Nguyễn Ngọc Tư, đã bỏ cánh đồng mà đi từ lâu rồi…

Nguyễn Ngọc Tư đến buổi ra mắt tác phẩm mới của mình (“Sống”- NXB Trẻ ấn hành tháng 9.2012) một cách kín đáo. Tư mang ba lô trên vai, vẫn một  kiểu tóc và vẻ hiền lành “quê quê” như cách đây 12 năm chị xuất hiện với “Ngọn đèn không tắt”. Tư rụt rè đứng ở 1 góc khuất của phòng Hội thảo Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, trong khi bạn văn chương và cánh báo chí cứ đợi Tư sẽ xuất hiện một cách “rất trung tâm” như nhân vật chính sự kiện thường phải thế. Tư ngồi trên bàn chủ tọa, cùng nhà báo Thế Thanh – sếp của Sài Gòn Media và Nguyễn Minh Nhựt- giám đốc NXB Trẻ. Hai đơn vị này là “bà đỡ” mát tay của “Sông”. “Yểm trợ” (Tư thừa nhận “mình nói rất dở”) là Phạm Xuân Nguyên -nhà phê bình kiêm “MC chuyên nghiệp” của các buổi ra sách; anh giới thiệu về Nguyễn Ngọc Tư: “người nhắc đến tên là giới văn chương mong mỏi và chờ đợi; người viết những chuyện bình thường một cách giản dị nhưng không đơn giản”.

“Sông” là quyển đầu tiên Nguyễn Ngọc Tư đề chữ “tiểu thuyết” ở bìa, nhưng tính chất tiểu thuyết đã có từ tác phẩm “Cánh đồng bất tận”. Tư nói về việc ra đời đứa con tinh thần của mình một cách đơn giản: “Nếu truyện ngắn là kể thiếu một câu chuyện, thì tiểu thuyết chỉ như mình kể thừa một câu chuyện. Mình hình dung mình viết cuốn sách này giống thằng bé đánh mất trái bóng, nó cứ cực khổ để đi tìm lại, nhưng khi tìm thấy trái bóng rồi thì nó nhận ra cái mình tìm rất mông lung…” (Tư dùng đại từ nhân xưng là “mình”, trong suốt cuộc nói chuyện). Có độc giả gặng “chị tìm kiếm điều gì cho mình ở Sông?”; Tư bảo: “mình chỉ tìm một khả năng nào đó mà trước nay mình không làm được, nó ẩn dấu trong người mình, mình muốn xài nó cho hết! “Sông” là cuộc đi kiếm cái gì đó của chính mình, để được sống như cách mình muốn”.

  Tư ngồi cười mủm mỉm, nét tinh quái hài hước ẩn sau vẻ hiền lành, trả lời cực ngắn hoặc cực đơn giản cho những câu hỏi dài thượt và ra vẻ hóc hiểm. Tư không lợi ngôn, nên có lúc hơi lúng túng khi tìm lời diễn đạt ý mình. Có người hỏi “vĩ mô” (trong tiểu thuyết này chị khai thác yếu tố đồng tính, vậy chị nghĩ sao về việc các nhà văn trẻ dùng sex hay đồng tính để câu khách); thì Tư đưa về “vi mô” (những tâm tư, ẩn ức, đấu tranh để người đồng tính được sống như mình muốn có sức hấp dẫn rất lớn đối với mình. Mình chỉ cần nhiêu đó thôi, những gì to tát để  người khác khai thác); Tự nhận mình theo chủ nghĩa bi quan, yếm thế, nên âm điệu quán xuyến trong các tác phẩm là buồn: “Mình thấy mình giống Ân (nhân vật của “Sông”): sống mà không khao khát, không cảm thấy niềm vui trong cuộc sống. Mình đang cố gắng thoát ra khỏi điều ấy. Rất áy náy là truyền tư tưởng không trong sáng đó vào sách của mình” (cử tọa cười ồ.). Khi có người đưa ra nhận định “Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn đương đại lớn nhất Việt Nam, nhưng từ 5 năm trở về trước; Còn bây giờ là Nguyễn Ngọc Tư!” – Tư lại mủm mỉm, “Mình rất ngại khi mọi người xếp mình vào chiếu này chiếu nọ, mình muốn nhậu ở chiếu nào thì mình được tự chạy sang”.

