tây, nhưng câu chuyện tôi kể trong các sáng tác của mình luôn là Việt Nam, nó không tách khỏi những rung nhấn, vỗ, láy…Tôi học đàn bầu đang thích, đến 15 tuổi thì dừng vì thầy tôi nói “đàn bầu không có tương lai”. Thế là tôi chuyển sang khoa sáng tác, 23 tuổi tôi mới bắt đầu học sáng tác giao hưởng thính phòng, 27 tuổi tôi đi dạy về sáng tác ở các trường nghệ thuật. Chuyện học hành thì như thế, nhưng đam mê của tôi thời tuổi trẻ là Pink Floyd và nhạc điện tử, ngay cả dùng nhạc để kiếm sống thì tôi cũng bắt đầu với việc chơi Pop- Rock trong các bar, vũ trường, sân khấu, phòng thu âm của Hà Nội. Nên giao hưởng của tôi pha trộn những thể loại âm nhạc tôi đã trải qua: dân gian, Rock, jazz, điện tử, cổ điển…Tôi không trói mình vào một kỹ thuật hay khuôn phép nào, các thể loại âm nhạc chỉ giống như nguyên liệu để tôi tạo nên câu chuyện cảm xúc của  mình.

Giới giao hưởng thính phòng nhìn nhận Trần Mạnh Hùng như một đại diện quý hiếm của lớp nhạc sĩ trẻ. Nhưng chỉ khi anh bắt tay làm các sản phẩm nghiêng nhiều về nhạc nhẹ cùng Thanh Lam- Lê Minh Sơn, anh mới được công chúng biết đến. Những người “học thuật” như anh có bao giờ thấy tủi thân về chuyện này?

+Tôi không nghĩ đến nỗi buồn như chị vừa nói, bởi mỗi loại nhạc có một đặc thù khán giả riêng, được làm điều mình yêu thì liệu có nên coi là mình thiệt thòi? Những tác giả thính phòng như tôi, mỗi năm được dàn dựng biểu diễn 1-2 lần đã là quá may mắn. Nhiều nhạc sĩ sáng tác rồi để đó, có khi 10 năm họ chưa có dịp chia sẻ đến công chúng, mà họ đâu nản lòng! Mà quá nhiều người biết đến mình không phải là chuyện hay đâu, thậm chí nó không tốt cho công việc của người nhạc sĩ. Người sáng tác, anh ta cứ lủi thủi viết, như kẻ đơn độc mò mẫm dưới đáy hồ, tìm kiếm điều chỉ có cá nhân anh ta biết là quý giá. Hơn nữa, tính cách của tôi không thích đám đông, không hoà đồng được với sở thích của mọi người. Hồi trẻ, tôi cũng thử cố gắng giống như người khác: ngồi café, đi chơi đám bạn, tụ tập tán phét…nhưng tôi thấy mình bị vất vả quá, kiểu hòa nhập ấy khác với con người mình quá. Nên lại thôi, tôi phù hợp với im lặng. Chỗ náu thân của tôi là giao hưởng thính phòng.

-Anh vào TP HCM sinh sống – chỗ ở thay đổi, còn âm nhạc của anh liệu có còn “toàn tòng” cổ thính phòng cổ điển?

+Công việc và âm nhạc của tôi vẫn vậy thôi, internet có thể thu hẹp mọi khoảng cách, tôi vẫn làm việc với các nghệ sĩ ngoài Bắc. Ở trong TP HCM có Bộ Tứ thính phòng trẻ tuổi: Việt Anh, Nguyễn Mạnh Duy Linh, Đinh Lăng, Kiên Cường- hy vọng tôi sẽ kết bạn và nhập hội với họ thành nhóm 5 người để cùng chia sẻ nghề nghiệp.

  • “Hồng Vy hạnh phúc nhất khi tác phẩm của tôi được vang lên”.

-Đã có những cặp đôi ca sĩ- nhà sản xuất rất đẹp của âm nhạc như Thanh Lam- Quốc Trung; Mỹ Linh- Anh Quân. Còn anh và Hồng Vy thì sao? Sau  5  năm mới ra được 2 album của Vy do anh là nhà sản xuất – khai thác tài năng của nhau chỉ như thế cũng là hơi phí!