Lời giới thiệu của NXB Trẻ ở bìa “Sông” có một cụm câu ngắn (nhưng cực mạnh): “Đẹp. Đáo để. Trần tục và hư ảo”. Tại hội thảo, không ít lời khen tặng nhiều mỹ từ được thành thực thốt lên. Nhưng nhà thơ Phạm Toàn (Châu Diên) thì nói: “Chúng ta đừng dán tem vào một con voi, vì dán bao nhiêu cũng không đủ! Tôi thấy Nguyễn Ngọc Tư viết hồn nhiên và tự do- cô ấy đẹp ở điều đó. Tư không thấy gì đáng sợ cả, vì cô ấy chân thành!”.

 “Từ cánh đồng đến dòng sông” là tên buổi ra mắt sách của Nguyễn Ngọc Tư, nên có độc giả hỏi “từ đồng đến sông, chị mang theo gì, để lại gì?”. Hình như “chạm” vào tâm trạng, nên Tư kỹ lưỡng: “Mình bị bi kịch là nhớ đến Nguyễn Ngọc Tư, người ta chỉ nhớ đến “Cánh đồng bất tận”. Mặc dù mình đã bỏ cánh đồng mà đi từ lâu rồi, mình đã viết những thứ khác. Nhưng độc giả thì đứng im, họ cứ muốn mình viết tiếp như Cánh đồng bất tận. Nhưng đó là điều trái tự nhiên, mình không thể là một dòng sông chết, hay một thứ quả nhựa tươi mãi, không có chín và rụng để đón những mùa mới…”.

Tư bảo mình cố gắng viết và sống được bằng nghề. Trước nay, khi ngồi vào viết chị thường  nghĩ “cái này liệu bán được bao nhiêu tiền?”.  May quá với “Sông”,  Tư không phải nghĩ đếp áp lực “bán được nhiêu” nữa, chị được cơ quan (Báo Sài Gòn Tiếp Thị) trả lương,  để cứ ngồi ở Cà Mau mà viết những gì mình thích. Từng đọc đâu đó Tư chia sẻ, chị tiếc nhất khi dấn thân với văn chương là đánh mất sự thanh thản tự do. “Nếu không có viết văn, liệu điều chị thích làm nhất là gì nhỉ?”.  “À, mình thích chụp ảnh”. Ngần ngừ rồi Tư chữa lại “có khi mình chỉ thích cái máy ảnh! Nếu có kiếp sau, mình sẽ chọn công việc khác, vì làm nhà văn cả một đời ắt chán lắm”.  Có thể, đó chỉ cách Tư tự trào, nhưng sự yên ổn (và yên phận)  của chị thì phải có một tâm thế thanh thản lắm mới xem mọi thứ nhẹ nhàng như không: “Viết văn là trời cho, mình đang tận dụng món quà này. Còn khi đã hết duyên thì mình không viết nữa, mình đi chỗ khác chơi…”.

 

 

 

Tùng Dương không thể tối giản

Dưới hàng nghế khán giả, những đôi tay lặng lẽ xiết vào nhau, vòng ôm dường như dịu dàng hơn, có những giọt nước mắt ứa vì ngập tràn hạnh phúc, có cả những lời tự hứa sẽ trở về làm lành và chăm chút hơn tình yêu của mình…Điều thần diệu của yêu thương và xúc cảm đã xảy ra, trong đêm thu Hà Nội khi Tùng Dương hát Tình ca!

 

1.

Sân khấu tối giản, đèn rọi chỉ 2 màu trắng và vàng ấm, trang trí duy nhất (nếu có thể gọi bằng từ này) là Cây Tình Yêu với vòm lá tròn xoe như một bông Bồ Công Anh hay đóa Cẩm Tú Cầu khổng lồ, cái vòm cây “rất Lê Thiết Cương” mà người ta vẫn gặp trong tranh của anh. Họa sĩ chăm chút ánh sáng  cho cái cây Yêu của mình, mỗi khi đổi màu đèn hắt, vòm cây lại óng lên huyền diệu. (Lê Thiết Cương bảo, thương đám đàn em làm ngày làm đêm để “đính” 2000 bóng đèn dầu thành vòm cây lãng mạn ấy). Vì có những tiết mục Dương ngồi hát với 1 cây guitar gỗ của Thanh Phương, nên họa sĩ design 2 cái bục tím, đứng ở tầng 2 nhìn xuống, sân khấu cứ như tác phẩm sắp đặt.

Hôm họp báo về chương trình, có nhà báo hỏi: “Họa sĩ Lê Thiết Cương thì tối giản, Tùng Dương lại điệu đến mức rườm rà, liệu có gì để phù hợp nhau?”. Tùng Dương phản đối: “Âm nhạc của tôi để nghe chứ không để xem, chiêu trò của tôi chỉ có giọng hát. Không thể nói tôi rườm rà!”. Lê Thiết Cương nói đơn giản: “Tôi nhận lời giúp Tùng Dương vì thấy nó là thằng tài!”, rồi phân bua thêm: “Cái bạn ca sĩ nổi tiếng lắm, tên là NGUYỄN VĨNH HƯNG ấy, có mời tôi cũng không làm. Mà tôi đến xin việc có khi cũng bị bạn ấy đuổi”.

  Khi đêm nhạc diễn ra, mới thấy lẽ ra từ lâu rồi, Tùng Dương phải được đặt ở 1 sân khấu như thế, đứng ở 1 sân khấu như thế. Tất cả tắt đi, tất cả chìm xuống để trân trọng nâng đỡ giọng hát và âm nhạc.

2.

Nhưng Dương thì không thể tối giản, Dương là đa chiều và lắm màu, giọng hát phong nhiêu, nội lực phừng phừng như người uống rượu- cứ càng hát càng ngấm. Những bản tình ca thời Tân Nhạc  (loại mà dân ta thường gọi là “nhạc xưa”), chỉ 1 phần 3 chương trình. Còn lại là tình ca của Pop, New Age, Jazz, thậm chí cả Electronic; Dương cũng chả ngại ngần hát lại những bản đã “chết tên” của các Diva nữ (từ Thanh Lam cho đến Whitney). Hình như bị mệt vì căng thẳng chuẩn bị đêm nhạc, nên khi bắt đầu giọng Dương hơi xỉn, không được sáng và đẹp như bình thường. Được cái tạng của Dương là dễ thăng, cứ cầm mic là không biết đâu mà lần. Nên hát đến bài thứ 3 thì Dương  “nóng máy”, càng hát càng say, đến cuối chương trình (hơn 11h đêm) thì khán giả phê đứ đừ, cứ nấn ná không muốn ra về. Nhiều bài nhạc trẻ đời đầu, kiểu như “Giọt nắng bên thềm” của Thanh Tùng, bây giờ nghe lại thường thấy chán và cũ; nhưng Dương dựng lại vẫn có gì rất tươi tắn và đắm say. Cũng phải nói thêm, hát ra được đắm say thành thật là khả năng thiên bẩm của Dương, món quà Trời cho này rất ít ca sĩ được nhận.

 

3.

Đêm của Tùng Dương có 2 khách mời: Thanh Lam và Nguyên Thảo. Ca sĩ mình có bệnh, nếu có kỹ thuật  sẽ đem ra trưng trổ và lấn lướt, kiểu hát rất cơ học “cổ họng”. Nguyên Thảo thì khác, cô thủ thỉ như dấu biến kỹ thuật, cứ luồn lách chạm rất khẽ và ngân lâu trong xúc cảm của người nghe. Nhưng bùng nổ thì phải là Thanh Lam, lửa trong giọng hát của “người đàn bà không có tuổi” ngày càng ngún và đằm đượm. May sao giờ Lam không quằn quại nữa; giỡn cợt và phóng túng, tha thiết và say sưa, chị truyền thẳng mê đắm tràn trề đến tim người nghe…Cách hát ấy, nội lực ấy, bản năng  mãnh liệt ấy chắc chắn chưa thể ai thay Thanh Lam ở ngôi vị “Nữ Hoàng”.

Dương hứa sẽ rất dịu dàng, sẽ ngọt lịm trong show “Tình Ca”. Hình như điều ấy là mong mỏi của nhiều khán giả (biết đâu còn mong hơn khi Tùng Dương quái, Dương của âm nhạc độc lập và thể nghiệm); nên vé bán chạy kinh khủng. Thoạt đầu Dương dè dặt định làm 1 đêm 15.9 ở Hà Nội, vé vừa mở bán đã hết sạch. Được động viên, Dương liều kéo thêm đêm nữa vào tối 18.9, thế mà cũng hết vé sau vài ngày. Bạn bè còn đùa, “biết ăn khách như thế, sao không làm hẳn “60 đêm duy nhất” như Chế Linh với Tuấn Vũ”! Liên quan quá cơ!