+Vy không có mong muốn trở thành một ngôi sao, cũng như không thích tận dụng tối đa khả năng của chồng cho mình; tôi thì chẳng nghĩ rằng mình là nhà sản xuất, vì khả năng nhìn nhận thị trường và marketing của tôi rất kém. Bọn tôi chỉ thỉnh thoảng đồng cảm làm chung một cái gì đó, tạo niềm vui cho Vy, trong khuôn khổ kinh tế và chuyên môn chúng tôi có thể. Vy luôn muốn hy sinh cho công việc của tôi, để tôi được toàn tâm vào việc sáng tác giao hưởng thính phòng. Cô ấy hạnh phúc nhất khi tác phẩm của tôi được vang lên trong Nhà Hát.

-Giọng Hồng Vy không phải quá đặc biệt, nhưng chỉ sau 2album riêng Vy đã có vị trí không lẫn và đáng kiêu hãnh trong lòng công chúng của nhạc thính phòng. Do anh đã làm cho Hồng Vy khác biệt, hay bản thân tinh thần của cô ấy khác biệt?

+Được khác biệt là mong muốn của tất cả các ca sĩ, Vy nỗ lực hiện thực hóa mong muốn đó của mình. Vy không có giọng đẹp trời cho như bố (NSND Doãn Tần), nhưng Vy có kỹ thuật thanh nhạc rất tốt, đặc biệt khi cô ấy cất giọng tôi luôn thấy ngọn lửa của sức mạnh nội tâm. Và Vy rất thông minh, cô ấy biết mình nên làm gì. Những CD đã làm, Vy đặt  điều kiện cho tôi là cô ấy muốn album phải như thế nào: Tôi tìm con đường thực hiện, diễn đạt thành âm nhạc ước mơ đó của Vy.

-Vợ chồng anh đều kiệm lời, làm việc lặng lẽ, không xuất hiện trên truyền thông khi không liên quan đến âm nhạc. Phải chăng đó là “đặc tính cổ điển”?

+Tôi chưa bao giờ nghĩ vợ chồng mình là người nổi tiếng, chúng tôi sống đơn giản. Nếu không có công việc, chẳng lý gì để chúng tôi phân bua cuộc sống của mình trên báo chí. Thời gian bọn tôi dành cho gia đình, công việc, nghiên cứu âm nhạc đã kín hết mỗi ngày, không còn chỗ cho những tụ tập ồn ã. Ở Hà Nội, ngoài 3 buổi đi dạy mỗi tuần, tôi chỉ ra đường để ăn sáng và đổ xăng. Ngoài lý do không thích ồn, không hợp chỗ đông người, còn vì sức khỏe của tôi không ổn lắm, tôi bị dị ứng thời tiết đường hô hấp. Cũng vì thế, chúng tôi mới phải xa Hà Nội để vào TP HCM- nơi khí hậu đỡ khắc nghiệt hơn.

-Việc hai người chuyển vào TP HCM, anh có hình dung Vy sẽ khó khăn hơn khi xa Hà Nội…

+Vy hiện là ca sĩ biên chế của Nhà hát Ca Múa Nhạc VN, trong khi tìm chỗ để chuyển biên chế, trước mắt Vy sẽ không có việc làm. Cũng không sao, tôi cố gắng bươn chải hơn thôi. Mọi người thì nói là giọng Vy vào Sài Gòn thành đồ quý hiếm, nhưng tôi lại thấy ở Sài Gòn cơ hội cho Vy ít đi, bởi thành phố này không chuộng nhạc thính phòng. Vy phải rời xa nơi chốn gắn bó mình từ thời thơ bé, nơi có người thân, có khán giả yêu mến và sự nghiệp phần nào đã được định hình- để bắt đầu lại, đó là hy sinh quá lớn mà Vy dành cho tôi. Tôi hy vọng, bù lại thiệt thòi về nghề nghiệp, Vy sẽ có an ủi là dành được nhiều thời gian để chăm con. Giá tiêu dùng ở Sài Gòn rẻ hơn Hà Nội nhiều lần, đất trong đó rộng rãi hào phóng, ai cũng tìm được chỗ vừa vặn với mình để sống và lập nghiệp. Tin rằng vợ chồng tôi sẽ có cuộc sống mới dễ chịu.