THIẾU CON, PHỤ NỮ CÓ BẤT TOÀN?

Con cái có nên xem là giá trị bắt buộc phải có của mỗi người? Khi một phụ nữ lựa chọn không sinh con (hoặc (bị) không có con) – liệu cuộc đời của cô ấy có bất toàn? Ở góc nhìn cá nhân của nhà thơ Phan Huyền Thư, người phụ nữ say mê sinh nở (cậu con trai thứ 3 của chị vừa chào đời); và đạo diễn Phan Đăng Di, người đàn ông ở tuổi “băm vô số nhát” nhưng vẫn kiên quyết chưa lập gia đình – Từ chuyện con cái, chúng ta có thể suy ra nhiều điều…

 

  • “Chúng ta không ai sống thay cuộc đời của ai được”

 

 

-Theo lối suy nghĩ thông thường của người Việt, phụ nữ phải lấy chồng và sinh con mới là người có hạnh phúc. Nếu khuyết thiếu một trong 2 yếu tố trên (nhất là vế con cái), cuộc đời người phụ nữ đó bị xem như bất toàn. Nhà thơ Phan Huyền Thư và đạo diễn Phan Đăng Di nghĩ gì về quan điểm này?

Phan Huyền Thư : Tôi biết rằng  “Nhân bất thập toàn ” -con người vốn dĩ đã bất toàn rồi nên việc phấn đấu để hoàn thiện bản thân là việc cốt yếu với mỗi người. Thực ra quan niệm về hạnh phúc của mọi người nói chung dựa trên nền tảng đạo đức xã hội và văn hoá truyền thống của mỗi tộc người khác nhau, nói như vậy không có nghĩa là ngăn cản các quan niệm cá nhân và lối sống lập dị của cá thể trong cuộc sống. Có nhiều cách để trở nên hạnh phúc và toàn bích mà không cần phải nghiêng về đám đông, nhưng cũng không thể lấy tiêu chí của thiểu số cá tính ra để áp đặt lại các giá trị gốc của sự phát triển của “cả loài”được!

Có chồng , sinh con hay không thuộc về quyền tự quyết của mỗi cá nhân… Nhưng có thể ” có khả năng” làm được điều đó hay không lại do quyền quyết định của…đấng tối cao hay nói cách khác là còn do số phận định đoạt….

Phan Đăng Di: Suy nghĩ đó có thể sẽ đúng trong một thời đại mà phụ nữ bị phụ thuộc hoàn toàn vào nam giới và hầu như không có một thế đứng nào trong xã hội (về việc làm cũng như kinh tế), thậm chí là còn không có cả quyền được biết chữ nữa. Khi ấy, vai trò của họ phó thác cả vào người đàn ông và một xã hội đàn ông toàn trị, họ chắc chắn sẽ dễ dàng bị khuôn theo mô hình đóng khung làm vợ, làm mẹ, làm việc nhà, làm ruộng… trong đó làm mẹ là điều cốt tử vì chỉ có cách đó họ mới duy trì được một vị trí tạm gọi là an toàn đối với chồng và có con thiết thực là một dạng “bảo hiểm” để về già không lo bị hắt hủi hay đói rét . Mô hình được áp đặt trên toàn thế giới cả nghìn năm này (và hiện nay vẫn còn khá chắc chắn ở một số nền kinh tế kém phát triển hay một số nền văn hóa mà vì lí do tôn giáo, phụ nữ bị cho ra rìa) đã khiến xã hội (đo đàn ông định hướng) của chúng ta hồn nhiên tin rằng phụ nữ còn gì để chọn mà chần chừ không chộp ngay mô hình “lý tưởng” đó (có chồng, có con).    Nhưng hóa ra khi phụ nữ thoát ra khỏi thân phận phụ thuộc đàn ông về kinh tế và  có quyền lựa chọn, thì nhiều người trong số họ chọn khác. 30% phụ nữ Nhật ngoài 30  chưa kết hôn và nhiều người trong số này không thấy hôn nhân và con cái là vấn đề quá quan trọng với họ. 50% các cuộc hôn nhân ở Tây Âu kết thúc bằng li hôn và chuyện phụ nữ hay đàn ông đơn thân nuôi con là phổ biến, chẳng ai nhìn việc một người có con hay không có con, nuôi con một mình  hay chấp nhận nuôi con riêng của bồ là “bất toàn” cả. Đó được xem là quyền lựa chọn của mỗi cá nhân. Quyền này là bất khả xâm phạm, được pháp luật bảo vệ và hệ thống an sinh xã hội đảm bảo.

Chuyện của Nhật Bản hay phương Tây nói ra thì có vẻ xa xôi vì  đạt đến trình độ phát triển như vậy chúng ta còn mất rất nhiều năm, nhưng một điều  ta có thể thấy từ thực tiễn xảy ra những mô hình đó là: trong một xã hội, khi con người (cả đàn ông và phụ nữ) bằng lao động của mình có được  một vị thế độc lập về kinh tế và được đảm bảo về an sinh xã hội thì sự lựa chọn phương cách sống của họ sẽ rộng hơn, những  mô hình sống “truyền thống” sẽ tất yếu biến chuyển theo hướng cá nhân hóa lựa chọn, những quan điểm về hạnh phúc vì thế cũng sẽ được diễn dịch theo hướng cá nhân thay vì bị chi phối mạnh mẽ bởi định kiến hay thói quen của cộng đồng. Khi đó việc nhòm ngó và bình luận về lựa chọn của người khác tự nó sẽ trở nên lố bịch.

– Vậy chúng ta có nghĩ nên tính con cái vào giá trị và trách nhiệm cuộc đời của mỗi người? Có phải việc thành bại của con cái được xem chính là thành bại của cuộc đời bố mẹ – đã đẻ ra hàng loạt những áp lực mà người lớn đang đổ lên đầu lũ trẻ?

Phan Đăng Di: Cái đó lại cũng tùy vào suy nghĩ và lựa chọn của mỗi người, không có một mẫu số chung nào cả. Một nữ tu chọn cuộc sống không con cái dành cả đời đi chăm sóc những người bệnh phong chắc chắn sẽ tin rằng mình đang sống một cuộc đời có giá trị và trách nhiệm. Lộng lẫy và nổi tiếng như Brigitte Bardot, sau khi chia tay thời xuân sắc, màn bạc và những ông chồng, giờ sống vui vẻ với một đàn chó xồm thì đời  bà ta có vì thế mà kém ý nghĩa đi đâu…

Những người có tình yêu lớn với con cái, xem con cái là giá trị lớn nhất của đời mình thì đó cũng là một điều tự nhiên, nhưng nếu nghĩ  rằng thành bại của con chính là thành bại của cuộc đời bố mẹ rồi áp lực nó phải thành công như một sự bù đắp cho hy sinh của mình là một điều khá viển vông. Lý do  rất hiển nhiên là chúng ta không ai sống thay cuộc đời của ai được cả. May lắm thì ta chỉ có thể tìm được cách mà sống ổn cuộc đời mình . Còn con cái, có khi cũng đành phó thác cho hên xui.

Phan Huyền Thư: Rất đơn giản, nếu có con thì sẽ được tính đúng như vậy đấy, ngược lại không có con thì sẽ chẳng có gì để mà tính đếm và cũng chẳng có áp lực nào…khiến chúng ta phải sống có trách nhiệm và xây dựng giá trị tự thân và không có động cơ gắn kết giữa con người mang tính ruột thịt, máu mủ với nhau nữa…

  • Thêm một đứa con, là có thêm một lí do đê sống quyết liệt hơn.

Thế hệ ông bà, bố mẹ chúng ta vẫn xem con cái như một thứ tài sản “bảo hiểm cuộc đời” (về già có con nuôi và phụng dưỡng mình; khi mất đi có con hương khói cúng giỗ)?  Anh, Chị có sẵn sàng ở vai “tài sản bảo hiểm” và có chờ đợi sự đáp trả tương đương ở lứa hậu duệ của mình?