-“Giấc mơ mùa lá”, đĩa nhạc “rất Hà Nội” của anh và Hồng Vy nhận được nhiều hồi âm xúc động của người nghe. Thử hình dung, trong một ngày “bơ vơ” ở Sài Gòn, anh nghe lại chính đĩa nhạc của mình…

+Tình yêu với Hà Nội là điều không bao giờ thay đổi, là gắn bó máu thịt cùng tôi như gia đình hay bạn bè. Tôi có thể đi xa, nhưng điều thân yêu thì vẫn luôn hiện hữu một góc ấm áp trong tâm hồn mình. Tôi nghĩ âm nhạc là một giấc mơ đẹp đẽ và thanh thản vào đúng lúc mình đang tỉnh; giúp ta cắt khỏi thực tại trong khoảnh khắc. Chắc chắn, “Giấc mơ mùa lá” sẽ đem tôi trở về Hà Nội của tôi, dù chỉ bằng tâm tưởng.

-Khi anh đến bên âm nhạc, khẽ khàng và đơn giản là một người nghe- cảm xúc của anh khi đó thế nào?

+ Người làm nhạc khi nghe nhạc không có cái hạnh phúc thưởng ngoạn như người bình thường. Bởi tai nghe của chúng tôi đã mất đi sự hồn nhiên, chúng tôi dù có cố gắng đặt mình ở tâm thế thưởng thức, nhưng chỉ một đoạn là lại quay ra phân tích: bản nhạc này người ta làm gì mà hay thế, bè bối của từng nhạc cụ ra làm sao….Nhưng dù vậy tôi luôn thấy được an ủi khi chỉ còn lại riêng mình với âm nhạc. Có những khi tôi rất buồn, tôi liền vào Nhà hát Lớn. Nghe xong một bản giao hưởng, tôi thấy mình tràn đầy năng lượng và phấn chấn trở lại, cứ như cái cây xanh được tưới nước mát. Tâm trạng tôi không phải lúc nào cũng dễ thăng bằng, sự bi thảm, u uất trong đầu mình có lúc hiện hết vào trong âm nhạc. Giao hưởng “Một nửa cõi Trầm” là như thế đấy. Nhưng mỗi lần nghe nhạc, tôi lại được tin rằng cái Đẹp- cái Thiện vẫn còn hiện hữu rất nhiều trên cuộc đời này!

-Cảm ơn nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng về chia sẻ của anh!

 Giải thưởng âm nhạc Hội nhạc sĩ VN hàng năm đều có tên Trần Mạnh Hùng. Năm 2007, ngoài giải nhất Khí nhạc trong thể loại tác phẩm lớn với bản giao hưởng 4 chương “Một nửa cõi trầm” Trần Mạnh Hùng còn được giải nhì sáng tác thanh nhạc với “Gió lộng bốn phương” (không giải nhất). Năm 2008, anh được trao giải nhì cho tác phẩm “Tứ tấu đàn dây số 2” (Cũng không có giải nhất). Năm 2009, một lần nữa Hùng giành “cú đúp” hai giải nhất cho Giao hưởng thơ “Lệ Chi Viên” và ca khúc “Giấc mơ mùa lá” ở cả hai lãnh địa Khí nhạc và Ca khúc. “Lệ Chi Viên” được Kênh truyền hình đối ngoại DW của Đức đặt hàng và trình diễn dưới sự chỉ huy của nữ nhạc trưởng Pháp Claire Levacher tại Festival Beethoven (9/2009 tại Đức). Giao hưởng thơ “Hào khí Thăng Long” và Duo “Thế giới không chiến tranh” tiếp tục đoạt giải nhất khí nhạc và sáng tác thanh nhạc của Giải thưởng Hội nhạc sĩ năm 2010.

 (Phụ Nữ Chủ Nhật)