Phan Huyền Thư: Con cái là “cái nợ đồng lần”… Tôi tin chắc rằng yếu tố duy trì nòi giống mang ý nghĩa lớn lao và thiêng liêng hơn nhiều so với việc mong nương nhờ con cháu khi về già. Tôi không thích quan điểm này , rất không thích! Phần lớn người ta đều phải lo cho con cháu đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay …chưa chắc đã hết lo. Nếu sinh chon chỉ để chăm chăm ” đòi nợ” lúc về già thì không nên sinh con làm gì! Một cuộc đầu tư vô tiền khoáng hậu và mạo hiểm…Người hạnh phúc là người luôn nhận thấy ở con cháu mình một phần máu thịt, một phần cốt cách, một phần ước mơ và khát khao chưa hoàn thiện của mình…các thế hệ sau sẽ làm nốt những gì mình còn dang dở…sứ mệnh của con người là tiếp nối và tiến hoá…

Phan Đăng Di: Tôi có bố mẹ là giáo viên, trong thời gian còn làm việc, cũng như nhiều bậc cha mẹ khác cùng hoàn cảnh, các cụ phải xoay xở đủ cách để nuôi con ăn học xong xuôi. Nay về  hưu thì có lương hưu và bảo hiểm xã hội, và còn tích lũy được một khoản tiền nhỏ phòng khi đau ốm. Các cụ sống một đời sống giản dị, tiết kiệm, không từ chối sự phụng dưỡng của con cái nhưng cũng không đòi hỏi, vì từ lâu các cụ đã sẵn sàng một phương châm sống là trong mọi trường hợp, phải cố gắng tự lo được cho mình chứ không quá trông chờ vào ai khác.

Tôi đã học được rất nhiều từ phương châm sống đó, kể cả trong cuộc sống bình thường lẫn việc làm phim.

Có một điều tra cho thấy, những phụ nữ không muốn sinh con đều là người thành đạt hoặc công việc ổn định, dân trí cao, chín chắn và tự chủ trong cuộc sống. Lý do họ đưa ra thường là: để họ sống cho mình nhiều nhất, được toàn tâm toàn sức làm những việc mình ao ước, được sống theo cách mình muốn. Anh – Chị có nghĩ đó là sự ích kỷ?

 

Phan Huyền Thư : Không, tôi không cho đó là sự ích kỷ. Tôi thấy đó là sự “ấu trĩ”. Những người phụ nữ ấy thật may mắn vô cùng vì mẹ của họ đã không có suy nghĩ giống họ… Nếu không thì họ đã không có mặt trên cuộc đời này để mà thành đạt hoặc sống theo cách mình muốn như họ đang suy nghĩ….

Phan Đăng Di: Nếu lựa chọn đó thực sự làm cho người phụ nữ hạnh phúc thì cũng tốt chứ, có gì mà ích kỉ? Cái quan trọng là họ đã suy nghĩ kĩ khi có quyết định như vậy. Trên thực tế, nhiều đứa trẻ được sinh ra trên đời chẳng phải vì một suy nghĩ nghiêm túc nào của bố mẹ hết, nhiều khi chỉ là kết quả của một phút nhỡ nhàng hay một cái chặc lưỡi thôi. Cha mẹ mà còn không có trách nhiệm với mỗi quyết định trong đời mình thì cũng khó mà có trách nhiệm với con cái được, và đây mới là sự ích kỉ.

Với người Á Đông, khi một em bé ra đời đồng nghĩ với việc bố mẹ bé bắt đầu một hành trình thương yêu và đầy lo âu, (hình trình ấy chỉ kết thúc khi họ không còn trên đời này). Có con, thêm hạnh phúc nhưng cũng là thêm nỗi khổ. Bản thân đứa trẻ lại không được lựa chọn việc bé chào đời, bé là quyết định đơn phương (có thể ích kỷ) của người lớn. Nhưng chính các bậc cha mẹ lại không thể đảm bảo việc con mình sẽ là một cá nhân hạnh phúc. Như vậy, việc mỗi sinh mệnh có mặt trên cuộc đời, đâu chỉ đơn giản là hân hoan?

Phan Huyền Thư : Nếu biết được sự hữu hạn của đời sống bé nhỏ thế nào trước vô hạn của hạo nhiên… Chắc chắn mỗi cá thể làm người đều đã biết yêu thương đồng loại , biết trân trọng sự sống và biết nâng niu những giá trị tự thân của mình hơn rất nhiều lần có thể…Tôi tin chắc là như vậy, đến tận cuối con đường nhọc nhằn được xây đắp bằng hạnh phúc và khổ đau, con người ta phần lớn đều còn nhiều tiếc nuối và ân hận vì đã sống hoài, sống phí…mấy ai được thanh thản mỉm cười khi ra đi? Với tôi,vợ chồng là duyên nợ, con cái là phúc phận của đời người…một món quà thiêng liêng của tạo hoá…có người hân hoan đón nhận, có người muốn khước từ, có người buộc phải nhận và có người âm thầm vứt bỏ nó đi… Họ đều đã tự kiến tạo nên số phận của chính mình bằng hành vi mà họ lựa chọn trước một sinh mệnh, một cuộc đời khác độc lập với họ nhưng lại do chính họ có thể tạo ra…

Phan Đăng Di: Nhưng cũng phải thấy rằng cuộc đời là cuộc đời chính vì không phải lúc nào nó cũng là hân hoan cả. Nỗi buồn, mất mát hay cả sự bất an là điều chúng ta muốn tránh nhưng nó cũng là cần thiết để chúng ta có một nhận thức trọn vẹn về cuộc sống. Đứa trẻ, nhất là một đứa trẻ Việt nam cũng nên được biết và làm quen với điều ấy, đừng nên bao bọc nó trong một sự an toàn hay tiện nghi thái quá nhất là khi ta biết rằng môi trường sống mà rồi đây nó phải đôi mặt chắc chắn là đầy khó khăn chứ không như là một xứ sở thần tiên có bướm bay, hàng bạch dương hay dòng suối mát nào ở bên Âu châu đâu .

Để biết cách hạnh phúc vì sự sống tự thân của chính mình, chứ không phải do các giá trị “mượn vào” (như con cái, hay tài sản, danh vị)- chị Thư, anh Di có thấy điều ấy khó khăn? Việc ta biết yêu và nâng niu chính mình, liệu có giúp ích được gì cho người khác?

Phan Đăng Di: Rất khó vì con người thực ra cũng là một sinh vật yếu đuối và dễ bị  hoàn cảnh tác động. Mà hoàn cảnh của chúng ta bây giờ còn quá nhiều ngộ nhận, quá nhiều ngụy biện và ít niềm tin. Chúng ta thiếu những giá trị căn bản để dựa vào như sự công bằng, lòng khoan dung, sự tôn trọng quyền tự do và tự do lựa chọn của cá nhân…Tuy nhiên, mọi sự thay đổi theo hướng tiến bộ suy cho cùng sẽ phải khởi phát từ mỗi cá nhân, mà việc ta biết tự yêu và ngay cả tự ghét mình- một nhận thức rất cao của nhân bản, là khởi đầu của quá trình đó. Bởi vì chỉ khi ta biết nhìn sâu vào chính mình ta mới biết thật xấu hổ khi soi mói và tự tiện áp đặt suy nghĩ hay hành động chủ quancủa mình vào đời người khác; và chỉ khi ta biết nhu cầu của chính mình ta mới hiểu nhu cầu của người khác để mà cho hay nhận, dù người khác đó có thể là con cái hay cha mẹ mình đi nữa.

Phan Huyền Thư: Giá trị tự thân của mỗi người nằm ở đâu: ở những gì ta tạo ra và mang đến cho cuộc đời này hay là những gì ta nhận được từ cuộc đời này để rồi tự cho rằng đó là thành giá trị của riêng ta?

Với riêng tôi, có thêm một đứa con là có thêm một lí do để sống quyết liệt hơn, có thêm một lí do để hi sinh và nâng cao trách nhiệm sống, có thêm một động lực để hoàn thiện nhân cách, có thêm một lí do để nhận biết giá trị tự thân và yêu thêm mình vì một phần máu thịt, thân xác và tâm hồn mình sẽ hiện hữu và tiếp tục tồn tại trên cõi đời này ngay cả khi mình đã kết thúc cuộc hành trình nhọc nhằn này để bước sang một hành trình khác… Thật tiếc cho những người phụ nữ nào chỉ sở hữu các giá trị tự thân mà không được nếm trải hạnh phúc và những lí do để làm mẹ trên cõi đời này…